Friday, August 19, 2016

CẦU CÁ MIỀN TÂY NGÀY TRƯỚC

Trong bài "cầu ao" hôm trước, nói về nhà quê, sau nếp nhà, trái bếp là đến cầu ao nhưng còn một điều nữa không nhắc đến là mất đi cái đặc sản của làng quê, một cái để giải bầu tâm sự và tăng gia lợi nhuận cho gia đình đó là cái người dân quê ai cũng dùng qua, thường được gọi là "cầu tiêu cá vồ", "cầu tiêu cá tra" hay là đơn giản hơn kêu là "cầu cá".


Nhớ hồi đó về quê ngoại, lần đầu tiên dùng thì sơ lắm, mắc cở nữa, vì ngồi xuống chỉ che được phần dưới, đưa cái mặt ra ngoài, xung quanh đôi khi có người đi qua đi lại, chân đạp lên hai khúc cây song song, phía dưới thì trống không, mùi thì thúi khủng kiếp vì bao đựng giấy chùi để kế bên hoặc xát bên mặt, gió lùa qua bên dưới nhồn nhột thật phải nói là rất khó ỉa ra, dân thành phố mà về quê thì thấy thật là khủng kiếp. Nhưng nếu các bạn ở lâu, dùng vài lần thì thấy quen và còn thích nữa vì nó mát mẻ và nhất là khi:

"Một cục vàng rơi, nước toé tung,
Một đàn cá đói tới tranh hùng…"
(thơ Tú Kếu)
Vui lắm các bạn ạ Cái vui làm quên mùi thúi nhưng cũng có lúc tự hỏi lỡ có té xuống thì như thế nào nhưng chắc chắn là không đến nổi kinh hồn như ỏ Ấn Độ mà té xuống "hố xí" nếu các bạn có coi qua phim "Slumdog Millionaire" (2008). Thôi bây giờ mời các bạn đọc bài sau để biết thêm về loại cầu này.

CẦU CÁ MIỀN TÂY
1 - Từ lâu đời người dân miền Tây Nam Bộ đã quen thuộc với loại cầu tiêu bắc ở mé sông mé rạch, phân là nguồn thức ăn cho cá trong tự nhiên. Do bắc trên sông rạch nên gọi là “cầu” và đi tiêu trên cầu này thì gọi là “đi sông”.


Trong khi đó, ở miền Bắc, ngoài “đi đồng” ra, còn có nhiều loại “cầu”, như hố xí một ngăn/hai ngăn mà thực chất cũng là “cầu”, chỉ khác là bắc trên hố và bên dưới không có nước, lấy phân để bón cây. Ở vùng trũng của đồng bằng Bắc Bộ, người ta không thể làm những hố xí khô như vậy mà phải làm cầu bắc trên ao hồ, bên dưới nuôi cá, và để phân biệt, họ dựa vào âm thanh phát ra mà gọi là “cầu tõm”. Từ năm 1954, bắt đầu có phong trào dân Bắc di cư vào Nam, văn hoá cầu tõm lại được đồng bào mang vào Nam và càng ngày càng phổ biến vì lượng cá tự nhiên bắt đầu giảm dần, nhu cầu nuôi cá tăng dần.
Trong việc chọn giống cá “nuôi cầu” này, cá tra/cá vồ được ưu tiên hàng đầu vì sức ăn mạnh và do không thích dòng chảy nên không tìm cách thoát khỏi ao, kể cả khi lũ lụt. Cá tra/cá vồ – do đặc tính vừa nói – nên chỉ sinh sản ở Biển Hồ (Campuchia), người ta vớt cá bột (cá con vừa mới nở) về ươm, khi lớn bằng ngón tay thì chở đi bán khắp miền Tây. Vào đầu mùa mưa, ai có đi về nông thôn miền Tây sẽ nghe vang dội khắp nơi tiếng rao mời của những người bán cá con này, cả trên bộ lẫn dưới sông rạch: “Cá vồ nuôi hôn…”.
Như vậy là cầu tiêu cá ở miền Tây Nam Bộ có lịch sử rất sâu xa và là hiện thân của không chỉ mối tình Nam – Bắc mà cả giữa Việt Nam với đất nước chùa Tháp.
Điều quan trọng là, chính việc nuôi cá tra/cá vồ như vậy đã làm tiền đề cho nghề nuôi cá tra, cá basa như một thế mạnh của kinh tế miền Tây hiện giờ.


2 - Cầu tiêu cá ở miền Tây Nam Bộ được làm từ vật liệu cây lá sẵn có nên hầu như không tốn kém gì, lại thoáng mát, không hôi thối và tận dụng được phân làm thức ăn trực tiếp cho cá – nguồn thực phẩm khá quan trọng. Cũng chính vì đặc tính cây nhà lá vườn và không có cửa mà cầu tiêu cá mang tính rộng mở, bình đẳng cao như bản chất lưu dân vốn có của người miền Tây, khác hẳn cầu tiêu máy vốn có cửa, thậm chí có ổ khoá và được phân nhóm đối tượng phục vụ như “WC cán bộ nhân viên”, “WC bệnh nhân”, v.v.
Tuy thường rách nát nhưng cầu tiêu cá ở Nam Bộ rất thân thuộc với mọi người, nên có câu đố: “Cái nhà rách rách nhưng rất đông khách [là cái gì?]”. Đồng dao Nam Bộ có nhiều bài xoay quanh chiếc cầu tiêu cá như là một phần cuộc sống:

Bà chằn lửa,
Sửa cầu tiêu,
Ba giờ chiều,
Đứt dây thiều,
Lọt cầu tiêu.
Hay:

Anh hai ơi chị hai có bầu,
Anh đừng rầu như trái bí đao.
Anh có đau thì đau bụng đẻ,

Anh có đẻ thì đẻ nhà thương,
Anh có thương thì thương vợ bé,
Anh có té thì té cầu tiêu!


Ngồi trên cầu tiêu cá vừa thưởng thức một trong “tứ khoái”, vừa có thể ngắm cảnh (thậm chí còn có thể trông giữ gà vịt…), lại vừa được chứng kiến cảnh “quần ngư tranh thực” một cách thú vị. Bởi vậy mà Tú Kếu có thơ rằng:

Một cục vàng rơi, nước toé tung,
Một đàn cá đói tới tranh hùng…
Đặc biệt, ở những ao lớn, người ta thường làm nhiều chiếc cầu tiêu sát cạnh nhau, nên những người đi cầu cùng lúc có thể chuyện trò rôm rả, khiến cầu tiêu cá trở thành một kiểu nhà văn hoá có một không hai!
Nếu phần trên của cầu tiêu cá thân thiện và gần gũi với con người bao nhiêu thì phần dưới lại gớm ghiếc, bị xem là ô uế bấy nhiêu. Do đó mà “Lọt cầu tiêu”, “Uống nước cầu tiêu” là những câu chửi rủa thậm tệ.
Ngày nay, mặc dù do ảnh hưởng của phương Tây, người ta thường làm cầu tiêu tự hoại với hố xí bệt và có cả chỗ dựa lưng, nhưng phần lớn người Việt Nam vẫn thích tư thế ngồi xổm của cầu tiêu cá hơn, đến nỗi trong nhiều nhà vệ sinh kiểu mới này phải dán bảng nhắc nhở: “Vui lòng không đặt chân lên bồn cầu”.


Gần đây, người Việt Nam bắt đầu quan tâm xây dựng, trang trí nhà vệ sinh hiện đại và không gọi là “cầu tiêu” nữa mà gọi là “nhà vệ sinh”, thậm chí sử dụng tiếng nước ngoài như WC, toilet để vừa tế nhị, vừa có cảm giác thân thuộc như nhà ở. Đặc biệt, nhiều nhà hàng khách sạn lớn còn theo phương Tây gọi nhà vệ sinh là “rest room” (phòng nghỉ/thư giãn) nghe thân thiện đến mức rất nhiều người hiểu lầm và không khỏi bỡ ngỡ.
Tuy nhiên, tàn tích văn hoá của cầu tiêu cá vẫn còn ở tiếng “cầu” như “bồn cầu”, nhà cầu…, thậm chí trong cách nói “mắc cầu”, hiểu là “có nhu cầu đi tiêu”.
3 - Năm 1994, thủ tướng chính phủ ra nghị định số 200 – Ttg về việc bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,“Ngăn cấm việc dùng phân tươi bón cây hoặc nuôi cá trên sông, rạch, và các ao, hồ công cộng [L.C.L. nhấn mạnh]”. Mặc dù nghị định này chỉ cấm cầu tiêu cá trên các ao hồ công cộng nhưng những người thừa hành do mang mặc cảm rằng cầu tiêu cá là thứ phi văn hoá nên đã vận động dẹp bỏ tất cả. Tuy nhiên họ đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Cầu tiêu cá vẫn mọc lại, thậm chí nhiều nhà tuy có cầu tiêu máy nhưng vẫn thích và thường xuyên sử dụng cầu tiêu cá.


Hơn nữa, phần lớn diện tích của miền Tây Nam Bộ hàng năm luôn bị lũ lụt kéo dài tới 2 – 3 tháng và trong khoảng thời gian đó hầu như không có loại hình nhà vệ sinh nào thay thế cầu tiêu cá được. Do đó trước mắt, thay vì vận động dẹp bỏ cầu tiêu cá, nhà nước nên vận động người dân có ý thức và biết phương pháp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt bằng cách không để nước từ các ao ấy chảy hay thấm vào nguồn nước sinh hoạt chung. Bởi lẽ, cầu tiêu cá thật sự đã là nét văn hoá đặc trưng của miền Tây Nam Bộ và có cơ sở tự nhiên – xã hội của nó.
Lê Công Lý.
(Sưu tầm trên mạng)