Monday, August 22, 2016

CÙ LAO TÂN LỘC: QUYẾN RŨ CON THUYỀN XANH

Không ít bạn tôi cứ than khi có khách phương xa đến “nhà” không biết dẫn đi đâu chơi. Quanh quẩn vẫn là các điểm chợ nổi Cái Răng - Phong Điền, ghé các vườn cây ăn trái, hoặc đến tham quan nhà cổ Bình Thủy từng nổi tiếng là nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Người tình” của đạo diễn Pháp J. Annaud, hay qua khu du lịch Phù Sa cách trung tâm thành phố bằng chuyến đò ngang 10 phút. Anh Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty E.I Tourist, lại nghĩ khác: “Thật ra chịu tìm tòi, khám phá Cần Thơ cũng có nhiều điểm độc đáo lắm chứ. Cù lao Tân Lộc chẳng hạn...”. Cù lao Tân Lộc có gì hấp dẫn?


Tân Lộc là xã cù lao thuộc huyện Thốt Nốt, nằm vươn dài giữa dòng sông Hậu như một dải lụa, cách nội ô Cần Thơ 40km, đi theo tuyến đường bộ hoặc đường thủy đều thuận tiện. Song Giám đốc Công ty E.I Tourist Nguyễn Văn Hòa đưa ra ý kiến đi tàu mới tận hưởng được cái thú lênh đênh trên miền sông nước. Hành trình bắt đầu buổi sáng tinh mơ của những ngày cuối năm. Xuất phát từ bến Ninh Kiều, ngược dòng sông Hậu hướng về Long Xuyên (An Giang), xuôi qua vùng đất Ô Môn, chúng tôi thẳng tiến đến Thốt Nốt. Tàu phóng nhanh, gió thổi mạnh tạt nước bắn lên mạn tàu rào rào. Hơn một tiếng đồng hồ ngược dòng sông Hậu, cù lao Tân Lộc đã hiện ra trước mắt như một con thuyền xanh bồng bềnh trên sóng nước...




Theo lời những vị cao niên, cù lao Tân Lộc đã hình thành gần 300 năm, dân vùng lân cận đến khai khẩn đất hoang và định cư sinh sống khoảng 150 năm, tồn tại những tộc họ lớn như: Đoàn, Đỗ, Trần, Võ, Dư... Diện tích tự nhiên 3.260 ha, có chiều dài trên 20km, chiều rộng chừng 3-4km, Tân Lộc là vùng đất nằm giữa bốn bề sông nước nên khí hậu mát mẻ quanh năm, mùa nào cũng có gió thoảng qua, mỗi năm đều chịu ảnh hưởng lũ, đất đai phì nhiêu màu mỡ nhờ phù sa do nước lũ mang đến và lắng tụ.



Trong quá trình hình thành và phát triển, cù lao Tân Lộc gắn với nhiều tên gọi khác nhau: “Cồn cát”, “Hòn đảo ngọt”, “Làng cá”... Mỗi tên gọi của cù lao phản ánh một giai đoạn phát triển và nỗi niềm khao khát “đổi đời” vượt khó vươn lên của cư dân cù lao. Từ xưa, người ta gọi cù lao Tân Lộc là Cồn cát, bởi nó hình thành do phù sa trên sông Hậu bồi lắng tạo nên. Tuy nhiên, không ai xác định cù lao Tân Lộc có từ năm nào. Tân Lộc có một tên gọi khác là “Hòn đảo ngọt” khi nhạc sĩ Phạm Tuyên ngao du qua vùng đất này những năm sau ngày hòa bình lập lại, xúc động trước vẻ đẹp trữ tình của cánh đồng mía mênh mông và những con người lao động đã sáng tác bài hát “Quê ta có hòn đảo ngọt”. 




Trong bài hát, cù lao Tân Lộc được mô tả: “Trong như chiếc thuyền giữa dòng sông. Bồng bềnh, bồng bềnh vượt sóng nước Hậu Giang. Đong đưa, đong đưa thuyền ai lướt nhẹ nhàng. Ghé tới bờ cồn thấy mía lao xao...”. Sở dĩ, nhạc sĩ Phạm Tuyên gọi cù lao Tân Lộc là “Hòn đảo ngọt” vì từ những năm 1980, cù lao này đã rất giàu có với nghề trồng mía, nấu đường. Cả ngàn héc-ta đất bồi màu mỡ lao xao những cánh đồng mía. Thời hoàng kim, những năm 1993-1994, cù lao Tân Lộc có đến 248 cơ sở nấu đường và 150 lò nấu rượu mật. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ đánh dấu chấm hết cho nghề nấu đường bằng phương pháp thủ công ở Tân Lộc, khi mà hàng loạt nhà máy chế biến đường với công nghệ hiện đại ra đời khắp cả nước. Nhiều chủ lò đường rầm rộ chuyển hướng nuôi cá bè, cá ao. Thế là cù lao Tân Lộc có tên “Làng cá”... Một số cư dân quay lại ruộng rẫy và trồng cây ăn trái kết hợp làm du lịch.



Dọc hai bên bờ, từ đầu đến cuối cù lao hiện lên một màu xanh dịu mát, màu xanh của lục bình chen lẫn những rặng bần. Thích thú nhất là chúng tôi đi trên tàu chạy len lỏi vào lòng cù lao, lướt qua các kinh rạch ngoằn ngoèo, ngắm cảnh sinh hoạt êm ả của cư dân tưởng như đang ở một đảo xa cách biệt cái ồn ào của phố chợ; cập bờ tham quan các bè cá và tìm hiểu cách đánh bắt cá của người dân nông thôn bằng đăng, đó, vó, dớn, lờ, lọp... Đi sâu vào đất cù lao trên con đường nhựa từ ấp Long Châu đến ấp Tân Mỹ, là màu xanh bạt ngàn của những cánh đồng đậu nành xanh mướt, những vườn mận, vườn xoài đang trổ hoa ra trái, hòa cùng nhịp điệu của những chú cá tra quẫy lội dưới nước... Những sắc màu tươi mới, những âm thanh sống động ấy đan xen, hòa quyện vào nhau, tạo thành bức tranh giản dị mà đầy sức sống về xã Tân Lộc - một xã cù lao trên dòng sông Hậu.



Anh Võ Phú Huống, Trưởng ban Văn hóa Thông tin xã Tân Lộc, giới thiệu: “Hằng năm, nếu có dịp đến cù lao Tân Lộc vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch, bạn sẽ chứng kiến một sinh khí lễ hội rất đặc biệt. Từ sáng sớm, dọc theo con đường chính của cù lao Tân Lộc, dòng người cứ nối đuôi nhau không ngớt đổ về các vườn trái cây của ông Nguyễn Phú Tia, Huỳnh Phát Tân, Nguyễn Thành Nam... Trong dòng người đó, rất nhiều người đến từ Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp...về thăm ông bà cha mẹ và khu vườn xưa. Ở cù lao Tân Lộc này, người ta không chỉ nhớ ngày mùng năm tháng năm là Tết Đoan Ngọ, mà đó còn là Ngày hội trái cây”. Theo nhiều người dân nơi đây, Ngày hội trái cây của cù lao Tân Lộc xuất hiện vào những năm đầu 1990. Khi ấy, các xã vùng sâu chuyên về nông nghiệp lúa trúng mùa, trúng giá, bà con giàu lên đua nhau mua sắm xe đời mới. Sau khi gieo sạ xong, thanh niên nam, nữ rủ nhau đi chơi - vào tháng 5 âm lịch là mùa chôm chôm, mận, nhãn, táo chín oằn nhánh ở các vườn cây Tân Lộc. Họ đến thưởng thức trái cây, từng nhóm ca hát, giao lưu làm quen. Rồi những năm tiếp theo, trở thành tập quán cứ đến ngày mùng năm tháng năm âm lịch là khách hội tụ về cù lao Tân Lộc. Tiếng lành đồn xa, hằng năm, đến ngày mùng năm tháng năm có trên 20.000 lượt người đổ về các vườn cây Tân Lộc, từ 8 giờ sáng đến 9-10 giờ tối bằng xe gắn máy và xe đạp, trở thành Ngày hội trái cây. Ngày này, dọc các ngã đường dẫn vào các vườn cây Tân Lộc, người dân bày bán đủ các loại trái cây và dựng những biển mời khách tham quan vườn. Chừng 10 năm trở lại đây, Ngày hội trái cây có thêm ngày mùng hai Tết Nguyên đán.



Một nét đặc biệt là cù lao Tân Lộc có rất nhiều nhà cổ, phần lớn được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Những ngôi nhà này xưa là của các quan chức, địa chủ giàu có ở Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc về cù lao mua đất cất lên như là một nơi an dưỡng và nghỉ ngơi. Một số nhà cổ có người ở còn khá nguyên vẹn. Một số khác bị bỏ hoang nên đã bị hư hại, xuống cấp.



Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của ông Trần Bá Thế ở ấp Tân An, xã Tân Lộc. Vừa bước sang tuổi 88, Trần Bá Thế là hậu duệ (chắt ngoại) 8 đời của ông Phạm Văn Huấn, một trong những người khai phá vùng đất này, nguyên là cựu thần của chúa Nguyễn Ánh. Nhà ông Bá Thế do cụ thân sinh là ông hội đồng Trần Thiên Toại (Long Xuyên) xây dựng vào năm 1935. Nhà ông được kiến trúc theo phong cách phương Tây, nền bệ cao ốp đá xanh, trên các vòm cửa có phù điêu, hoa văn họa tiết trang trí. Ngoài thể hiện nếp nhà qua các gian thờ phượng: ở giữa thờ cửu huyền thất tổ, bên trái là ông bà, bên phải là cha mẹ, điểm độc đáo là ông Trần Bá Thế còn giữ được bảng “tông chi” 10 đời của họ tộc. Nhà ông giống như một bảo tàng cổ vật nhỏ: Tượng ba ông Phước - Lộc - Thọ bằng đá đứng khoan thai ở bàn tiếp khách như chúc mừng những người đến thăm nhà cổ. Trên trần có treo những chiếc đèn lồng làm bằng gỗ có phong cách Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ 19, đèn măng-sông được thắp sáng bằng dầu lửa trắng bơm từ một bình hơi dẫn truyền đến nhiều ổ đèn, có cả đèn dầu lửa Hoa Kỳ dùng cho thợ mỏ vào những năm đầu thế kỷ 20... Ở Tân Lộc, gian nhà cổ nào cũng có nét độc đáo riêng, không chỉ ở kiến trúc đặc trưng mà còn ở những kỷ vật lưu truyền qua các thế hệ con cháu, cách bày trí trong nhà... nhưng đa phần đã hư hại nhiều. Anh Trưởng ban Văn hóa Thông tin xã Tân Lộc Võ Phú Huống nói: “Thỉnh thoảng có một vài đoàn nghiên cứu, khảo sát đến, nói rằng sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền tính chuyện bảo tồn, trùng tu nhà cổ...”.



Trời xế trưa. Ông chủ quán Vườn Nhãn gần bến phà Tân Lộc khuyên chúng tôi: Về Tân Lộc, ngoài các món ăn đặc sản về cá (bởi nơi đây vốn nổi tiếng là “Làng cá”), các bạn hãy thưởng thức món “anh hùng chiến bại” - cụm từ dùng để chỉ những con gà đá đã hết thời, sau khi thất trận không thể khôi phục lại phong độ. Xưa nay quen với gà luộc nếp xôi, gà xé phay trộn ghém, gà nướng lá chanh, gà nấu giấm, gà cà ri, gà tiềm... cũng nhiều, nhưng gà luộc sả thì mới lần đầu. Gọi là luộc nhưng có lẽ phải dùng từ hầm thì đúng hơn. Bởi theo lời chủ quán, nếu muốn gà ngon phải luộc (với sả và củ cải) không dưới 1 tiếng đồng hồ. Sau khi luộc đủ lửa, gắp một gắp cải bẹ xanh với lá mồng tơi nhúng vô nồi nước dùng đã đủ ngọt, dùng với thịt gà chấm nước mắm ớt thật cay hoặc muối ớt chanh. Hương vị quê mùa này chỉ để làm ấm lòng khách phương xa mới đến quê hương trong buổi xế chiều ngồi nhìn những xuồng ghe xuôi ngược trên sông. Thưởng lãm cái chất ngọt rất đậm, vừa giòn rụm vừa dai của món thịt “anh hùng chiến bại” mà nhấp ly rượu cay nồng, đúng độ (40-45 độ) màu trắng đục và có vị ngòn ngọt mùi mận của ông Nguyễn Phú Tia ngụ tại ấp Tân Mỹ, xã Tân Lộc, chủ vườn du lịch sinh thái Sơn Ca thì còn gì bằng...



...Chúng tôi rời cù lao Tân Lộc khi màn đêm từ từ buông xuống. Ánh điện bật sáng từ những nhà bè nhấp nhô trên sóng nước làm mặt nước sông Hậu lấp lánh, kỳ ảo. Cả cù lao hiện lên một màu xanh thẫm. Chúng tôi có cảm giác như đang đi trong thành phố nổi trên sông. Anh Võ Phú Huống mời với theo: Khi mùa mưa xuống, hãy trở lại Tân Lộc để cùng người dân địa phương đi săn cá bông lau. Thời điểm bắt được nhiều cá nhất là vào những ngày 14-15 hoặc 29- 30 âm lịch - đây là lúc nước rong, nước chảy mạnh, nhất là ban đêm lúc trời êm, xuồng ghe đi lại ít, cá thường đi ăn nên dễ bắt. Vậy mới thưởng thức hết cái thú khám phá miệt vườn, sông nước...



Một ngày đến với cù lao Tân Lộc, điều nuối tiếc của chúng tôi là không kịp ghé vào các vườn cây ăn trái, nhất là vườn Sơn Ca mà theo anh Võ Phú Huống giới thiệu thì thật là tuyệt vời với nào là tua du lịch ngủ vườn, nào là ăn trái cây thỏa thích cùng thưởng thức rượu Mận hương cù lao do chính ông chủ vườn Sơn Ca Nguyễn Phú Tia chế biến... Mặc dù rất háo hức, nhưng thời gian không cho phép nên chúng tôi đành tiếc rẻ bỏ qua. Song chúng tôi nghĩ, chưa kịp đi thăm vườn Sơn Ca cũng là một điều hay, vì như vậy cù lao Tân Lộc với chúng tôi vẫn như còn nhiều điều kỳ thú, chưa khám phá hết, hứa hẹn những chuyến đi lần sau thật là thú vị. Và miền cù lao sông nước này vẫn còn nguyên là niềm mong ước, là một địa danh mà chúng tôi mong lại có dịp được ghé qua.

Duyên Khánh
Video: Du lịch cù lao Tân Lộc