Sunday, August 21, 2016

CHÂN TIỂU NHÂN & NGỤY QUÂN TỬ

Lúc còn ở Việt Nam, những đêm khó ngủ tôi thường mở trang Paltalk, để nghe những truyện đọc online của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Hầu hết các tác phẩm của ông, tôi đều đã nghe hoặc đọc qua. Phải công nhận ông ấy là nhà văn có tài, mặc dù những gì ông viết thật ra cũng dừng lại ở một mức độ trung trung, không gì là bác học. Thế nhưng những truyện ngắn dài ấy, nó có nét gần gũi với cuộc sống đời thường của nhiều người, và nếu nó được thu thanh thì cộng thêm chất giọng diễn cảm khá tốt của ông, thì nó trở nên có sức lôi cuốn hơn nữa.


Trong các truyện ấy, ông thường xây dựng một loại nhân vật với tính chất ngụy quân tử. Những tên Nhạc Bất Quần trong truyện của ông thì đủ loại người, nhưng vẫn theo cái khuôn chung là những kẻ khoác áo nhân hiền, để che đậy hết sức tinh vi cái ti tiện, tiểu nhân, bại hoại của chúng.
Mặt đất này bao giờ cũng lúc nhúc những tên ngụy quân tử như thế, nhưng để biết ai chính ai tà, ai ngụy quân tử là điều không đơn giản chút nào. Như truyện ngắn " Phòng Mạch" của Nguyễn Ngọc Ngạn cũng nói đến khía cạnh đó..



Một vị bác sĩ có trình độ và lương tâm khi mở cơ sở làm việc thì ế ẩm thua sút hơn nhiều tên y tá mạo danh ,ngu dốt và tham ác. Bác sĩ có lương tâm thì khi kê thuốc sẽ kê đúng liều lượng, đề phòng cho bệnh nhân phản ứng phụ , hậu quả của thuốc trên cơ thể bệnh nhân về sau. Còn tên y tá thât đức, thì một đằng thì ngon ngọt quảng cáo, một đằng cứ kê đơn cho ''tàn bạo'', để vừa bán được nhiều thuốc, mà người bệnh lại mau khỏi do cái gọi là '' tổng tiến công vũ bão". Hắn chẳng thiết tới hậu quả cho người ta trong mai hậu.
Mỉa mai thay, hắn lại nổi tiếng về sự mát tay. Bao con bệnh ngu ngơ không chút kiến thức y học thì sẽ cảm thấy biết ơn, để rồi quảng cáo không công cho kẻ đã hại mình.
Nhìn lại chung quanh, thì những chuyện tương tự thiếu gì trong cuộc sống, và nó tồn tại ở bất cứ môi trường nào.
" Chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử'. Thật vậy, tôi thường chỉ mặt mấy tên đệ tử láu táu và bảo '' mày là thằng tiểu nhân !" . Có nhiều đứa đã anh hùng mà chấp nhận ngay cái tiểu nhân của nó. Khi ấy thì nó là chân tiểu nhân đấy. Cũng chẳng sao, tiểu nhân thì còn trưởng thành được, còn ngụy quân tử e rằng hết thuốc chữa.


"Ai chiến thắng mà chưa từng chiến bại, ai nên khôn mà chưa dại một lần". Cũng tương tự thế ,ai thành đại nhân mà không qua giai đoạn tiểu nhân? Người xưa đã nói '' phi tiểu nhân bất thành quân tử". Nên ai chẳng có sự hèn yếu, nhục nhằn? Ai chẳng có những dục vọng thấp hèn bất chính? Ai vượt được nó thì trở nên quân tử. Ai không đủ sức vượt được nó, nhưng lại dám phơi bày ra để nhờ đấng bậc cao nhân hơn sửa trị giúp, hoặc chí ít thì cũng ''lộ hàng'' ra cho người ta biết mà…né, thì gọi là chân tiểu nhân. Kẻ không vượt qua được tính mê nết xấu, lại còn '' trau dồi " thêm nhiều sự đốn hèn, nhưng với bản tính quỷ quyệt tinh ranh…Biết tự vẽ cho mình một gương mặt đạo đức, khoác cho mình cái áo thanh cao, tự thắp cho mình cái hào quang đạo hạnh…Rồi cũng tự mua hoa tặng mình, đốt nến xông hương mà tế sống lấy mình…Thì đấy là ngụy quân tử. Cái loại người mà Chúa Giê Su đã định nghĩa là '' Các ngươi như cái mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong chứa toàn những thứ thối tha".
Nói cách khác thì ngụy quân tử có nghĩa là những kẻ sợ lại chính mình.
Để rồi xét chính bản thân mình, tôi vẫn tự biết mình còn là tiểu nhân. Tôi sợ bị biến thành ngụy quân tử lúc nào mà chẳng biết. Nên tới giờ vẫn ráng giữ cái tiểu nhân của mình, may ra từ từ ''tiến hóa'' hơn chăng.
Khi qua Mỹ, nhiều người thân đã khuyên tôi tới thăm một gia đình là họ hàng ruột thịt, khổ nỗi cái gia đình này thì tôi chẳng ưa chút nào, nên nhất định không đi.


Người ta nói
- Thôi thì thích hay không thích thì để trong lòng, cứ đi coi như là ngoại giao thôi.
Tôi "tuyên bố".. tôi không ngoại ''dao'' ngoại búa gì với cái nhà ấy.
Thà chấp nhận là võ phu thất học, bất lịch sự…trong mắt ai đó. Còn hơn phải đeo cái mặt nạ nhân nghĩa , mà bắt tay thắm thiết với kẻ cũng đang đeo lốt giả nghĩa giả nhân.
Thời tôi đến dạy ở núi Thị Vải, thì những học viên có thông lệ sau mỗi buổi học phải quỳ xuống mà ''thân thưa'' rằng '' Chúng con cảm niệm công đức thầy", theo quy tắc của vị đại đức mời tôi về dạy bấy giờ. Khi ấy tôi chỉ mới ngoài 20 tuổi, nên nghe khoái lỗ tai, nhìn sướng lỗ mắt lắm. Tiền học phí thì để lên cái mâm to, người trưởng lớp y áo chỉnh tề quỳ xuống mà kính cẩn dâng tiến cho tôi …
Còn nhiều "nghi thức tôn vinh " dễ làm "khoái chí" lắm.
Cũng may sau này tự biết nhục, thấy mình như cục cứt mà tại sao lại dám nhận những đại lễ của người khác, mà trong đó có những người còn lớn hơn tuổi mình. Nên càng về sau này thì tôi càng loại bỏ những nghi thức ấy. Thậm chí trong lớp võ, môn sinh đến chào theo thể thức nhà võ, tôi cũng không cho chào, khoát tay bảo đi.


Bởi mình đã là cái quái gì mà vênh vang tự đắc?
Trước đấng thiêng liêng thì mình là tội nhân với biết bao lỗi phạm gớm ghê. Trước cuộc đời thì mình biết bao thiếu sót đáng trách. Trước chính mình thì biết bao bệnh tật, dơ bẩn…
Thì hãy tạm làm kẻ tiểu nhân và cố mà chân tiểu nhân hơn mỗi ngày
" Sống chân thật giản đơn như thế đấy
Nhận mình hèn mà chẳng ngại ngần chi"
Chứ không muốn ''biến thái'' thành ngụy quân tử , để rồi như con dê đeo lốt hổ thấy cỏ non thì thèm, thấy cáo chồn thì ớn lạnh xương sống.
VS Hải Đăng
(trích trong mạng viseado)

No comments: