Chúng ta đều đã biết, vấn đề “nói” đối với người Nam bộ rất quan trọng. Quan trọng đến mức có cả một “lễ nói”. Lễ này được tổ chức rất trọng thể, có thết tiệc đãi đằng thịnh soạn, người đến dự không phải “đi tiền” hay tặng quà, nên gọi “đám nói “. Lễ nói được diễn ra trước khi hai họ chính thức tiến hành tác hợp việc hôn nhân cho mỗi đôi trai gái.
Trong xử thế tiếp vật, mỗi người đều “phải học ăn học nói” rồi mới “học gói học mở”. Trong dân gian, họ nói những gì cần nói, rất rõ ràng, và thường là đi thẳng vào vấn đề chứ không văn vẻ, cũng không thích lý luận vòng vo.
Trong chiều hướng đó, người Nam bộ có hàng trăm cách nói với những biểu cảm, thái độ khác nhau tùy tình huống.
Về cung cách xưng hô, cũng trong tinh thần “3 ngôi”: bản thân (tôi, ta); đối tượng tiếp xúc (anh, chị, mầy); và người thứ ba được đề cập đến (nó, họ), nhưng tiếng dùng thì chẳng những vô cùng phong phú mà còn thể hiện rất rõ nét cá tính người Nam bộ.
Chẳng hạn, ở ngôi thứ nhất, ngoài cách lấy cương vị mình để xưng với đối tượng (nhưng đối với con thì xưng là cha, tía, ba, má, mẹ, dì...), chung nhất, người ta xưng: tôi, ta, tao, qua, mình, đây, kẻ này, v.v... ở ngôi thứ hai thì: mầy, bây, bậu, bạn, anh (chị, em, con, cháu) cưng, vị...; hoặc gọi tên hay chỉ gọi thứ (hai, năm, bảy... mà không cần nói đủ là anh hai, cô năm, chú bảy), v.v... ở ngôi thứ ba thì: họ, nó, hắn, gả, ổng (bả, cổ, dỉ...), nhà (hoặc ở nhà), anh ta (ông ta, cô ta...)v.v... Đó là số ít. Nếu số nhiều thì thêm: chúng, lũ, bọn, đám, tụi, họ, v.v...
Ngoài ra người Nam bộ còn dùng một từ (tiếng) để chỉ chung cho cả ba ngôi như: mình, ai chẳng hạn. Thí dụ: “Điều đó mình không thể làm được” (tiếng mình có nghĩa là tôi; cũng có nghĩa là tôi và anh; và cũng có nghĩa là tôi, anh và họ). Hoặc:
Ai về Châu Đốc (gọi người khác)
Cho tôi nhắn bạn ngọc đôi lời
Từ khi đi góc bể chân trời
Ai vui hoa nguyệt (gọi/ chỉ người thương của cô ta)
Ai vùi phấn son (cô ta).
Trong xưng hô, người Nam bộ không dùng tiếng cậu để gọi người nữ mà chỉ dùng để gọi anh hoặc em của mẹ, và người nam nhỏ tuổi hơn mình (cậu em).
Càng đặc biệt hơn là người miền Nam không gọi người con trưởng là con cả, mà bất luận nam hay nữ, người ta bắt đầu kể tính là thứ hai (rồi thứ ba, thứ tư.., cuối cùng là thứ út).
Vì sao người Nam bộ không gọi con trưởng là con cả?
Có người giải thích, ở miền Nam không gọi con đầu lòng là con cả vì kiêng trùng “thứ cả” của hoàng tử Cảnh, con của Gia Long. Lý giải như vậy e khiên cưỡng chăng? Bởi lẽ nào dân gian cử thứ mà không cử tên? Trên thực tế, ở miền Nam có vô số người tên Cảnh, hoặc hơn thế nữa, tên Ánh ( Nguyễn Ánh), tên Long (vua Gia Long), hoặc các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Vậy thì duyên do nào? Tục lệ có thể bắt đầu từ câu chuyện cách nay đã trên 200 năm...
Căn cứ vào gia phả của Nguyễn tộc (phủ thờ tại ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thì gia đình cụ Nguyễn Văn Núi gốc người Bình Định vào Nam năm nào không rõ, chỉ biết trước khi định cư ở Cù lao Giêng, họ đã có thời gian sinh sống trên một vùng đất ngang đó, bên kia bờ của một nhánh sông Tiền, nay có tên là xã Mỹ An. Đó là nơi mà trước kia hãy còn là vùng hoang vu, ngoài một vài mái tranh nghèo lụp xụp tạm dựng trên giồng dọc theo bờ sông, với miếng ruộng nhỏ sau hè và chiếc xuồng con cột hờ dưới bến... có lẽ gia sản của lưu dân ở đây chẳng có gì có thể kể thêm được! Số phận của những người đi khai hoang thật bơ vơ, buồn tẻ! Cho nên, không ít người đã tự tạo cho mình một chỗ dựa tinh thần để hỗ trợ niềm tin trong cuộc sống. Cụ Núi dựng lên một ngôi chùa nhỏ, đơn sơ, lấy tên là “Chùa Giáo Hà”, ngày nay tọa lạc trên nền ngôi chùa xưa vừa nói.
Cũng như hầu hết những lưu dân khác, lúc gia đình cụ Núi đến cư ngụ thì vùng đất hoang dã hãy còn đầy cỏ dại và tre rừng. Vì vậy, ngoài công việc chính là khẩn hoang để trồng lúa, trồng màu, người ta còn phải đi săn bắn thêm thú rừng mới có thể xoay trở miếng cơm manh áo.
Cuộc sống của họ thường ngày phải đương đầu với sơn lam chướng khí, thú dữ, mà dẫy đầy là cọp, sấu kể cả trâu rừng. Một ngày nọ tai họa đến với gia đình nhà họ Nguyễn như một tin sét đánh: người con cả của cụ Núi, trong lúc đi săn ở Cù lao Giêng, đã bị cọp vồ mất xác.
Sau mấy ngày truy tìm khắp cùng rừng bụi, không thấy dấu vết người thân, cả nhà vô cùng thương tiếc! Hai cụ quyết chí tìm cách diệt cọp để làm vui lòng người con nơi chín suối, đồng thời cũng để trừ hậu hoạn (dân gian tin rằng trong gia đình, nếu có một người bị cọp ăn thịt như vậy thì lần lượt, cả nhà đều sẽ bị cọp vồ, gọi là “có noi” hay “có huông”.
Thế là căn chòi nhỏ được dời hẳn sang cù lao, đóng trên một giồng đất cao ở bìa rừng, ngay bên bờ sông. So với chốn cũ, cảnh vật ở đây hoang vu, lặng lẽ hơn, cây cối và thú rừng cũng nhiều hơn.
Hai cụ có cả thảy 5 con trai. Ngoài con cả đã bị cọp vồ, những người kia bản tính gan dạ không kém anh mình, nhất là người con kế, tên Thư. Người sau này trở thành võ tướng, chết trận năm 1801, được truy tặng tước hầu (Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư ) nay hãy còn bằng sắc, mồ mả và đền thờ to ở xã Bình Phước Xuân (Cù lao Giêng).
Hôm ấy, ông Thư cùng mẹ là bà Lê Thị Nhạc bơi xuồng xuống Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (nay là xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), nơi có một số người đồng hương từ miền ngoài vào định cư để trao đổi lương thực, thăm lom, bàn chuyện sinh kế, và mua đi bán lại các loại thổ sản cau, dừa. Sau mấy chuyến, ông Thư phải lòng một cô thôn nữ ở đây. Thế là hai bên song thân cho tiến hành tác hợp. Vợ ông Thư là gái duy nhất trong gia đình, nên ông Thư phải ở lại bên vợ cho tiện. Mỗi lần ông Thư về thăm nhà, những người em của ông đều hết sức vui mừng, và ông thường lén bày nhiều cuộc vui đầy mạo hiểm, có lẽ hấp dẫn nhất là những lần tổ chức đi săn mèo rừng và cả... cọp!
Sau, cụ Núi biết được, cả giận, rầy đánh răn đe rất dữ, song do bản tính ham vui, lại can đảm, nên các ông vẫn tái phạm! Một hôm nọ, các anh em rủ nhau xuống Rạch Ngang (nay gọi Kinh Ngang) chận đăng chờ nước ròng bắt cá. Khi nước ròng sát, lòng rạch bày bùn, cá to kẹt lại trong đăng rất nhiều thì có một con cọp lội xuống phổng tay trên. Mấy anh em tức quá, không biết phải làm sao, đành mở đăng, chờ con nước tới. Chiều gần tối, đúng vào lúc lòng rạch bày bùn, cọp lại đến chực sẵn trên bờ, nhưng lần này lại không có cá. Cọp bỏ đi. Trước sự thắc mắc của những người em, ông Thư giải thích “do có nước miếng của cọp nhễu, nên cá sợ, tránh đi hết”. Thế là hôm sau các anh em ông Thư dời đăng xuống rạch Cái Dứa. Lần này ông Thư bảo người em út xuống rạch núp sẵn vào lùm cỏ, nếu thấy có cọp xuất hiện thì gây tiếng động như cá lớn mắc cạn, nhử cho nó lội xuống đặng các anh ra tay giết cọp!
Quả nhiên, sự việc diễn ra đúng như dự kiến, anh em ông Thư hè nhau đập chết tươi con cọp bị mắc lầy một cách khá dễ dàng. Tuy thầm khen ông Thư biết bày kế nhử cọp nhưng cụ Núi không thể không la rầy dằn mặt tính hiếu thắng, bồng bột của tuổi nhỏ, vì không khéo sẽ mất mạng như chơi...
Trở lại, đối với cụ Núi, việc trả thù cọp phải được tổ chức thật chu đáo. Phải giết cho được cọp chúa bằng một kế hoạch thật tinh khôn, do cụ chỉ huy. Một ngày nọ, sau khi đã theo dõi dấu chân hổ dữ, và đã chọn được địa điểm thuận lợi, cả nhà nhanh chóng bày thế trận. Cụ Núi giỏi võ nên nhận lãnh phần xuống lung bắt cá làm mồi nhử cọp. Bốn người con trai nấp bốn phía, lập thế tứ trụ hỗ tương. Riêng cụ bà có tài bắn cung bách phát bách trúng, nên nấp vào một bụi tre rừng gần đó để đảm nhận phần việc của mình.
Trời chiều không gió. Bốn bề yên lặng như tờ. Nhưng... kìa! Vài ngọn cờ lau đột nhiên từ từ ngã xuống một cách chậm chạp. Tiếng gãy giòn của mấy cây đế khô nghe rõ mồn một, càng lúc càng gần, rồi yên lặng. Không ai bảo ai, mọi người đều nín thở, tập trung, hồi hộp..
Xoạc! Cọp vừa phóng mình lao tới thì đã táp đúng một mũi tên tẩm thuốc độc của cụ bà! Cọp lồng lộn giãy giụa, làm rạp cả đám nghể lớn ở bờ lung. Sau hơn một khắc nặng nề trôi qua, không thấy có cọp khác đến tiếp cứu, cụ Núi ra hiệu lệnh, mọi người mới chịu rời khỏi vị trí, vác cọp về.
Buổi đầu khai hoang, đối với người lưu dân, chuyện “hùm tha sấu bắt” là một tai họa hết sức hãi hùng. Cho nên, qua sự kiện người con cả của cụ Núi bị cọp vồ mất xác, xuất phát từ cách hiểu “sợ có huông” của dân gian nên từ lúc ấy, ai nấy rất kiêng dè, không dám gọi con đầu lòng của mình là “cả” nữa. Và như một quy ước của xã hội, dân gian bắt đầu tính kể thứ của các con trong gia đình mình theo cách mới, trước hết là “thứ hai “, rồi “thứ ba”, “thứ tư” cho đến “thứ...út”. Cách gọi này được nhân dân Nam bộ lưu truyền cho đến ngày nay. Do vậy ở Nam bộ đồng bào không gọi con trưởng trong gia đình là con cả.
NGUYỄN HỮU HIỆP
Theo CầnThơ Online
No comments:
Post a Comment