Chào các bạn,
Chúng ta gặp từ “Hoa Linh Thoại” thường xuyên trong văn hóa Phật giáo. Trong Phẩm 2 của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, đức Phật nói khi bắt đầu giảng: “Pháp mầu như thế, các đức Phật Như-Lai đến khi đúng thời mới nói, đó như hoa linh-thoại đến thời tiết mới hiện một lần… Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được đó. Vì sao? Các đức Phật Thế-Tôn, chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.” (Câu 16-17) (Bản tiếng Anh viết: “Only very rarely do the Buddha Tathāgatas teach such a True Dharma as this, as rarely as the uḍumbara flower blooms… Yet this Dharma is beyond reason and discernment. Only the buddhas can understand it.” Lotus Sutra, c. 2, v 16-17).
Theo các tài liệu tiếng Việt thì “Ưu đàm cũng là một loài cây có hoa nhưng là loại cây thiêng (linh thọ). Theo Phật giáo, hoa Ưu đàm nở là một điềm lành. Ưu đàm, Phạn ngữ Udumbara, Hán ngữ phiên âm thành Ưu đàm ba la, Ưu đàm bà la, Ô đàm bạt la, Ô đàm bát la, Uất đàm v.v… Hoa Ưu đàm có tên Ưu đàm bát hoa hay Ưu bát hoa gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là Linh thụy hoa, Thuỵ ứng hoa, Không khởi hoa… Ưu đàm là loại hoa thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở thì có Đức Phật ra đời. Do các đặc điểm này, hoa Ưu đàm thường được làm ảnh dụ cho sự kiện xuất thế hy hữu của Đức Thế Tôn trong văn học và kinh điển Phật giáo. ”
Như vậy theo các truyền thuyết này thì chẳng ai biết Hoa Ưu Đàm như thế nào vì từ thời Phật Thích Ca đản sinh ra đến nay chưa đến 3 ngàn năm.
Tuy nhiên, cũng theo trích dẫn bên trên thì: “Theo Từ điển Phật học Hán Việt, NXB Khoa Học Xã Hội, thì: ‘Cây Ưu đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Himalaya , cao nguyên Đê-can và nước Xây-lan v.v… Thân cây cao hơn một trượng, lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài khoảng 4,5 tấc nhọn đầu. Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa, nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon.’ Sách Huyền Lâm Ứng Nghĩa, quyển 21 mô tả về Ưu đàm “Lá cây hoa này tựa như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị ngọt, có hoa nhưng ít xuất hiện, khó trồng”.
Trong các tài liệu tiếng Anh thì Udumbara, có tên khoa học là Ficus racemosa (hay Ficus glomerata), là một loại cây sung (fig) có trái hình tròn nhỏ hơn nắm tay một chút và hơi ngọt. Trái cây có thể dùng làm thực phẩm tại nhiều nơi trên thế giới.
Rất thú vị là cây sung cũng đóng một vai trò rõ rệt trong Thánh kinh Kitô giáo khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang cây sung (trong Thánh kinh gọi là cây vả) thấy cây có cành lá sum suê nhưng không có trái, Chúa bèn quở cây: “Nhà ngươi sẽ không bao giờ có trái nữa”, và hôm sau cây sung liền héo úa. (Matthew 21:19; Mark 11:14).
Điều thú vị hơn nữa là người ta thường nói cây sung là cây không hoa. Nhưng sự thật là các hoa sung, hoa cái lẫn hoa đực, rất nhỏ nằm rất nhiều trong một bọc khá kín gọi là syconium. Một loài ong rất nhỏ vào trong syconium hút nhụy và cấy hoa cái với phấn của hoa đực. Các hoa được cấy trở thành các trái. “Trái” sung mà chúng ta ăn thực ra là bọc syconium đó, và các trái sung thật là các hạt nhỏ mà ta ăn bên trong bọc syconium mà ta gọi lầm là “trái” sung.
Điều này giải thích tại sao văn hóa Phật giáo nói rằng phải 3 ngàn năm mới thấy được hoa sung nở.
Dù Hoa Ưu Đàm, hoa sung, hay Hoa Linh Thoại thực sự là gì đi nữa thì điều khá rõ là, trong văn hóa Phật giáo, hoa này là biểu tượng của sự hiếm hoi và sự xuất hiện của một vị Phật để giảng một pháp lớn như Phật Thích Ca giảng Diệu Pháp Liên Hoa.
Đối với chúng ta Hoa Linh Thoại hình thù như thế nào có lẽ không quan trọng bằng tên hoa: Linh Thoại có nghĩa là đối thoại, pháp thoại, linh thiêng. Linh thoại có hai phần chính: Đề tài linh thiêng và Ngôn ngữ linh thiêng. Ví dụ: Nói về Phật pháp là đề tài linh thiêng. Ngôn ngữ nghiêm chỉnh với Phật pháp là ngôn ngữ linh thiêng. Vậy mới là Linh Thoại. Nếu nói về Phật pháp theo kiểu “Ô, phật với bà gì, toàn mê tín!” thì đó không là linh thoại mà là bát nháo.
Từ “Hoa Linh Thoại” là từ chúng ta cần ghi nhớ. Khi Phật giảng pháp, đó là Hoa Linh Thoại. Khi Chúa Giêsu giảng đạo, đó là Hoa Linh Thoại.
Khi chúng ta nói chuyện với ai đó về Chúa và Phật, thì hãy nói như Hoa Linh Thoại đang nở.
Khi chúng ta đọc kinh, niệm Phật, hãy nhớ rằng những lời ta đọc niệm phải là Hoa Linh Thoại.
Khi chúng ta cầu nguyện, lời cầu nguyện của ta nên là Hoa Linh Thoại.
Quan trọng hơn nữa, khi chúng ta chào hỏi và nói chuyện với ai hằng ngày, mỗi lời nói nên là một đóa Hoa Linh Thoại tặng người đối diện, như là mỉm cười và nói: “Em chúc chị hôm nay vui nhé”, để mỗi lời ta nói đều là một câu pháp thoại linh thiêng về quan tâm và từ tâm.
Các bạn, không nhất thiết phải là tu sĩ đứng/ngồi trên bục giảng mới giảng pháp, mà mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, của mỗi chúng ta đều có thể là một đóa Hoa Linh Thoại. Chúng ta luôn giảng pháp mỗi phút trong ngày, dù đó là pháp thiện hay pháp ác, và dù là ta có biết hay không.
Vậy đừng vô tình đổ thêm rác vào đời. Mỗi giây phút trong ngày hãy nhớ tạo ra một đóa Hoa Linh Thoại cho đời và cho người.
Chúc các bạn luôn Linh Thoại.
Mến,
Trần Đình Hoành
No comments:
Post a Comment