Saturday, December 4, 2021

CỔ MỘ HÌNH "NGƯU MIÊN" Ở SÀI GÒN

Ngôi mộ bằng đá hơn 120 tuổi của ông Thủ Đức – người lập chợ và được người dân suy tôn là tiền hiền, khai sinh vùng đất phía Đông Sài Gòn.


Nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo đường số 10 (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), khu mộ đá của ông Tạ Dương Minh rộng hơn 110 m2 và đã hơn 120 năm tuổi. Nấm mộ có hình “ngưu miên” – tức trâu nằm ngủ (có người cho là voi phục). Đây là một trong ba cổ mộ ở Sài Gòn được công nhận di tích cấp thành phố.

Một số nghiên cứu về lăng mộ ở Việt Nam nói rằng, kiến trúc mộ hình trâu nằm ngủ hay voi phục đều gắn liền với người Việt gốc Hoa. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt các khu lăng mộ ở Cù Lao Phố (Biên Hòa) hay ở Sài Gòn, Hà Tiên…

Khu mộ vừa được chỉnh trang của ông Thủ Đức. Ảnh: Sơn Hòa

Ông Tạ Dương Minh có tên húy là Huy, tên hiệu là Thủ Đức, người thôn Linh Chiểu Đông. Ông mất ngày 19/6 (chưa rõ năm), mộ bị thất lạc một thời gian. Đến năm Canh Dần (1890) hương chức làng Linh Chiểu Đông mới tìm được rồi trùng tu như hiện nay.

Ông là người lập ra ngôi chợ cách mộ 500 m, được người dân kính trọng như vị tiền hiền nên lấy tên Thủ Đức đặt cho vùng đất phía Đông của Sài Gòn. Hiện, ngôi chợ hơn 100 tuổi vẫn giữ được kiến trúc cổ, là nơi buôn bán có tiếng của thành phố.

Theo văn tự Hán Nôm trên bia mộ và từ đường, ông Tạ Dương Minh vốn là người Hoa nằm trong phong trào “phản Thanh phục Minh”, bị truy đuổi phải di cư sang Việt Nam thần phục nhà Nguyễn, tự nguyện làm thần dân nước Việt.

Ông được thu nhận, được phân đi vùng Linh Chiểu Đông xưa để khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập ấp. Tại đây ông cùng nhiều người miền Trung và người bản địa mở rộng canh tác, lập làng mở mang cơ nghiệp.

Để thuận tiện cho người dân buôn bán, ông cho xây ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đẹp, thuận tiện giao thương ở khu vực này và gọi là chợ Thủ Đức – một trong những ngôi chợ lớn và sầm uất của Sài Gòn thời bấy giờ.

Chợ Thủ Đức do ông Tạ Dương Minh sáng lập. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

Trong sách “Nam kỳ phong tục Nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong được nhà in Phát Toán xuất bản năm 1909 tại Sài Gòn viết về ông Tạ Dương Minh:

“Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng mới đây
Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành
Hương chất ở rất hậu tình
Mỗi năm ngày kỵ xanh quanh tới đều”

Trước đây, bên hông chợ Thủ Đức còn có ngôi nhà từ đường thờ ông Tạ Dương Minh. Sau năm 1975, khánh thờ được dời vào đình Linh Đông.

Theo nhiều ghi chép, vùng đất Thủ Đức 200 năm trước tương ứng với huyện Ngãi An của tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai nay). Theo dòng lịch sử, nơi này được cắt ra, sát nhập vào tỉnh Gia Định.

Năm 1868, lần đầu tiên cái tên Thủ Đức xuất hiện khi huyện Ngãi An tách ra, lập khu thanh tra Thủ Đức. Đến năm 1911, tỉnh Gia Định được người Pháp chia thành 4 huyện là Hóc Môn, Thủ Đức (gồm cả quận 2 và quận 9 ngày nay), Gò Vấp và Nhà Bè. Như vậy tên gọi Thủ Đức đã xuất hiện cách nay ít nhất 150 năm.

Mộ hình trâu miên trước khi cải tạo lại của ông Thủ Đức. Ảnh: Tư liệu.

Trải qua hơn trăm năm nắng mưa, ngôi mộ của ông Thủ Đức xuống cấp trầm trọng. Tuy người dân quanh vùng vẫn đều đặn hương khói nhưng không được phép tu sửa vì là di tích.

Mới đây chính quyền địa phương tổ chức quyên góp được gần 120 triệu đồng để trùng tu. Toàn bộ nguyên vật liệu đều sử dụng hợp chất (mật mía, vôi, cát và một số phụ gia thay thế) theo mẫu vật đã được phân tích qua các cuộc khai quật lăng mộ ở Nam bộ. Ngôi mộ khánh thành vào ngày 22/7.

Sơn Hòa/vnexpress