Wednesday, October 28, 2020

HÀNH TRÌNH QUA MẢNH ĐẤT THIÊN TÂY TẠNG

Người Tây Tạng tin rằng xứ sở của họ là khởi nguồn của sự sống, là nóc nhà của thế giới và là chốn linh thiêng nhất của toàn nhân loại.


Mê mải nghiền ngẫm “Thiên táng”, khi trang cuối cùng của cuốn sách ấy gấp lại, trong tôi trỗi lên một cảm xúc trào dâng với cánh đồng cỏ bao la, những dãy núi quanh năm tuyết phủ trắng xóa, và hình ảnh người phụ nữ trong bộ áo dài Tây Tạng,… nhòa đi trong nước mắt.

Và tôi, lúc đó đã tự nhủ với lòng mình rằng sẽ theo dấu chân tình yêu của người phụ nữ ấy, đi qua mười ba ngọn núi thiêng, chạm tay lên những gò đá Mã Ni cầu nguyện, tìm hiểu về thiên táng, nhúng tay xuống mênh mông nước hồ thiêng,…

Trùng trùng núi tuyết dưới cánh máy bay của chúng tôi

Tôi muốn đặt chân đến nơi không chỉ con người được qu‎ý trọng mà mỗi con sông, mỗi hồ nước, mỗi ngọn núi đều mang một ‎ý nghĩa tâm linh đặc biệt nào đó.

Những con đường đẹp như mơ…

Sau này, tìm hiểu về Tây Tạng, tôi mới biết muốn đến mảnh đất ấy thực chẳng dễ dàng, bên cạnh tiền bạc, thời gian, điều quan trọng nhất lại chính là chữ “Duyên”. Chúng tôi đã phải nghẹt thở chờ đợi cái “Duyên” ấy khi mà trong vòng 4 tháng, nhiều hãng du lịch đã từ chối xin giấy phép cho đoàn chúng tôi. Không ngừng cố gắng, như sự sắp đặt của số phận, cuối cùng hãng CITS đã giúp chúng tôi có được giấy thông hành vào Tây Tạng. Vậy là cái “Duyên” với mảnh đất thiêng Tây Tạng cũng đã đến.

Những mảng màu kỳ diệu

Đặt chân đến Lhasa, chúng tôi choáng ngợp bởi những màu sắc ở nơi đây. Ấn tượng đầu tiên về Lhasa chính là “những ô cửa sắc màu” đầy hoa và nắng.

Cảnh sắc trên đường từ sân bay Lhasa về trung tâm thành phố

Màu nắng. Không ai nhìn thấy màu của nắng, nhưng người ta có thể cảm thấy nó khi những màu sắc khác trở lên tươi hơn trong nắng. Những mảng tường vàng và nâu đỏ của các tu viện ánh lên rực rỡ dưới nền trời xanh thẳm.

Cờ phướn và khăn khata tung bay trong gió, những hình ảnh có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đất Tạng

Xanh. Bầu trời cao, xanh trong vắt, thăm thẳm, ngăn ngắt, bất tận, miên man. Tôi thấy ngôn từ của mình bất lực, nhưng tôi hạnh phúc vì đã cảm nhận được nó, thấy nó, và theo nó trong suốt hành trình. Trước mắt tôi, qua cửa kính ôtô, qua khung cửa sổ của phòng trọ, khi tôi nằm bên bờ hồ ngước mắt lên nhìn trời,… lúc nào tôi cũng thấy màu xanh ấy.

Chúng tôi, người lữ khách nhỏ bé trước công trình vĩ đại của con người và trước thiên nhiên

Trắng. Màu trắng của mây. Màu trắng của tuyết. Màu trắng của những mảng tường nhà. Màu trắng của khăn Khata (khăn Khata trắng bày tỏ sự tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng, người ta trao khăn Khata trắng như một sự ban phước lành hay một lời chúc cát tường).

Bầu trời được tô điểm bởi những áng mây bồng bềnh, khi thì trôi lơ lửng, lúc lại tràn ngập trên các đỉnh núi tuyết tạo nên cảnh tượng như chỉ có trên chốn thần tiên.

Hình ảnh những bánh xe pháp luân có ở tất cả các tu viện trên đất Tạng

Những hàng cờ phướn năm màu: trắng, đỏ, lục, vàng, lam, trên có viết những lời cầu nguyện tung bay trong gió. Người Tạng tin rằng, mỗi lần gió thổi cũng chính là lúc những câu kinh được tụng niệm gửi tới các vị thần linh, tới Đức Phật trên trời, đó cũng là một cách thể hiện niềm tin tôn giáo của họ.

Đâu đâu cũng thấy những dải cờ phướn như thế: trước cửa nhà, trên những con phố, bên bờ hồ, trên những đỉnh núi, đặc biệt là trong các tu viện,…

Những ngôi nhà với đầy phân bò Yak được nặn thành bánh chất đầy trên mái nhà

Niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo

Đi đến đâu trên đất Tây Tạng, chúng tôi cũng đều bắt gặp những người Tạng tay lần theo tràng hạt hoặc cầm pháp cụ có tên là bánh xe pháp luân, vừa đi vừa quay theo chiều kim đồng hồ và niệm chú “Om mani padme hum” ở mọi nơi, mọi lúc. Thậm chí, khi chúng tôi bước chân vào một quán hàng ở Darchen, bà chủ quán còn mải mê tụng niệm đến mức không biết chúng tôi đã vào quán tự bao giờ.

Biểu tượng đặc trưng của các tu viện Tây Tạng: hình ảnh hai con nai chầu bánh xe pháp luân (gợi nhớ bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại vườn Nai (vườn Lộc Uyển) ở Sarnath, Ấn Độ)

Ở Tây Tạng có rất nhiều tu viện từ nhỏ đến lớn. Những người mộ đạo thực hiện nhiều nghi thức như Tam bộ nhất bái, hay bái lạy thần linh họ chắp tay giơ cao quá đầu, đưa xuống ngực, rồi cúi xuống và rạp lạy toàn thân, họ còn thường đi kora (vòng quanh) các tu viện hay núi thiêng để thể hiện sự thành kính của mình. Hầu hết người Tây Tạng có chung một tinh thần tôn giáo, bởi họ đều được sinh ra từ nắng, từ gió, từ núi tuyết và thảo nguyên.

Họ tin rằng con người sinh ra từ tự nhiên, rồi chết đi cũng tan biến vào tự nhiên, chỉ có vòng tròn pháp luân là cứ quay, quay mãi.

Tu viện Jokhang nhìn từ tầng 2

Chúng tôi quyết định đi thăm tu viện Jokhang ngay buổi chiều của ngày đầu tiên. Đây là ngôi chùa theo Phật giáo Mật Tông Tạng truyền, có lịch sử hơn 1350 năm, nằm ở khu phố Bát Giác Nhai (Bakhor Square), trung tâm thành phố Lhasa cổ.

Jokhang là trung tâm về tinh thần, địa điểm linh thiêng và quan trọng nhất đối với toàn thể những người hành hương trên đất Tây Tạng. Những người Tây Tạng khi hành hương tới đây, đều đi kora quanh tu viện này, đó là một điều không thể thiếu đối với những người mộ đạo.

Người dân làm lễ trước cửa tu viện Jokhang

Tu viện thứ hai mà chúng tôi tới có tên là Gaden. Đây là một trong ba trường đại học tu viện ở Tây Tạng, nằm trên núi Wangbur, cách Lhasa khoảng 45km, trên độ cao 4.300m, khá là biệt lập với thế giới bên ngoài.

Để đến được tu viện này, phải trải qua một con đường quanh co uốn lượn đẹp như mơ mà hai bên đường là những cánh đồng lúa mạch đang mùa thu hoạch, là những rặng cây đang mùa vàng lá, là những ánh sao và mặt trăng còn treo trên đỉnh núi và bầu trời đã dần xanh sau một đêm dài.

Nhìn con đường quanh co như dải lụa, khi chiếc xe bus cồng kềnh khó nhọc vượt qua những khúc cua, tôi chỉ ước giá như có một cái xe máy để tự mình cầm lái trên con đường này, cảm giác có lẽ sẽ tuyệt vời lắm.

Đường lên tu viện Ganden

Tu viện Ganden dưới bầu trời xanh trong vắt

Sau ngày thứ hai, ai trong chúng tôi cũng thích thú với cảnh sắc của các tu viện. Đó cũng là điều thôi thúc cả đoàn trong ngày thứ ba khi đến cung điện Potala.Cung điện Potala là biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng đứng sừng sững, uy nghiêm giữa lòng thành phố, gợi nhớ về một thời huy hoàng đã qua. Nó là kinh đô Tây Tạng, cũng là đại tu viện lớn nhất ở đây.

Ai đến Tây Tạng cũng muốn một lần được đặt chân đến, được nhìn thấy và trầm trồ trước một công trình quá vĩ đại xây dựng từ thế kỷ 16 với vật liệu chủ yếu là gỗ, đá và bùn. Cao 117m, nằm trên độ cao 3.700m so với mực nước biển, có lẽ đó là kỳ quan tôn giáo bậc nhất của thế giới. Cung điện đỏ nằm ở trung tâm điện Potala bao gồm các nhà nguyện, tháp chứa thi hài của các vị Đạt Lai Lạt Ma đã khuất và Cung điện trắng là nơi các Đạt Lai Lạt Ma sinh hoạt khi còn tại vị.

Trong cung sơn son thiếp vàng, trang hoàng bởi những bức tranh thangka, những báu vật quý giá, tượng thờ Phật Thích Ca bằng vàng ròng,…

Những bức tranh trong tu viện Ganden

Cung điện Potala nổi bật trong nắng

Điều đáng buồn là với 200RMB (khoảng 700.000 đồng) chúng tôi chỉ được “cưỡi ngựa xem hoa” theo một lộ trình duy nhất trong vòng một tiếng, không được chụp ảnh bên trong, chưa kịp cảm nhận cái hồn của Potala một thời đã xa.

Giờ đây nó không khác gì một viện bảo tàng với hàng trăm ngàn khách du lịch vào thăm mỗi ngày, một vài tu sĩ không còn tập trung vào bài học dù trong cung điện có hàng ngàn quyển kinh sách được làm từ một loại giấy mà ngàn năm cũng không phai.

Thầy tu tại tu viện Ganden

Nghe kể chuyện thiên táng

Chúng tôi đến Tathpuri khi mọi người đều đã cảm thấy đủ với tu viện, đã hơi mệt với một chuyến đi dài mà bữa sáng vẫn chẳng có gì khác ngoài trứng rán với bánh bột mì nướng trên bếp đốt bằng phân bò Yak và sau đó bổ sung thêm món mì tôm mang từ Việt Nam.

Chạm tay vào đá mani

Bỏ qua giấc mơ tắm suối nước nóng, chúng tôi theo Tenzin (hướng dẫn viên của chúng tôi) lên đỉnh đồi, trên ấy có thể thấy rất nhiều quần áo và tóc của những người đã được thiên táng. Bởi người Tây Tạng tin rằng thể xác chỉ là tạm, linh hồn mới là vĩnh viễn, họ tin vào kiếp luân hồi, cuộc sống và cái chết chỉ là một phần của bánh xe, vì vậy cái chết không đáng sợ, đó là cánh cửa để đi đến kiếp sau. Xác chết sẽ được rửa sạch sẽ, rồi cạo hết tóc và lông, bỏ lại quần áo, và quấn trong một mảnh vải trắng.

Vào ngày lành, người ta sẽ mang cái xác lên bàn thờ thiên táng trên đỉnh núi thiêng. Trong lúc các Lạt ma tụng kinh, chủ lễ thiên táng sẽ cho thổi kèn sừng và đốt lửa dâu tằm để dụ kền kền tới ăn xác chết.

“Giao lưu” tâm linh với người Tây Tạng qua tràng hạt

Tenzin cho chúng tôi biết thêm rằng, khói dâu tằm sẽ đưa người chết lên thiên đàng, đồng thời cũng xua ma quỷ. Xác được xẻ thành từng mảnh, lóc thịt riêng, xương có khi được nghiền nát trộn với bơ sữa bò, bột lúa mạch. Điều quan trọng là khi xẻ thịt không được để phạm lỗi, và cái xác phải được kền kền ăn hết, nếu không thì linh hồn người chết sẽ bị ma quỷ đánh cắp, họ sẽ không được về trời, bánh xe luân hồi của người đó sẽ vì thế mà dừng lại.

Đường đi đến hồ Namtso

Mênh mông hồ thiêng

Sau ba ngày quanh quẩn với tu viện và tu viện, với các tu sĩ và đông đúc dân cư, đến ngày thứ tư chúng tôi thực sự được “giải phóng” để đến với thảo nguyên và núi tuyết. Mặc áo thật ấm, đội mũ, quàng khăn kín, chúng tôi nhẹ nhàng lên trên lầu ăn sáng, chuẩn bị cho một ngày dài ngồi xe gần 500km cả đi cả về và vượt qua đèo Lakenla ở độ cao 5.190m.

Một con đường mới mở ra trước mắt, hai bên là những đồng cỏ chạy dài, xa xa là những rặng núi tuyết phủ trắng quanh năm. Nhà cửa thưa thớt, lâu lâu mới thấy cụm dân cư khoảng hơn chục nóc nhà, hay lác đác vài căn lều của những người du mục.

Gần trưa, chúng tôi tới đèo Lakenla ở độ cao 5.190m, Tenzin nói chỉ được đứng ở đây khoảng 10 phút, thấy có triệu chứng đau đầu phải đi về xe và hít bình oxy ngay, có người đã từng ngất ở con đèo này. Qua con đèo, Namtso hiện ra thấp thoáng sau mỗi khúc quanh. Tất cả đều ồ lên kinh ngạc, tại sao lại có biển trên núi thế này?.

Hồ thiêng Yamrok hay còn gọi là hồ San Hô với màu xanh ngọc đẹp diệu kỳ

Namtso là hồ nước mặn cao nhất thế giới, một trong bốn hồ thiêng của người Tây Tạng. Cho đến giờ chúng tôi cũng không hiểu tại sao đây lại là một hồ nước mặn khi mà nước trong hồ được cho là do tuyết trên đỉnh Nyantsentanglha tan chảy mà thành.

Với màu ngọc lam kỳ diệu, phong cảnh tuyệt vời, hàng năm hồ Namtso thu hút rất nhiều du khách. Nhưng với người Tây Tạng, Namtso là một thánh hồ, đứng bên núi thiêng Nyantsentanglha để bảo vệ mùa màng, gia súc cho người dân.

Đỉnh Everest xa mờ

Núi Shishabangma, ngọn núi cao nhất nằm hoàn toàn trên đất Tây Tạng, cao 8013m

Thò tay xuống nước lạnh ngắt, chúng tôi nhặt mấy hòn sỏi và lấy một chai nước mang về, đến giờ nó vẫn được cất giữ như một báu vật trong nhà. Nước chúng tôi mang về không phải màu xanh, vậy thì màu xanh tuyệt diệu ấy từ đâu ra? Phải chăng đó chính là tấm gương lớn phản chiếu màu xanh của bầu trời vào trong đó?.

Bếp đun bằng phân bò/dê và món bột bánh mì nướng rất nhạt và chán ở hầu hết các bữa sáng của chúng tôi

Ngày thứ 5, 6 của cuộc hành trình, chúng tôi tạm biệt Lhasa để đến với Shigate, thành phố lớn thứ hai của Tây Tạng.

Dừng lại đẩy xe trên đường vào tu viện Tathpuri và ước mơ xe máy trên thảo nguyên

Thật không ngoa khi nói rằng đi trên những con đèo tới hồ Yamrok cho chúng tôi cảm giác như đang leo từng bước, từng bước tới trời xanh. Nhưng cùng với sự ngất ngây vì cảnh sắc, nhiều lúc tôi cũng toát mồ hôi khi chiếc xe chênh vênh đi sát mép vực. Nhìn sang thấy Tenzin đang lần tràng hạt khấn “Om mani padme hum”, tôi cũng học theo, chắp hai tay trước ngực và niệm “Om mani padme hum”.

Thật lạ kỳ, tôi cảm thấy như các đấng tối cao đang lắng nghe những câu niệm chú của mình, lòng thấy yên tâm và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Hồ thiêng Yamrok nằm ở độ cao 4.400m, khi chúng tôi đứng từ trên đèo Kampala (ở độ cao 5.000m) nhìn xuống, tôi choáng ngợp khi nhìn thấy dưới kia là một “dòng sông” uốn lượn dưới chân núi với màu xanh ngọc kỳ ảo, như tranh vẽ, như vô thực và một sự tĩnh lặng hoàn toàn.

Một bài biểu diễn múa dân gian trước cổng tu viện Tashilumpo

Chúng tôi lên xe đi tiếp về phía cuối hồ, nơi có rất nhiều đoàn khách du lịch dừng chân, để có thể ở rất gần hoặc chạm tay vào nước hồ. Tôi cũng nhặt những viên đá nhỏ, xếp thành đống đá ở ven hồ và gửi vào đó những cầu nguyện về sức khỏe và hạnh phúc cho những người thân. Đã gần một năm trôi qua rồi, không biết gò đá của tôi có còn?.

Một chú bò Yak được sử dụng để khách du lịch chụp ảnh tại hồ thiêng Namtso và đàn bò yak thong dong bên hồ Manasarovar

Ngày thứ mười ba, khi tôi còn đang lơ mơ ngủ trên xe thì tỉnh giấc vì mọi người quyết định sẽ rời Tây Tạng sớm hơn một ngày so với dự kiến để có nhiều thời gian ở Kathmandu (thủ đô của Nepal). Từ lúc ấy, tôi không dám nhắm mắt lại dù người hơi mệt, tôi mở to mắt mình ra để thu vào tâm trí tất cả những cảnh sắc đẹp đẽ này, những khoảnh khắc đáng nhớ này.

Ngoài kia không chỉ là thảo nguyên mênh mông, là cả một nền văn hóa đang cần được giữ gìn. Bạn tôi lén lút viết vào một tờ giấy đưa cho tôi “I want to cry” (Mình rất muốn khóc), chỉ chờ có thế nước mắt tôi trào ra, không kìm nén nổi.

Sau này, lúc chia tay Tenzin ở cửa khẩu Kodari, tôi cũng đã khóc như thế và tự nhủ với lòng mình sẽ quay lại, sẽ quay lại, vào một ngày nào đó – có thể khi tôi đã 56 tuổi như chị cả trong đoàn, quần ngố, áo phông trẻ trung và yêu đời tha thiết.

Các cuộc tranh luận giữa các thầy tu (diễn ra từ 3 đến 5 giờ chiều hàng ngày trừ các ngày chủ nhật) tại sân chính tu viện Sera. Họ sẽ bảo vệ các quan điểm của mình với việc dậm chân và vỗ tay thật mạnh. Phương thức tranh luận náo nhiệt này là một phần trong hệ thống giáo dục tu tập đã có từ lâu đời

Tôi đã có cơ sở để tự tin về sức khỏe của mình, tôi chỉ chờ chữ “Duyên” thêm một lần nữa, tôi sẽ trở lại mà không phải “phi ngựa xem hoa”. Tôi chỉ hy vọng rằng, lúc đó, và mãi mãi sau này, Tây Tạng vẫn là Tây Tạng!

Tạm biệt nhé, bầu trời xanh, núi tuyết, mây trắng và những con đường đang lùi lại phía sau…hẹn ngày gặp lại

Đen/Autocar