南交學祖 - NAM GIAO HỌC TỔ
Đến đền thờ Sĩ Nhiếp ở thôn Tam Á, không ai tránh khỏi những rờn rợn khó tả. Nhưng tuyệt nhiên không phải rợn bởi khí u tịch đình đền mà bởi trong đền ấy thờ một "ông tổ" của nghề dạy học nước Nam. Hơn 1.700 năm đã trôi qua từ thời Tam quốc Thục - Nguỵ - Ngô phân tranh giằng xé be bét thì mộ Sĩ Nhiếp đến nay vẫn nằm yên giữa vùng đất kinh đô một thời vàng son ấy.
Với lịch sử hàng nghìn năm Bắc thuộc, dân nước Nam ít ai phục lòng quan quân phương Bắc nhưng với Sĩ Nhiếp lại là một ngoại lệ. Như lời nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Sĩ Nhiếp độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương".
Hoặc như lời của ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, rằng: "Nếu không kính không phục thì mộ cốt của Sĩ Nhiếp thái thú chẳng thể tồn tại nơi đất Việt".
Nhưng Sĩ Nhiếp là ai? Chỉ biết đó là một thái thú đất Giao Chỉ, chức quan ấy tựa như toàn quyền thời Pháp. Nhưng thử đi sâu trích ngang lý lịch của Sĩ Nhiếp mới thấy gia tộc ông gắn bó với đất Giao Chỉ thế nào.
Sĩ Nhiếp sinh năm 137, tuy là người gốc Hoa nhưng ông lại sinh ra trên đất Việt. Ông là hậu duệ đời thứ 7 của một viên quan người nước Lỗ thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Như vậy, lịch sử sau này không ghi rõ nhưng đến đời Sĩ Huy con trai Sĩ Nhiếp thì gia đình ông đã 8 đời an cư nơi đất Việt.
Tiếng là người Hoa nhưng những tập tục và cả lối sống thuần Việt đã ngấm trong người Sĩ Nhiếp. Ông dạy dân cày cấy, khai mở lập làng và giúp cho kinh đô Luy Lâu cả mấy chục năm phồn thịnh. Nhưng cái công lớn của Sĩ Nhiếp khi đương chức có lẽ là tài nội trị ngoại giao giúp cho Giao Chỉ không lầm cảnh chiến tranh tàn khốc đương lúc Tam quốc tranh hùng.
Là thái thú thuộc nước Đông Ngô dưới quyền cai trị tối cao của Tôn Quyền nhưng với dân Giao Chỉ thì Sĩ Nhiếp trở thành Vương. Cho nên sau này, khi biên sử kim sách, các nhà sử học nước ta đều gọi Sĩ Nhiếp là Sĩ Vương.
Ông "đốc học" đầu tiên
Ông Lê Viết Nga, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh rành mạch rằng: "Đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á là một di tích cực kỳ quan trọng. Ẩn sau tam quan đền là cả một câu chuyện dài. Nhưng ở đây chúng ta không phải thờ Sĩ Nhiếp trong vai một thái thú mà với vai trò là một ông tổ của nghề dạy học".
Tam quan đền thờ Sĩ Nhiếp, phía ngoài hướng vào nhìn chếch lên bên trên có bốn chữ Nho với nét bút lẫn cả lối chân lối khải. Bốn chữ là Nam Giao Học Tổ, hỏi ra mới vỡ lẽ đó là danh hiệu mà các vua nước ta ban cho Sĩ Nhiếp qua 33 đạo sắc phong nay còn đủ cả.
Là ông tổ của nghề dạy học nên chính Sĩ Nhiếp đã tự tay dạy dân ta chữ Hán. Sau này, khi Trung Quốc loạn lạc, các Hán thần vì muốn lánh nạn cũng chạy xuống Giao Chỉ nương nhờ Sĩ Nhiếp. Nhiếp cho họ ăn ở và cũng nhờ những nho sĩ này truyền dạy chữ Hán cho con dân đất Việt.
Sĩ Nhiếp trở thành một người thầy lớn, một ông "đốc học" với công lao lập ra hàng chục làng nghề liên can đến chữ nghĩa văn chương. Chẳng đâu xa, ngay gần thành Luy Lâu ngày nay, các làng ấy như đúc đồng, canh cửi, làng tranh, làng chế mực viết và chùa Bình - nơi Sĩ Nhiếp dựng lên để ngày hội tụm lại bình văn thi thơ.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải ai cũng đồng ý cho rằng Sĩ Nhiếp là ông tổ của nghề dạy học của nước ta. Như trong Việt sử lược có đánh giá: "Khi nhà Hán cai trị đất Giao Chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao Chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có Nho học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được cái tiếng làm học tổ ở nước Nam, tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn".
Dẫu việc gọi Sĩ Nhiếp là Nam Giao Học Tổ cho đến ngày nay còn nhiều tranh cãi, nhưng giới học giả nước ta đều công nhận công lao của ông "đốc học" Sĩ Nhiếp trong việc phát triển nền Nho học, mà mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX mới phai tàn.
Chuyện từ cụ Thủ từ
Thủ từ đền Tam Á hiện thời là cụ Ngô Đức Hoè năm nay đã ở tuổi 75. Cái chức thủ từ đền Sĩ Nhiếp mà theo cụ Hoè gần như là cha truyền con nối theo lệ làng từ xưa.
Đền Tam Á xây bao giờ thì chẳng ai biết. Người ta bảo, hình như từ khi ông Sĩ Nhiếp xuôi tay dưới ba tấc đất cũng là lúc dân lập miếu lập đền. Bao nhiêu năm cứ bão dập mưa vùi thì người ta lại cơi nới tu bổ thêm. Ông Hoè vừa cung kính mở cửa hậu cung cho tôi thắp hương vừa kể chi tiết như ông từng trải qua từng chuyện.
Như đứng bên mộ Sĩ Nhiếp bên phía hữu đền thờ, ông Hoè bảo có lần quân Chiêm Thành đánh phá Luy Lâu mới quật cả mồ Sĩ Nhiếp. Thấy khí sắc Sĩ Nhiếp gần 200 năm dưới lòng đất mà vẫn như đang ngủ nên hoảng quá đành lấp lại mà lui binh về nước.
Bên cửa mộ Sĩ Nhiếp có một con cừu Ấn Độ án phía bên trái lối vào. Tôi thắc mắc nên ông Hoè cũng rành chuyện: "Trước đây có một đôi cừu do các cao tăng người Ấn Độ hiến tặng khi Sĩ Nhiếp qua đời. Nhưng một con cừu vì hay chạy đi phá phách hoa màu nên bị dân làng Dâu bắt lại coi chùa".
Chuyện hơi mê tín nhưng ông Hoè chẳng ngần ngại: "Trước kia, cây cối quanh mộ Sĩ Nhiếp rậm rạp lắm. Nhưng lạ nhất là không có một cành một lá nào mọc đua vào lăng. Tất cả cành to cành nhỏ đều mọc hướng ra phía ngoài. Trước đây, đền cũng bị một số kẻ tham đến đánh cắp vật này vật nọ nhưng cuối cùng đều phải trả lại".
Hay như thời Pháp thuộc xảy ra một chuyện mà ngay đến các cụ lão thành cách mạng còn nhớ. Đó là khi đền Tam Á còn nhiều cây cối nên Việt Minh đến ẩn nấp khiến quân Pháp phải điên đảo lùng sục. Ban đêm chúng quấn rơm quanh đền định đốt rụi hết nhưng bất chợt nghe tiếng vó ngựa chạy rầm rập cùng tiếng hí vang, tiếng quan quân quát nạt. Hai viên quan chỉ huy Pháp cùng quân lính mới chạy tán loạn không dám đến gần đền Sĩ Nhiếp nữa.
Cụ thủ Ngô Đức Hoè bảo, chuyện về đền Sĩ Nhiếp thì nhiều không kể xiết. Nhưng cái quý bây giờ là mọi người mọi nhà ở Tam Á đều hiếu học theo gương Tổ làng. Trong căn phòng nhỏ bên phải đền thờ là nơi học chữ Hán của người Tam Á. Dòng chữ Hán còn viết dở trên bảng phấn:
與君一夜話
勝讀十年書
Dữ quân nhất dạ thoại
Thắng độc thập niên thư.
Ông Hoè tạm dịch: Trò chuyện với nhau chỉ một đêm/Mười năm đọc sách cũng không bằng.
Thái Trần
---------
Tôi có coi về tiểu sử của ông và tham khảo thêm bên tài liệu TQ nên thêm 3 phần chú thích để các bạn hiểu thêm:
1. Người TQ cũng có câu tương tự:
- 共君一夜话,胜读十年书 (Cộng quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư)
- 同君一夜话,胜读十年书 (Đồng quân nhất dạ thoại, thắng độc thập niên thư)
(theo Tục ngữ đại toàn - 俗语大全)
Xin tạm dịch:
"Một đêm hầu chuyện với anh
Mười năm đọc sách cũng đành chịu thua"
2. "Đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á được công nhận di tích lịch sử từ năm 1964. Hiện nay, ở chùa Dâu xã Thanh Khương thờ một bức tượng không đầu, đó là Sĩ Huy con trai Sĩ Nhiếp. Sĩ Huy vì bất tuân nên bị triều đình phương Bắc chém đầu đem thủ cấp về Kinh Châu".
Lê Viết Nga (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh)
3. Sĩ Tiếp (Hán tự: "士燮" hoặc "士爕") (137-226), có khi bị gọi sai là Sĩ Nhiếp, là thái thú cai trị đất Giao Chỉ (nay tương ứng với miền Bắc Việt Nam) vào thời Bắc thuộc từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc). Ông được coi là một vị quan cai trị có tài và được giới Nho học phong kiến Việt Nam sau này suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam.
Tên gọi của nhân vật này trong thư tịch Hán văn cổ được ghi dưới hai dạng là "士燮" và "士爕". Hai chữ 燮 và 爕 có cùng âm đọc và ý nghĩa, chỉ khác nhau về tự dạng. 爕 là tục tự (thể chữ viết trái quy phạm lưu hành trong dân gian) của chữ 燮. Chữ 爕 khác với chữ 燮 ở chỗ nửa bên dưới của nó là chứ "hỏa" 火 chứ không phải là chữ "hựu" 又.
Ngày nay trong tiếng Việt nhân vật này thường bị gọi sai tên là "Sĩ Nhiếp". Phiên thiết của chữ "燮" trong các sách vận thư của Trung Quốc đều cho âm đọc là "tiếp". Trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", bộ sách sử của Việt Nam được biên soạn vào triều Nguyễn, chữ 爕 trong tên gọi của nhân vật này cũng được chú âm đọc là "tiếp".
(theo Wikipedia)
No comments:
Post a Comment