VẬN MỆNH TỐT CHỈ LÀ MỘT VÁN BÀI ĐẸP. THÀNH BẠI ĐỜI NGƯỜI LỆ THUỘC VÀO NGƯỜI CẦM BÀI
Không ít người có ván bài đẹp, nhưng cuối cùng lại tự mình phá hỏng. Bởi vậy, một người có thành công hay không, còn phải xem xét đến ba phương diện đó là “mệnh tiên thiên”, “vận hậu thiên” và sự nỗ lực của bản thân.
Khi chúng ta không thể thay đổi được “mệnh”, thì phải dựa vào sự nỗ lực không ngừng, và học hỏi phương pháp “xu cát tị hung” (theo cái lợi mà tránh cái hại) trong “Kinh Dịch” để đạt được mục tiêu.
Mọi người đều biết, Kinh Dịch là một trước tác vĩ đại kết hợp triết học cổ đại, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, xưa nay được tôn xưng là bách khoa toàn thư văn hóa Á Đông. Thế nhưng, nhiều người lại cảm thấy quá khó hiểu mà bỏ qua không sử dụng. Tuy vậy, vẫn có một số người tin tưởng vào “Kinh Dịch”, tin rằng nó có thể giúp họ giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống, giúp họ “theo cái lợi mà tránh cái hại”, “nâng cao vận may”.
Vậy Kinh Dịch thực sự có thể “đổi vận” không? Liệu có thể “cải mệnh” không? Là một kho tàng văn hóa quý giá được lưu giữ hàng ngàn năm, “Kinh Dịch” đã cho thấy quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. Những người bình thường như chúng ta có thể thông qua quy luật như vậy để hiểu rõ vận mệnh của bản thân, nắm giữ chính mình và sự hài hòa của tự nhiên, từ đó điều chỉnh vận khí, cải thiện cuộc sống.
Trong xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, ai ai cũng có mộng tưởng quyền cao chức trọng. Tuy nhiên, không phải mơ ước của ai cũng đều trở thành hiện thực. Điều này được quyết định bởi xuất phát điểm ban đầu, sự nỗ lực của mỗi người và vận khí sau này.
Trong đó, khởi điểm ban đầu đã được định sẵn kể từ giây phút chúng ta được sinh ra. Ví dụ, có người được sinh ra trong gia đình chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng, có người lại sinh trong gia đình ở vùng núi nghèo khó, đó chính là sự khác biệt trong xuất phát điểm. “Xuất phát điểm ban đầu” này, đó chính là “mệnh” mà chúng ta hay nhắc đến.
Trong quy luật tự nhiên mà “Kinh Dịch” nói đến, thì “mệnh” của một người đã được định sẵn ngay từ thời khắc người đó được sinh ra. Ví dụ, sau khi thời gian sinh ra của một người đã được ấn định, thì mộc tinh và cung hoàng đạo tương ứng cũng được ấn định theo.
Vì thế lúc này, những ảnh hưởng mà người đó phải nhận từ các hành tinh cũng được sắp đặt sẵn. Kèm theo đó, hoàn cảnh gia đình giàu nghèo hay không cũng được định theo.
Từ đó có thể thấy, “mệnh” của một người quả thực chịu sự khống chế của tự nhiên, không thể thay đổi.
2. Vận hậu thiên
Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều song hành với thời gian, phối hợp nhịp nhàng với thời gian, tuân theo quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. (Ảnh: Pinterest)
Bàn về “vận”, ai cũng muốn mình có vận tốt. Trong cuộc sống, vận của mỗi người đều khác nhau. Vậy thì đối với “vận” được mọi người vô cùng quan tâm này, liệu chúng ta có thể khống chế trước hoặc thay đổi trước được không?
Đáp án là có.
Trong hệ thống “Kinh Dịch”, người xưa có thói quen dùng từ “tự” trong “Hào tự” để miêu tả sự độc đáo trong vận mệnh cuộc đời mỗi người. Trong đó mỗi một “tự” đều đại diện cho đặc điểm cuộc sống của một người trong khoảng thời gian đặc biệt nào đó.
Do đó chúng ta có thể thông qua tên tuổi và ngày tháng năm sinh để xác định được vận mệnh cuộc đời sau này, chúng ta có thể xem “tự” là tốt hay xấu và hàm ý của những “quái” (quẻ) tương ứng với “tự” để phán đoán tốt xấu vận mệnh cuộc đời.
Hàm nghĩa của “tự” và “quái” trực tiếp thể hiện “vận” của chúng ta sau này.
3. Có thể thông qua “xu cát tị hung” để đổi vận
Sau khi tìm hiểu xong vận mệnh cuộc đời sau này của bản thân, chúng ta có thể nắm giữ và vận dụng tài nguyên, cơ hội nắm bắt được trong tương lai để thay đổi “mệnh” của chính mình.
Văn hóa cổ xưa và “Kinh Dịch” đều có một tư tưởng gọi là “Dữ thì giai hành”, ý là hành vi cuộc sống của mỗi người chúng ta đều song hành với thời gian, phối hợp nhịp nhàng với thời gian, tuân theo quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. Bởi chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể thích ứng kịp thời với sự biến đổi của tự nhiên, tránh xa được tai họa, gặp nhiều lương duyên, từ đó đạt đến trạng thái “xu cát tị hung”.
Ví dụ như trong cuộc sống, chúng ta có thể thông qua những việc như: chọn ngày lành tháng tốt, xem phong thủy, phối hợp trang phục… để xu cát tị hung. Bằng việc lựa chọn một ngày tốt phù hợp với mình để làm việc quan trọng, thì có thể nâng cao “vận” của bản thân.
Thông qua việc thay đổi “phong thủy” có thể khiến cho “vận nghề nghiệp”, “vận sức khỏe” được cải thiện. Có thể nói, “vận” của chúng ta thông qua những hành vi “xu cát tị hung” để thay đổi.
Tóm lại, sự thành công của một người, phải dựa trên ba phương diện đó là mệnh tiên thiên, vận hậu thiên và sự nỗ lực cố gắng của người đó.
Khi chúng ta không thể thay đổi “mệnh”, thì phải dựa vào sự nỗ lực không ngừng của bản thân, và học hỏi phương pháp “xu cát tị hung” trong Kinh Dịch để giúp bản thân đạt được mục tiêu.
Tuệ Tâm (Theo SOH)