Có lẽ tên gọi loài cây này bắt nguồn từ chùm trái của nó, giống như ruột động vật chăng? Thực ra, loài cây này có nguồn gốc từ vùng Madagascar và phổ biến khắp vùng Đông Nam Á, cây có thể cao lớn cả chục thước.
Trái có hình dáng tương tự như bí rợ (bí đỏ) nhưng kích thước nhỏ hơn rất nhiều, chỉ cỡ ngón tay cái người lớn. Trái chùm ruột có loại chua thanh gọi là chùm ruột chua, có loại chua nhưng pha lẫn vị ngọt gọi là chùm ruột ngọt. Chùm ruột ra hoa vào đầu hè và kết trái mọng nước mấy tháng sau đó.
Hiện nay, nhiều người chọn trồng chùm ruột làm bon sai, cây cảnh bởi dáng vẻ độc đáo của nó. Nhưng có lẽ do các cành chùm ruột khá giòn nên phải tốn nhiều công sức cắt, tỉa.
Từ lâu, trái chùm ruột được dân gian tận dụng trong nghệ thuật ăn uống thường nhật. Trái chùm ruột chín vàng hái về đâm lấy nước pha thêm đường là thứ giải khát, giải nhiệt trong những ngày hè oi bức.
Trái chùm ruột đâm nát để làm nước mắm chua, cay, ăn với cá nướng, tép luộc. Cầu kỳ hơn người ta đem chùm ruột kho với cá. Cá rô, cá trê làm sạch để ráo, ướp với đường, nước mắm, bột ngọt, lựa chùm giuộc chín lặt sạch. Chờ cho cá thấm bắt lên bếp kho nhỏ lửa. Khi cá sôi, hớt sạch bọt rồi chùm ruột vào kho tiếp. Chùm ruột chín, nước chua của nó sẽ làm cho nồi cá kho dịu lại, chua chua mà lại ngọt ngào ngon miệng.
Rau mọc hoang trong các ao đìa như kèo nèo, rau mác, rau cần nước,… hái về chấm cá kho chùm ruột bên nồi cơm nóng vừa dân dã vừa đậm đà tình nghĩa quê hương.
Lá chùm ruột cũng hái về chấm cá, mắm kho, đặc biệt món cá lóc nướng trui, ít khi nào trong dĩa rau rừng lại thiếu lá cây này. Lá chùm ruột cũng được dùng để gói nem, món ăn đã trở thành đặc sản vùng Lai Vung – Đồng Tháp.
Khi đến tết hay nhà có đám tiệc người ta lại dùng chùm ruột làm mứt. Chùm ruột chín lựa trái đều nhau, lăn sơ trên thớt cho chùm ruột dập, nước chua chảy ra bớt, rửa lại mấy lần với nước muối rồi nước lạnh. Để chùm ruột ráo, thì bắt chảo lên thắng đường rồi cho chùm ruột vào sên. Chùm ruột chín thấm đường ngả sang màu đỏ thẫm nhìn rất đẹp mắt. Bỏ trái mứt chùm ruột vô miệng với vị vừa chua, vừa ngọt nhấp chung trà sen tỏa khói đàm đạo chuyện thế sự, chuyện mùa màng, gia đạo quả là lắm điều thú vị dành cho các bậc cao niên.
Đối với y học cổ truyền, nhiều bộ phận trong chùm ruột được tận dụng đề trị các bệnh thường gặp. Trái chùm ruột có vị chua, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, bổ gan, bổ máu, lá cây dùng đun nước tắm để chữa lở, mề đay.
Lá và rễ có tính nóng, rễ độc, có tác dụng làm tan ứ huyết, tiêu độc, tiêu đờm, sát trùng, đặc biệt chống độc đối với nọc rắn.
Dân gian thường hay dùng vỏ chùm ruột để ngâm rượu. Phơi khô vỏ thân cây, tán thành bột mịn, cho rượu trắng nồng độ cao để ngâm trong 10 ngày là sử dụng được.Vỏ thân cây có khả năng tiêu hạch độc, ung nhọt, tiêu đờm, trừ tích ở phế. Rượu ngâm vỏ thân cây nhỏ vào tai chữa thối tai tiêu mủ, bôi chữa ghẻ, loét, vết thương chảy máu ngoài da, ngậm chữa đau răng, đau họng.
Nhưng phải hết sức chú ý bởi phần vỏ cây và rễ chứa nhiều độc tố. nên tuyệt đối không được uống, hay tiếp xúc bằng đường miệng. Dân gian cho rằng lá chùm ruột, trái chùm ruột không thể thiếu kho ăn cá, tép nướng, nhưng tuyệt đối không ai bẻ nhánh chùm ruột làm gắp để nướng cả, vì nếu ăn phải chất nhựa trong da cây này nhẹ thì cũng choáng váng, nhức đầu, nặng hơn sẽ đau bụng dữ dội và nguy kịch đến tính mạng.
Ngoài ra những người mắc bệnh gout và sỏi thận không nên ăn chùm ruột, vì trái chứa nhiều a xít oxalic.
Bên cạnh đó, người ta cũng có thể dùng trái chùm ruột ngâm rượu để nhâm nhi trong bữa cơm vừa giúp tiêu hóa, lại ngon miệng.
"Chung rượu chùm ruột ngọt nồng
Chút tình dân dã khiến lòng bâng khuâng" – Ca dao
Theo Hai Miệt Vườn (Dân Việt)
No comments:
Post a Comment