Giữa lúc toàn dân đang còn để tóc dài, thì vua Thành Thái đã cắt tóc ngắn, mặc đồ Tây và ông bắt cận thần phải cắt tóc. Năm 1905, vua ngự giá vào Quảng Nam, bị dân chúng chế nhạo. Năm sau, phong trào cắt tóc được Phan Châu Trinh phát động. Phan Khôi viết “Lịch sử tóc ngắn” đăng trên báo Ngày Nay năm 1939'
Mùa đông năm 1906, thình lình ông Phan Châu Trinh đi với ông Nguyễn Bá Trác đến nhà tôi. Đã biết tin ông Phan mới ở Nhật về, tiên quân tôi chào mừng một cách thân mật với câu bông đùa này: “Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc!” Bấy giờ tôi có mặt ở đó, câu ấy khiến tôi phải chú ý xem ngay đầu ông Phan. Thấy không đến trọc, nhưng là một mớ tóc ngắn bờm xờm trong vành khăn nhiễu quấn.Ở chơi nhà tôi ba hôm, lúc đi, ông Phan rủ tôi cùng đi sang làng Phong Thử, nơi hiệu buôn Diên Phong, là một cơ quan của các đồng chí chúng tôi lúc bấy giờ mới lập được mấy tháng. Tại đó, gặp thêm ông cử Mai Dị nữa, rồi bốn người chúng tôi cùng đi thuyền lên Gia Cốc, thăm ông Học Tổn (…)
Giữa bữa cơm sáng đầu tiên, khi ai nấy đã có chén hoặc ít hoặc nhiều, ông Phan mở đầu câu chuyện, nói: − Người đời, nhất là bọn nhà nho chúng ta, hay có tánh rụt rè, không dám làm việc. Mỗi khi có việc đáng làm, họ thường tìm cớ trách trút, có khi họ nói: Việc nhỏ, không xứng đáng. Trong ý họ, đợi đến việc lớn kia. Nhưng nếu họ đã có ý không muốn làm thì đối với họ việc nào cũng sẽ là nhỏ cả, thành thử cả đời họ không có việc mà làm!…
Ở Gia Cốc về, chúng tôi chưa về nhà vội, còn định trú lại Diên Phong mấy ngày. Ở đó, chúng tôi yêu cầu các ông Phan Thúc Duyện, Phan Thành Tài, Lê Dư cũng làm như chúng tôi; luôn với năm, sáu mươi vừa người làm công, vừa học trò, đều cúp trong một ngày. Rồi hễ có vị thân sĩ nào đến chơi là chúng tôi cao hứng lên diễn thuyết, cổ động, khuyến họ cúp thảy cả. Trong số đó có ông tiến sĩ Trần Quý Cáp, thầy chúng tôi và các ông tú Hữu, tú Bân, tú Nhự, còn nhiều không kể hết. Ít hôm sau, ông Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông ra, cũng cúp tại đó, chính tay ông Lê Dư cầm kéo hớt cho ông Huỳnh dù ông Lê chưa hề biết qua nghề hớt là gì.
Hôm ở Diên Phong về nhà, tôi phải viện ông Lê Dư đi về với. Thấy hai chúng tôi, cả nhà ai nấy dửng dưng. – Trước tôi mảng tưởng về nhà chắc bị quở dữ lắm, nhưng không, thầy tôi tảng lờ đi, bà tôi càng lạnh lùng hơn nữa, chỉ ba chặp lại nhìn cái đầu tôi mà chặc lưỡi. Dò xem ý bà tôi, hẳn cho rằng tôi đã ra như thế là quá lắm, không còn chỗ nói! (…).
Ảnh thợ cắt tóc và lấy ráy tai, bưu thiếp sử dụng năm 1909.
Qua đầu năm 1907 giở đi, thôi thì cả tỉnh nơi nào cũng có những bạn đồng chí về việc ấy (…) Lúc này không còn phải cổ động nữa, mà hàng ngày có những người ở đâu không biết, mang cái búi tóc to tướng đến xin hớt cho mình. Bởi một ý đùa, tôi đặt một bài ca dao cho Đoan để mỗi khi hớt cho ai thì ca theo nhịp đó:
“Tay trái cầm lược,
Tay mặt cầm kéo,
Cúp hè! Cúp hè!
Thẳng thẳng cho khéo!
Bỏ cái hèn mầy,
Bỏ cái dại mầy,
Cho khôn, cho mạnh,
Ở với ông Tây!”
“Giữa lúc đó có lời phao đồn ở Diên Phong, chúng tôi hay cưỡng bách người ta hớt tóc, đến nỗi khuyên không nghe mà rồi đè xuống cắt đi, thì thật là thất thực, không hề có thế bao giờ. Sự cưỡng bách ấy nếu là có trong vụ “xin xâu” năm 1908, do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. Tôi vắng mặt trong vụ ấy, nhưng sau nghe nói lại rằng mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. Cũng nhờ vậy mà sau vụ này, thấy số người tóc ngắn tăng giá lên rất nhiều, (…) cuộc phiến loạn năm 1908 ấy, trong các ký tài của người Pháp cũng gọi là “cuộc phiến loạn của đảng hớt tóc” (Révolte des cheveux tondus). Xem đó đủ thấy hớt tóc ở thời đại ấy bị coi là nghiêm trọng dường nào.”
Phan Khôi
(Trích Lịch sử tóc ngắn, Tự truyện của Phan Khôi, Ngày Nay số 149, 15/2/1939), in lại trong 13 năm tranh luận văn học, tập III, trang 535-543).
No comments:
Post a Comment