Bạn hiền,
Đêm hôm trước tôi hứa kể bạn nghe câu chuyện con khỉ đột sợ thoái hoá thành con người. Bạn không tin chuyện ấy có thật. Nói cho đúng, tôi không cố tình thuyết phục bạn tin chuyện ấy có thật. Tôi chỉ muốn bạn thấy chuyện ấy có lý. Nhưng bạn cũng không thấy chuyện ấy có lý chỗ nào cả. Bạn nói từ thời ông Darwin đến nay ai cũng tin rằng khỉ tiến hoá lên người. Chứ đâu có ai nói khỉ thoái hoá xuống người, hay người tiến hoá lên khỉ?
Thật tình tôi chưa biết phải làm sao để thuyết phục bạn. Có lẽ tốt nhất bạn hãy nghe tôi kể câu chuyện ấy đã, rồi chúng mình mới thong thả vừa nằm vừa đàm luận chơi vui nhé. Chuyện ấy có nhan đề "Những con khỉ bất bình" do văn hào Tây Ban Nha Rafael Pérez Estrada (1934-2000) kể. Chuyện thế này:
Ta có thể nhìn thấy hình ảnh Thiên Đường Đã Mất trong trí tưởng tượng khốn khổ của một bầy khỉ ở vùng rừng già Amazon. Chúng khóc lóc suốt ngày suốt đêm trước mối nhục rằng một ngày nào đó -- trong đà thoái hoá của chủng tộc -- chúng phải trở thành con người. Những cử chỉ vụng về và đầy ác ý trong cách chúng đối xử với nhau khi tranh cãi cho thấy thấp thoáng tính khí của con người. Nhiều con khỉ trong bầy từ chối sinh sản. Chúng trở nên phờ phạc rã rời, mặc cho chuỗi ngày trôi qua, hết hừng đông rồi đến chiều hôm, không còn thiết tha gì nữa. Trong lúc đó, những con khỉ khác chăm chú theo dõi bầy con của mình, và giết chết ngay những con nào thoáng biểu lộ một chút trí khôn.
Bạn thấy sao? Chuyện hay đấy chứ? Nhưng bạn vẫn thấy nó không có lý! Bạn hiền ơi, tôi lại thấy câu chuyện rất có lý. Này nhé, theo bạn thì tiến hoá là gì? Phải chăng tiến hoá là càng ngày càng trở nên hiểm độc, hung tàn, gian ác, hiếu chiến? Nghĩa là càng ngày càng dã man hơn? Phải chăng tiến hoá là càng ngày càng đến gần vực thẳm của sự diệt chủng và tận thế? Bạn hãy thử so sánh đời sống của loài khỉ trong rừng Amazon với đời sống của loài người trên khắp trái đất này. Theo bạn thì đời sống nào chết chóc, đau khổ nhiều hơn? Đời sống nào nhiều cạm bẫy hiểm độc hơn? Đời sống nào có sự tàn sát lẫn nhau nhiều hơn? Đời sống nào có nhiều cá nhân tự sát hơn? Đời sống nào nhiều tuyệt vọng hơn?
Từ lúc tôi mở mắt chào đời cho đến nay, ngót nửa thế kỷ, dường như chưa có một ngày nào nhân loại ngừng giết hại nhau. Từ một con hẻm tối tăm trong khu phố ổ chuột, cho đến một văn phòng nguy nga của một lãnh tụ chính trị, nơi nào cũng có thể chứa chấp hận thù và những âm mưu tiêu diệt đồng loại. Vì tình. Vì tiền bạc. Vì thực phẩm. Vì danh vọng. Vì lý tưởng. Vì giáo điều. Vì niềm tin. Vì tất cả những gì được gọi là tầm thường nhất và được gọi là cao cả nhất.
Vâng, loài người luôn tự cho mình là có trí khôn lớn nhất trong muôn loài. Nhưng với cái trí khôn đó, loài người càng ngày càng tiến gần đến vực thẳm. Giở lại sách vở của loài người mà xem. Rất hiển nhiên, càng ngày loài người càng ưu tư nhiều hơn về sự tận thế, và để tránh điều đó, càng ngày loài người càng ra sức chế tạo thêm những khí cụ cực kỳ tinh vi và cực kỳ bạo liệt có khả năng gây nên sự tận thế. Phải chăng cái trí khôn của loài người lại là vũ khí cho chính loài người tàn sát nhau và tự sát?
Văn hào Rafael Pérez Estrada rất có lý khi cho rằng loài khỉ xem trí khôn là dấu hiệu của sự thoái hoá chủng tộc. Trí khôn làm sinh ra ác ý. Ác ý là động cơ dẫn đến sự tàn sát và tự sát.
Sao bạn ngồi im lìm thế? Băn khoăn về một viễn ảnh đen tối của loài người? Sợ rồi đây Đệ Tam Thế Chiến sẽ bùng nổ? Sợ những kho vũ khí nguyên tử sẽ được loài người cuồng nộ mang ra sử dụng để giết nhau và tự giết mình?
Đấy, tôi đã bảo rồi mà! Trước sau gì bạn cũng phải chịu rằng văn hào Rafael Pérez Estrada là có lý. Tất nhiên là ông ấy bịa chuyện, chứ làm sao ông ấy biết những con khỉ trong rừng Amazon đang suy nghĩ về điều gì. Nhưng bạn phải công nhận rằng ông ấy bịa chuyện rất hay. Chúng mình vẫn tưởng rằng con khỉ phải nhọc nhằn khao khát tiến bộ thêm nhiều triệu năm nữa thì hoạ may mới rụng được cái đuôi, mới đi được thẳng lưng để tiến lên làm con người. Thế nhưng, văn hào Rafael Pérez Estrada lại cho rằng con khỉ không muốn thế. Khỉ không muốn thành người. Khỉ muốn được muôn đời là khỉ, để khỏi phải sa xuống cái vực thẳm của trí khôn và ác ý như con người.
Có lý quá phải không? Và nếu thế, từ nay chúng mình chớ nên xúc phạm loài khỉ bằng cách nhiếc móc người khác bằng câu: "Đừng giở trò khỉ!" Ngược lại, nếu muốn nhiếc móc, thì hãy dùng câu: "Đừng giở trò người!"
Bạn hiền nói sao? Bạn hiền chán những trò chiến tranh, mưu mô đầy trí xảo và dã tâm của con người lắm rồi phải không? Bạn hiền yêu hoà bình, yêu cuộc sống êm đềm đơn giản, muốn rời bỏ xã hội chen chúc này để về giữa thiên nhiên..., phải không? Bạn thật xứng đáng được khen ngợi, và có lẽ không lời khen nào hay bằng câu: "Thành thật cảm phục trò khỉ của bạn!"
Vâng, đúng rồi, tôi nói đùa đấy. Nhưng chẳng phải lời khen ấy sẽ khiến bạn mất ngủ đêm nay hay sao? Bạn hiền ơi, đã lỡ làm người rồi thì kể như thiên đường đã mất. Để tiến hoá thành loài khỉ trong rừng Amazon chẳng phải dễ dàng đâu! Nhưng thôi, đừng suy nghĩ lao lung nữa. Hãy ngủ một giấc ngon đêm nay. Lần tới tôi sẽ kể hầu bạn một chuyện khác, không phải về những con khỉ, mà về những con người thích bắt chước. Một kiểu bắt chước rất "người", nghĩa là rất bá láp, chứ không phải là bắt chước hồn nhiên, rất "khỉ".
Ngoạ Đàm
(Sưu tầm trên mạng)