Chuyện kể rằng nước sông và nước giếng chưa từng gặp nhau… Cho đến một hôm, chú hòa thượng ở ngôi chùa nọ được Sư phụ dặn dò ra con sông gần chùa xách nước đem về tích trữ chuẩn bị cho năm hạn hán kéo dài. Cậu vui vẻ nghe lời Sư phụ, quẳng gánh tung tăng đi lấy nước. Chăm chỉ hết một buổi sáng, cuối cùng cậu đã gánh được cả mấy thùng nước to đầy ăm ắp rồi đặt chúng cạnh cái giếng trong chùa.
Giếng thấy vậy lạ lùng quay sang hỏi nước sông:
“Này! Bạn là ai vậy?”
Nước sông trả lời: “Tôi là nước được lấy ở con sông gần chùa, mọi người đều biết đến tôi. Thế còn cậu?”
Giếng đáp: “Tôi là nước giếng, mà thật kỳ lạ. Có nước giếng của chúng tôi rồi, vậy sao còn cần đến nước sông của các bạn làm gì?”
Nước sông nghe vậy nhanh nhảu đáp: “Không có nước của chúng tôi, rất nhiều sinh vật không thể tồn tại. Trong lòng nước của chính tôi đếm không xuể có bao nhiêu loài cá mú và các vật chất khác. Nước của các bạn thì dùng để làm gì chứ? Không có nước giếng của các bạn, thế giới vẫn rất phồn hoa đó thôi!”.
Giếng nghe xong tức mình đáp trả: “Vậy nước sông bạn có thể đi khắp mọi ngóc ngách trên thế giới không? Còn nước giếng chúng tôi đây, bất kể là ở nơi nào, chỉ cần có mạch nước ngầm và có người khoan ra một miệng giếng, vậy là nước chúng tôi đã có thể cung cấp cho con người sử dụng rồi, hơn thế lượng nước là vô tận, dùng mãi cũng không hết. Không có dòng sông các bạn, thì vạn vật vẫn cứ sinh tồn bình thường thôi!”.
Giếng nghe xong tức mình đáp trả: “Vậy nước sông bạn có thể đi khắp mọi ngóc ngách trên thế giới không? (Ảnh: Shutterstock)
Cậu hòa thượng khi nãy đi ngang qua và nghe xong câu chuyện liền đi đến ngồi tựa cạnh giếng, miệng ngậm cọng cỏ, vắt chân chữ ngũ rồi cười khúc khích.
Nước sông và nước giếng thấy vậy quay ra hỏi: “Bạn cười gì vậy? Bạn xem xem chúng tôi nói ai đúng ai sai?”.
Lúc này, hòa thượng mới bắt đầu giảng giải: “Hai người đừng tranh cãi làm gì, ai cũng đều quan trọng cả. Tại sao lại có cuộc tranh luận này? Bởi vì ai cũng chỉ có mỗi bản thân mình trong tâm. Tôi kể cho các cậu một câu chuyện… Đã từng ai nghe nói về nước biển chưa nhỉ?”
Nước sông nhanh nhảu: “Tớ có nghe nói, biển ở ngoài nơi xa xăm, rất rộng lớn, nhưng tớ cũng chưa từng được gặp!”.
Cậu hòa thượng mỉm cười nói: “Trước đây Sư phụ đã kể cho tôi một câu chuyện, thời nhà Thanh có một vị tướng tên là Lâm Tắc Từ, ông đã từng nói: ‘Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại; bích lập thiên nhận, vô dục tắc cương’, ý nói rằng biển có thể dung nạp trăm nghìn con sông mà trở nên rộng lớn. Nó có thể tiếp nhận được những giọt nước tinh khiết nhất, cũng đồng thời tiếp nhận cả những giọt nước cặn bẩn nhất, vậy nên nó mới có thể rộng lớn, không bờ không bến, đó cũng là trí huệ của lòng bao dung. Nếu bản thân tự biết khiêm nhường, đối đãi với vạn vật bằng cái tâm chân thành không ganh ghét, thì bản thân ắt trở nên vĩ đại”.
Biển có thể tiếp nhận được những giọt nước tinh khiết nhất, cũng đồng thời tiếp nhận cả những giọt nước cặn bẩn nhất, vậy nên nó mới có thể rộng lớn, đó cũng là trí huệ của lòng bao dung. (Ảnh: Pexels)
Nước sông và nước giếng bên cạnh nghe xong đỏ mặt trầm tư suy ngẫm…
Cậu hòa thượng lại tiếp tục: “Các bạn biết không? Lão Tử cũng từng thuyết: ‘Trên thế gian không gì yếu mềm như nước, nhưng không thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được. Nước không tranh giành, chân thành giúp đỡ vạn vật, không phân cao thấp, vì không tranh giành mà không oán hận lo âu. Nước vô ngã, vạn vật đều dựa vào nước mà tồn tại, nước không chối từ trách nhiệm, đem thân mình hiến dâng cho tự nhiên, không cần báo đáp’… Trong con mắt tôi, các bạn đều rất tuyệt vời. Nhưng muốn trở nên vĩ đại thì hãy học cách bao dung như biển cả, hạ thấp bản thân mới có thể làm vua trăm họ”.
Nước sông và nước giếng nghe xong như bừng tỉnh, ngại ngùng liếc mắt nhìn nhau.
Cậu hoà thượng mỉm cười tiếp tục: “Các bạn đừng buồn, tôi kể tiếp cho một câu chuyện nữa. Hồi nhỏ khi còn chưa vào chùa, mình chơi cùng các bạn nhỏ khác. Khi đó có một cậu bạn rất tự cao tự đại và mình rất ghét. Cậu ta hay dè bỉu và không coi mình ra gì, trong khi đó các bạn khác đều rất thích chơi với mình. Mình cứ khó chịu về anh bạn này mãi cho đến một hôm nhìn thấy bố mẹ cậu ấy vui vẻ đưa cậu đi chơi, bất giác mình chợt nghĩ: ‘Cậu ấy cũng là đứa con mà cha mẹ cậu hết mực yêu thương, nếu mình cứ ghét cậu ta, thì chẳng phải cha mẹ cậu ấy cũng buồn lắm ư? Tại sao mình không thể quý trọng cậu ấy như cha mẹ cậu ấy được? Vậy thì… vậy thì… đối với tất cả những người mình không ưng ý, nếu cứ nghĩ vậy chẳng phải mình sẽ không phải ghét ai nữa sao?’ Từ đó về sau lúc nào mình cũng mang theo niệm ấy, tâm tình quả thực rất thảnh thơi, vui vẻ… Đến khi vào chùa theo Sư thầy dạy bảo mới biết rằng, đó là vì mình đã học được cách bao dung, bỏ được tật đố, ganh đua, tấm lòng thật thoáng đãng nhường nào”...
Nước sông và nước giếng nghe xong gật gù vui vẻ nhìn nhau.
Nước sông nói: “Tớ quả thực đã quá đề cao mình, bạn ở nơi lòng đất, bất cứ khi nào cũng có thể giúp đỡ cho con người, thật đáng trân quý!”.
Giếng cũng mỉm cười đáp: “Không phải đâu, chúng ta đều trân quý, vạn vật được sinh ra trên trái đất này đều đáng được trân quý, như mẹ biển cả có thể dung nạp được những giọt nước bẩn nhất, vì mỗi sinh mệnh đều mang đến phồn vinh cho thế giới. Nếu như chỉ nhìn vào điểm tốt của người, cố gắng tu sửa khuyết điểm nơi tự thân thì chúng ta đã không tranh cãi nữa rồi!”.
Nước sông đáp: “Đúng vậy! Thật cảm ơn giếng và hoà thượng nhé, tôi sẽ đem câu chuyện kể lại cho các bạn của mình!”.
Nước giếng cũng nói: “Tớ cũng làm vậy!”.
Cậu hoà thượng nghe xong vui vẻ miệng ngậm cọng cỏ đứng dậy vừa đi vừa ngâm nga:
“Nước vị tha
Nước bao dung vĩ đại bất luận ân oán đúng sai
Biển lớn dung nạp trăm nghìn sông,
tấm lòng bao dung mới trở thành vĩ đại
Vách núi nghìn trượng sừng sững
không mang dục vọng thì mới giữ mình cương trực
Ta không ganh người, nước sông không ganh nước giếng”...
Từ đó về sau không bao giờ thấy nước giếng và nước sông tranh luận với nhau nữa. Họ sống rất hoà thuận…
Anh Kỳ
No comments:
Post a Comment