Saturday, March 3, 2018

CHỢ LỚN VÙNG ĐẤT KỲ THÚ

Ngày xưa Sài Gòn – Chợ Lớn là một địa danh, nhưng cũng có thể hiểu là hai nơi khác biệt vì kiến trúc và văn hóa khác nhau. Nói đến Chợ Lớn tức nói đến khu vực có nhiều người Việt gốc Hoa sống, có thể nói là đông nhất nước. Có nhiều người đi du lịch khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa biết hết về vùng đất này bởi nơi đây quá gần gủi nên nghĩ cảnh vật và con người cũng không khác gì những tỉnh thành trong nước. Là người ở tỉnh lẻ, lên TP.HCM sống , tôi được may mắn tạm trú tại quận 6, nằm cạnh Chợ Lớn, một khu vực mà nhiều người khó hình dung là phường hay là quận? Chợ Lớn là khu vực gồm quận 5, một phần quận 6, một phần quận 11 và một phần quận 8 mà cộng đồng người Hoa cư ngụ lâu đời.


Đến Chợ Lớn những ngày đầu, tôi được đi xem ca nhạc Hồ Quảng ở một tụ điểm rất thanh bạch gần Chợ Thiếc (quận 11). Nói thanh bạch là vì tại đây chỉ có ca nhạc thuần túy, không có mấy em chân dài, khán giả đi nghe là tầng lớp bình dân, họ ngồi ngay ngắn trong khán phòng với các ghế dài có thanh dựa lưng như ở phòng học của trường tiểu học. Khách đến nghe ca nhạc kêu cà phê hay nước chanh được để trong lon sữa bò có quai treo trên thanh dựa lưng ghế trước (kiểu bàn ăn trên máy bay) nên có thể nhâm nhi và thưởng thức nhạc cổ, nhạc tân. Ca sĩ có lẽ thuộc hàng nghiệp dư nên ăn mặc không diêm dúa nhưng có giọng ca khá chuẩn. Tuy không biết tiếng Hoa, song cảm thụ về âm nhạc bằng cảm tính của tôi cũng tạm được, biết mình nhận xét đúng nhờ những tràng vổ tay của khách. Khi có người ca hay, khán giả bước chân lên sân khấu tưởng thưởng các nghệ sĩ bằng những bao lì xì gắn trên micro. Một khán giả lâu năm tại đây cho biết, số tiền đó được tổng hợp lại, cuối buổi diễn trong nhóm chia nhau ra từ nhạc công đến ca sĩ, đủ tiền cà phê-điểm tâm vì họ đến đây mục tiêu chính là trao dồi nghệ thuật, còn chuyện kiếm sống thuộc về bên ngoài. Với khán giả thì đây là sân chơi cuối tuần, vừa duy trì văn hóa dân tộc , vừa có nơi thư giản. Sau hai mươi năm trở lại nơi này, các tụ điểm đó đã mất, biến thành những đoàn ca hát quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn ở các nhà hàng.


Ăn cơm tàu

Người Việt có câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây” thì cơm Tàu ở Chợ Lớn là số dách. Nhà hàng ở khu vực này giới bình dân không dám bén mảng đến, nếu đến chỉ là đi đám cưới, đám tân gia. Những tửu lầu danh tiếng ở khu này có Đồng Khánh, Ái Huê, Thiên Hồng… Ngày nay thì có nhiều hơn, bảng hiệu để tiếng Anh và nằm trong các trung tâm thương mại. Giới bình dân có thể ăn món Tàu ở các con đường chuyên doanh như đường Phan Xích Long, phường 16, quận 11. Gần như nguyên đường này các quán san sát nhau, mỗi quán có một món “chủ lực” riêng, thực khách nhìn vào bảng hiệu giới thiệu ngoài cửa mà vào. Theo truyền thống quán của người Hoa, bàn nào cũng có để sẳn hai dĩa há cảo, hai dĩa xíu mại, khách ăn thì tính tiền, không đụng đến thì không tính. Các món chủ lực là gà ác tiềm thuốc Bắc, óc heo chưng, mì xào giòn, mì xào thập cẩm, cơm xá xíu.. tất cả giá mềm. Đi bốn người, trong túi có năm trăm ngàn là được.


Chợ Lớn có phố Hà Tôn Quyền, quận 11, chuyên bán sủi cảo. Sủi cảo là món nước như hủ tíu, được làm bằng bột mì cán miếng gói chút nhân thịt, hay tôm xay có tiêu giống như hoành thánh. Nếu làm hoành thánh, người ta phải vò viên, sủi cảo chỉ xếp cho dính thôi nên người Việt gọi là bánh xếp nước. Mang danh là “phố sủi cảo” nhưng các tiệm đều có bán mì sợi, hoành thánh, há cảo với các loại tôm, mực, thịt heo xay nhuyển. Thực khách mặc tình mà chọn lựa sủi cảo thập cẩm hay sủi cảo chiên. Phố Hà Tôn Quyền ngắn và hẹp nhưng hệ thống giữ xe khá linh hoạt, khách đến được mời chào đon đả và xe được giữ miễn phí.

Phố sủi cảo hoạt động ngày và đêm, nhưng đông vui về đêm. Từ năm giờ chiều đến mười giờ đêm đèn đuốc sáng choang, xe cộ tấp nập, không biết có phải vì món ăn ngon, giá cả vừa phải hay vì thấy đông vui?

Thức ăn chay ở Chợ Lớn thì có Xóm Giá, gần ngả tư Cây Gỏ (quận 11), xóm này nằm trên hẽm đường Hồng Bàng, trên đó có hơn mươi quán hủ tiếu chay, bán suốt hơn bốn mươi năm. Trong các món thức ăn chơi, hủ tiếu có giá rẻ nhất so với mì, hoành thánh, do vậy nhà nào cũng có bán, kế đó là bún riêu chay, bò kho chay. Giá các món chay tại đây chỉ bằng phân nửa giá món mặn cùng loại, thế nên sinh viên học sinh thường ăn thay cho bữa cơm hàng ngày. Nguyên nhân hình thành xóm này chưa nghe ai kể nhưng khu vực này có nhiều chùa nên cả xóm cùng nhau bán để phục vụ cho quý thầy và Phật tử. Tháng Phật tử dùng trường chay như tháng 7 âm lịch, đến những quán này ăn cũng không dễ dàng gì.


Tham quan thắng cảnh

Du khách nước ngoài đến TP.HCM thường được các công ty lữ hành đưa đi tham quan chùa trong Chợ lớn. Đa số chùa đều được xây dựng ở đây hơn trăm năm mươi năm nên có kiến trúc cổ mang dáng dấp Trung Hoa. Những vật liệu xây dựng chùa được chỡ từ Trung Hoa hay gốm Lái Thiêu có phong cách phương Đông cổ kính. Chỉ trên đường Nguyễn Trãi có hai chùa , chùa bà Thiên Hậu được xây dựng hơn 250 năm, Nghĩa An Hội quán tức chùa Ông, thờ Quan Công cũng hơn 150 năm. Du khách đến đây thưỡng lãm nền kiến trúc xưa, các học giả đến đây xem chữ trong các bức hoành phi, phù điêu hàng trăm năm trước. Ngoài hai chùa danh tiếng này, Chợ Lớn còn có Tam Sơn hội quán trên đường Triệu Quang Phục, Nhị Phủ miếu ở đường Hải Thượng lãn ông, cũng là chùa miếu nhưng nhỏ hơn.

Nhắc đến danh y Hãi Thượng của Việt Nam, lại nhớ đến phố thuốc Bắc trên đường này. Những tiệm thuốc chuyên bán cao đơn hoàn tán, còn có những tiệm bán dược liệu lấy từ cỏ cây trong nước bán khắp tỉnh thành phía Nam. Từ khi Đông y bị Tây y lấn lướt, những tiệm này đã nhập hàng từ Hong Kong, Đài Loan các loại thuốc bào chế trị những bệnh hiểm nghèo với giá không rẻ.


Chợ Lớn còn có những con đường chuyên doanh một mặt hàng như đường Tạ Uyên, Bùi Hữu Nghĩa bán gà vịt, heo quay, với mùi vị đặc biệt theo phương cách gia truyền có từ nhiều đời. Phố bán đồ thờ cúng là Nguyễn Chí Thanh, nơi đây bán tranh thờ, tượng Phật, tượng ông Địa, chuông mỏ, chân đèn và lư hương. Cũng bán đồ thờ nhưng đường này không bán chấn vản, tràng hoa cho người mới chết. Các bức hoành hay chấn vản được may ở khu đường Triệu Quang Phục, chỗ này lại bán thêm đầu lân, trống, ông Địa cho trẻ con múa vào dịp Tết và may võ phục cho các đội lân sư rồng, bán áo mão cúng cho bà Chúa xứ Châu Đốc, bà Đen ở Tây Ninh. . .Tất cả đều có kiểu mẫu, ni tấc khác nhau, người mua chỉ cần cho biết đi cúng chùa nào là các tiệm đưa ra y phục cho “ Qúi Bà” đúng kích thước.

Chợ Lớn là một khu vực nhỏ của TP.HCM, ấy vậy mà rất nhiều người trong nước khó biết hết những cái hay lạ và đẹp trong khu vực này chỉ vì mãi coi thường Chợ Lớn quá gần chúng ta.

Lương Minh