Friday, March 31, 2017

NGƯỜI PHỤ NỮ NHÂN HẬU


Nếu bạn đã có lần viếng thăm thành phố New Orleans xinh đẹp, chắc hẳn sẽ có ai đó hương dẫn bạn đến khu kinh doanh lâu đời của thành phố này, nơi tập trung các ngân hàng, cửa hiệu, khách sạn và sẽ chỉ cho bạn thấy một pho tượng được dựng vào năm 1884, đứng sừng sững tại quảng trường nhỏ ở đây. Pho tượng tạc hình một người phụ nữ đang ngồi trên cái ghế thấp, tay ôm một đứa bé đang ngả đầu vào người bà. Người phụ nữ không mấy xinh đẹp và trang phục của bà khá giản dị. Bà mang một đôi giày vải, mặc váy trơn, trên vai quàng một cái khăn và đội một cái mũ rộng vành trên đầu. Bà có dáng người tầm thước, trông hơi mập. Khuôn mặt bà có nét điển hình của người Ái Nhĩ Lan với chiếc cằm vuông vức. Ánh mắt của bà thật đặc biệt, chúng nhìn bạn một cách nồng ấm, chứa chan tình cảm tựa như ánh mắt của một người mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình.

Có một số điều đáng ngạc nhiên về bức tượng này. Đó là một trong những pho tượng đầu tiên ở Mỹ được tạc để tôn vinh một người phụ nữ. Ngay cả tại châu Âu cổ xưa, có rất ít tượng đài được xây dựng để tỏ lòng tôn vinh phụ nữ, và nếu có, hầu hết chúng đều dành cho những nữ hoàng hoặc công nương quyền quý, những người rất xinh đẹp và rất sang trọng. Nhưng pho tượng ở New Orleans này thì hoàn toàn khác.




Pho tượng này thuộc về bà Margaret Haughery, nhưng chẳng ai tại New Orleans nhớ rõ cái tên đó. Họ chỉ nhớ bà là Margaret. Và đây là câu chuyện về bà Margaret và lý do tại sao người ta phải dimg tượng để tưởng niệm bà.

Margaret mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Bà được một cặp vợ chồng trẻ nhận làm con nuôi. Họ cũng nghèo khó và tử tế như cha mẹ ruột của bà. Margaret sống với họ đến lúc trưởng thành, lập gia đình và sinh một con trai. Nhưng không may, chẳng bao lâu sau chồng, rồi con bà lần lượt qua đời, để lại mình Margaret quạnh hiu. Tuy nghèo nhưng Margaret khỏe mạnh và giỏi giang. Bà không để đau buồn quật ngã, bà vẫn tiếp tục làm việc.



Bà ủi quần áo cho một tiệm giặt ủi suốt ngày từ sáng sớm đến tối mịt. Và mỗi ngày, qua song cửa sổ nơi làm việc, bà trông thấy những đứa trẻ ở trại mồ côi gần đó làm việc và chơi đùa. Một thời gian sau, một trận đại dịch xuất hiện ở thành phố, cưóp đi bao sinh mạng và làm cho số trẻ côi cút tăng lên. Trại mồ côi không đủ chỗ để chăm sóc các em, còn các em thì đang cần một chỗ dựa. Chắc hẳn không ai có thể nghĩ rằng một người phụ nữ nghèo hèn, sống bằng nghề giặt ủi, lại có thể trở thành một chỗ dựa thân ái mà các em bé bơ vơ đang cần đến. Nhưng Margaret đã nghĩ như vậy.

Bà đến thẳng trại mồ côi, nói rằng bà sẽ trích một phần lương của mình tặng cho trại và ngoài ra bà còn tình nguyện sống bên cạnh để chăm sóc các em.



Bà cố gắng làm việc chăm chỉ, và chẳng mấy chốc, từ số tiền lương dành dụm được, bà mua một cặp bò và một chiếc xe chở hàng nhỏ. Mỗi sáng, bà đánh xe đi giao sữa cho khách hàng và không quên xin những thức ăn còn thừa từ các khách sạn và những nhà giàu có trong thành phố về cho lũ trẻ đói lòng trong trại mồ côi. Vào những lúc khó khăn nhất, nhiều khi chính số thức ăn thừa thãi đó đã giúp các em ấm bụng.

Với khoản tiền bà Margaret kiếm được, mỗi tuần bà trích một phần mang đến tặng trại trẻ mồ côi. Sau vài năm số tiền ấy ngày một lớn. Do tính cẩn thận và giỏi giang, công việc kinh doanh của bà ngày thêm phát triển. Và dù vẫn cho đi, Margaret vẫn kiếm được nhiều tiền hơn và mua thêm nhiều bò. Cuối cùng, bằng số tiền tích lũy, bà xây một ngôi nhà dành cho trẻ em mồ côi.

Một thời gian sau, Margaret mua được một lò làm bánh mì, rồi bà chuyển sang nghề giao bánh mì. Và những đồng tiền kiếm được, bà vẫn đều đặn trích ra tặng cho trại mồ côi.



Rồi Cuộc nội chiến ở Mỹ bùng nổ. Trong thời buổi loạn ly, bệnh tật và đầy sợ hãi ấy, Margaret vẫn đánh chiếc xe bò đi giao bánh mì. Bà luôn xoay xở để vừa giúp đỡ những người lính đói khát, vừa quan tâm đến những em bé mồ côi. Dau vậy, khi chiến tranh kết thúc bà cũng có đủ tiền xây một lò bánh mì lớn. Đến lúc này, không ai trong thành phố không biết đến tên bà. Trẻ em trong khắp thành phố yêu quý bà. Các doanh nhân tự hào về bà. Những người nghèo đến gặp bà xin lời khuyên bảo. Bà thường ngồi trước cửa văn phòng mình, trong bộ váy bằng vải dày và với cái khăn nhỏ quàng trên cổ, tận tình đưa ra lời khuyên cho tất cả những ai đến nhờ bà giúp đỡ, bất kể họ giàu hay nghèo.

Cuộc sống dần trồi cho đến một ngày, bà Margaret lặng lẽ qua đời. Lúc đọc di chúc của bà, người ta mới biết ngoài tất cả những gì bà đã hiến tặng, bà vẫn còn dành dụm được 30.000 đô la - một số tiền không nhỏ - và bà muốn tặng hết số tiền này cho tất cả các trại mồ côi trong thành phố, không phần biệt là trại của người da trắng, da đen, người Do Thái, người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Tin Lành. Margaret luôn nói "Tất cả đều là trẻ mồ côi như nhau". Và bạn biết không, những ý nguyện cao đẹp của bà đã được ký bằng một nét gạch ngang thay cho tên của bà, vì Margaret chưa bao giờ biết đọc hay biết viết!



Khi hay tin bà qua đời, người dân New Orleans đã truyền tụng về bà rằng "bà là mẹ của tất cả những người mồ côi mẹ, là bạn của những người không có bạn bè. Sự thông tuệ của bà không trường học nào có thể dạy được. Chúng ta sẽ mãi mãi không được quên bà ấy". Thế là họ tạc một bức tượng mang đậm những nét quen thuộc về bà đã để lại trong tâm trí mỗi người, lúc bà đang ngồi trước văn phòng riêng hoặc đánh chiếc xe bò đi chở hàng. Và ngày nay, pho tượng vẫn sừng sững ở đó, ngay giữa thành phố đông đúc người qua lại, thể hiện tấm lòng kính trọng của người dân New Orleans đối với người phụ nữ có trái tim vô cùng nhân hậu và cách sống giản dị tên là Margaret Haughery.

Tình yêu mà chúng ta cho đi là tình yêu duy nhất chúng ta giữ được.
- Elbert Hubbard



(Hạt Giống Tâm Hồn - Tập 1)

RẤT LÔ-GÍCH

Chuẩn không các bạn:



(Sưu tầm trên mạng)


MỘT ĐIỀU NHỊN, CHÍN ĐIỀU LÀNH

Trước kia tôi có kết giao với một số người khéo mồm khéo miệng, giỏi biện luận, lúc ấy tôi cho rằng đó là một loại tài năng, cũng không thật sự suy nghĩ kỹ về quan hệ giữa giỏi biện luận và thiện ác ra sao.


Sau này lại kết giao với một số người nhẫn nhục không tranh luận, ít nói không tranh giành, mới nhận ra cảnh giới tinh thần giữa họ sai khác rất nhiều.

Cho đến một ngày, đọc được một câu cuối cùng trong “Đạo Đức Kinh” (道德經) của Lão Tử (老子): “Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh” (聖人之道 為而不爭 đạo của Thánh nhân, là làm mà không tranh giành), mới bỗng nhiên tỉnh ngộ. Đúng vậy! Bao biện sắc sảo thật ra cũng không phải thật sự có tài năng, nhẫn nhịn không tranh biện mới là cảnh giới tu dưỡng cao nhất của đời người.

“Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” (善者不辩 辩者不善) là một câu trích trong “Đạo Đức Kinh – Chương 81”, nguyên văn là: “Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác, bác giả bất tri.” (信言不美,美言不信: 善者不辩 辩者不善 知者不博 博者不知)
Ý nói là: Lời thành thật không nhất định sẽ êm tai, lời nói êm tai không nhất định sẽ thành thật. Người tốt trên thế gian sẽ không nói lời ngon ngọt, người nói hay không nhất định là người tốt.Người khôn ngoan không nhất định sẽ thông thái, người có kiến thức rộng rãi không nhất định sẽ thật sự khôn ngoan. Trọng điểm học tập của cuộc đời nằm ở chữ “Làm” mà không ở chữ “Biện” (Tranh luận – biện luận).

Khổng Tử (孔子) trong “Luận Ngữ – Lý Nhân” (論語-里仁) nói: “Quân tử dục nột vu ngôn nhi mẫn vu hành.” (君子欲訥於言而敏於行 Người quân tử không nên nói nhiều mà quan trọng ở làm). Trong “Luận Ngữ – Học Nhi” còn nói: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn vu sự nhi thận vu ngôn” (君子食無求飽 居無求安 敏於事而慎於言 Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an ổn, chăm làm mà cẩn trọng trong lời nói). Từ đó có thể thấy, trong cuộc sống nên nói ít làm nhiều, điểm này thì chủ trương của Khổng Tử và Lão Tử là hoàn toàn nhất trí.
Vì vậy, bất kể là học tập trong cuộc đời hay các hoạt động xã hội, dù làm bất cứ việc gì cũng đều nên làm đến nơi đến chốn, không thể chỉ nói êm tai ngon ngọt mà không có hành động thực tế.

Suy ngẫm sâu thêm mà nói, người thiện có năng lực không cần cùng người khác biện luận, sẽ không chỉ dùng ngôn từ đi tranh luận để chứng minh mình đúng, dù đối mặt với phỉ báng hay công kích xúc phạm thân thể, thì họ cũng có thể dùng hành động để chứng minh sự vô tội và thanh bạch của chính mình.
Người nhẫn nhục không tranh luận thường thường đều vùi đầu làm việc, người đó nhất định có một nội tâm không tranh quyền thế. Trái lại, những người giỏi tranh luận với người khác không nhất định là người thật sự có năng lực, dẫu cho họ cứ tranh luận khắp nơi với người khác về năng lực của bản thân, còn người lương thiện thật sự không cần lời hay tiếng ngọt để nhận được khen ngợi từ người khác, nói suông mà không có hành động thực tế là hành vi của kẻ vô tích sự.

Tu khẩu đức (tu cái đức trong lời nói) trước tiên cần rời xa sự ba hoa khoác lác, không tùy tiện bình phẩm người khác; chân thành đối xử với mọi người, thiện chí giúp người, gặp lúc trắc trở ma nạn thì nhẫn nhịn không tranh luận, mới chính là chỗ hành xử của chính nhân quân tử.
Biên dịch: Minh Quân

PHÚC BỒN TỬ

Thời gian sống ở Úc của tôi dài hơn thời gian sống ở Việt Nam và trong mấy mươi năm đó về nước mấy lần mà còn cứ nghĩ lại như kiểu cũ thì đúng là lạc hậu. Thời đó chỉ ở Cần Thơ, lâu lâu mới đi Sài Gòn hay các tỉnh khác theo kiểu "gà què ăn quẩn cối xay" chớ đâu biết rằng ngày nay Việt Nam cái gì cũng có từ ăn đến chơi (chắc không chỉ dành cho đại gia?).


Tối nay ngồi xem "Ai là triệu phú" (21/03/2017) mới thấy rõ là mình chỉ là "ếch ngồi đáy giếng". Bài post trước đây cho thấy tôi bị bí trong món "Ấu Tẩu" thì chỉ sau đó bị bí luôn trong món "Phúc Bồn Tử" mà anh Sâm hỏi người chơi: "Phúc bồn tử là tên gọi khác của loại trái cây gì?". Gợi ý: "A. Bòn Bon - B. Sơ ri - C. Dâu tây - D. Mâm Xôi". Đáp án là "Mâm xôi".

Nói thật với các bạn "Phúc Bồn Tử" tôi đã không biết gì cả, chỉ có một ấn tượng là cái tên nghe giống một món thuốc Nam hay thuốc Bắc gì đó. Khi nghe đáp án là "Mâm Xôi" thì hoàn toàn mù tịt. Lên mạng thì ra Mâm Xôi là Raspberry (màu đỏ) hay là Blackberry (màu đen) cũng như một lần không biết "chanh dây" là Passion fruit. 


Mâm xôi là một loại trái cây ăn được mọc trên cây mâm xôi (Rubus fruticosus) hoặc từ một số giống cây lai tạp giữa cây đó và các cây khác trong chi Mâm xôi thuộc họ Rosaceae.

Tôi còn thấy trên mạng có rất nhiều thông tin về loại quả này và nói có rất nhiều công dụng. Tôi xin post lại nhưng nhắc các bạn đọc chơi cho biết chứ đừng quá tin vì họ đăng lên vì chỉ muốn quảng cáo mà thôi. (LKH)



PHÚC BỒN TỬ (QUẢ MÂM XÔI) - LOẠI TRÁI CÂY KỲ DIỆU

Phúc bồn tử hay còn gọi là quả mâm xôi, tên tiếng Anh là Raspberry, có 2 loại đặc trưng là mâm xôi đỏ và mâm xôi đen. Đây là loại quả phổ biến ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Tại Việt Nam hiện nay, phúc bồn tử đã được trồng ở những vùng có khí hậu lạnh, điển hình như Đà lạt..

Phúc bồn tử có vị ngọt nhạt, hơi chua, se se, tính bình. Trong quả có chứa các acid hữu cơ, chủ yếu là acid citric, malic, salycilic và nhiều hợp chất, vitamin bổ dưỡng khác. Phúc bồn tử được mệnh danh là loại quả kỳ diệu, bởi đặc tính, công dụng tuyệt vời từ loại quả này.

1.Chống lão hoá, kháng khuẩn:

Nguồn chất chống oxy hóa và vitamin chứa trong phúc bồn tử giúp cho làn da căng và sáng bóng. Bên cạnh đó, chất xeton còn giúp giảm tác động của các gốc tự do gây hại lên cơ thể, giúp ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa da như nếp nhăn, đồi mồi. Đặc biệt, nếu bạn thường xuyên sử dụng quả phúc bồn tử nghiền làm mặt nạ dưỡng da, làn da của bạn sẽ được cải thiện một cách đáng kể.


Vitamin C và flavonoid trong phúc bồn tử còn góp phần kháng viêm và kháng khuẩn mạnh, tác dụng này không bị giảm đi khi phúc bồn tử đã được đông lạnh.

2. Chống rối loạn cương dương, chữa liệt dương


Phúc bồn tử còn được biết đến là loại quả được các quý ông săn lùng. Các nhà nghiên cứu cho thấy phúc bồn tử giúp cải thiện vi tuần hoàn ở dương vật, giúp thần kinh hưng phấn làm dương vật cương trở lại.

Trong y học cổ truyền, quả phúc bồn tử cũng được sử dụng để làm thuốc bổ can thận, ích tinh khí, cố niệu, bổ huyết, chữa liệt dương di tinh, xuất tinh sớm, mắt mờ, phụ nữ kinh nguyệt không đều, thận suy, tiểu tiện nhiều.

3. Ổn định đường huyết

Chất xeton chứa trong quả mâm xôi giúp cơ thể tăng cường sản xuất ra chất adinopectin, có tác dụng giúp kiểm soát mức đường huyết. Đó là lý do tại sao phúc bồn tử là sự lựa chọn tốt nhất cho những người bị bệnh tiểu đường loại 2.


4. Giảm nguy cơ đau tim

Theo các chuyên gia, axít ellagic chứa trong phúc bồn tử được chứng minh giúp giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, bằng cách loại trừ cholesterol xấu và giảm huyết áp. Ngoài ra, axít salicylic được tìm thấy trong quả phúc bồn tử giúp phòng chống chứng xơ vữa động mạch và bệnh tim.

5. Thúc đẩy đốt cháy chất béo

Raspberry ketone (RK) một hợp chất tự nhiên từ Phúc bồn tử, các hợp chất thơm chính trong phúc bồn tử, hợp chất này thúc đẩy việc đốt cháy chất béo hormon norepinephrine, làm tăng chuyển hóa lipid, ngăn ngừa béo phì và tăng cường nỗ lực giảm cân bằng cách hỗ trợ cơ thể đốt cháy chất béo nhiều hơn.

Thêm phúc bồn tử vào chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp bạn giảm mỡ ngay cả khi không làm thay đổi thói quen ăn kiêng của bạn.


6. Chữa tổn thương gan:

Phúc bồn tử có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tổn thương tế bào và gan. Các thành phần chứa trong loại quả này có tác dụng giúp ngăn chặn sự hình thành các mảng bám trên các thành của gan (gây ung thư gan), đồng thời giúp tiêu hủy chất béo trong gan.

7. Tốt cho thị lực

Carotenoid, vitamin A, C, E và các khoáng tố vi lượng như Cu, Zn có chứa trong phúc bồn tử là những thành phần giúp loại trừ các gốc tự do gây hại cho võng mạc.

Ngoài ra phúc bồn tử còn có các tác dụng khác như làm đẹp da và tóc, cải thiện tuần hoàn não và chống rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ.

Có thể dùng Phúc bồn tử dưới nhiều dạng khác nhau nhưng vẫn giữ được tác dụng kỳ diệu của nó như ăn tươi, ăn kèm với yogurt, mật ong hay ép nước sinh tố, dạng bột dùng để hoà tan trong nước. Loại quả này còn được dùng để trang trí các loại bánh, làm kem tươi mát cũng rất ngon.


Đặc biệt, hiện nay dạng mứt phúc bồn tử mang hương vị lạ mà ngon, không quá ngọt, hơi chua, có thể dùng để pha nước uống hay phết lên bánh mì, sandwich cho bữa sáng.

Phúc bồn tử cũng được dùng để làm rượu, vị thơm ngon từ loại quả này được lên men tự nhiên, rất bổ dưỡng và tốt cho chị em phụ nữ.

(Sưu tầm trên mạng)



BÀI TOÁN VÔ NGHIỆM!


Thầy giáo vào lớp, vẻ mặt nghiêm nghị thường ngày thoảng nét buồn xa xăm. Thầy lẳng lặng viết lên bảng đề bài tập toán:
 
Giải phương trình: 0x + 2014 = 0
 
Rồi chỉ một trò ngồi dãy bàn đầu: - Em lên bảng giải đi!
 
Trò ngập ngừng đứng dậy:
 
- Thưa, thưa thày... bài này vô nghiệm...
  
- Em cứ lên bảng giải!
 
Cậu học trò ngần ngừ trong giây lát rồi cũng lên bảng viết nắn nót:
 
0x + 2014 = 0 <=> 2014 = 0 => phương trình vô nghiệm.
 
- Ai có ý kiến gì khác?
 
Cả lớp im phăng phắc. Quái lạ, thì phương trình vô nghiệm rõ quá rồi mà...
 
Thầy ôn tồn nói tiếp:
 
- Những bài trước thầy đã giảng ý nghĩa các điểm cực đại, cực tiểu, điểm uốn... trong đồ thị hàm số cho các trò. Hôm nay, thày muốn nói về ý nghĩa của BÀI TOÁN VÔ NGHIỆM.
 
Toán học cũng như trong cuộc sống, chúng ta chớ coi thường những trường hợp bài toán vô nghiệm. Chẳng hạn, nếu các trò thi không đủ điểm thì có nên chạy chọt, lo lót để mua cho được tấm bằng tốt nghiệp hay không?
 
- Thưa không!
 
- Rất đúng! Tấm bằng tốt nghiệp của các trò trong trường hợp ấy chẳng khác gì cố gán một giá trị cho ẩn số x ở bài toán trên. Vì sao chúng ta không chấp nhận bài toán vô nghiệm để giải một bài khác, tức là học để thi lại kỳ khác?
 

Sau này vào đời, các trò sẽ chọn cho mình một ngành nghề thích hợp. Và đừng bao giờ quên ý nghĩa của phương trình vô nghiệm này.
 
Nếu các trò làm trong ngành cứu hộ, và được lệnh tìm kiếm một chiếc máy bay nghi ngờ bị rơi ở vùng biển nào đó. Suốt cả ngày tận tâm tận lực lùng sục kỹ lưỡng không phát hiện được gì cả, thì các trò sẽ về báo cáo cấp trên như thế nào?
 
(Cả lớp im lặng)
 
- Thì báo cáo là chưa tìm thấy gì cả! Hết sức bình thường, chúng ta đừng cố dựng nên một manh mối hay chứng cứ vu vơ nào đó để chối bỏ trường hợp vô nghiệm của bài toán tìm kiếm ngày hôm đó.
 
Nếu các trò làm công việc điều tra tội phạm, hết thời hạn cho phép mà vẫn không tìm ra được bằng chứng phạm tội của nghi can, thì sao?
 
(Không gian như chùn xuống trong tĩnh lặng)
 
- Nói lời xin lỗi và trả tự do cho họ chứ sao nữa! Tại sao chúng ta không chấp nhận trường hợp vô nghiệm của bài toán điều tra để rồi dùng nhục hình tra tấn bức cung nhằm cố gán một giá trị vu vơ nào đó cho ẩn số x? Trường hợp nhẹ thì nghi can nhận tội bừa, nặng thì có thể gây tử vong. Các trò có thấy tai hại khi xem thường ý nghĩa của bài toán vô nghiệm không?
 
Nếu các trò đem lòng yêu một bạn nam/nữ nào đó, nhưng qua thời gian dài theo đuổi, tình yêu không được đáp trả và bạn ấy đã yêu một người khác, thì sao?
 
(Trúng chủ đề nhạy cảm, cả lớp rì rào xao động...)
 
- Thì ngậm ngùi tiễn biệt một mối tình đơn phương về miền quá khứ chứ sao nữa! Tại sao nhiều người không chịu chấp nhận trường hợp vô nghiệm này để làm những chuyện tiêu cực đáng trách như nhảy cầu tự vẫn, hay sát hại người yêu để "cùng chết bên nhau"? Nhảm hết sức!
 
(Cả lớp ồ lên cười, xua tan bầu không khí căng thẳng)


Trên đây thầy vừa chỉ ra một vài ví dụ thực tế, trò nào có thể khai triển thêm các trường hợp khác trong cuộc sống quanh ta?
 
- Thưa thầy, nếu sự thật một người không hề có tư tưởng nào đáng giá, thì chúng ta chớ nên tìm mọi cách để gán một hệ tư tưởng vu vơ nào đó cho họ. Vì như vậy là chúng ta không chấp nhận trường hợp vô nghiệm trong bài toán đi tìm tư tưởng của một người không có tư tưởng gì.
 
- Rất giỏi! Trò nào có khai triển khác?
 
- Thưa thầy, nếu chúng ta đang ở trên một lộ trình không rõ phương hướng và chưa biết đích đến của nó thì tốt nhất là đừng tiếp tục nữa. Bởi vì đây là trường hợp còn tệ hơn cả việc cố gán một giá trị cho ẩn số x trong bài toán vô nghiệm. Nó tương tự như việc yêu cầu chúng ta đi giải một "phương trình" nhưng chỉ có một vế bên trái:

ax + b + c + ... + n
 
- Xuất sắc! Thầy rất vui khi thấy các trò có được những suy nghĩ tự do, phóng khoáng mà vẫn không xa rời tư duy logic. Đó là nền tảng căn bản của con người trong xã hội hiện đại. Và thầy cũng rất lấy làm tiếc vì đây là buổi học cuối cùng, chúng ta không còn được gặp mặt nhau hàng ngày nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau qua mạng xã hội Facebook nhé!
 
Thương mến các trò!

(Sưu tầm trên mạng)

Thursday, March 30, 2017

GIẤY VỆ SINH

Có một câu thành ngữ mà người Hoa hay nói là "Lãn nhân đa thỉ niệu" (懶人多屎尿), có nghĩa là người làm biếng có nhiều cứt đái (hay làm bộ đi cầu hoài). Chắc chắn là đúng vì thời làm trong công xưởng, công nhân thường hay xin phép đi cầu, thât hay không thì chỉ có họ mới biết.


Hồi nhỏ tôi có cái tật vào cầu tiêu hay đem theo tờ báo hay quyển sách vào đọc, đọc có khi mê mà quên ra. Thời đó, tôi nhớ là chỉ dùng giấy báo hay sách vở cũ vò vò cho mềm rôi chùi, sau này thì dùng giấy xúc để chùi nhưng vẫn còn cứng. Đôi khi tôi chợt nghĩ người xưa dùng gì đễ chùi, có dùng không? hay không dùng? Tôi không dám nghĩ thêm nữa vì chắc là ghê lắm và bốc mùi. Ngay cả khi xem phim cổ trang HK, người ta vào nhà xí mà không thấy không nghe nói người thời đó chùi bằng cái gì? Qua tới Úc (1979) lúc ở trong Enterprises Hostel, tôi mới biết một loại giấy cuộn "chùi đít" gọi là "toilet roll" mà thời đó vẫn chưa êm như bây giờ.

Hôm nay đọc được bài nói về đề tài này, nhớ lại lúc mới qua Úc tôi làm storeman trong xưởng giấy có tên là Bowater Scott ở Westall chuyên sản xuất và cung cấy các loại giấy vệ sinh, khăn giấy và tất cả các loại giấy dùng trong nhà hay nhà hàng và Scott là thương hiệu đầu tiên của giấy vệ sinh mà cho đến nay vẫn còn tiếp tục. Xin share với các bạn bài viết này đọc cho vui. (LKH)


LỊCH SỬ HÀNG TRĂM NĂM CỦA GIẤY VỆ SINH

Cũng giống như tivi, tủ lạnh, bóng đèn điện hay laptop, giấy vệ sinh là một phát minh không thể thiếu đối với cuộc sống hiện đại ngày nay, những ai đã từng… hết giấy khi còn trong WC chắc chắn sẽ không tranh cãi điều này.

Cùng với thời gian, giấy vệ sinh trở nên quen thuộc tới nỗi chúng ta không hề nghĩ rằng nó cũng cần hàng trăm năm phát minh cải tiến mới mang hình dạng như bây giờ.


Giấy vệ sinh xuất hiện đầu tiên có hình vuông

Quay ngược về thời kỳ cổ đại, Người La Mã cổ đại dùng một chiếc bàn chải có cán để làm vệ sinh cá nhân sau khi đi đại tiện. Chiếc bàn chải này sau đó được ngâm vào hũ nước muối để sử dụng tiếp. Người Viking chùi bằng khăn, trong khi người thổ dân châu Mỹ thì dùng các loại lá cây trong tầm với tay, hoặc dùng lõi ngô. Các vị vua Pháp thì cao cấp hơn, họ dùng giẻ bằng vải lanh. Cá biệt hơn trong một số nền văn hóa, tay trái được dành riêng cho công việc vệ sinh này. Đến tận bây giờ người ở những nơi đó vẫn coi bàn tay trái là một vết nhơ.

Người Trung Quốc đi tiên phong trong việc sử dụng giấy làm vệ sinh cá nhân. Giấy vệ sinh xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỉ 14 tại Trung Quốc dưới dạng khổ lớn 0.6 x 0.9m. Nhưng chỉ có hoàng đế mới được phép dùng. Mãi tới sau này, khi kỹ thuật in phát triển, giấy mới được sử dụng rộng rãi cho việc vệ sinh cá nhân (giấy báo cũ, sách cũ…).

Dù thế nào thì sách báo, tạp chí, giấy lịch cũng là tiền thân không thể chối cãi của giấy vệ sinh.

Đến cuối thế kỉ 19 người Mỹ bắt đầu chuyển sang dùng giấy báo, giấy viết bỏ đi. Không biết đó là lý do người Mỹ ngày nay vẫn đem báo vào WC, hay chính thói quen đọc báo trong WC đã khiến giấy báo trở thành “phát minh bất đắc dĩ”?! Dù thế nào thì sách báo, tạp chí, giấy lịch cũng là tiền thân không thể chối cãi của giấy vệ sinh.

Thói quen sử dụng giấy này còn đem lại nhiều thay đổi thú vị khác trong nền văn hóa. Cuốn catalog “Sears and Roebuck” từng được biết đến với nickname “Rears and Sorebutt” (cái mông nhức nhối). “The Farmer’s Almanac” (Niên giám dành cho nông dân) thậm chí còn được đóng lỗ để người ta có thể treo lên tường và xé giấy dễ dàng hơn !!!


Giấy vệ sinh như chúng ta thấy ngày nay được Joseph Gayetty sản xuất lần đầu năm 1857 và bán rộng rãi tại Mỹ như một sản phẩm y tế – ông tẩm chúng với nước lô hội dù doanh thu không mấy thành công. Năm 1879, Công ty Giấy Scott của anh em Edward và Clarence Scott bắt đầu bán giấy vệ sinh dạng cuộn (không đục lỗ). Đến tận 1885 giấy cuộn đục lỗ mới có mặt trên thị trường nhờ Công ty Giấy gói Đục lỗ Albany (Albany Perforated Wrapping Paper Company).

Giấy vệ sinh sản xuất thời kì đầu thường chứa nhiều vụn sạn nhỏ (gỗ, bụi…). Năm 1935 công ty Northern Tissue mới quảng cáo về loại giấy vệ sinh không có vụn. Cuối cùng đến 1942 giấy vệ sinh 2 lớp cũng được sản xuất tại nhà máy giấy St. Andrew, Vương quốc Anh. Sau đó giấy vệ sinh còn trải qua hàng loạt cải tiến nhỏ khác: mẫu mã, mùi hương, thậm chí cả hình vẽ trang trí như chúng ta đã biết.
Scott – thương hiệu giấy vệ sinh đầu tiên ra đời

Giấy vệ sinh trông thật đơn giản, quen thuộc và có phần nhàm chán. Nhưng đừng quên rằng nó cũng có một lịch sử rất hào hùng, và giấy vệ sinh bạn dùng hàng ngày chính là kết tinh của rất nhiều bộ óc sáng tạo. Hãy ghi nhận lịch sử và yêu quý nó hơn, đừng để tới lúc thiếu giấy vệ sinh rồi mới biết trân trọng nhé.

Huyền Anh 
Theo: khoahoc

HOA LÚA

"Có một người con gái tôi thương
Trong lòng tôi em là hoa lúa".

(Ngô Văn Phú)


Gần như chúng ta ăn cơm hàng ngày phải không. Cơm được nấu từ hạt gạo. Gạo xay ra từ hạt lúa, Nhà nông trồng lúa, lúa trổ bông và cho hạt. Vậy thì trong số các bạn có được bao nhiêu người đã từng ngắm qua "hoa lúa" ?

Tôi mới đọc được một bài viết của Nguyễn Đăng Tấn đăng trên mạng vietnamnet, bài viết nói về việc chọn "quốc hoa" cho Việt Nam và những tranh cải về loại hoa nào, có người đề nghị hoa Lúa, trong đó có một đoạn như thế này:



..."Theo tôi chọn hoa lúa làm quốc hoa cũng có cái lý lẽ riêng. Hoa lúa đẹp trong thơ ca nhưng cũng đẹp trong hiện thực. Bạn đã bao giờ được đằm mình trong hương lúa chưa? Nhất là đi trong hương lúa, câu "hương đồng gió nội" không hẳn chỉ nói về cái sự "trở về" mà nói đúng cái bản chất mộc mạc với hương thơm rất riêng mà không có loài hoa nào có được của hoa lúa.


Một chiều gió nồm Nam bạn đi trong bạt ngàn hương lúa, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, bỗng thấy khoan khoái. Và cái màu xanh ngút ngắt ấy thân thương biết nhường nào.

Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân cả lá, như một sự hết mình, sự hòa điệu với đất trời và với nhân sinh.



Nhiều người có lý khi nói rằng Việt Nam ta là một trong những trung tâm của lúa nước. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói về cây lúa nước và về chim Lạc, loài chim được tổ tiên ta tạc trên trống đồng. Giáo sư cho rằng thực chất chim Lạc là con cò. Trong tiếng Việt cổ, ruộng lúa nước được gọi là ruộng Nác (bây giờ nhiều địa phương ở nước ta nước vẫn gọi nước là Nác). Chim gắn với ruộng Nác, ăn trên ruộng Nác là con chim Lạc. Lạc là đọc chệch của từ Nác mà ra.


Người Việt làm ruộng trồng lúa. Người Việt gắn với nghề nông, đi từ nông mà lên. Ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cây lúa gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Cây lúa vui với cái vui của cuộc đời, buồn với nỗi buồn của thế sự khi phải "nhổ lúa trồng đay" trong cuộc khai hóa văn minh của phương Tây.

Hoa lúa gắn với nét đẹp của người con gái nông thôn, thùy mị dịu dàng. Cái đẹp đó từ môi trường tạo nên, đằm thắm như hương cau, hương bưởi, hương lúa quê hương. Và cũng thật dễ hiểu, hầu như các thi sỹ viết về hoa lúa lại nghĩ đến vẻ đẹp của các cô gái nông thôn."...



Hoa Lúa không được chọn nhưng có một bài thơ của Hữu Loan nói về hoa Lúa, mời các bạn. (LKH)



HOA LÚA
Tác giả: Hữu Loan


Em là con gái đồng xanh 
Tóc dài vương hoa lúa 
Đôi mắt em mang chân trời quê cũ 
Giếng ngọt, cây đa 
Anh khát tình quê ta trong mắt em thăm thẳm 
Nhạc quê hương say đắm 
Trong lời em từng lời 
Tiếng quê hương muôn đời và tiếng em là một 
Em ca giữa đồng xanh bát ngát 
Anh nghe quê ta sống lại hội mùa 
Có vật trụi, đánh đu, kéo hẹ, đánh cờ 
Có dân ca quan họ 
Trai thôn Thượng, gái thôn Đoài hai bên gặp gỡ 
Cầm tay trao một miếng trầu 
Yêu nhau cởi áo cho nhau 
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay 
Quê hương ta núi ngất, sông đầy 
Bát ngát làng tre, ruộng lúa 
Em gái quê hương mang hình ảnh quê hương 
Xa em năm nhớ, gần em mười thương 
Còn bàn tay em còn quê hương mãi 
Em mang nguồn ân ái 
Căng ngực trẻ hai mươi và trong mắt biếc nhìn anh 
Em gái quê si tình 
Chưa bao giờ được yêu đương trọn vẹn.... 
Anh yêu em muôn vàn như quê ta bất diệt 
Quê hương ta ơi từ nay càng đẹp 
Tình yêu ta ơi từ nay càng sâu 
Ta đi đầu sát bên đầu 
Mắt em thăm thẳm đựng màu quê hương.


HŨU LOAN




CÀ PHÊ BUỒN NGỦ

Tôi có để ý một điều không biết có đúng không ? Dường như bọn trẻ ở Úc rất ít uống hay không mấy thích cà phê, ở nước khác thì sao không biết ? Tôi nhớ hồi đó thời đi học nhất là lúc thi tốt nghiệp trung học, học bài khuya nên uống cà phê để tỉnh táo mà học bài riết rồi thành thói quen. Lên đại học sáng nào cũng uống ly "xây chừng" đen có kèm theo một điếu thuốc, sáng một cữ rồi tối tiếp tục, riết rồi thành ra nghiện, một thói quen thời thượng ngày ấy.


Qua Úc lúc đầu một ngày cũng vài ba cữ, ngày một gói thuốc lá, dần dần rồi ít đi, không hút thuốc, gần như không uống cà phê nhưng uống rượu, cái nào cũng chết không hà phải không các bạn. Nhiều khi đi shopping ngang các tiệm cà phê Tây, mùi rất thơm nhưng uống thì không cảm giác nhiều lắm.
Mấy năm gần đây có uống lại mỗi sáng lúc nào quên thì thôi, nhưng chỉ uống như kiểu uống nước chớ không phải là thưởng thức vì nghe người ta nói ngăn được bệnh tim mạch và bệnh gout, vì tôi đã bị rồi. Có khi đọc được bài nói uống cà phê tốt, khi thì nói không tốt. Có bài viết sao đây, vui vui của anh Vũ Thế Thành để các bạn tham khảo. (LKH)


CÀ PHÊ BUỒN NGỦ

Lợi và hại của cà phê đã được nói nhiều rồi. Nhưng mặc ai bàn ra tán vào, thiên hạ vẫn uống cà phê hà rầm.Uống sáng trưa chiều tối, uống để thưởng thức, để tán dóc, để tỉnh táo, và thậm chí có người buồn quá, uống để…ngủ. Trăm điều nghiêng ngửa đều đổ thừa tại chất caffeine. Nhưng có một thứ ít ai nói tới, đó là các chất chống oxýt hoá trong cà phê.
Cà phê cũng chống oxýt hoá
Trong cà phê có cả hơn ngàn loại chất chống oxýt hoá, đó là mới tính trong hạt cà phê tươi, chứ nếu hạt cà phê được ủ, như loại arabica thì phát sinh thêm 300 chất nữa.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Joe Vinson (đại học Scranton – Hoa kỳ), thì các chất chống oxýt hoá mà người Mỹ tiêu thụ chủ yếu đến từ cà phê, chứ từ rau quả trái cây chỉ là thứ yếu.


Tính trung bình, mỗi ngày người Mỹ xài khoảng 1.300 mg chất chống oxýt hoá nhờ uống cà phê, nhưng qua trà đen chỉ được 294 mg, chuối (76), các loại hạt (72), bắp (48), rượu vang đỏ (44), bia (42), táo (39), cà chua (32), và khoai tây (28).
Các chất chống oxýt hoá trong cà phê chủ yếu thuộc loại polyphenols, được xem là tốt hơn trong phòng bệnh so với các loại khác như vitamin C và E (cũng là các chống oxýt hoá).
Vậy cà phê chống ung thư?
Chất chống oxýt hoá có tác dụng vô hiệu hoá các nhóm gốc tự do phát sinh trong cơ thể người. Nhóm gốc tự do là những chất có hại, chúng tấn công vào DNA của các tế bào lành mạnh, gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Cơ thể cũng tự sản xuất ra được chất chống oxýt hoá, nhưng càng lớn tuổi mức sản xuất càng ít đi, nên phải bổ sung từ nguồn thực phẩm, như rau quả trái cây, các loại đậu, dầu thực vật,…
Lợi ích của các chất chống oxýt hoá là điều đã được khoa học thừa nhận. Tuy nhiên, khi đưa vào cơ thể người, hiệu quả lại tuỳ thuộc cơ thể hấp thu và sử dụng chúng như thế nào. Thiên hạ lại thường suy diễn theo kiểu: chất A có công dụng này. Trong thực phẩm (chức năng) này có chất A, như vậy thực phẩm này cũng có công dụng đó. Có cả ngàn chất chống oxýt hoá trong thực phẩm mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa giải mã được hết.


Khoa học không dám xác nhận, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm chức năng thì thừa sức… dám. Họ bán hàng kiểu đa cấp, quảng cáo mát trời. Ở Việt Nam, còn lôi kéo thêm các nhà khoa học (đồng bóng) vào các cuộc hội thảo cho thêm phần… chính nghĩa.
Trong cà phê có cả ngàn loại chất chống oxýt hoá, số lượng lại gấp nhiều lần so với các loại trái cây, rau củ quả, nhưng chẳng có nhà khoa học nào dám phát biểu, uống cà phê phòng chống rủi ro ung thư.
Rang-Tẩm- Độn, hạ gục Starbucks?
Hơn 50% người Mỹ uống cà phê mỗi ngày, coi như uống “chất chống oxýt hoá”… vô tư. Số còn lại, đa số là quý bà, không uống cà phê thì nguồn chống oxýt hoá của họ chủ yếu đến từ rau đậu trái cây. Ai thọ hơn ai?
Đây là đang nói về cà phê thứ thiệt đấy nhé! Rang tẩm đủ đô mới đạt tới mùi vị… “nhãn hiệu cầu chứng”, mỗi ly chứa khoảng 100 mg caffeine.


Còn cà phê Việt Nam thuộc loại “đa dạng”. Có loại non-caffeine, làm từ đậu nành, hương liệu, vị liệu,… vừa uống cà phê vừa ngủ gật. Loại khá hơn, làm từ hạt cà phê, nhưng rang-tẩm-độn lung tung cả lên, độn là chính. Rang quá độ thì caffeine tự nhiên còn sót lại được bao nhiêu? Cà phê đen thui, đặc quánh, uống một ly mà tim đập thình thịch như gặp lại…cố nhân. Cà phê bá đạo kiểu đó mà đòi hạ gục Starbucks!
Uống cà phê chẳng ai dám càm ràm
Dân Hà Lan uống cà phê nhiều nhất thế giới, trung bình mỗi ngày 2,4 tách cà phê. Nghiên cứu về cà phê ồn ào nhất lại là Mỹ, nhưng dân Mỹ mỗi ngày chỉ uống 0,93 tách. Việt Nam xuất cảng cà phê (robusta) đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Brazil, nhưng chỉ uống 0,034 tách. Chắc mấy bả sợ uống cà phê đen da, nhăn da và… hồi hộp?
Tung hê lợi ích của cà phê đầy rẫy trên mạng, nào là phòng ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường, alzheimer, thậm chí cả ung thư gan nữa, nhưng bằng chứng khoa học lại quá yếu. Ngược lại, uống cà phê có hại cũng chẳng ai dám khẳng định. Uống cà phê thấy tỉnh táo hơn, huyết áp tăng chút đỉnh, hồi hộp… thì có thể, nhưng phải uống nhiều. Còn uống vài ba tách mỗi ngày mới cỡ 300 mg caffeine là chuyện nhỏ ! Cơ địa mỗi người khác nhau. Có người uống cà phê buổi tối, trằn trọc khó ngủ. Có người đi ngủ khoẻ re.


Uống cà phê, bên ngoài khoa học không khuyến cáo, về nhà chẳng ai (dám) càm ràm. Ra quán nhâm nhi ly cà phê, bàn chuyện áp phe cả buổi. Còn uống kiểu Tây, sáng ra mắt nhắm mắt mở, trực chỉ cây xăng, nốc ực 2 shots espresso, rồi phóng xe đi cày. Uống cà phê “công nghiệp” kiểu này cũng hơi… hãi. Dân Việt khổ (và) hạnh hơn dân Tây là ở chỗ này.
Vũ Thế Thành

Wednesday, March 29, 2017

HỌC SINH KHÓ ƯA

Mấy ngày trước dường như tôi có post một bài về cây bút máy để nói lên tấm lòng của một cô giáo Việt Nam rất tế nhị và giúp cho một em hoc sinh của mình. Hôm nay lại đọc được một bài khác nói lên tấm lòng của một cô giáo người Mỹ đã giúp và em học sinh nhớ ơn cô suốt đời, sự giúp đỡ đó không phải là vật chất mà là tinh thần, dựng em dậy tiến tới trong sự học và trở thành một người hữu ích trong xã hội.


Câu chuyện rất cảm động khi bạn đọc tới đọan kết với câu:
"Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em."
Nếu bạn là thầy cô giáo, bạn nghĩ là bạn có làm được như vậy không ? (LKH)

H
C SINH KHÓ ƯA

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tại trường tiểu học của thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp năm, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu tất cả các học sinh như nhau.
Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái, cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa."
Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thật rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm.
Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những gì đọc được.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 1 nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống trong gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu".
Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 4 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn.
Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những gói quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hoá. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp.


Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất một vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt ít nước hoa trong chai lên cổ.
Hôm đó Teddy đã nén lại cho đến cuối giờ để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa".
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ.
Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học sinh cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em".
Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng 3 trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".
Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quý nhất trong đời".
Rồi bốn năm sau nữa, cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard – giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra?
Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ".
Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp được em."
(Sưu tầm trên mạng)


THE TEACHER AND LITTLE TEDDY STODDARD

Jean Thompson stood in front of her fifth-year class on the very first day of school in the new term and told all of those children another big fat lie. Like most teachers, she looked at her pupils and said that she loved them all the same, that she would treat them all alike.
Now, that was always going to be an impossible claim because right there in front of her, slouched down in his seat on the third row, was a little boy named Teddy Stoddard.
Mrs. Thompson had watched Teddy the year before and had noticed that he didn't play well with the other children, and that his clothes were unkempt and he constantly seemed to need a bath. And, quite frankly, Teddy was generally an unpleasant child.
It got to the point during the first few months that she would actually find herself taking great delight in marking his papers with a big broad red pen, making bold X's and then marking the inevitable F at the top of the paper biggest of all. And because Teddy was such a sullen little boy, nobody else seemed to enjoy him, either.
Now, at the school where Mrs. Thompson taught, she was required to review every child's records once in a while and she found herself putting Teddy's off until last. But when she eventually opened his file, she was in for quite a surprise.
His first-year teacher had written "Teddy is a bright, inquisitive child with a ready laugh. He does his work neatly and has excellent manners...he is a joy to be around."
His second-year teacher wrote "Teddy is an excellent student who is well-liked by his classmates, but he is troubled because his mother has a terminal illness and life at home must be a struggle."
His third-year teacher had written "Teddy continues to work very hard but it’s clear his mother's death has been hard on him. He obviously tries to do his best but his father doesn't show much interest and his home life will undoubtedly be affecting him if some steps aren't taken."
Teddy's fourth-year teacher wrote "Teddy is withdrawn. He doesn't show any interest in school at all. He doesn't have many friends these days and sometimes sleeps during lessons. He is tardy and could potentially become a problem student."
By now, Mrs. Thompson had realized that there was a problem and felt a little ashamed of herself, but Christmas was coming fast and realizing was all that she could do, what with the other children and the school play and all, until the last day of term and she was suddenly forced to focus upon little Teddy Stoddard.
Her children had all brought her presents, all in beautiful ribbon and brightly coloured paper, except for Teddy's, which was kind of clumsily wrapped in heavy brown paper that had clearly once been a shopping bag. Mrs. Thompson took pains to open it in the middle of the other presents.
As she did so, some of the children started to laugh when she found an old rhinestone bracelet with some of the stones actually missing from it, and an old bottle (that was only a quarter full) of perfume. But she stifled those children's laughter when she exclaimed how pretty the bracelet was, putting it on, and dabbing some of the perfume onto her wrists.
Teddy Stoddard stayed behind that day just long enough to say "Mrs. Thompson, today you smelled just like my mum used to."
After all of the children had left, Jean Thompson cried. She cried for at least an hour.


On that day, the last day of term before Christmas, Jean Thompson quit teaching reading, writing, and mathematics. Instead, on the first day of the new term, she began teaching children.
And Jean Thompson paid particular attention to the child they all called 'Teddy'.
As she worked with him, his mind seemed to come alive. The more she encouraged him, the faster he responded. On days where there would be an important test, Mrs. Thompson would always remember the smell of that perfume. By the end of that year, Teddy had become one of the smartest children in his class and, well, he had also kind of become the ‘teachers pet’.
The ‘pet’ of the teacher who had once stood there in front of all of those children and vowed to love them all just the same.
A year later, Mrs. Thompson found a note passed under her classroom door from Teddy, telling her that of all the teachers he'd had in the whole of primary school, she had been his very, very favourite.
Six years went by before she got another note from Teddy. He wrote to her saying that he had now finished secondary school, finished third in his class, and that she was still his favourite teacher of all time.
Three years after that, she received yet another letter, saying that while things had been tough at times, Teddy had stayed in education, he had stuck with it, and would be graduating from university very soon with the highest of honours. And of course, he assured Mrs. Thompson that she was still his favourite teacher of all time.
Five more years passed and yet another letter came. This time Teddy explained that after he got his degree, he had decided to go a little further. The letter explained that she was still the best teacher that he had had in his entire life, but that now his name was a little longer. The letter was signed 'Dr. Theodore F. Stoddard'.
But the story doesn't end there. You see, there was yet another letter later that year.
Teddy, Dr Stoddard, said that he'd met this girl and they were to be married. He explained that his father had died a couple of years ago and he was wondering if Mrs. Thompson might agree to sit in the seat that would have usually been reserved for the mother of the groom.
Well, of course, she did. She wore that bracelet, the one with several stones missing, and she wore the perfume that little Teddy Stoddard had given her as a clumsily wrapped Christmas gift all of those years ago. And on that special day, Jean Thompson smelled just like...well, just like the way Teddy remembered his mother smelling on their last Christmas together.
They hugged each other, and Dr. Stoddard whispered in Mrs. Thompson's ear, "Thank you Mrs. Thompson for believing in me. Thank you so much for making me feel important and showing me that I could make a difference."
Mrs. Thompson, with tears in her eyes, whispered back. She said, "Teddy, you have it all wrong. You were the one who taught me that I could make a difference. I didn't know how to teach until I met you."
Never underestimate the impact your actions or inactions may have upon another person’s life.
(copy from the internet)

VÕNG KHAI NHẤT DIỆN


VÕNG KHAI NHẤT DIỆN
網開一面


Khoảng năm 1766 TCN, người cai trị cuối cùng của triều đại nhà Hạ cực kỳ bạo ngược và phóng đãng. Điều này tạo ra sự căm phẫn, bất bình trong dân chúng.


Để giúp dân thoát khỏi cảnh lầm than này, Thương Thang đã đứng lên lật đổ bạo chúa, sau đó lập nên triều đại nhà Thương 商朝 (1600-1066 TCN).
Từ khi Thương Thang còn là người đứng đầu bộ tộc Thương, ông được người dân rất mực tôn kính bởi sự từ bi và tình thương đối với tất cả chúng sinh.
Một ngày nọ, trong khi Thương Thang đang bách bộ nơi thôn dã, ông bắt gặp một người bắt chim giăng một tấm lưới lớn trải rộng ra như một cái chuồng và lầm bầm: “Lũ chim chóc các ngươi mau tới đây đi, mau bay vào lưới của ta đi. Bất kể có bay thấp bay cao, bay Đông bay Tây gì thì cũng bay hết vào lưới ta đi!”
Thương Thang dừng lại và nói với ông ta rằng cách làm của ông quá tàn nhẫn vì ông không tha cho con chim nào thoát được dưới tấm lưới của mình, và rằng ông nên để lại ít nhất một mặt lưới mở.


Thương Thang cắt ba mặt của tấm lưới và sau đó thì thầm: “Chim ơi, thích bay bên phải thì cứ bay bên phải, thích bay bên trái thì cứ nhắm bên trái; còn nếu thật sự mệt mỏi với cuộc đời này thì hãy sà vào lưới ta!” Tất cả mọi người, kể cả người đàn ông đã giăng lưới, đều cảm động vì tấm lòng của Thương Thang đối với loài chim. Họ nhận ra ông là một người có nhân cách tuyệt vời.
Tin lành đồn xa, người đứng đầu các bộ tộc khác sau khi được nghe kể về câu chuyện này, đều quyết lòng dốc sức, nguyện trung thành với Thương Thang cùng sự tin tưởng tuyệt đối rằng, ông sẽ là một vị vua tốt.
Thương Thang nhận được sự ủng hộ của hơn 40 bộ tộc, tạo lập nền tảng thuận lợi giúp ông chấm dứt sự thống trị độc đoán của triều đại nhà Hạ; qua đó, ông trở thành người sáng lập triều đại nhà Thương.


Câu thành ngữ Võng khai nhất diện (網開一面) cũng từ đó mà thành. Nó có nghĩa là ‘lưới mở một mặt’. Ban đầu, thành ngữ này đọc là Võng khai tam diện (網開 三 面) nghĩa là ‘lưới mở ba mặt’.
Ngày nay thành ngữ này được dùng để chỉ tấm lòng nhân hậu, khoan dung, độ lượng của một người, thông qua việc cho người có lỗi một lối thoát hoặc cho phép họ có một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình.
Câu chuyện về Thương Thang được trích từ tập III của cuốn sách Sử ký của Tư Mã Thiên.
(Sưu tầm trên mạng)