Truyền thuyết hoa nhài: Loài quốc hoa của Philippines. (Ảnh: 123rf)
Hoa nhài được du nhập vào Philippines vào hồi thế kỷ 17, nhờ vào hương thơm thuần khiết của chúng. Loài hoa này được người dân Philippines coi là quốc hoa vào năm 1934, thông qua Tuyên ngôn số 652.
Có hai truyền thuyết nhắc đến hoa nhài, và cả hai truyền thuyết, đều liên quan tới tình yêu đôi lứa.
Câu chuyện thứ nhất, cái tên ‘nhài’ (sampaguita) bắt nguồn từ chữ ‘sumpa kita’ của tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là ‘xin hứa’. Trong khi đó, truyền thuyết còn lại cho rằng, từ “sampaguita” bắt nguồn từ việc một thiếu nữ nguyền rủa người đàn ông mà nàng yêu, bởi anh ta đã lừa dối và phản bội nàng.
Vòng hoa nhài, môtj biểu tượng của Philippines. (Ảnh qua dreamstime)
Nhưng trong bài viết này, sẽ chỉ đề cập đến truyền thuyết thứ nhất, và câu chuyện ấy như sau:
Truyền thuyết về hoa nhài
Ngày xửa ngày xưa, khi Philippines còn được cai trị bởi các datu (tên gọi của những người cai trị thời xưa tại Philippines), Balintawak và Gagalangin là những thị trấn lân cận, chỉ ngăn cách nhau bởi một hàng rào tre kiên cố, cứng cáp. Binh lính của các datu từ hai thị trấn sẽ thay phiên nhau đổi hàng rào mới mỗi 5 năm một lần.
Datu của thị trấn Balintawak có một người con gái sở hữu nhan sắc đẹp tuyệt trần không ai sánh bằng. Là con gái của một thủ lĩnh cai trị, dù mẫu thân của nàng đã không còn nữa, nhưng nàng vẫn luôn được người hầu vây quanh, đáp ứng những điều nàng muốn.
Nhiều thanh niên trai tráng đều ngã gục trước nhan sắc của nàng, nhưng nàng chỉ yêu say đắm một chàng trai, đó chính là con trai của datu thị trấn Gagalangin.
Điều này khá kỳ lạ, bởi hai thủ lĩnh cai trị của hai thị trấn này là những kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Delfin, con trai của datu Gagalangin, đã làm một lối đi bí mật ở cuối hàng rào tre ngăn cách hai thị trấn. Nhờ những bụi tre dày và xanh mướt, nên lối đi này được che lấp một cách hoàn hảo, khiến không ai có thể nhận ra được.
Mỗi khi trăng lên, Delfin sẽ băng qua lối đi để sang thị trấn bên kia gặp gỡ người mà chàng yêu.
Rồi một ngày, khi thời hạn thay hàng rào tre mới đã đến. Lần này, phía thị trấn Gagalangin sẽ đảm nhận trách nhiệm. Nhận được tin tức, datu của Balintawak lập tức điều tay sai đến theo dõi tiến trình, và phát hiện rằng, hàng rào đối phương đã lấn sang lãnh thổ của mình hơn 1.5m.
Ông lập tức cho người đưa tin đến datu của Gagalangin, yêu cầu ông phải di chuyển hàng rào tre về lại đúng vị trí cũ. datu của Gagalangin vô cùng tức giận khi nhận được tin, ông đáp lại: “Bảo thủ lĩnh của các ngươi rằng ta không phải kẻ trộm cắp. Ta chỉ di chuyển hàng rào về đúng vị trí của nó theo như những gì tổ tiên của ta ghi lại”.
Sự việc đã khiến chiến tranh bùng nổ giữa hai thị trấn.
Cả hai datu đều chuẩn bị binh lính cho cuộc chiến sắp tới. Tuy nhiên, vài ngày trước khi cuộc chiến xảy ra, datu của Gagalangin bỗng đổ bệnh không rõ nguyên nhân. Chính vì điều này, Delfin phải thay cha mình lãnh đạo cuộc chiến.
Rosita, con gái của datu Balintawak, vô cùng lo lắng cho người nàng yêu, bởi so với cha nàng, Delgin vẫn còn non trẻ và chưa từng trải khi trên chiến trường. Nàng muốn cảnh báo và thuyết phục Delfin ngừng chiến và nếu có thể, hãy đàm phán với cha nàng.
Nhưng mọi thứ đã quá chậm trễ. Ngày hôm sau, nàng thấy phụ thân của mình đang dẫn đầu quân lính, chuẩn bị rời đi.
Cuộc chiến đã diễn ra rất khốc liệt, máu chảy thành sông. Nhiều binh lính từ cả hai phía đều thương vong vô số kể. Delfin cũng bị thương nặng do còn trẻ, lại chưa có kinh nghiệm trên chiến trường, nên không lâu sau đó chàng cũng thiệt mạng.
Tuy nhiên trước khi trút hơi thở cuối cùng, chàng yêu cầu quân lính hãy chôn cất mình tại lối đi bí mật tại rào tre.
Rosita sau khi hay tin người tình của mình tử trận, nàng đã suy sụp hoàn toàn, cõi lòng của thiếu nữ dường như tan nát, sau đó cũng đổ bệnh.
Phụ thân của nàng đã triệu tập mọi thầy thuốc ưu tú nhất về, nhưng không ai có thể chữa khỏi được cho nàng. Thể trạng của Rosita cứ thế ngày một yếu dần, và trước khi nhắm mắt buông xuôi, nàng mong muốn được chôn cất tại chính lối đi bí mật, đặt cạnh Delfin, người mà nàng yêu.
Dù không đồng tình với di nguyện này nhưng datu của Balintawak vẫn buộc phải thực hiện bởi ông vô cùng yêu quý con gái của mình.
Nhiều năm sau, khi Philippines bị Tây Ban Nha đến xâm chiếm và tạo ra nhiều thay đổi. Họ cho xây dựng một thành phố mà ngày nay được gọi là Manila, thủ đô của đất nước.
Nhiều người đã đổ về thành phố này sinh sống, nhưng những người sống tại Balintawak và Gagalangin lại gặp rắc rối khi đêm về, mà chính họ cũng không thể lý giải tại sao.
Theo họ, cứ vào mỗi tháng 5, đặc biệt là thời điểm trăng lên, những người lính canh gác tại khu vực ranh giới giữa Balintawak và Gagalangin đều nghe thấy một giọng nói phụ nữ nhẹ nhàng và kỳ lạ phát ra gần đó.
Điều kỳ quái ở đây là vào thời điểm tiếng nói phát ra, không có bất kỳ thiếu nữ nào xuất hiện tại khu vực.
Cứ vào mỗi đêm muộn, câu nói “Sumpa kita! Sumpa kita!” lại cất lên. Tiếng nói phát ra từ lối đi có mọc lên 2 loài cây lạ. Tại đây, có một loài hoa trắng mọc ra với hương thơm nhẹ nhàng phảng phất.
Tiếng nói phát ra từ lối đi có mọc lên 2 loài cây lạ. (Ảnh qua hoakiengphattai)
Tất cả đều vô cùng bất ngờ khi nhận ra rằng, loài cây lạ này đang mọc lên từ hai ngôi mộ từng được chôn cất tại địa điểm này trước đây. Lúc này, những già làng mới chợt nhớ lại câu chuyện về tình yêu còn dang dở của đôi nam nữ Delfin và Rosita.
Kể từ đó, câu chuyện được truyền miệng từ thế hệ này sang thệ khác. Cụm từ hoa nhài (sumpaguita) được đặt lên từ tiếng nói “sumpa kita” mà người dân nghe thấy vào mỗi tháng 5. Và giờ đây, loài hoa đã trở thành quốc hoa của Philippines.
Chúc Di (Theo Hubpages)
No comments:
Post a Comment