Nói về điều này, hãy cùng đàm luận một chút về tình hình hiện tại ở Hồng Kông và mối quan hệ của vùng đất ấy với phong thủy.
Một người tên Nghiêm Phi đã từng phát biểu trên một bài báo nói rằng: “Văn hóa phong thủy rất phổ biến ở Hồng Kông. Theo quan điểm của người dân Hồng Kông, phong thủy không phải là mê tín hay khoa học, mà là “văn hóa thương mại”. Từ không gian văn phòng đến nội thất sinh hoạt và trong nhà, phong thủy đều rất được chú ý”.
Các công ty nước ngoài ở Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa phong thủy của Hồng Kông. Ví dụ, một công ty chứng khoán nước ngoài nổi tiếng là CLSA đã công bố “chỉ số phong thủy” hàng năm kể từ năm 1990, dự đoán biểu hiện thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Hồng Kông.
“Phong thủy” có thể được sử dụng cả ở mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc chiến phong thủy nổi tiếng ở Hồng Kông của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc.
Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc bị giới phong thủy coi là cao ốc “hung hãn” nhất thế giới
Sát khí của nó ảnh hưởng đến các tòa nhà xung quanh. Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc nằm ở Trung Hoàn (Central) của đảo Hồng Kông. Công trình bắt đầu vào đầu năm 1985 và hoàn thành vào năm 1989, khai trương vào năm 1990. Tòa nhà cao 288 mét này là tác phẩm của bậc thầy kiến trúc quá cố Bối Duật Minh. Ngoại hình của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc là hình lăng trụ, phía dưới lớn và phía trên nhỏ. Bối Duật Minh mô tả đây là biểu tượng của “chồi xuân sau mưa”, cũng có ngụ ý là “gia tăng liên tiếp”.
Tuy nhiên, các thầy phong thủy Hồng Kông chỉ ra rằng sự xuất hiện của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc thực sự là một con dao sắc bén với “sự sắc bén gai góc tỏa ra bốn phía”, một đầu nhọn ở trên và ba góc nhọn ở dưới. Nó giống như một thanh kiếm màu xanh xuyên thẳng bầu trời. Hơn nữa, các cạnh nhọn của tòa nhà trông giống như những chiếc dao găm: một số chĩa vào bên trong, một chiếc chĩa vào Tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, và một chĩa thẳng vào Tòa nhà Chính phủ.
Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc (ảnh: Mosses).
Tác động đối với Tòa nhà Hội đồng Lập pháp Hồng Kông hiện tại rất khó tìm thấy tài liệu liên quan. Tuy nhiên, ảnh hưởng đối với Tòa nhà Chính phủ, có thể tìm thấy rất nhiều ghi chép.
Chẳng bao lâu sau khi cao ốc Ngân hàng Trung Quốc hoàn thành, chủ nhân của Tòa nhà Chính phủ, Thống đốc Hồng Kông người Anh qua đời. Ngài Thống đốc kế nhiệm bị sa thải. Và rồi ông Thống đốc của nhiệm kỳ tiếp theo cũng gặp rất nhiều rắc rối. Năm 1997, khi Anh chuyển giao chính quyền cho Trung Quốc, Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong, ông Đổng Kiến Hoa, đã cương quyết từ chối vào sống trong khu nhà này. Để tránh sát khí của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc, thầy phong thủy họ Kinh cho rằng nên dùng kế sách lấy nhu thắng cương. Ở chỗ mà góc của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc hướng đến Tòa nhà Chính phủ, ông cho trồng vài cây liễu để tránh sát khí, và xây dựng một bể cá trong vườn hoa. Bể cá này đã hấp thụ “sát khí” từ các góc nhọn của tòa nhà.
Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc còn ảnh hưởng đến tòa Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải gần đó. Sau khi tòa Ngân hàng Trung Quốc hoàn thành, giá cổ phiếu của HSBC xuống dốc một cách thảm hại. Sau khi bàn tính kỹ càng, cuối cùng các nhà phong thủy quyết định xây dựng trên tầng thượng của tòa nhà Ngân hàng HSBC hai khẩu “đại pháo”, đồng thời nòng pháo được hướng thẳng về phía trụ sở của Ngân hàng Trung Quốc. Nhờ vậy mà một thời gian ngắn sau đó, giá cổ phiếu của ngân hàng HSBC lại phục hồi trở lại.
Ngoài ra, tòa nhà “Trung tâm tập đoàn Trường Giang” (Cheung Kong Center) hoàn thành năm 1999, cao 283 mét, kẹp giữa con dao sắc lạnh của Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc và khẩu đại đại bác trên nóc của tòa HSBC. Để tránh dao và pháo kích, tòa nhà này được sửa sang lại với những lá chắn gắn ở các ô cửa kính bốn mặt, đứng ở giữa chống cả dao và pháo.
Không thể phủ nhận rằng một thời gian dài trong quá khứ, Hồng Kông là nơi tài vận hanh thông. Các nhà phong thủy cho rằng cảng Victoria ở Hồng Kông yên tĩnh, một phần nhờ những ngọn núi ở cả hai phía đông và tây giống như những bình phong, và đảo Đại Dữ Sơn có tác dụng hoãn xung dòng chảy sông Châu Giang, khiến Hồng Kông trở thành một “chậu chứa kho báu” tự nhiên.
Hồng Kông như chậu chứa kho báu nhưng phong thủy đã bị phá hoại
Bậc thầy phong thủy nổi tiếng Hương Sơn Tịch Dương tin rằng Tây Hoàn (Sai Wan) của Hồng Kông là một “miệng thu nước”, là nơi tài phú đi vào. Nếu muốn có tài vận tốt thì “Cổng Trời phải mở rộng, cửa đất phải đóng chặt”. Cổng Trời (Thiên môn) tức là vùng Tây Hoàn, cửa đất là kênh nước Lý Ngư (Lei Yue Mun).
Tuy nhiên, vào năm 2018, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã thúc giục dự án “minh nhật Đại Dữ” để xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở phía đông đảo Đại Dữ Sơn với tổng diện tích 1.700ha. Những người tin vào phong thủy cũng chỉ ra rằng một khi động thổ xây dựng, thì nó giống như chỗ thịt thừa nơi yết hầu, làm cho “cửa đất không đóng chặt” dẫn đến “cổng Trời khó mở to”. Một báo cáo gần đây dẫn lời Ủy viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông Tạ Vĩ Thuyên nói rằng dự án “minh nhật Đại Dữ” có thể bị trì hoãn từ sáu đến chín tháng.
Dự án đã bị hoãn, nhưng hai hòn đảo nhân tạo khác đã hoàn thành.
Hai hòn đảo nhân tạo thuộc hệ thống cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao giống như “hai con rắn đối đầu”
Ảnh: D2ziran.
Tuần báo Tân kỷ nguyên xuất bản một bài báo vào năm ngoái, nói rằng vào ngày 24/10/2018, cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao, có giá 126,9 tỷ nhân dân tệ và có chiều dài 55km đã được khánh thành. Đây được gọi là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới và là một dự án mà chính quyền Trung Quốc rất coi trọng. Giới phong thủy truyền rằng, cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao là “trấn phong thủy” được chính quyền Trung Quốc sử dụng để đàn áp Hồng Kông.
Các thầy phong thủy cho rằng, sông Châu Giang tụ tập nước của vùng Quảng Châu, Thâm Quyến, Phật Sơn, Hồng Kông và Ma Cao… để tạo thành một con rồng nước lớn, có sinh mệnh. Trong khi đó cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao đã phá hoại long mạch của vùng châu thổ sông Châu Giang rộng lớn.
Chính quyền Trung Quốc lại tuyên bố rằng cây cầu là một con rồng, không những sẽ không chặn long mạch của sông Châu Giang, mà còn dẫn long mạch ấy đến Hồng Kông để làm cho Hồng Kông thịnh vượng hơn. Tuy nhiên các bậc thầy phong thủy không đồng ý với lý luận ấy.
Chúng ta hãy xem bức ảnh này. Hai hòn đảo nhân tạo trên cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao là gì? Có giống như hai đầu rắn không? Do đó, thầy phong thủy cho rằng thiết kế của cây cầu về cơ bản là hai con rắn chứ không phải rồng. Họ gọi đây là “hai con rắn đối đầu”. Mà Hồng Kông giống như một “con rùa”, một nơi phúc địa. Thiết kế của cây cầu này là sử dụng rắn khắc chế rùa, điều này sẽ đưa Hồng Kông đến những thiên tai và thị phi.
Tại thời điểm xây dựng cây cầu, 18 người chết vì tai nạn lao động, bị thương hơn 600 người. Vào lễ khai mạc ngày 23/10/2018, thị trường chứng khoán Hồng Kông lúc cửa đóng sàn giao dịch đã giảm 806 điểm và các cổ phiếu đại lục giảm xuống dưới mốc 2.600 điểm. Sau đó, Hồng Kông cũng đã gặp phải cơn bão lớn như bão “Măng cụt” (Mangkhut).
Ga tàu cao tốc Tây Cửu Long giống như một “con rắn độc”
Ảnh: Epochtimes.
Ga tàu cao tốc Tây Cửu Long ở Hồng Kông cũng được nhà phong thủy gọi là “rắn độc của Tây Cửu Long”. Đầu rắn không phải là lối ra đường hầm, mà là một cấu trúc ẩn không liên quan gì đến con đường. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của bố cục phong thủy, con đường đã đi vòng qua ga Tây Cửu Long rồi theo hướng “đầu rắn” rồi đi ra. Tất cả các phương tiện đều đi phía trước “đầu rắn, mỗi một chu kỳ đèn xanh đèn đỏ tựa như nó đang phun nọc độc vậy. Hơn nữa đối diện nhà ga là Công viên Trung Sơn với bức tượng Tôn Trung Sơn vốn là nơi biểu đạt ý nghĩa dân chủ và tự do. Mà sự xuất hiện của ga tàu cao tốc Tây Cửu Long này được coi là “điểm xúi quẩy”.
***
“Phong thủy” không giống thứ khác, tuy nó nhìn không thấy, sờ không được nhưng không phải là phong thủy không tồn tại. Cho nên, nội dung của bài này chỉ để chia sẻ và thảo luận cùng với mọi người, còn tin hay không thì mỗi người sẽ có đáp án cho riêng mình.
Mạn Vũ
No comments:
Post a Comment