Bầu hồ lô là một thứ quả có hình dạng kỳ lạ, tròn trịa đầy đặn, miệng nhỏ bụng lớn, người xưa thường dùng làm đồ đựng rượu, nước, hoặc các linh đơn dược liệu để phục vụ cho những chuyến đi xa.
Không ai biết hồ lô bắt đầu được trồng từ bao giờ, nhưng cho đến nay, loại quả này không chỉ quen thuộc trong cái ăn thường ngày mà còn cả trong văn hóa tinh thần. Hồ lô miệng nhỏ bụng lớn, tượng trưng tài lộc đầy kho, chiêu tài nạp phúc. Tuy nhiên, công dụng nổi bật nhất của hồ lô chính là tiêu tai hóa bệnh.
Sách phong thủy kinh điển “Tuyết tâm phú” có viết: “Hồ lô sơn hiện, thuật số y lưu”. Tức chỉ nơi nào có ngọn núi hình quả hồ lô thì nơi ấy ắt có xuất hiện y sư hoặc thuật sĩ cao minh.
Từ xa xưa, những người làm nghề chữa bệnh, xem bói, bốc quẻ hoặc tướng số đều thích treo hồ lô trong nhà hoặc ở nơi làm việc của mình để mong sự nghiệp suôn sẻ, thuận lợi. Quả hồ lô thường dùng để đựng linh đơn diệu dược, là biểu tượng của sức khỏe và an lành. Có nghĩa, nhà có người bệnh thì chỉ cần treo trái hồ lô ở bên giường người bệnh, bệnh nhẹ sẽ hết, bệnh nặng sẽ giảm, tinh thần khoan khoái.
Ông Lý Thiết Quải, một trong bát tiên thường hay mang theo hồ lô bên mình, dùng thuốc tiên trong quả hồ lô để chữa bệnh cho người nghèo khổ ốm đau. Ông Thọ là một vị thần bất tử, hay mang theo mình nấm linh chi, trái đào tiên và quả hồ lô đựng nước trường sinh. Chính vì thế, hồ lô còn là một biểu tượng của sự trường sinh. Đó là một món quà rất ý nghĩa để tặng người cao tuổi, tượng trưng cho lời cầu chúc sức khỏe và trường thọ.
Cả Phật giáo và Đạo giáo đều rất xem trọng hồ lô và coi nó là biểu tượng của điềm lành. Quả hồ lô được dùng làm bình đựng rượu tiên, hay lọ nhỏ đựng nước cam lộ của Quán Thế Âm Bồ Tát cũng thường có hình dạng giống hồ lô. Trong Lão giáo, quả hồ lô là pháp bảo trừ tà và hóa giải tà khí, bắt giữ những linh hồn xấu.
Ở Hong Kong, nếu đến phòng khám trong các bệnh viện, hoặc phòng khám tư nhân đi nữa, bạn thường sẽ thấy một tấm bảng nhỏ ghi bốn chữ: “Huyền xác tế thế”. Kỳ thực từ “xác” trong bốn từ này là dùng để chỉ hồ lô.
Trong “Hậu Hán thư” – một trong những tác phẩm lịch sử của Trung Hoa – có ghi lại rằng vào cuối đời Đông Hán có một chàng trai tên gọi là Phí Trường Phòng. Một hôm Phí Trường Phòng đang một mình uống rượu trong quán thì chợt thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ treo một chiếc hồ lô bên đường bán thuốc.
Quả hồ lô được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và trường thọ.
Vì đang lúc nhàn rỗi, chẳng có việc gì làm nên Phí Trường Phòng vừa nhâm nhi rượu, vừa đưa mắt quan sát ông lão nọ. Suốt mấy canh giờ, đám người xung quanh ông lão thưa dần, và cuối cùng thì chẳng còn một ai.
Chờ thêm một lúc, thấy không còn ai đến mua thuốc nữa, ông lão lẳng lặng, nhẹ nhàng chui vào trong chiếc hồ lô vẫn dùng đựng thuốc, và trong chớp mắt đã không còn nhìn thấy hình bóng ông ta đâu nữa.
Chứng kiến cảnh ấy, Phí Trường Phòng vô cùng kinh ngạc. Dù đã uống nhiều rượu, thế nhưng lúc ấy anh lại rất tỉnh táo, cảm thấy người nhẹ nhõm và khoan khoái như vừa bước ra từ một giấc mơ kỳ diệu. Anh nhận ra rằng, ông lão bán thuốc kia chắc chắn không phải là một người bình thường.
Hôm sau Phí Trường Phòng lại vào quán rượu cũ, ngồi đúng vị trí ngày hôm trước, kêu một ít rượu ngon và đồ nhắm, rồi nhâm nhi chờ ông lão bán thuốc xuất hiện. Vừa thấy ông lão, anh liền mang rượu và đồ nhắm tiến về phía ông với ý định bái lạy ông và xin được làm đệ tử.
Sau một hồi quan sát kỹ lưỡng mọi hành động, cử chỉ, thái độ cũng như lời ăn tiếng nói của Phí Trường Phòng, cuối cùng ông lão gật đầu đồng ý. Ánh mắt lộ rõ niềm vui, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra hết sức bình thản, ông đưa mắt ngầm bảo Phí Trường Phòng hãy kiên nhẫn chờ thêm một lát nữa.
Qua mấy canh giờ, người đến mua thuốc vãn dần, rồi cũng đến lúc người khách cuối cùng đi rất xa, khuất hẳn sau hàng rào, bấy giờ ông lão mới nắm lấy tay Phí Trường Phòng, cùng nhau chui vào trong lòng chiếc Hồ lô đựng thuốc.
Sau khi đã tiến hẳn vào trong lòng quả bầu, Phí Trường Phòng lại một lần nữa giật mình kinh ngạc. Trước mắt anh là cả một tòa tiên cảnh, không chỉ có lầu son gác tía mà bốn bề đều là kỳ hoa dị thảo, hương thơm gió mát, ánh nắng dịu dàng ấm áp, không khí vô cùng trong lành khiến cả tâm hồn cũng như thể xác Phí Trường Phòng vô cùng sảng khoái. Từ đó, giữa chốn tiên cảnh, anh được ông lão bán thuốc chỉ dạy y thuật. Anh cũng ngày đêm miệt mài học hỏi, rèn luyện, trau dồi y thuật.
Thời gian dần trôi, nhận thấy Phí Trường Phòng đã thông thạo y thuật, dược học, ông lão bèn tặng Phí Trường Phòng một cây gậy trúc và bảo anh hãy về nhân gian để cứu chữa người bệnh.
Phí Trường Phòng lạy tạ vị ân nhân rồi cưỡi lên gậy trúc, trong chốc lát anh đã về đến trần thế. Đến quán rượu nọ, vừa nhìn thấy Phí Trường Phòng, người chủ quán không thể giấu nỗi sự kinh ngạc, trợn trừng hai mắt, kêu một tiếng thất thanh, không biết vì mừng rỡ hay kinh hãi.
Lấy làm lạ, Phí Trường Phòng nhìn chủ quán một lúc rồi đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Sau khi hỏi chủ quán cặn kẽ mọi sự, Phí Trường Phòng mới hay rằng mình đã đột ngột biến mất khỏi nơi này hơn mười năm rồi, người thân của anh cũng như bà con xóm giềng đều cho rằng anh đã mất tích và chết ở một nơi nào đó.
Bầu hồ lô thường gắn với những câu chuyện thần thoại ly kỳ.
Giật mình, Phí Trường Phòng vội chạy về nhà, vừa nhác trông thấy anh, người nhà đã ùa ra vây chặt lấy với tâm trạng mừng mừng, tủi tủi. Dù cười nói hết sức vui vẻ nhưng không ai cầm được nước mắt trước sự trở về đột ngột, đầy huyền bí của anh.
Từ đó, Phí Trường Phòng bắt tay vào nghề thuốc, chữa trị bệnh tật cho bà con trong vùng. Y thuật của anh vô cùng cao minh, hầu như mọi loại bệnh nan y mà các danh y khác bó tay, anh đều chữa khỏi. Thậm chí có những trường hợp người nhà khiêng xác người bệnh đã chết đến nhờ anh cứu chữa, Phí Trường Phòng vẫn có thể cứu người ấy sống lại được.
Danh tiếng về tài năng y thuật của Phí Trường Phòng vang bốn phương. Bệnh nhân khắp cả nước kéo về xin anh cứu chữa. Đối với những bệnh nhân bệnh tình nguy kịch, không thể đến được, Phí Trường Phòng không ngần ngại tìm đến tận nơi để chữa trị cho họ và hầu hết những người ấy đều khỏe mạnh trở lại.
Mỗi lần rời khỏi nhà, Phí Trường Phòng không quên đeo bên hông một chiếc hồ lô đựng đầy thuốc quý. Khi khám bệnh cho một ai đó, Phí Trường Phòng lại treo chiếc hồ lô ấy lên một vị trí cao ráo, sạch sẽ. Cũng từ đó mà bốn chữ “Huyền xác tế thế” ra đời và lưu truyền cho mãi đến ngày nay.
Theo: Tinhhoa