Năm ngoái tôi có post một bài thương cho những chiếc bắc Cần Thơ bị cầu Cần Thơ cho về dĩ vãng, lần tới về Cần Thơ không còn cơ hội ngồi trên chiếc bắc ra giữa dòng sông nhìn về Cần Thơ hay nhìn qua bên kia đất Cái Vồn.
Cũng mấy tuần trước post một bài về văn miếu Hà Tĩnh, nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với bài "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", trong đó có câu "Ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ, ngày xưa đi học em nói thích nghề gì?".
Hôm nay tôi sửa lại chút xíu :"Ta nghe bên ấy bao nhiêu là chuyện lạ", tôi nghe được một chuyện lạ không kiểm chứng được nhưng cũng post lên cho các bạn đọc chơi và ít nhất tôi cũng vui vì Cần Thơ vẫn còn có con đò sắt đưa người qua lại trên dòng Hậu Giang. Bời vậy có những cái có thể thay thế dễ dàng nhưng cũng có những cái không thể thay thế được khi nói về tình cảm của con người.
Xin cám ơn chính quyền địa phương biết giúp dân nghèo.
CHUYỆN LẠ: CẦU CẦN THƠ ĐỂ NGẮM, NGƯỜI DÂN THÍCH ĐI ĐÒ.
Cầu Cần Thơ đã thông suốt gần 8 năm qua, nối liền đôi bờ sông Hậu hiền hòa. Chuyện lạ là nhiều người dân ở miền Tây vẫn thích bỏ tiền qua sông trên những chiếc đò hơn là đi cây cầu dài nhất Đông Nam Á này.
Nằm cách cầu Cần Thơ khoảng 5 km, bến đò Bình Minh – Cần Thơ luôn đông đúc khách qua sông. Bến đò này hoạt động từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Hằng ngày, có hàng ngàn lượt khách qua sông trên những chuyến đò trọng tải 120 tấn.
Thích qua sông bằng đò.
Khách đi trên đò phần đông là bà con nông dân nghèo, công nhân, tiểu thương, sinh viên ngụ ở TX.Bình Minh (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) qua Cần Thơ học tập và buôn bán.
Mỗi sáng sớm, cô Nguyễn Thị Hồng xách mấy chục hột vịt từ nhà ở xã Thành Lợi (Bình Tân) qua phà sang quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) bán cho các quán cơm. Cô Hồng chia sẻ: "Đi đò nhanh và tiết kiệm hơn so với đi cầu. Đi đường cầu Cần Thơ phải mất thời gian và tốn tiền nhiều lắm. Đi đò thì gần nhà và tiết kiệm hơn, khu vực này ai cũng thích đi đò hơn đi cầu".
Còn cô Tám, ngụ phường Cái Vồn (TX. Bình Minh) mỗi ngày đều đặn qua sông bằng đò để bán xôi cho biết: “Tôi lớn tuổi nên không thể đạp nổi xe lên dốc cầu Cần Thơ. Trước đây, tôi cũng làm liều đi “đò lậu” bằng vỏ lãi qua sông, mỗi lượt 10.000 đồng mà sợ lắm. Có lúc ra đến giữa sông, sóng gió nổi lên, chiếc ghe nhỏ chao đảo như muốn chìm. Những lúc như vậy, chỉ biết nhắm mắt niệm phật trời cầu bình an.
Từ lúc có đò lớn, tôi đi yên tâm và vui lắm. Mỗi buổi sáng, mấy chị em lại xuống đò qua bên Cần Thơ buôn bán, chiều tối lại hẹn nhau về. Người dân khu này thích đi phà hơn đi cầu là vậy đó”.
Theo nhiều người dân địa phương, trước đây khi cầu Cần Thơ thông xe, bến phà Hậu Giang không hoạt động thì chuyện qua sông của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, người dân phải đi một quãng đường dẫn gần 15km mới tới cầu Cần Thơ. Chính vì thế, nhiều tuyến “đò lậu” đã xuất hiện đưa khách sang sông. Những chiếc đò này thường là các chiếc vỏ lãi, tắc ráng (thuyền nhỏ gắn máy) dùng làm phương tiện và không có trang bị áo phao nên rất nguy hiểm khi qua sông.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã cho thành lập bến đò Bình Minh – Cần Thơ. Những chiếc đò tại đây có trọng lượng từ 80 – 120 tấn và được trạng bị phao cứu sinh đầy đủ. Mỗi chuyến chở khoảng 50 khách và 30 xe gắn máy, rất an toàn cho khách qua sông.
Giá qua sông mỗi chuyến đối với người đi bộ là 3.000 đồng, người đi xe đạp 5.000 đồng, người đi xe gắn máy 7.000 đồng. Ngoài ra, học sinh, sinh viên được giảm 50%; bộ đội, công an, cán bộ, người nghèo miễn 100%.
Thương lắm, đò ơi!
Ở phía trên, cách bến đò Bình Minh – Cần Thơ khoảng 1km, bến đò Thành Lợi (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) – Cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn tấp nập người qua lại, những lúc cao điểm khách phải đợi gần 1 tiếng đồng hồ mới có thể qua sông.
Đứng trên chiếc đò đang rẽ nước vượt sông Hậu, ông Trần Văn Hùng (ngụ xã Tân Lược, Bình Tân) ngước mắt nhìn về phía cầu Cần Thơ cho hay, cầu xây xong bà con mừng lắm, nhưng nhiều người vẫn thích đi đò hơn, vì có cái thú vị riêng.
“Đi đò hay phà, mình có thể hóng được từng luồng gió sông mát rượi và được ngắm cảnh sông nước hữu tình, xuồng ghe tấp nập buôn bán. Còn đi cầu, có ngắm nhìn được gì đâu, chỉ lo điều khiển xe cho an toàn. Từ ngày cầu Cần Thơ xây xong đến nay, tôi đi đúng một lần vào ngày khánh thành, còn lại muốn qua sông là đi đò” – ông Hùng nói.
Mỗi ngày đều sang Cần Thơ để học tập, Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên ĐH Cần Thơ) cho biết, rất sợ độ cao nên không dám đi cầu. Vì vậy, chiếc đò từ lâu trở nên thân thương và gắn bó với em.
“Đi đò thì tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với đi cầu. Mỗi ngày em đi 2 lượt đò chỉ mất 8.000 đồng. Nếu đi cầu thì phải tốn gần 40.000 đồng tiền xăng vì quãng đường quá xa. Ngoài ra do em sợ độ cao nên mỗi lần lên đỉnh cầu mà gió lớn là hoảng sợ, không dám đi nữa” – Thùy Trang kể.
Theo quan sát của chúng tôi, trên những chuyến đò qua sông bây giờ không khác mấy so với thời phà Hậu Giang còn hoạt động. Vẫn còn đó cảnh mọi người nhanh chân xuống đò để chọn cho mình một chỗ ngồi lý tưởng, ngắm cảnh sông nước. Người buôn, kẻ bán vẫn hoạt động tấp nập trên đò. Những em bé bán bánh mì, vé số… các cô đầu quấn khăn bên mâm bánh cam, thúng xôi nóng hổi… vẫn bươn chải theo những chuyến đò để mưu sinh.
Tất cả như muốn tái hiện lại một thời sôi động của bến Bắc Bình Minh trước đây. Địa điểm mà ai đã một lần xuống miền Tây thì không thể nào quên.
Dẫu biết cầu Cần Thơ được xây dựng nối đôi bờ sông Hậu là giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Vậy nhưng, đối với nhiều người dân, những chiếc đò, phà ngang sông thân thương khó có thể thay thế trong tâm trí và sinh hoạt ở vùng non nước hữu tình này.
Hoài Thanh – Q.Huy
Theo VNN