Có lẽ tôi đừng bao giờ nói tôi là dân Cần Thơ nữa vì càng tìm hiểu về Cần Thơ mình biết quá ít hoặc ở Cần Thơ ngày trước mà chẳng bao giờ để ý tới lịch sử Cần Thơ. Cái hồ phía sau đường Tự Đức hồi đó qua lại không biết bao nhiêu lần mà không biết tên nó là hồ Xáng Thổi, con đường dọc theo bờ sông từ cầu Nhị Kiều chạy vào rạch Ngỗng thì không biết về chợ Mít Nài, chạy qua chạy lại trên cầu và ngang qua chợ Tham Tướng gần như mỗi ngày mà không biết Tham Tướng là ai và con đường đó tên gì và chắc chắn là còn nhiều thứ nữa mà mình không biết tên hoặc chẳng bao giờ để ý tới. Thôi thì bây giờ bắt đầu tìm hiểu lại và biết được gì thì cùng nhau chia sẻ.
Bây giờ chúng ta cùng nhau tìm hiểu về:
THAM TƯỚNG MỘT GÓC NHỎ QUÊ HƯƠNG
Tham Tướng là một chức quan võ có từ đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, vị Tham Tướng có duyên nợ với vùng đất Cần Thơ chính là Lý Chính hầu Mạc Tử Sanh (có sách chép là Mạc Tử Duyên ), con quan Ðô Ðốc trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích. Ông đã từng sát cánh với cha trong việc khai thác vùng đất Hậu Giang, đặc biệt là Trấn Giang (Cần Thơ).
Năm Nhâm thìn 1772, quân Xiêm tràn sang đánh phá Hà Tiên, Tham Tướng Mạc Tử Sanh đương cự với giặc ngoại xâm nhiều trận quyết liệt, mở đường máu cho cha rút quân về Trấn Giang đóng giữ. Mặt khác, phòng bố chỉnh đốn binh đội chặt chẽ. Dưới quyền chỉ huy của ông, quân sĩ đã dũng cảm xông pha giết giặc. Mạc Tử Sanh đôn đốc dân chúng tái thiết lại những công trình đổ vỡ, an ủi những gia đình tang tóc.
Năm Ất mùi 1775, chúa Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần bị nghĩa quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy vào Gia Ðịnh, Mạc Thiên Tích đã đem binh sĩ giúp Ðịnh Vương, Năm 1777, đại binh Tây Sơn ồ ạt tấn công, đánh mạnh xuống miệt Hậu Giang, chúa Nguyễn Phúc Thuần thua luôn mấy nơi, chạy xuống Cà Mau. Tây Sơn thế mạnh đuổi đến Trấn Giang, Mạc Tử Sanh huy động quân sĩ ngăn chận cả hai mặt: đường sông và đường bộ. Thủy binh, bộ binh của đại binh Tây Sơn quá lẫy lừng, tiến quân như vũ bão, Mạc Tử Sanh bị vây, đương cự không nổi, chết trong trận nơi khoảng rạch nhỏ đổ ra sông Cần Thơ, nhân dân đã đặt tên rạch là rạch Tham Tướng để nhắc nhớ một danh tướng đã đổ máu xương tại nơi đây trong trận chiến với đại quân Tây Sơn.
Suốt một thế kỷ rưỡi nhà Nguyễn trị vì, tên Tham Tướng dành cho con rạch nhỏ, một khu chợ nhóm, một cây cầu tại nội ô thành phố Cần Thơ đã đi vào ý niệm người dân. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, địa danh Tham Tướng một lần nữa đi vào lịch sử chống ngoại xâm của Cần Thơ: Mờ sáng ngày 30-10-1945, quân Pháp dùng hai tàu chiến mang số hiệu A2 và A3 từ hướng Trà Ôn tiến vào thị xã Cần Thơ. Lực lượng kháng chiến đã bám chặt trận tuyến phòng thủ ở vàm rạch Tham Tướng, lợi dụng địa hình tự nhiên như bụi cây, góc nhà để ẩn nấp, dùng cả bàn ghế, giường tủ làm chướng ngại vật. Ngày 2-11-1945, quân Pháp đổ bộ lên Tham Tướng đụng ngay tuyến phòng ngự của lực lượng kháng chiến Việt Nam, đánh “giáp lá cà" thật ác liệt với giặc, gây cho chúng nỗi kinh hoàng.
Trước năm 1975, ngoài con rạch, cây cầu bắc ngang con rạch, chợ nhóm cũng mang tên Tham Tướng; con đường từ cầu Tham Tướng đi vào Cái Răng được mang tên là Mạc Tử Sanh. Tham Tướng thuộc địa bàn phường Xuân Khánh và một phần phường An Phú, thành phố Cần Thơ, dân cư đông đúc, phồn thịnh. - đây dù không phải là một di tích thắng cảnh lịch sử, nhưng hai chữ Tham Tướng đã quá thân quen với người dân Cần Thơ và với khách ở xa có dịp đến với Cần Thơ.
Ngày nay, do điều kiện phát triển và xây dựng mới của thành phố Cần Thơ, cầu Tham Tướng đã biến mất, con đường Lý Thái Tổ (cũ) qua cầu Tham Tướng, nối dài với đường Mạc Tử Sanh (cũ) đi vào hướng Cái Răng đã mở rộng gấp đôi, cầu Tham Tướng trở thành con đường rộng thênh thang, bên dưới là đường cống thoát nước đen ngòm, cuốn trôi rác rưới từ trong các cống rảnh đổ ra sông cái Cần Thơ. Dù không còn cầu còn rạch thông thương như trước, nhưng hai chữ Tham Tướng vẫn không xa rời trong tim của mỗi cư dân sống tại cần Thơ.
theo LIVECANTHO.
No comments:
Post a Comment