Friday, December 22, 2017

VÌ SAO TỬ CẤM THÀNH "BẤT TỬ" TRƯỚC HƠN 200 TRẬN ĐỘNG ĐẤT?

Tử Cấm Thành nổi tiếng của Trung Quốc gây bất ngờ khi đứng vững trước hơn 200 trận động đất trong 600 năm. Bí mật của công trình này là gì?


Trung Quốc xảy ra khá nhiều động đất trong những năm qua. Theo đó, nhiều công trình kiến trúc bao gồm cả Tử Cấm Thành cũng trải qua nhiều trận động đất.


Tuy nhiên, kỹ thuật xây dựng đặc biệt giúp Tử Cấm Thành của Trung Quốccó thể đứng vững, không bị phá hủy trong suốt 600 năm dù bị khoảng 200 trận động đất làm rung chuyển.


Theo các chuyên gia, bí mật giúp Tử Cấm Thành đứng vững trước hơn 200 trận động đất là ở thiết kế mái gỗ. Các chuyên gia đã phát hiện từ năm 500 TCN, kỹ sư Trung Quốc đã sáng tạo ra một loại hình cấu trúc có khả năng chống thiên tai với nhiều khung gỗ hình chữ nhật gọi là "Đấu củng".


Theo People's Daily Online, kỹ thuật này đã được sử dụng rộng rãi trong khoảng thời gian từ năm 770 - 476 TCN.


Để chứng minh điều này, những người thợ mộc chuyên nghiệp đã xây dựng một mô hình nhà độc đáo mô phỏng theo cấu trúc của Tử Cấm Thành.


Để tạo ra mô hình Tử Cấm Thành chính xác nhất, các chuyên gia đã sử dụng những kỹ thuật và công cụ nghề mộc truyền thống. Theo đó, tỷ lệ mô phỏng là 1/5 so với kích thước ban đầu.


Các kỹ sư xây dựng ngôi nhà trên một chiếc bàn rung để mô phỏng lực của động đất sau đó hiệu chỉnh theo kích thước và trọng lượng của tỷ lệ mô hình.


Những chiếc xà và cột là cấu trúc cốt lõi của tất cả các công trình bên trong Tử Cấm Thành. Những "Đấu củng" được ghép với nhau rất phức tạp để hỗ trợ chống đỡ cho phần mái hiên mở rộng cũng như mái nhà. Chúng thường nằm ở vị trí xà lớn, được chống đỡ nhờ những cột cao.


Tuy nhiên, các cột này không được thiết kế chìm vào trong đất mà đứng "tự do". Toàn bộ những phần kết cấu trên đều chịu được sức nặng của phần mái nhà.


Khi tiến hành thử nghiệm mô hình với những trận động đất mô phỏng, trong đó có trận động đất mạnh 9 độ Richter, các chuyên gia không khỏi ngạc nhiên khi công trình này có thể trụ vững.

Tâm Anh (theo Wonderfulengineering)

No comments: