Saturday, October 31, 2020

THƯỜNG XUYÊN NHAI KẸO CAO SU ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO?

Nhiều người trong chúng ta có thói quen nhai kẹo cao su để giảm bớt căng thẳng và thơm miệng. Thực tế, nhai kẹo cao su mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến một số căn bệnh.


1. Ảnh hưởng đến răng

Tốt: Kẹo cao su không đường là chất diệt vi khuẩn hiệu quả. Kẹo cao su kích thích tạo ra nhiều nước bọt giúp rửa sạch axit và thức ăn thừa nên bạn sẽ tránh bị sâu răng và viêm lợi. Nó cũng bổ sung canxi và phốt phát giúp men răng khỏe hơn.

Không tốt: Kẹo cao su có chứa đường sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Trước khi đường trôi xuống dạ dày, vi khuẩn sống trong khoang miệng sẽ ăn chúng rồi tích tụ lại thành mảng bám trên răng. Răng của bạn sẽ bị sâu dần theo thời gian.

(Ảnh: Shutterstock)

2. Cải thiện trí nhớ

Nhấm nháp kẹo cao su giúp bạn tăng nhịp tim, lưu lượng máu và cung cấp oxy cho não. Một trong những tác động tích cực của thói quen nhai kẹo là cải thiện sự tỉnh táo, trí nhớ và giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng hơn. Nhưng kẹo cao su không phải phương pháp thần kỳ có tác dụng lâu dài. Đôi khi nó sẽ mang lại hiệu quả khi bạn nhai trước hoặc trong khi làm các nhiệm vụ đặc biệt khó khăn.

(Ảnh: Shutterstock)

3. Hỗ trợ giảm cân

Tốt: Kẹo cao su có thể ngăn chặn sự thèm ăn của bạn. Nhai kẹo vào buổi sáng sẽ làm bạn bớt đi cảm giác đói. Kẹo cao su có vị ngọt, lại ít calo nên sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác thèm đồ ăn vặt. Động tác nhai liên tục cũng làm bạn tốn nhiều năng lượng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp bạn không bị mệt mỏi sau khi ăn.

Không tốt: Chuyển động nhai và tiết nước bọt liên tục khiến não nghĩ rằng bạn đang thực sự đói. Kẹo cao su vị bạc hà làm bạn có xu hướng ăn thêm các món không lành mạnh (đồ chiên rán, nhiều dầu, đồ ngọt). Những người có thói quen nhai kẹo cao su có xu hướng ăn ít bữa hơn nhưng khi ăn thì lại nạp lượng calo nhiều hơn bình thường.

(Ảnh: Shutterstock)

4. Gây ra các vấn đề về hàm

Thói quen nhai kẹo cao su liên tục có thể gây ra tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), gây đau đớn bên trong và quanh vùng khớp xương hàm. Chứng TMJ cũng có thể gây ra tiếng kêu khi mở miệng hoặc nhai. Nhai kẹo cao su lâu cũng gây ra sự mất cân bằng của các cơ hàm, dẫn đến đau tai và nhức đầu. Nguy cơ ảnh hưởng đến hàm sẽ tăng cao khi bạn nhai kẹo lúc căng thẳng vì mọi người có xu hướng nghiến răng một cách vô thức khi lo lắng.

(Ảnh: Shutterstock)

5. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

Tốt: Nhai kẹo cao su tiết ra nhiều nước bọt giúp chống say xe và ốm nghén hiệu quả. Một số người nói rằng kẹo cao su hoạt động tốt hơn thuốc, giảm nguy cơ nôn mửa, khó chịu ở bụng và buồn nôn, đồng thời nó rẻ và dễ mua hơn.

Không tốt: Nhưng khi nhai kẹo, bạn vô tình nuốt từng ngụm không khí cực nhỏ vào dạ dày, dẫn đến hiện tượng đầy hơi. Vì thế bạn không nên mở miệng quá nhiều khi nhai kẹo. Một lưu ý khác là kẹo cao su chứa các thành phần tổng hợp có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Mẹ bầu nhai kẹo để chống nghén nên tìm cách khác an toàn hơn.

6. Giảm chứng ợ nóng

Sau bữa ăn, nhai kẹo cao su có thể làm giảm nồng độ axit trong thực quản của bạn. Dòng nước bọt sẽ làm loãng và trung hòa axit trong trường hợp bạn ăn đồ nhiều dầu, nhiều đường. Vì thế nhai kẹo có thể giúp bạn giảm trào ngược axit và chứng ợ nóng.

7. Tác động đến não

Tốt: Ít người biết rằng kẹo cao su có khả năng làm giảm mức độ cortisol, hormone căng thẳng, giúp cải thiện tâm trạng của chúng ta. Chỉ hành động nhai đã đủ tạo ra cảm giác thư giãn cho mọi người.

Không tốt: Nhưng áp lực liên tục lên hàm sẽ làm tăng tần suất xuất hiện của chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng. Trong trường hợp xấu nhất, bạn có thể bị đau đầu mãn tính. Nếu có xu hướng bị đau nửa đầu, bạn hoàn toàn không nên ăn kẹo cao su.

(Ảnh: Shutterstock)

8. Ngăn ngừa nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng tai xuất hiện khi có nhiều vi khuẩn tập trung trong các ống nối mũi và tai. Kẹo cao su có chứa chất ngọt tự nhiên xylitol giúp ngăn vi khuẩn trú ngụ tại đó.

Minh Khuê / Theo Bright Side