Trên thực tế, Quảng trường Thiên An Môn (天安門廣場) được xây dựng trong những năm Vĩnh Lạc triều Minh, và khi ấy được gọi là Thừa Thiên Môn (承天門).
Sau khi Chu Nguyên Chương thành lập vương triều Đại Minh, từng triệu tập những người thợ lành nghề trong thiên hạ và hơn 20 vạn dân phu để xây dựng thành Nam Kinh. Năm Hồng Vũ thứ 25, Chu Nguyên Chương bắt đầu xây dựng Đoan Môn và Thừa Thiên Môn bên ngoài cầu Kim Thủy. Sau khi Chu Nguyên Chương qua đời, Chu Đệ lấy danh nghĩa "Tĩnh Nan" đã quét quân xuôi về phía nam, dùng vũ lực giành lấy ngai vàng của cháu trai mình là Chu Doãn Văn.
Để đối phó với sự uy hiếp của các dân tộc thiểu số ở phương Bắc, Chu Đệ đã có ý tưởng dời đô về Bắc Kinh. Vào năm Vĩnh Lạc thứ 14, ông triệu tập thợ thủ công khởi công xây dựng cung điện Bắc Kinh. Năm Vĩnh Lạc thứ 19, Minh Thành Tổ Chu Đệ chính thức dời đô về Bắc Kinh.
Chân dung Hoàng đế Minh Thành Tổ Chu Đệ. (Ảnh: Wikipedia)
Cũng chính vào tình huống quan trọng này, Thiên An Môn của Bắc Kinh đã được xây dựng. Thiên An Môn ban đầu có tên là Thừa Thiên Môn, ngụ ý rằng "phụng thiên thừa vận, thụ mệnh thiên ý", xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18, người thiết kế lúc đó là kiến trúc đại sư Khoái Tường.
Khoái Tường là người dân thôn Hương Sơn Ngư Phàm, huyện Ngô, tỉnh Giang Tô, xuất thân từ một gia đình thợ mộc. Cha ông chính là nghệ nhân bậc thầy nổi tiếng lúc bấy giờ, từng tham gia xây dựng thành Nam Kinh của Chu Nguyên Chương. Khoái Tường thừa hưởng từ cha mình, từ nhỏ đã có lòng say mê đối với kiến trúc, cho đến khi trưởng thành, tay nghề thủ công của ông cũng rất cao.
Tương truyền, Khoái Tường năm 16 tuổi đã có thể làm chủ những tốp thợ thủ công lớn, được biết đến với thanh danh là "thợ giỏi và tài hoa". Khi Khoái Tường vẽ rồng trên cột của cung điện, ông có thể hai tay đều cầm bút để vẽ, tả hữu khai cung, chỉ sau chốc lát, hai con rồng đang bay vút lên đã đồng thời được vẽ xong, hơn nữa còn giống nhau như một.
Vào năm Vĩnh Lạc thứ 15, Khoái Tường đã ngoài 30 tuổi, phụng chiếu đi đến Bắc Kinh, được bổ nhiệm làm chức quan phụ trách xây dựng, chịu trách nhiệm xây dựng cung đình. Với kỹ nghệ cao siêu và tài hoa xuất chúng, ông đã thiết kế và thi công xong Thừa Thiên Môn. Sau khi hoàn thành, Thừa Thiên Môn được triều chính khen ngợi, Khoái Tường lúc ấy cũng được bách tính ca tụng là "Lỗ Ban tái thế". Minh Thành Tổ Chu Đệ cũng rất vui mừng, gọi ông là "Khoái Lỗ Ban".
Vào thời điểm đó, Thừa Thiên Môn là cổng chính của hoàng thành, nó là một tòa lầu các ngói vàng ba tầng mái cong, năm bài phường bằng gỗ có hệ thống thông gió ở bốn phía, phục chế hoàn toàn Thừa Thiên Môn ở Nam Kinh, cổng bài phường chính giữa có treo một tấm biển ghi "Thừa Thiên Chi Môn".
Thừa Thiên Môn có vận mệnh nhiều thăng trầm, thế sự xoay vần, trong lịch sử mấy lần bị phá hủy và mấy lần được trùng tu, cuối cùng trở thành Thiên An Môn rộng lớn tráng lệ như bây giờ.
Vào ngày 7 tháng 7 năm Minh Anh Tông Thiên Thuận thứ nhất, tòa tháp Thừa Thiên Môn bị sét đánh bốc cháy, bài phường bằng gỗ đã bị hỏa hoạn thiêu rụi chỉ trong chốc lát, đến năm Thành Hóa thứ nhất thì được tu sửa.
Năm Minh Sùng Trinh thứ 17, Lý Tự Thành chỉ huy đội quân nông dân tấn công vào thành Bắc Kinh. Đầu tiên, họ vận chuyển củi gỗ chất trong nội điện để chuẩn bị phóng hỏa phá huỷ cung điện. Đến đêm thì phóng hỏa đốt cháy. Trong giây lát, chín cổng của tòa tháp đều bốc cháy, đồng cỏ bên ngoài thành cũng cháy, ngọn lửa bập bùng suốt đêm. Trong trận nhân họa này, Thừa Thiên Môn bị hủy hoại hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại một đống đổ nát thê lương.
Tranh vẽ minh họa cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành (ảnh: Epoch Times).
Vào năm Thuận Trị thứ 8 triều Thanh, Hoàng đế tuyên bố chiếu lệnh, một lần nữa tu sửa Thừa Thiên Môn. Trải qua sáu năm thì hoàn thành, nó được đổi tên thành Thiên An Môn, trên cơ sở ý nghĩa ban đầu là "phụng thiên thừa vận, thụ mệnh Thiên ý", còn có ngụ ý "quốc thái dân an, trường trị cửu an". Tấm biển được khắc bằng ba loại văn tự Mãn Châu, Mông Cổ và chữ Hán. Về sau chữ Mông Cổ bị loại bỏ, sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, chữ Mãn Châu cũng bị loại bỏ, chỉ còn lại chữ Hán viết "Thiên An Môn".
Sau khi tu sửa, tổng thể kiến trúc của Thiên An Môn có chín gian, chiều sâu là năm gian, mái hiên với sáu hàng cột chắc chắn, có hành lang trước sau, kiến trúc kiểu hiết sơn ốc đỉnh. Ở hai bên quảng trường bên ngoài thành cung, tập trung bố trí các cơ quan hành chính trung ương lúc bấy giờ, bao gồm: Lục bộ, Tông Nhân Phủ, Hồng Lư Tự và Khâm Thiên Giám...
Trong quá trình xây dựng Thiên An Môn lần này, người thiết kế đã đề nghị với hoàng đế rằng: "Rồng là vật thích nước. Ở đâu có rồng thì nhất định phải có nước. Chỉ khi rồng gặp nước thì mới có thể phát huy Thần uy".
Kết quả là phía trước quảng trường Thiên An Môn đã xuất hiện một con hào dài mấy trăm mét, rộng hơn 10 mét, trên sông được dựng lên bảy cây cầu đá Bàn Long phù điêu có chạm nổi rồng. Đây chính là sông Kim Thủy và cầu Kim Thủy hiện nay. Trên thực tế, việc xây dựng sông Kim Thủy còn có tác dụng thiết thực hơn, đó chính là nguồn cung đủ nước cho các vụ hỏa hoạn sau này.
Sông Kim Thủy bên ngoài Thiên An Môn (Ảnh: Flickr)
Trước quảng trường Thiên An Môn vào thời nhà Minh và nhà Thanh còn có một hành lang Kim Bảng dùng để yết bảng danh sách khoa cử. Tất cả các Trạng Nguyên của các cuộc thi Đình đều được đề tên trên Bảng vàng ở đây.
Bảng vàng này là do Hoàng đế tự mình ký và ban hành, trở thành "khâm định hoàng bảng", được dán thiếp tại hành lang Kim Bảng này. Hai bên hành lang Kim Bảng còn có 'lều rồng', ba sĩ tử đỗ đầu bảng sẽ được chúc mừng trong lều này để thể hiện Hoàng đế coi trọng việc tuyển chọn nhân tài cho triều đình mà không chỉ bám vào một khuôn mẫu. Tuy nhiên, những kiến trúc này đều đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn tàn khốc, không bao giờ được nhìn thấy nữa.
(Tài liệu tham khảo: "Minh sử", "Bản thảo lịch sử nhà Thanh", "Lịch sử Thiên An Môn")
Trung Nguyên
Theo Vision Times
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment