Sunday, October 18, 2020

CÂU CHUYỆN VỀ TỔ SƯ PHONG THỦY LẠI BỐ Y

Tuy không đỗ đạt khoa bảng như sự sắp đặt của cha, nhưng kỳ tài của ông sau này đã được hoàng đế trọng dụng. Ông chính là tổ sư phong thủy đất Trung Hoa Lưu Bố Y.
 

Lại Bố Y sống vào thời Tống Huy Tông (1101 – 1126 sau CN), tên thật là Lại Văn Tuấn, tên chữ là Thái Tố, Hào Phượng Cương hoặc gọi là Phong Cương, biệt hiệu là Tiên Tri Sơn Nhân, Bố Y Tử, người đời thường gọi là Lại Bố Y.

Thầy phong thuỷ nổi tiếng Lai Bố Y sinh ra trong một gia đình phong thủy trên một ngọn núi của huyện Định Nam, tỉnh Giang Tây. Từ nhỏ ông đã học hành giỏi giang nên Lai Bố Y khi lên 9 tuổi đạt cao trung tú tài.

Đương thời làm đến chức Quốc sư, sau bị gian thần Tần Cối xàm tấu hãm hại, khiến phải lưu lạc nhân gian, trong bước đường sinh nhai đã từng đi đến mọi vùng Trung Hoa rộng lớn, dùng phong thủy cứu dân độ thế, giúp người nghèo, lưu lại nhiều thần thoại điển tích.

Đi tiểu bậy làm mất công danh

Lúc ban đầu, cha của Lại Bố Y là Lại Trừng Sơn, cũng là thầy phong thủy nổi tiếng bấy giờ, thấy con trai còn nhỏ mà đọc đủ thứ kinh sách, thông minh lanh lợi, ông hy vọng con mình không kế thừa nghiệp cha, mà sẽ đi thi để theo đường công danh, làm rạng rỡ tổ tông. Cho nên lúc Lại Bố Y được mười một tuổi, ông nội của Bố Y qua đời, cha ông liền bắt tay vào tìm một vùng đất có phong thủy tốt, để có lợi cho con đường công danh của con cháu đời sau.

Cuối cùng, Lại Trừng Sơn phát hiện tại huyện Nhạc Bình, tỉnh Việt Bắc một nơi non xanh nước biếc, đúng là chỗ lý tưởng để chôn cất. Vì vậy chọn ngày giờ tốt dẫn Lại Bố Y cùng với người hầu đi tới đó để cử hành nghi thức an táng cho ông nội.

Một nơi non xanh nước biếc.

Lúc Lại Trừng Sơn đem di cốt của cha hạ xuống, đang chuẩn bị đắp thêm đất làm mộ, không ngờ người hầu vì quá mót tiểu, liền chạy đến sau núi của mộ huyệt để ‘giải quyết’. Lúc này ngăn cản đã không còn kịp nữa, Lại Trừng Sơn chỉ biết thở dài một tiếng: “Đây đúng là số mệnh!”.

Lại Bố Y hỏi cha vì sao mà ưu sầu như vậy, cha nhìn ông rồi nói: “Vốn cái huyệt này là để giúp con làm quan đấy, nhưng lại bị tên gia nô kia đi tiểu bậy làm linh khí phong thủy rời đi rồi, về sau con sẽ không theo con đường chính quy mà đạt được công danh đâu, tương lai chỉ có thể làm Quốc sư (tức là giống như cao nhân đắc đạo ở bên cạnh Hoàng Đế làm cố vấn)”. Về sau Lại Trừng Sơn bắt đầu dụng tâm truyền thụ tri thức phong thủy cho Lại Bố Y.

Hai năm sau, Lại Bố Y vào kinh đi thi, vốn người bình thường phải mất ba ngày mới có thể hoàn thành bài thi, ông chỉ cần một ngày đã xong, không ngờ lúc này ở lều bên cạnh có một thí sinh gọi là Lưu Trọng Đạt bị đau bụng, đau nhức không chịu được, rên rỉ không thôi. Thấy anh này cùng là đồng hương Giang Tây, Lại Bố Y không những cho anh ta uống thuốc, lại còn giúp anh ta làm bài thi, mà không nghĩ kết quả thi sẽ ra sao. Không ngờ chính mình lại bị rớt, còn Lưu Trọng Đạt lại có tên trên bảng vàng.

Sau khi về nhà, cha ông qua đời, còn lưu lại di thư, hy vọng ông không màng danh lợi, khắc khổ nghiên cứu huyền học phong thủy, hy vọng tương lai có thể trở thành Quốc sư ưu tú. Từ đó về sau, Lại Bố Y đối với công danh không còn sinh tâm vọng tưởng nữa, một lòng nghiên cứu phong thủy học, rất nhanh đã vang danh khắp nơi.

Dự đoán chuẩn xác tình hình hỏa hoạn nơi Hoàng cung

Hoàng cung. (Ảnh minh họa)

Lưu Trọng Đạt nhân một lần về quê tế tổ thì gặp Lại Bố Y, muốn tặng vàng để đáp tạ nhưng Lại Bố Y khước từ. Vì đã nghĩ đến điều này, nên khi trong hoàng cung đang xem xét để chọn lựa thầy phong thủy, Lưu Trọng Đạt đã tiến cử Lại Bố Y với đương kim Hoàng thượng.

Tiến vào kinh thành, Hoàng thượng sớm đã nghe Lại Bố Y là một người nổi tiếng trong giới phong thủy, thì có ý khảo sát ông, trước hết để ông ở trong cung nhìn xem bốn phía.

Sau khi đến cung Chiêu Dương, Lại Bố Y trình tấu với Hoàng Đế nói, tòa cung điện này đối diện với phương vị bính tuyến, mà bính đinh thuộc hỏa, ngày nào đó trong tháng này là lúc hỏa tinh đang lên, sẽ xảy ra hỏa hoạn, phải sớm có phòng bị cho tốt.

Kết quả đến đúng ngày hôm đó, cung điện xảy ra hỏa hoạn, chứng thực lời Lại Bố Y nói không sai. Hoàng Đế cực kỳ vui mừng, lập tức sắc phong cho Lại Bố Y làm Quốc sư.

Danh tiếng của ông do đó không ngừng vang xa. Về sau, Lai Bố Y khám phá xong cõi hồng trần mới ẩn tu trong núi thẳm rừng sâu, làm bạn với núi cao mây trắng, người đời về sau không còn thấy tông tích của ông nữa.

Tác phẩm kinh điển của bậc thầy phong thủy Lại Bố Y cho hậu thế

Truyền thuyết nói rằng Lại Bố Y khi vừa viết xong bản thảo “Thanh Ô Tự” thì Nam Hoa Đế Quân cử 1 con vượn trắng xuống ăn cắp. Tài liệu phong thuỷ quý báu này mãi đến hơn 100 năm sau đó rơi vào tay Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn dựa vào sách “Thanh Ô Tự” tư vấn cho Chu Nguyên Chương thành được nghiệp lớn xưng đế vương, khởi đầu triều nhà Minh.

Lại có truyền thuyết nói rằng mộ phần tổ tiên của Tôn Trung Sơn chính là do Lại Bố Y đặt nên, về sau Tôn Trung Sơn mới có thể trở thành cha đẻ của nước Trung Hoa hiện đại. Dân gian nói rằng những thành phố như Hong Kong, Quảng Châu, Anh Đức đều do Lại Bố Y chọn đất đặt thành. Đền thờ Lại Bố Y tại nguyên quán Quảng Đông được xem là một địa điểm du lịch, văn hóa cổ vật trọng điểm và được rất nhiều du khách Hong Kong đến thăm viếng.

Hong Kong

Chân Chân, theo SC

No comments: