Trên FB, nếu các bạn quen tôi lâu, chắc các bạn để ý cái "cover photo" của tôi không bao giờ thay đổi. Lúc nào cũng có hình ngài Khổng Tử và câu "Trung Dung Chi Đạo" (中庸之道), tôi đã có nhiều lần tâm sự với các bạn là tôi tuyệt đối tin Phật và lúc nào cũng ghi nhớ những lời giáo huấn của đức Khổng Tử, thực hiện được bao nhiêu, hay bấy nhiêu.
Học thuyết của ngài có thể bị chế độ phong kiến lợi dụng trong mục đích thống trị người dân trong căn bản của những chủ thuyết. Có những người hơi quá khích chống đối. Thật ra nếu chủ thuyết nào đi sai đường lệch lối thì tự nó đã bị hủy diệt chớ không thể nào tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Tôi đọc được bài viết về nỗi oan Khổng Tử, đọc đi rồi đọc lại và theo những tin tức trong thời gian qua quả thật những người hậu sinh biết chút chút hoặc không hay chưa từng biết về luận thuyết của ngài Khổng Tử cũng đều đả kích hơi quá đáng.
Trong bài có một đoạn; "....Vậy mà có những người như cái ông Lỗ Tấn ở đất nước ngài kết tội ngài và đạo của ngài đã kìm hãm dân tộc Trung Hoa vào vòng nghèo hèn, lạc hậu. Thật không công bằng! Tại ngài hay tại “các người”. Cũng là dân Á đông “học Nho” mà sao người Nhật sớm tỉnh thức trước pháo hạm phương Tây? Tại “thuốc lú” hay tại người cứ muốn trầm luân trong thuốc lú? Đâu nặng tội hơn!".
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định post bài này cho các bạn tham khảo nhưng có một yêu cầu: chỉ để suy tư, tìm hiểu chính chắn hơn chớ không đả phá hay tranh luận. Tranh luận về chủ thuyết chánh trị cũng là một "cái ngu chủ quan" mà tôi đã từng nói với các bạn. Bạn nào comment với những lời "đả phá hay công kích" sẽ bị tôi "delete" ngay lập tức. Thích thì đọc tiếp không thích thì thôi. Nếu tiếp tục đọc xin bạn hãy đọc kỹ càng từng câu mới thấm thía chớ còn đọc "qua loa" thì không hiểu hết ý của tác giả đâu.
NỖI OAN KHỔNG TỬ ?
Chẳng phải là nỗi oan Thị Mầu càng không phải nỗi oan Thị Kính. Đây là nỗi oan khó gọi tên, khó giãi bày, có khi ẩn sau ánh hào quang.
Bình sinh Khổng tử trải qua ba việc lớn: đi thuyết khách, làm chính khách và dạy học. Hai việc đầu liên quan mật thiết với nhau. Ngài du thuyết các vua chư hầu cố vực dậy cái ngai “con trời” đã ọp ẹp của nhà Chu. Họ ít nghe ngài. Thảng hoặc có người toan nghe nhưng khi thấy chẳng thuận với quyền và lợi của họ thì họ quay lưng lại. Cả hai vai thuyết khách và chính khách đều long đong đến mức có lúc ngài nói ra miệng với học trò là sẵn sàng đi theo kẻ cướp hoặc tán đồng người ta ví mình như con chó nhà có tang. Bước thành đạt nhất của ngài là lúc được vua nước Lỗ nghe theo và cho làm quan có quyền hành thực sự ở mức có thể giết phăng kẻ đối lập trước mặt vua. Tiếc rằng lúc đang đắc thế nhất lại phải cược tiền đồ sự nghiệp của mình vào miếng thịt tế và rồi đành phải ra đi. Cuối cùng sự nghiệp của ngài chốt lại ở việc dạy học. Đây là thành công duy nhất của ngài và được người đời đánh giá cao. Dẫu rằng danh tôn “vạn thế sư biểu” là có cường điệu và vì lí do chính trị là chủ yếu thì cũng là một sự ghi công không tệ.
Bảo thẳng ngài rằng ngài là “người thầy của muôn đời” hẳn là ngài chẳng dám nhận. Chẳng phải vì bọn hậu sinh của ngài chỉ mượn danh ngài, trưng những câu nói của ngài, tạo ra học thuyết, thậm chí một “đạo”, -đạo Khổng Mạnh, ghép tên ngài với tên một học trò của học trò ngài-, thực ra là để củng cố thứ chế độ chuyên chế sống dai nhất trong lịch sử nhân loại. Càng về sau ngài càng được “thánh hóa”, song đạo của ngài tuy được xếp vào hàng tôn giáo (Nho giáo) lại nặng về thế quyền, thay vì thần quyền, và ngày càng gắn chặt vào thế quyền, vừa là công cụ ý thức hệ, vừa là công cụ ngu dân, là cái “ám ảnh” xã hội và lịch sử đeo đẳng rất khó gột. Ngài có thể can dự gì được vào những chuyện đó!
Với tư cách người thầy, có những lời ngài dạy là hợp lẽ đời, tỉ như “những gì mình không muốn chớ làm cho người”; có những lời khuyên khôn ngoan, tỉ như “với quỉ thần chỉ nên kính từ xa”; nhưng có những lời ngài dạy hoặc ngài tâm đắc chỉ hợp với tầng lớp thống trị hoặc có lợi cho họ, tỉ như “đàn bà là khó dạy”, “lễ nghĩa chẳng xuống đến hạng dân đen, hình phạt không lên đến giới quan lớn”. Tất nhiên, những lời của ngài, dù đúng dù sai, là dành cho con người và xã hội cách nay hơn hai ngàn năm; người đời sau muốn sử dụng hoặc lợi dụng phải biến báo đi.
“Đạo” của ngài lẽ tất nhiên là phát xuất từ ngài, bao gồm (chủ yếu) những gì ngài tiếp nhận từ tiền nhân, -những người nổi danh như Chu công và những người vô danh tập hợp trong các “kinh” mà ngài thu thập hoặc san nhuận. Nội dung của nó được các học trò thân tín của ngài và những lớp học trò hậu duệ của họ “biên tập”, bổ sung. Rồi nho sĩ các đời sau góp phần cải biên theo nhu cầu của thời thế, bắt đầu từ Đổng Trọng Thư, một Hán nho, người đã theo chủ trương của Hán Vũ đế đưa ngài và học thuyết nhân danh ngài lên ngôi độc tôn ở Hoa hạ; mạnh tay nhất sau này là Tống nho.
Các đời sau tôn sùng ngài là bậc thầy (phu tử), là nhà tư tưởng, triết nhân, thậm chí là “thánh”, cũng được đi. Nhưng nên nỗi cái gì cũng viện “thánh hiền”: đạo thánh hiền, lời dạy của thánh hiền, chữ của thánh hiền [Đến nước không được để những tờ giấy có chữ nho (“chữ của thánh hiền”) rơi vãi ở những nơi uế tạp, nhặt được nếu không tiện cất giữ thì phải hoặc là đốt đi hoặc là thả vào giếng nước ăn(!) như ở đất nước VN thời chưa xa lắm -chẳng biết còn ở xứ nào khác không?!] để cho đất nước trì trệ mà tâm thức lại u tối trước “họa của bọn quỉ Bạch dương” như ở Trung quốc, Việt Nam … thì đâu phải do ngài! Vậy mà có những người như cái ông Lỗ Tấn ở đất nước ngài kết tội ngài và đạo của ngài đã kìm hãm dân tộc Trung Hoa vào vòng nghèo hèn, lạc hậu. Thật không công bằng! Tại ngài hay tại “các người”. Cũng là dân Á đông “học Nho” mà sao người Nhật sớm tỉnh thức trước pháo hạm phương Tây? Tại “thuốc lú” hay tại người cứ muốn trầm luân trong thuốc lú? Đâu nặng tội hơn!
Ngài bị hàm oan vậy, song dù sao họ cũng còn có cái cớ của họ, bám víu vào những hoàn cảnh địa-chính trị, địa-lịch sử ... này nọ. Đến như cái bọn đã làm cách mạng rồi, đã làm “đại cách mạng văn hóa vô sản”, đã đập phá, đốt rụi hầu hết mọi thứ di sản rồi mà còn bày trò “phê Khổng” hạ bệ ngài. Vẫn biết đó là trò gắn kết chủ yếu để triệt đối thủ chính trị (Lâm và phe cánh) đồng thời quét các tư tưởng “phi Mao” (trong đó có dằn mặt “đại nho” họ Chu, mặc dù đó là một kẻ cực kì tuân phục họ Mao, theo hồi kí của Lí Chí Thỏa bác sĩ riêng của Mao). Ngài dây gì đến bọn họ mà lôi ngài dậy làm nhục ngài! Sau nạn này, tưởng thế là ngài sẽ được yên là bóng ma lịch sử, dù có đáng ngậm ngùi đôi chút. Chẳng ngờ mới đó chưa lâu mà nay người ta là dựng ngài dậy nâng lên cực cao, vượt mọi suy tôn từ trước. Thế lực cầm quyền tạo ra lớp “nhà nho mới” (chữ của Lưu Hiểu Ba -LHB) xưng tụng ngài không chỉ trong nước bằng mọi phương tiện truyền thông, thậm chí muốn nâng “Khổng tử như vị cứu tinh thế giới” mà LHB đã vạch ra. Cácviện Khổng tử được lập hầu khắp thế giới tuy dưới danh nghĩa trung tâm văn hóa nhưng lại chịu sự chi phối chính trị từ Bắc kinh. Vậy là với ý đồ “phục hưng vĩ đại” để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” bá quyền đại Hán siêu cường, dưới chiêu bài trỗi dậy hòa bình, người ta sử dụng ngài như là một giáo chủ “Trung Hoa giáo” hay “Đại Hán giáo” và là một thần tượng “tinh hoa tư tưởng phương Đông”. Đến đây thì ngài khó mà minh oan với thiên hạ. Vẫn biết sinh thời ngài có hai điều sở đắc lớn: thuyết “tôn quân” vì các đấng chí tôn thay trời chăn dân và thuyết “đại nhất thống” coi Trung Quốc là cái rốn thiên hạ. Hãy thông cảm với ngài. Thời của ngài, ngài chỉ được nghe truyền lại, kể lại từng có những thời thịnh trị dân cư được an lạc dưới các triều vua Nghiêu, Thuấn, Thang, Vũ, … , ngài chẳng mong gì hơn dân cảnh và dân tình được như dưới các thời ấy. Do vậy, việc thuyết giảng của ngài chủ yếu là “truyền đạt văn hóa cổ xưa”. Mặt khác, ngài cũng chỉ biết dưới trời (thiên hạ) chỉ có giang sơn nhà Chu, mệnh danh Trung quốc, và ven quanh là vùng đất của các dân tộc ít người bị coi là kém phát triển hơn và bị gọi là man di. Do vậy, ngài mong muốn thiên tử giang rộng tay ôm trọn cho muôn dân được hưởng ơn mưa móc. Ngày nay, hai điều đó họ đã đạt vượt xa sở nguyện của ngài lúc sinh thời. “Tôn quân” thì rõ ràng các “vua hiện đại”, cá nhân và tập thể, quyền uy lệch cả trời. “Đại nhất thống” thì họ đã thâu tóm một giang sơn rộng gấp hàng mấy chục lần cái “Trung quốc” nằm gọn trong lưu vực sông Hoàng Hà thuở ngài sống; nữa, còn vươn vòi “quyền lực cứng”, “quyền lực mềm” ra toàn cầu. Thế mà còn lôi ngài ra làm “cái bung xung” , một thứ chiêu bài phục vụ lòng ham hố không cùng của họ!
Hiện giờ trên thế giới người ta gờm tham vọng của Trung cộng cho nên người ta ngán những thủ đoạn “quyền lực mềm” của họ trong đó có những cái núp danh “Khổng tử” mà họ trưng ra. Khốn khổ cho ngài! Cũng là danh nhân được hậu thế của mình đem đặt tên cho trung tâm văn hóa đại diện đất nước mình, dân tộc mình ở nước ngoài, mà tên của ngài lại khiến người ta “cảnh giác” thế! Không như của các nước khác, (viện) Gớt của người Đức chẳng hạn, được người ta tôn trọng, vì nể, ít ra là không phải nghi ngại.
Đặt ngài đúng vị thế trong lịch sử, nói đúng hơn, đánh giá đúng đóng góp thực sự của ngài cho đất nước ngài, dân tộc ngài, cả những gì tích cực mà học thuyết của ngài từng ít nhiều đem lại cho nhân quần, là cách giải oan tốt nhất cho ngài. Càng tốt hơn nếu vạch được chân tướng đằng sau những ý đồ lợi dụng và tận dụng ngài để trả lại nguyên vẹn những gì thuộc về ngài, kể cả những tôn vinh mà ngài đáng được hưởng. Với ý nghĩa đó, không ít những người con đáng kính, trung thực và tỉnh táo, của dân tộc TH vĩ đại đã thẳng thắn vạch ra nhiều sự thật có vẻ như xúc phạm ngài mà ngẫm kĩ ra lại là “chiêu tuyết” cho ngài.
Lưu Hiểu Ba, người TQ nổi tiếng từng được giải Nôben hòa bình, trong bài “Hôm qua chó nhà tang, hôm nay chó gác cửa: ‘Bàn về cơn sốt Khổng tử hiện nay’ ” (Phan Trinh dịch ra tiếng Việt đăng BVN ngày 01/01/2015) nhận xét rằng giáo huấn của Khổng tử “chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn” và chỉ ra rằng: “Tệ sùng bái thánh nhân ở TQ là một công trình văn hóa giả tạo cực lớn do các đời vua chúa cùng bọn văn nhân cung đình phối hợp tạo nên”, và người ta đã sản ra “món hàng giả vô cùng nguy hiểm”. Ông cũng phân tích kĩ về “cơn sốt Khổng tử hiện nay” ở Trung Quốc, qua đó ta có thể luận ra nỗi oan khiên của họ Khổng. Nếu chẳng may mà người ta lợi dụng ông thành công trong muôn một thì tên tuổi của ông, của “đạo” ông không chừng sẽ gắn với những trang bi thảm của nhân loại, mặc dù hình tượng “chó gác cửa” đáng gây mủi lòng!
Nhà đấu tranh cho dân chủ ở TQ họ Lưu cũng dẫn ý kiến của giáo sư Lí Linh, trường đại học Bắc kinh, cách nay chưa lâu, về một Khổng tử “nhân tạo” và trích một câu trong cuốn “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ” của ông này: “Sau khi đọc Luận ngữ, tôi thấy tốt nhất không nên đặt Khổng tử lên bệ thờ, cũng không nên dìm ông xuống bùn, mà chỉ nên nói rằng ông rất giống Đôn Kihôtê (người hùng hoang tưởng trong một cuốn tiểu thuyết Tâybannha nổi tiếng –KN)”. Ai cũng biết Luận ngữ tập hợp những lời của Khổng tử do học trò ông ghi lại và là một trong những tác phẩm kinh điển chủ chốt của đạo Nho.
Ở đất nước VN chúng ta, đạo Nho của “đức Khổng, thầy Mạnh” theo chân bọn quan quân đô hộ bắc phương xâm nhập vào từ hai nghìn năm trước nhưng phải đến thời nhà Hậu Lê trở về sau mới thành độc tôn chi phối tư tưởng, đạo đức cả về mặt chính trị lẫn lối sống xã hội, … Tình trạng trên bắt đầu lung lay từ đầu thế kỉ 20, do ảnh hưởng văn minh Âu Tây, và bị xóa bỏ từ năm 1945. Vậy mà những năm gần đây, trước tình hình đạo đức xuống dốc, sự học xuống cấp, … , một số người, trong đó có thể có những người được đào tạo ở “nước bạn” hoặc có quan hệ làm ăn hay công tác gần gũi với “bạn” đã đề cập đến việc khôi phục lễ nghĩa đông phương, thực chất là lễ nghĩa Khổng giáo. Nổi đình đám nhất hiện tại là địa phương nọ bỏ ra hàng mấy trăm tỉ đồng xây dựng Văn miếu cực kì hoành tráng, sau khi đã cho quan chức chóp bu sang tận quê ngài Khổng học hỏi cung cách xây Khổng miếu, nói là để chấn hưng đạo học(!).[Nghe nói sau khi ‘được’ dư luận la ó dữ quá, các vị đưa tin “mới là đang bàn”!]. Rồi ra những người VN có lương tri có đủ tỉnh táo không để khỏi buộc tội oan ngài là nguyên nhân của những toan tính phi lí, phi nghĩa, cả phi tình, kia? Những toan tính chẳng hề có lợi cho việc giữ gìn, phát huy truyền thống VN nói riêng, truyền thống đông phương nói chung trong xu thế toàn cầu hóa!
Các “hiện tượng” vừa nói khiến hồ nghi cái ý đã nêu phía trên: sự tôn phục nho giáo và Khổng tử đã cáo chung từ năm 1945 về sau. Sực nhớ cách đây chưa lâu lắm, trong hồi kí của mình, một ông cựu phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng VN kể (khoe) hai điều đắc ý trong lần ông sang công du Bắc kinh: một là, đã đăng đàn nói bằng tiếng Trung (thay vì tiếng nước mình theo thông lệ bang giao quốc tế); hai là, khi thủ tướng Trung cộng hỏi muốn đi tham quan những đâu đã hãnh diện trả lời: Tôi là đồ đệ Khổng tử nên tất nhiên là muốn tham quan Khổng miếu. Chẳng biết ở cõi u minh ngài Khổng có vui lòng vì bỗng dưng có thêm một mê-tông-đồ (và các cụ Mác-Lê có buồn lòng vì bỗng lộ diện một phản đồ đạo mình ngay cả khi đang là một chức sắc cao vời!)? Hay là ngài phải khổ tâm vì phải làm thầy “oan” một “đệ tử” đã giảng giải thật “cao siêu” và “thú vị” cho một ông rất lớn khi so các danh ngôn “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” và “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”!
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc, nước Tầu có không ít những đại gia về tư tưởng, học thuật: Lão Đam, Trang Chu, Dương Chu, Mặc Địch, Hàn Phi, … , trong đó có những người sâu sắc hơn hoặc đắc dụng hơn Khổng Khâu, nhưng rồi với đời sau đều mất hút trước uy danh và uy thế của họ Khổng và đạo Nho, chẳng phải do sự vượt trội của lẽ đạo cũng như con người Khổng tử. Hầu như không có phản ứng nào, và, cũng hầu như cam phận xuôi lịch sử (dẫu cũng đã có những ý kiến bàn tán, chẳng hạn, Lão tử phải bỏ đi ra ngoài quan ải vì ngán hoặc không ưa Khổng tử). Có một ngoại lệ, nhưng đây chẳng phải là nhân vật lịch sử; đúng ra chỉ là một nhân vật dã sử hoặc truyền thuyết. Hồi nào chầu rìa bên một buổi chuyện vãn của mấy cụ nho, người viết bài này được nghe kể về sự tích con ruồi. Sinh thời Khổng tử có một người kình địch về tài biện bác: Hạng Thác. Cậu bé này giải được những câu hỏi uẩn khúc; ngược lại họ Khổng không ít lần bí. Cậu bé mất sớm, gần cùng lúc với Khổng tử, người được tế lễ linh đình đương thời và hậu thế. Tình cảnh cậu bé thì trái lại. Hạng Thác bèn nguyện hóa thành con ruồi để hưởng trước những lễ vật bày ra cúng Khổng tử ngay khi chưa kịp khấn vái (mời mọc) ngài. Câu chuyện, -dĩ nhiên là vừa phi khoa học, vừa mất vệ sinh, phảng phất trào phúng,- muốn nói lên điều gì? Hư danh? Sự tôn phục, chân giả? Chỉ con ruồi biết thực ra là cúng bái (tôn sùng) ai và cái gì chăng? Đâu chỉ có chuyện “xôi thịt”! Hoặc giả chẳng còn là chuyện “kính nhi viễn chi”! Liệu thời nay còn những lời nguyền kiểu Hạng Thác? Có điều, có thể có nỗi oan thánh nhân mà khó có nỗi oan con ruồi!
KHẢI NGUYÊN
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment