Hồi trưa tôi có post lại một bài về món gòi sầu đâu. Chẳng biết tai sao 3 miền đất nước đều có nhưng chỉ có sầu đâu miền Nam là có thề lấy bông và đọt hay lá non làm gỏi ăn được, còn miền Trung thỉ gọi là sầu đông không ăn được và miền Bắc gọi là xoan (hay là soan) thì không ăn được vì có độc và chỉ dùng làm thuốc.
Tôi tìm được một bài khác bài rất hay dù chưa kiểm chứng chắc chắn nhưng cũng là một đề tài tham khảo các giải thích về những cái tên vùng miền ở Nam bộ trong đó có Cần Thơ,...và về cây sầu đâu. (LKH)
SẦU ĐÔNG, SẦU ĐÂU ?
Có lẽ tiếng sầu mà kèm theo tiếng đâu nghe nó kỳ lạ và vô nghĩa đối với vài văn nghệ sỹ. Nên bèn bị sửa lại là sầu đông, cho có vẻ thi vị, văn hoa hơn. Hoặc là vì thấy nó rụng lá trơ cành trụi lủi vào mùa đông, coi nó buồn rồi sửa thành sầu đông cho hợp. “Mùa thu chết trên cây sầu đông”. Nhưng sầu đâu là cái tên của một loại cây. Quê tui có nhiều cây có tên nghe ngộ lắm; loại ăn trái như măng cục, sa kê, mầng quâng, vú sữa, chùm duột, lê cu ma, loại cây hoang như quao, giá, nga sậy, mắm, rán, sộp, lòng mứt, cơm nguội, vân vân. Khó tìm ra cuốn sách nào ghi cái từ nguyên của mấy tiếng quê mùa như vậy. Đó là tiếng của Đàng Trong, của miền Nam . Sau đây, với tư cách là dân nhà quê chánh hiệu, tui xin kể vài chuyện tàu lao về cây sầu đâu, coi như chuyện phiếm, nghe chơi cho đỡ buồn.
Trong Nam tiếng Việt mình đã được phong phú hoá nhờ lai tiếng Khmer (Miên). Nhiều lắm, từ những danh từ riêng chỉ địa danh cho tới ngôn ngữ thông thường. Ai cũng biết mấy tên Saigon, Mỹ-tho, Sóc-trăng, Trà-vinh, Sa-đéc, Châu-đốc, Cà-mau, Bạc-liêu, Cần-thơ, Tha-la, v.v… là biến âm của tiếng Miên, gốc từ Khmer mà ra. Đố ai mà cắt cho ra cái nghĩa theo chữ quốc ngữ.
Thí dụ như tiếng Cần Thơ, nếu ai có máu văn nghệ sẽ đoán mò là “chuyên cần về thi ca”, tức là cần thi, con gái xứ đó lãng mạn lắm. Nhưng trong thực tế, người Khmer hiện vẫn kêu xứ đó là Sróc Cơn-thô (nói lẹ thành Sóc ờn- thô), tiếng Việt có nghĩa là xứ cá lò tho. Trêy cơn-thô là cá lò tho, dân vùng Tây Cửu Long chuyên môn kêu cá lò tho, cái con cá dẹp dẹp da đen có sọc ngang, mà dân miệt Sàigòn đổ lên gọi là cá sặc rằn. Khô cá lò tho ngon hết xảy đó. Kêu tên con cá thì mình nói sao cũng được. Nhưng dùng chỉ địa danh có liên hệ tới dân tộc anh hùng của ta thì tiếng Cơn thô phải nói là Cần Thơ cho nó oai phong văn hóa.
Thêm ví dụ nữa, như tiếng Cà mau chẳng hạng, cũng từ tiếng Miên Tưk khmau mà ra. Tứk là nước. Khmau là đen. Nước đọng Đầm Dơi, U Minh mà hông đen sao đặng. Khmau bị nói trại thành Cà mau. Có vị lại viết là Cà Mâu?!
Cái tên Châu Đốc cũng có gốc gác tương tự, người Khmer kêu vùng Châu Đốc là Mott Churuôc. Mott là cái miệng, cái mỏ. Churuôc là con heo. Tiếng Churuôc (nói lẹ thành Chơ-rôc), được nhân dân ta nói trại trại ra thành Châu Đốc, cho có vẻ văn minh theo kiểu Hán Việt. À thì ra vùng đất chỗ sông Cửu Long chẻ hai có hình thể như cái mỏ heo, và chỗ sông Vàm Cỏ chèn bẹt ra làm hai thì có hình Mỏ Vẹt. Vân vân và vân vân.
Dễ ợt vậy đó, có gì là bí mật khó hiểu. Chỉ vì mình quen học theo lối quân tử Tàu, chúa kỳ thị trên trần gian, nên hổng chịu gần gũi tiếp xúc với họ đó thôi. Mấy cái vụ này nó nằm chình ngoài thực tế. Chịu khó vô sóc Khmer ở vùng Cửu Long mà nghe họ nói, biết liền, chứ sách vở nhiều khi cũng ba láp lắm. Và tiếng sầu-đâu cũng bị tai nạn trong tình cảnh đó. Nhưng thiệt sự thì gốc gác của nó là tiếng Miên, người Khmer kêu nó là sơ-đau, mình nói thành sầu-đâu, ở xa xa ngoài Trung thì kêu là thầu đâu. Làm sao mà có thể truy mò cho ra bằng sách vở hàn lâm. Sách hổng có ghi mà ai nói tiếng đó thì quí vị học dã của mình biểu là nói sai, là kém văn hóa?. Thậm chí, chắc có vị viện sỹ nào đó dám biểu ngược lại là người Chân Lạp bắt chước dân Giao Chỉ mình đó. Giờ xin trở lại cây sầu đâu.
Thật ra, cây sầu đâu ở ba miền nước Việt đều có. Tui chỉ biết điều này sau rất nhiều năm thắc mắc về trái soan. Hồi nhỏ đi học, nghe thầy dạy “Người Việt Nam có khuôn mặt hình trái soan”. Tui tức lắm. Vì không biết trái soan ra làm sao. Chắc nó là loại trái quý, ăn ngon, nên mới được đem ra so sánh với dân tộc Việt Nam anh hùng, con rồng cháu tiên bốn ngàn năm văn hiến. Rồi kế tiếp lại nghe bài hát Hoa soan bên thềm cũ của Tuấn Khanh. À há, trái soan đã quí, vậy chắc cái bông của nó cũng tươi đẹp lắm, quí phái dữ lắm, cho nên tụi nó mới hè nhau bước vô làng văn chương nghệ thuật tỉnh bơ như vậy. Nhưng sau này, nhờ có người chỉ tận mắt thì tui mới mở mắt, mới biết rằng là trái soan chính là trái sầu đâu. Mèn đét ơi, may quá, không thôi cái thứ cây đồ bỏ đó nó mọc hoang ngàn trùng ở dưới quê tui, xứ Trà Vinh quê mùa đó, sẽ là huyền thoại trong bụng tui suốt đời rồi. Thuở giờ, tui đâu có thích cây sầu đâu. Vậy mà tui đã thương đã nhớ hoa soan hết chỗ nói, và ngược lại, tui ghét ôi là ghét cái cây sầu đông, vì nghe có vẻ bá láp sao đâu. Trái soan, hình khuôn mặt người Việt dễ thương đó, hay trái sầu đâu, so ra nó còn giông giống hình dáng trái ca na hay trái xay ở Việt Nam và lại y chang in hịt trái olive xanh bên xứ Tây nầy. Trái olive rất đắng, nhưng đem làm dưa làm muối thì ăn được, vừa ngon vừa bổ. Tui mê lắm. Còn trái soan khi chín vàng bóng thấy muốn cắn, nhưng mà sâu bọ và chim chóc đều chê. Già khô rồi nó vẫn còn lung lẳng nằm y trên cành. Nó đắng một cách kỳ cục. Dầu sao đi nữa thì tui cũng sẽ mạnh dạn mà tuyên bố rằng khuôn mặt người Việt hình trái ô-liu, cho nó hợp tình hợp cảnh ở bên nây.
Ở xứ Đại Thử này cũng có cây soan. Nhưng vì khác phong thổ nên nó hơi khác cây soan ở bên Việt Nam mình, ở chỗ trái nó nhỏ và ngắn hơn chút síu. Cây sầu đâu mau lớn, thân bỡ, gổ không quý, sống không dai cho nên ít có loại gọi là cổ thụ như dầu và sao. Thân cây thẳng, có vỏ xanh đậm, liền lặn mỏng và chắc, trơn tru láng bóng, con nít trèo lên dễ bị tuột té như chơi. Tàng cây trên ngọn xoè ra, nhiều nhánh, um tùm, tạo bóng râm thiệt là mát. Lá thuộc loại lá kép, cũng xanh đậm, có cái cuống đôi tương tự cấu trúc của lá cóc, bự bằng ngón tay, chung quanh có răng răng, coi cũng hay hay. Ở dưới quê tui, người ta dùng cây sầu đâu làm chuồng heo, hàng rào, củi đốt hay un muỗi. Nó là cây hoang, hổng ai quởn mà lo gầy giống hay trồng nó theo kế hoạch đâu. Dân quê còn bức lá nó đem vìa nấu để rửa hoặc tắm trị ghẻ ngứa, đại tài. Cũng nhờ vị đắng. Cả cái vỏ cây nó cũng đắng y chang, nên gặp mùa lá rụng, đẽo vỏ nấu thay thế lá. Tuy vậy, lá non và bông lại thường được dân nhậu chiếu cố, dùng làm gỏi với cá lóc nướng trui, tạo thành món ăn độc đào chưa đâu có. Bông đem trụn sơ, làm gỏi với khô cá lóc hay cá lò tho (sặc), ăn một lần nhớ đời. Cá lóc nướng còn để da khét khét, xé nhỏ ra, trộn với đọt sầu đâu, cho thêm thật nhiều me và ớt vô, sẽ thành món ăn có vẻ kỳ lạ lắm, nhưng nhậu thì bắt số một. Gấp một đũa làm thử, mới vừa nhai thì thấy đắng nghét, chua lè, và cay xé lưỡi. Nhưng nhai một hồi, sau khi mấy hương vị ác ôn côn đồ đó quền quện lại với nhau, hớp vô một ngụm bia, thì nó hoá ra ngọt ngay. Ngộ vậy chớ. Cái hương vị tổng hợp quái quỉ đó, hết sức đặc biệt đó, thú thiệt tui hổng biết mô tả làm sao, chỉ nói tóm một câu là nó ngon một cách chưa từng.
Cây sầu đâu rụng lá cuối thu cấn đông, hoa lá kết lại đầu xuân, trái già khi mưa đổ hột. Mùa đông lá rụng cành trơ, vươn lên bầu trời xám, lưa thưa còn lòng thòng mấy chùm trái chín vàng héo khô. Một con chim tình cờ đáp xuống, đậu lại một cách cô đơn! Quả thiệt cái cảnh đó thấy rất là buồn, rất là sầu, và nên thơ nên nhạc lắm lắm. Rồi kêu nó là cây sầu đông. Tội nghiệp quá
Trở lại nói vìa cái bông, bông sầu đâu, cái hoa soan ấy, thì hổng biết nó ra sao, đẹp cỡ nào, đến đỗi nhạc sỹ Tuấn Khanh xúc cảm mà cho ra bài ca Hoa soan bên thềm cũ, hay hết chỗ nói?
Bản nhạc bất hủ đó, dựa lưng vô nó mà lấy cái tựa đề hoa soan, vậy mà trong suốt bài ca ngọt ngào lời hát, nhạc điệu êm ru, hông thấy chỗ nào, đoạn nào mô tả hoa soan hết trơn hết trọi. Dù chỉ là một chữ. Đây, hát thử rồi thấy.
“Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng giặc tràn qua thôn xóm, Gieo bao đau thương bao điêu tàn từ ngày anh vắng xa. Nay qua thương đau yên bình rồi, tình ta lên hương ngát. Như hương hoa soan dâng bên thềm, nhẹ nhàng nhưng ngất say”.
Chỉ có một lần nhắc tới tiếng “hoa soan”? Một lần gọi tên duy nhứt rồi thôi. Hổng nói nó có hình gì và màu mè ra sao. Hông mô tả cả mùi vị. Thú thiệt, tui tức lắm. Tui phải tìm cho ra lẽ. Cái bông sầu đâu, sờ-đau, sờ-đoan (sờ- oan) đó, nếu cho rằng 3 thứ đó là một thì tui biết nó quá mà. Nó đâu có đẹp và có hương thơm gì đặc biệt đâu. Khi còn búp búp thì nó màu tím lợt, màu hoa cà hay màu hoa sim. Tới chừng nở rồi thì màu nó trắng lợt, đục đục, có pha chút màu tim tím, rất nhẹ. Nhìn từ xa, thấy cả tàng cả đám bông dày như bông dạ lý, cả khối có màu mét mét, hổng bắt mắt chút nào hết. Nhìn gần, quan sát kỹ hơn, thì thấy mỗi chiếc bông cũng có hình dạng nho nhỏ giống như dạ lý. Cũng có năm cánh, nhưng nó dài hơn và mỏng hơn, từa tựa như cánh con mối. Đặc biệt là cái nhuỵ đực, chỉ bằng cọng chưn nhang, vẫn còn giữ màu tím. Chính chút xíu tím này nó lẫn lộn pha loãng vô toàn khối bông trắng, biến cả chùm, nhìn xa xa, thành tím lợt.
Vậy thôi. Còn cái mùi thơm hả? Nói nào ngay khi bông còn búp búp nửa chừng xuân thì cũng có mùi ngọt dịu, thoang thoảng dễ thương giống dầu thơm gái nhà giàu. Nhưng khi mãn con gái tròn đầy tòe loe rồi thì mùi bay mất, bẻ nó xuống kê vô lỗ mũi cũng chưa thấy. Đứng dưới gốc cây đang có bông dày đặc thì may ra mới nghe chút mùi, còn thoang thoảng, nhẹ nhàng.
Vậy mà ông Tuấn Khanh Trần Trọng Ngọc dám nói “Hương hoa soan dâng bên thềm” làm ngây ngất lòng người. Sao ngộ vậy hén? Và còn cái tại sao nữa, hoa soan lại ở bên thềm, tức là cây nó phải mọc ở sát nhà, có thể là trước sân, bên hông hay sau hè. Chứ nó hổng mọc rải rác, chen chút trong rừng như trong Nam.
Chắc cần phải nghe kể thêm chút về cuộc sống ở quê ngoài Bắc, nhứt là vùng quê của ông Trọng Ngọc, thì mới thông cảm hết tâm tình của nhạc sỹ Tuấn Khanh, mới hiểu hết ý nghĩa bài hát. Tui đã hỏi, và được nghe kể như vầy.
Ở ngoải, đất cũ người đông, sống ở quê phải cần kiệm đủ thứ. Cây sầu đâu, tức cây soan, dễ trồng mà đem lại lợi ích nhanh chóng. Thân cây thường dùng để làm cột nhà. Nó là của hồi môn. Nhà nào có chút đất dư xung quanh thì trồng soan, hàng dọc hay hàng ngang bỏ đó, vừa có bóng mát, vừa có lợi đủ thứ. Quan trọng nhứt là phải tính làm sao để khi con trai cưới vợ thì có bộ cột nhà cho nó. Đốn cây xuống, nhánh nhóc làm củi, thân cây dầm xuống ao nước ngâm để đó, càng lâu càng tốt, mối mọt sẽ né xa. Khi cần thì sẽ vớt lên, đẽo gọn làm mấy cây cột cái, làm nhà cho con, giúp nó ra riêng. Quả là thắm thiết tình gia tộc, đậm đà kỷ niệm vợ chồng, ươm đầy mộng ước tình nhân. “Em nhé, mình yêu nhau trọn đời. Anh giữ gìn quê hương xa vời”. Cây soan như vậy đã góp phần kết chặt lời thề ước. Chàng đi đáp đền nợ nước, thỉnh thoảng trở vìa thăm nhà, từ xa thấy bóng hoa soan cao vợi bên thềm, làm sao khỏi bồi hồi, xúc động đến ngất say. Dù hoa có hương thật nhẹ nhàng nhưng khơi dậy nhiều ước mơ nồng cháy. Cây gắn liền với nhà, với mái ấm gia đình, là như vậy. Còn trái thì sao? Nó cũng có liên quan tới cuộc sống gia đình, đó là việc dệt cửi tằm tang. Trái soan già vừa chín, màu vàng, còn cứng, da láng như thoa mỡ. Trải nó trên nia, trộn trong tơ để kéo cho đỡ rối.
Như vậy, cây soan quá gần gũi với cuộc sống của phần lớn nông thôn ngoài Bắc. Cây soan bên thềm nhà, nói lên gia đình ổn định, đầy đủ, hạnh phúc. Nhớ nhà nhớ cả hàng soan. Người Đàng Trong miền Nam như tui làm sao mà cảm thông mà đồng cảm, và biết quí biết thương cây sầu đâu, nếu hổng biết được những tình tiết vừa nói ở trên.
Xin cảm ơn Nhạc sỹ Tuấn Khanh, qua bài nhạc bất hủ, đã gây cho tui nhiều thắc mắc vìa trái soan, hoa soan, mà từ nhỏ tui chỉ kêu là sầu đâu. Sau khi đã hiểu biết, tui phải hô lớn Hoa soan bên thềm cũ muôn năm. Rồi bổng nhiên tui lại tội nghiệp và nhớ thương cây sầu-đâu âm thầm ít nói ở quê tui làm sao đâu
Lâm Thành Hổ 2005
(bài được đăng trong trang mạng của nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long - Úc Châu)