Sunday, October 4, 2020

BÁNH XÈO "TẮM LỬA"

Bánh xèo vốn là thứ bánh quá đỗi thân thuộc, được làm nên từ những nguyên liệu hết sức bình dị.

Người Đà Lạt có những góc riêng của họ mà khách du lịch khó có thể mò tới được. Người Đà Lạt cũng có gu ăn uống khác nhau. Thế thì, đừng nên tranh cãi đâu là ngon nhất, đâu là gốc nhất, đâu là chất nhất...

Và tôi muốn bật mí một sự thật bất ngờ, rằng trước những nơi nào được "quảng cáo" trên Google hay các mạng xã hội, thu hút rất đông du khách, người Đà Lạt thường lắc đầu, ngần ngại bảo: "Thôi. Chỗ đó của khách du lịch mà!".

Dịp đó, tôi đi dạo cùng một người bạn ở Đà Lạt. Bạn dẫn tôi đến một quán bánh xèo, rù rì: "Chỗ này ngon nè. Từ lớp Một, em đã ăn ở đây. Em nhớ bởi cái tên gọi đặc biệt. Ngày nhỏ, em hay đứng ngẩn tò te xem người ta đổ bánh xèo "tắm lửa", bùng bùng cứ như diễn ảo thuật. Và đương nhiên, bánh phải ngon đặc biệt thì em mới nhớ tới giờ. May, quán vẫn còn mở bán…".

Và quả thật tại đây tôi đã được tận mắt chứng kiến "trình" đổ bánh xèo thượng thừa của người thợ làm bánh.

Củi lửa cứ bập bùng rực cháy trên những khay đổ bánh. Người thợ lành nghề gây ấn tượng mạnh với những thao tác điêu luyện trong từng công đoạn. Xoay vần với nào là dầu mỡ sôi reo, nào bột, nào thịt, tôm, rau, giá mà vẫn luôn ăn ý nhịp nhàng. Ngay giữa ngọn lửa than đỏ hừng hực chực chờ bung sức nóng để tắm trọn, làm chín thơm những chiếc bánh, là những tiếng "xèo xèo" nghe vui tai, lẫn trong tiếng tí tách của than củi đang cháy. Bảo sao bạn tôi hiếu kỳ trước màn trình diễn này từ tấm bé.

Người thợ đổ bánh chẳng ngơi tay, điều khiển một lúc 6-7 khay bánh mà vẫn đâu ra đấy. Bánh ra lò khi đã chín tới, nóng hổi, thơm lựng, gọi mời hấp dẫn. Và còn hấp dẫn hơn, khi thực khách cứ thế ngồi chụm đầu cùng thưởng thức theo kiểu "nóng hổi vừa thổi vừa ăn"đến khi no nê, đã bụng. Chưa hết, bánh xèo tắm lửa lại tiếp tục "ghi điểm" vì còn quyện hơn nhờ "hệ thống" rau sống tươi ngọt lành từ chính vùng cao nguyên này, để gói ghém miếng bánh và chấm với nước mắm độc quyền, có thả thêm những sợi đu đủ muối chua thái sợi.

Bánh xèo vốn là thứ bánh quá đỗi thân thuộc, được làm nên từ những nguyên liệu hết sức bình dị. Song thứ bánh xèo tắm lửa tôi biết tại Đà Lạt lại mang hơi thở khác. Có lẽ bởi nó nằm trọn vẹn trong sự tâm huyết của những người thợ lành nghề qua nhiều năm. Chắc hẳn thứ bột làm bánh là bí kíp gia truyền của họ, nên được tôn trọng, đừng hỏi đến công thức làm chi. Hay chính cách người đứng bếp lành nghề đến mức như hóa thân vào một màn trình diễn ảo thuật, khéo léo với củi lửa khói bếp để đổi lại những mẻ bánh thơm ngon nóng giòn. Đổi lại niềm vui tán thưởng từ thực khách hay sự hài lòng về ẩm thực từ những người quen hay lạ một ngày chợt ghé ngang đây.


Một chiếc bánh xèo "tắm lửa" xẻ đôi, sẽ rất vừa ăn. Mỗi nửa một con tôm chín đỏ au, kèm thêm chút giá đỗ chín tái tái, còn giữ được vị ngòn ngọt, thêm chút lá hẹ xanh tỏa hương. Vỏ bánh giòn giòn quyện với lớp bột bên trong vừa chín tới, mềm mại bao bọc những thứ nguyên liệu tuyển chọn. Cứ tưởng bánh xèo cuốn với bánh tráng mới đúng điệu. Nhưng thật ngạc nhiên, tại quán chỉ phục vụ các loại rau sống tươi nguyên. Cứ chọn cho mình một nhúm rau yêu thích, cuộn lấy một nửa cái bánh xèo còn ấm nóng, cuốn vừa miệng, chấm ngập vào chén nước mắm, rồi cắn một miếng, để thưởng thức trọn vẹn vị bánh xèo "tắm lửa" từ lúc nghe tên còn lạ lẫm, cho đến khi vị giác được đánh thức bởi sự ngon lạ.

Thưởng thức vị bánh xèo quen mà lạ giữa tiết trời Đà Lạt se se lạnh, hơi ấm nồng đượm phả ra từ bếp, không gian quyện hòa... thấy ấm hợp làm sao! Món ăn quen mà lạ này bất chợt trở thành thứ hương vị gây nhớ không chỉ bởi vị giác mà còn bởi những giác quan khác cộng hưởng.

Từ năm lớp Một, bạn tôi đã được nếm và cho đến nay, vị bánh vẫn không đổi thay. Đến lượt mình, tôi muốn gợi ý cho bạn, rằng: chỗ này ngon nè - mời bạn thử bánh xèo "tắm lửa".

Thưởng thức bánh xèo "tắm lửa" tại 56 Nguyễn Đình Chiểu P.9, TP.Đà Lạt (đối diện chùa Trúc Lâm).

Bánh xèo "tắm lửa" - chỉ là tên gọi ngẫu hứng, không phải tên gọi chính thức của quán.

Ngoài bánh xèo, quán còn phục vụ thêm bánh lọc, bánh bèo chén, chả giò...

Chuyện bánh xèo bốn phương

• Một thực khách vốn có "máu triết lý" đã mô tả lò đúc bánh xèo: có sự hòa hợp của "kim-mộc-thủy-hỏa-thổ".

• Tại An Giang, có chùa Bánh Xèo (tức Thiền viện Đông Lai, còn gọi chùa Phật Nằm) có hơn 10 tình nguyện viên chuyên làm bánh xèo chay, khoảng 6.000-7.000 cái bánh mỗi ngày hoàn toàn miễn phí. Riêng cuối tuần, dịp rằm, con số tăng lên gấp ba để phục vụ đủ nhu cầu của phật tử, du khách đến tham quan chiêm bái chùa.

• Những phiên bản "bánh xèo" nổi tiếng khác trên thế giới:

"Bánh xèo" Nga - Blini: làm từ bột kiều mạch, có vị hơi chua, rất ngon.

"Bánh xèo" Nhật Bản - Okonomiyaki: mùi thơm của nước xốt hòa quyện với vị béo ngậy của xốt mayonnaise và cay nồng của tương ớt mang đến cảm nhận rất thú vị.

"Bánh xèo" Pháp - Crêpe: nguyên liệu cơ bản là bột mì, trứng, sữa và đường được tráng mỏng.

"Bánh xèo" taco: tức bánh xèo kiểu miền Trung Việt Nam có phần vỏ được chế biến theo kiểu bánh taco của Mexico, với ba loại nhân khác nhau là tôm thịt, chả cá Hà Nội và bò kho. Hiện có bán tại Sài Gòn.

Theo Trần Duy Thành / Phunuonline