Friday, August 26, 2016

CHÚ HỎA VÀ HỆ SINH THÁI LÀM ĂN CỦA NGƯỜI GỐC HOA.

Khác với sự phức tạp của rất nhiều doanh nhân Trung Quốc hiện đại đang làm phiền não đối tác, doanh nhân người Việt gốc Hoa lại mặc nhiên được xã hội và cộng đồng làm ăn tại Việt Nam hết sức tôn trọng. Vì sao vậy?


Chú Hoả – người giàu nhất Đông Dương
Bây giờ, chuyện nổi tiếng nhất về chú Hoả mà người trẻ hay kể cho nhau nghe mỗi khi tình cờ đi ngang bảo tàng Mỹ thuật thành phố ở đường Phó Đức Chính, 99% là chuyện căn nhà này có ma. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàn Quân viết: “Hui Bon Hoa – tục danh “chú Hoả”, tên Tây là Jean Baptiste Hui Bon Hoa, tên thật là Huỳnh Văn Hoa (1848 – 1901) còn có tên là Tú Vinh, hiệu Tình Nham, nguyên tịch huyện Nam An, sau dời đến thôn Văn Táo, hương Hoà Sơn, Hạ Môn, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến.
Thất chí trong nghiệp bút nghiên, Huỳnh Văn Hoa mới theo nghề buôn bán. Tìm đến đất Sài Gòn làm công cho hiệu buôn, ông hùn hạp một số thương vụ, lần hồi tích cóp được số tiền vốn khoảng 100.000 đồng, mới mở riêng tiệm cầm đồ bình dân. Sau nhờ quan hệ với những người Pháp có thế lực mở thêm việc mua bán nhà đất. Ông trở thành đại phú gia, thành lập công ty Hui Bon Hoa, tài sản của công ty ở Sài Gòn – Chợ Lớn ước khoảng: 30.000 căn nhà phố, 13 tiệm cầm đồ”.


Và cổ nhân Vương Hồng Sển có đoạn: “Nói đến chú Hoả, tất nhiên phải nhắc lại đây các bang trưởng, chủ nhà máy, lò gạch, tiệm buôn lớn, những tay cự phú tuy làm giàu cho họ đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thạnh vượng kinh tế miền Nam…”
Có chăng một “hệ sinh thái làm ăn” của người Hoa?
Khái niệm “hệ sinh thái” (ecosystem) dùng trong kinh doanh dạo này hay được nhắc đến nhiều thông qua chuyện người Israel xây nguyên một bệ phóng cho các doanh nghiệp trẻ với định vị “quốc gia khởi nghiệp” nhưng nếu chịu khó nhìn ngó, thì tự thân các doanh nhân gốc Hoa ở Việt Nam cũng đã xây nên những nền tảng đáng kể cho công chuyện làm ăn của họ và con cháu.


Đầu tiên, đó là vai trò của các bang hội, tức là các “bang” và các “hội”. Không còn là những tổ chức mang màu sắc chính trị như thời Thiên địa hội của đời trước ông Vương Hồng Sển nữa, mà những bang hội sau này hoạt động như những thành luỹ gìn giữ giá trị văn hoá truyền thống của một cộng đồng người gốc Hoa chung một nguồn cội. Đó có thể là hội quán Phước Kiến của những người từ vùng giáp ranh Đài Loan sang miền Nam lập nghiệp, có thể là hội quán Triều Châu (hay Tiều Châu), hội quán Quảng Đông… Sau này, ranh giới địa lý của những bang hội này cũng dần xoá nhoà, họ sinh hoạt chung với nhau nhiều hơn, nhưng vẫn khá kín tiếng và ít giao du với người bên ngoài. Người bang trưởng, hay hội trưởng, là người đức cao vọng trọng trong cộng đồng, phải chăm lo nhiều thứ. Thường thì để làm chức này, người ta phải bỏ ra nhiều tiền để đóng góp cho cộng đồng và thay vì để lấy chức quyền thì họ lấy cái trách nhiệm và niềm tự hào được đóng góp cho cộng đồng.
Còn nhớ mỗi năm, khu hội quán Nghĩa An bên cạnh trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5 đều có tổ chức bán đấu giá những cái lồng đèn tuyệt đẹp để lấy tiền chăm lo đời sống và giáo dục cho con em gốc Hoa. Không giương cờ gióng trống hot boy hot girl hay trực tiếp truyền hình MC nổi tiếng gì cả, chỉ có những “đại bô lão” ngồi ghế, con cháu em út quây xung quanh trong một không gian ngập sắc màu, trang phục truyền thống. Nhưng con số cứ tăng dần, chục triệu, trăm triệu, rồi một tỉ, hai tỉ đồng được hô lên thu tiền ngay, làm chương trình công khai sổ sách ngay. Những cái tên khá quen như Trầm Bê hay còn xa lạ như một bà cụ đã già lắm được cẩn thận ghi chép lại, và họ cũng sẽ là những người được cộng đồng nhắc đến, được những người trẻ nhìn đó mà làm gương.


Bang hội này, giống như một lớp màn chắn, không cho những biến đổi quá nhanh của xã hội xông vào làm hỏng đi truyền thống của họ. Con cháu có thể đi học trường Hoa ngữ song song với trường Việt ngữ, được dạy những bài vỡ lòng về làm ăn theo kiểu công tử phải đi cọ thùng, và quan trọng nhất, họ được dạy bởi những bài học sống động của thực tiễn kinh doanh trong cộng đồng người Hoa.
Họ khởi nghiệp khác với người Việt, vì có cả một cộng đồng hỗ trợ: bạn hàng cho mua thiếu lâu hơn, các đàn anh trong nghề chỉ vẽ đôi đường và còn giới thiệu đối tác, người trong tộc luôn ủng hộ…
Triết lý làm ăn “bốn chữ”
Chữ “Tín”:
Chữ Tín (信) nghĩa là niềm tin, là giữ điều hẹn ước, kết hợp bởi bộ “Nhân” (イ) và chữ “Ngôn” (言); hội ý rằng người có đức tín thì lời nói của người ấy phù hợp với hành vi, nói sao làm vậy, để tạo niềm tin nơi người khác.
Chữ “Gia”
Chữ Gia (家) gồm có hai bộ phận: bộ miên 宀 ở phía trên nghĩa là “mái lợp trùm nhà ngoài với nhà trong” và bộ thỉ 豕 ở phía dưới nghĩa là “con lợn” – hình ảnh của việc nông nghiệp, cũng là hình ảnh của sự no đủ.
Chữ “Cần”
Chữ Cần (勤) là một chữ thuộc bộ lực 力, chỉ các khả năng, sức lực của con người, hợp với chữ cận 堇 nghĩa là lấm lem bùn đất, để chỉ việc dùng hết sức lực, sự làm việc siêng năng.
Chữ “Tương”
Chữ Tương (相) gồm có chữ 木 là mộc (gỗ) và chữ 目 là mục – nghĩa là con mắt. Cái cây mà có con mắt thì để nhìn ngắm, để nương tựa nhau mà cùng vươn lên.


Lớn lên trong không gian người Hoa
Không phải ai cũng làm ăn thành công, trở thành ông to bà lớn. Nhưng chắc chắn làm ăn theo nguyên tắc của người Hoa thì không bao giờ sợ đói nghèo. Chuyện kể rằng có một phụ nữ xứ Bắc vào Nam từ năm 1954, vô tình sống trong nguyên xóm người Hoa, nên bị “lây” cách làm ăn này. Bà bán một quán tạp hoá nhỏ, tranh thủ làm thêm món “sic pao” – trong tiếng Quảng Đông nghĩa là “bịch nước đá”, một dạng giống như yaourt hay sinh tố vô bao nhỏ, bỏ ngăn đá tủ lạnh cho đông cứng lại. Bà bán theo dạng “kêu cửa”, ai mua gì thì kêu một tiếng, sẽ có người đem ra. Quay qua quay lại cũng tới 30 năm, ghé lại chơi, thấy bà vẫn tỉ mẩn ngồi nấu nước sôi để pha những “bịch nước đá” nhỏ xíu này. Hỏi sao không xài luôn nước máy cho lẹ, bà sa sầm mặt: “Làm ăn vầy có mà đi ăn xin!
Cái cách bà ngồi nấu nước sôi, cũng y chang kiểu ông bán chè trên đường Nguyễn Thái Bình đứng đếm từng trái bạch quả, từ muỗng bo bo nhỏ xíu cho vô ly chè để đảm bảo ly chè ngon nhất, đầy đủ nhất. Nó lại làm liên tưởng tới hình ảnh ông Lương Vạn Vinh – ông vua nước rửa chén lụi cụi đi sắm cái xô, cái khăn để bày khách hàng dưới quê sử dụng sản phẩm mới của Mỹ Hảo là nước giặt đồ. Nghĩ thêm chút nữa thì nó cũng y chang chuyện ông Cổ Gia Thọ, đã là chủ gia sản khổng lồ của Thiên Long, vẫn ngồi chờ công nhân thi công cho xong bảng quảng cáo của công ty ở Myanmar, lúc đó trời đã gần sáng. “Hồi xưa 12 giờ đêm tôi mới bắt đầu xách cái xe máy cà tàng của mình đi giao hàng, giờ mình ngồi coi thôi mà, mệt chút xíu nhưng đảm bảo nó đúng như ý mình, chứ không thôi đi ngủ cũng không có an tâm”, ông cười, hiền lành và giản dị.


Chị Minh Cúc, chỉ có 50% dòng máu Hoa trong người, lại không sống cùng cộng đồng, nên tiếng Hoa chỉ nghe được loáng thoáng, và bị la là “mất gốc”. Chị bèn đi học cử nhân tiếng Hoa chính quy luôn. Giờ chị mở một dịch vụ kết nối mấy chục tiệm ăn, quán bánh có trên 30 năm của người Hoa Chợ Lớn để bán trên mạng. Món quen thì dễ rồi, lâu lâu có giới thiệu món mới thì thường không bán liền mà xách tới tặng kèm cho khách ăn thử. Có lần, đặt chị làm cho mấy hũ dưa muối, tới trước ngày giao hàng, chị lật đật chạy tới xin lỗi, nói mẻ này không ngon, thôi ráng chờ tuần sau, chị sẽ bù thêm vì: “bán buôn, ăn uống thì phải đàng hoàng…”
Kiên Chinh
(Sưu tầm trên mạng)