Saturday, November 5, 2016

CẦU NGÓI THANH TOÀN

Trên đất nước thân yêu của chúng ta có những chiếc cầu mái lợp rất nổi tiếng, gọi là "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu), đó là hai chiếc cầu Phúc Toại và Phù Khê ở miền Bắc, cầu Thanh Toàn ở Huế và cầu Lai Viễn Kiều (chùa cầu) ở Hội An.


Rời những khu phố phía đông thị trấn An Cựu, thành phố Huế, đi về phía làng Thủy Thanh, theo một con đường chạy loanh quanh giữa những cách đồng lúa bạt ngàn, men theo một con hói (con sông nhỏ, miền Tây gọi là xẻo) chảy suốt từ đầu đến cuối làng, chúng ta sẽ gập chiếc cầu ngói Thanh Toàn bên một khu chợ nhỏ. Câu ca dao địa phương:

"Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui"

Nói lên chất lãng mạn trữ tình của một vùng quê với chiếc cầu thơ mộng.

Con hói (con sông nhỏ, miền Tây gọi là xẻo) chảy suốt từ đầu đến cuối làng.

Cầu ngói Thanh Toàn là một chiếc cầu vồng bằng gổ rộng 4 thước dài 17 thước, bên trên có mái che. Hai bên lợp ngói ống tráng men. Cầu chia thành 7 gian, hai bên cầu có hai lối đi, có lan can làm tay vịn và cũng là chỗ ngồi hóng mát, nghỉ mệt. Chiếc cầu được xây dựng từ 200 năm nay, đã nhiều lần bị thiên tai bão lụt và chiến tranh tàn phá nhưng dân chúng đã góp công góp của sửa chữa trùng tu. Hiện nay đã được bộ văn hóa công nhận là một di tích văn hóa quốc gia. Một người Pháp, ông Louis Bezacier, một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, trong cuốn L'art Vietnamien, 1955, đả xếp cầu ngói Thanh Toàn vào loại cầu có mái che hiếm thấy và có giá trị nghệ thuật kiến trúc cao nhất vào nửa đầu đầu thế kỷ 20.

Vào thế kỷ thứ 16, chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa khai phá, một số tộc trưởng đã lập ra làng Thanh Toàn, sau này phải đổi thành Thanh Thủy vì Toàn là tên húy của vua Thiệu Trị.

Cầu ngói Thanh Toàn do phu nhân của một vị quan dưới thời vua Lê Hiển Tông tên là Trần Thị Đạo xây dựng nên.

Bàn thờ bà Trần Thị Đạo (ngay gian giữa trên cầu).
Bà này hiếm muộn đường con cái nên xây cầu làm phước, cầu tự. Bà đã bỏ tiền xây cầu cho dân làng 2 bên sông qua lại dễ dàng, có nơi nghỉ chân hóng mát trên đường đi, những kẻ không nhà, lỡ đường có chỗ trú qua đêm. Về sau, chiếc cầu cũng biến thành nơi hò hẹn của những đôi lứa yêu nhau trong những đêm trăng thanh gió mát hay những buổi trưa hè oi bức.

Vua Lê Hiển Tông đã ban cho bà Trần Thị Đạo một sắc phong khen ngợi công đức của bà đối với dân địa phương sau khi bà xây dựng chiếc cầu này. Vua Khải Định cũng ban cho bà một tước vị rất cao quý là "Dực bảo trung hưng linh phò" và hạ chỉ cho dân làng phải lập bàn thờ bà (ngay gian giữa trên cầu). Hàng năm, đến ngày húy của bà, dân chúng địa phương cúng tế rất trọng thể, xem như một lể hội định kỳ nơi chiếc cầu lịch sử ấy.

Hai bên cầu có hai lối đi, có lan can làm tay vịn và cũng là chỗ ngồi hóng mát, nghỉ mệt.

Bây giờ, mỗi khi qua cầu, dừng lại nơi lan can để nghỉ mệt, hóng mát, các bạn có thể đọc thấy những câu thơ chữ Hán còn khắc ghi như:

"Thế Xuyên mâu hữu phiệt
Thanh thủ trắng hồng lâu"

(tạm dịch: đây là chiếc bè quý để qua sông mà cũng là lầu hồng hóng mát khi trời nóng nực)



Cầu ngói Thanh Toàn còn là một điểm hội thơ"trên trăng dưới nước" tuyệt vời. Cứ vào đêm 16 trăng tròn, thi nhân khắp nơi tụ về, ngồi trên hàng ghế tựa thành cầu, tuần tự ngâm thơ cho nhau nghe những bài thơ mới sáng tác. Giữa đó là những lời bình. Khán giả ngồi chật cả lòng cầu, xe cộ phải "vui vẻ" tạm dừng vào nghe thơ, uống tách trà nóng. Một nét văn hóa lạ và dễ gây cảm tình với các du khách. Nay thì còn định kỳ 3 tháng và đông vui nhất là vào ngày 16 tháng giêng mỗi năm.

(tham khảo theo Phong Sơn)
(Sưu tầm trên mạng)