Saturday, August 27, 2016

TÂM ĐÁ

Hogen, một thiền sư Trung quốc, sống một mình trong một ngôi chùa nhỏ ở nhà quê. Một ngày nọ bốn vị sư đi đường ghé qua và xin đốt một đông lửa trong sân chùa để sưởi ấm.
Trong khi họ đang đốt lửa, Hogen nghe họ tranh luận về tính chủ quan và khách quan. Hogen nhập bọn và nói: “Đây là một viên đá lớn. Các bạn nghĩ là nó ở trong tâm mình hay ở ngoài tâm mình?”

Một trong bốn vị sư trả lời: “Theo quan điểm Phật giáo, mọi thứ đều là dự phóng của tâm, cho nên tôi nghĩ là viên đá ở trong tâm tôi.”
“Đầu của anh chắc phải cảm thấy nặng lắm,” Hogen nhận xét, “nếu anh mang viên đá như vậy trong tâm anh.”



Bình:

• Nếu cầm viên đá gõ vào đầu mấy cái, chảy máu đầu và sưng u một cục, thì ta biết ngay viên đá ở trong tâm hay ngoài tâm.
Nhưng người ta vẫn nói viên đá ta thấy chỉ là dự phóng của tâm ta, vì viên đá thì có đó, nhưng ta chỉ thấy điều gì tâm ta thấy—chỉ mặt ngoài và hình dáng của viên đá, đẹp hay xấu, màu sắc thế nào…
Chuyên gia về đá có thể thấy những điều người khác không thấy.
Chuyên gia về trang trí nhà cửa có thể thấy trong viên đá nét thẩm mỹ người khác không thấy.
Triết gia, thi sĩ… mỗi người nhìn viên đá và thấy những y’ nghĩa, những nét khác nhau…
Mỗi người chúng ta chỉ thấy một phiên bản khác nhau của cùng một viên đá.
Cho nên, viên đá thì có đó, đó là khách quan, nhưng “viên đá ta thấy” chỉ là một phiên bản trong tâm ta, đó là chủ quan.
• Vì cái “biết” chỉ là một phiên bản chủ quan, không đầy đủ, của ta, cho nên cái “biết” của mỗi người rất tương đối. Ví dụ: Ta biết “ông An” qua một phiên bản ông An của ta, những người khác lại thấy ông An khác ta, qua phiên bản ông An của riêng họ. Mọi phiên bản đều không đầy đủ, cho nên không nên tranh nhau như người mù sờ voi. Cũng không nên cố chấp về cái “biết” của mình.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)