Saturday, June 4, 2022

MẤY MÓN ĂN CHƠI TỪ ỐC GẠO TRONG NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ

Như sự xếp đặt kỳ diệu của thiên nhiên, hằng năm cứ vào ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch-ngày Tết Đoan ngọ thì mùa ốc gạo ở miền Tây lại về.

Ốc gạo tươi sống. (ảnh:BCT)
Ốc gạo là loài nhuyễn thể có mặt khắp miền sông nước Cửu Long, nhiều nhất là cù lao Tân Phong (Tiền Giang), cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách – Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp), Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ).

Đặc điểm của chúng là sống nơi đáy sông, khi nước chảy thì vùi mình vào đất, khi nước đứng thì ngoi đầu bò ra kiếm các phiêu sinh vật để ăn. Vì thế, muốn bắt được chúng phải vô cùng vất vả. Người dân thường “canh” theo con nước để lặn xuống, hay đứng trên ghe dùng bàn cào để bắt. Nếu trúng nơi ốc nhiều, có thể bắt được vài chục ký dễ dàng. Thịt ốc gạo trắng ngà, thơm ngon và được các bà nội trợ ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như:làm nhưn (nhân) đổ bánh xèo, làm gỏi, xào sả ớt, nấu lẫu mắm v.v... Nhưng món ăn gây ấn tượng trong tôi nhất phải là:ốc gạo luộc chấm với nước mắm sả ớt, gỏi ốc gạo trộn bắp chuối và bánh xèo ốc gạo.

Ốc gạo luộc (Ảnh:BCT)
Chế biến món ốc gạo luộc rất dễ dàng và nhanh gọn. Các "đấng mày râu” mỗi khi gặp nhau rất thích món “dã chiến” này. Trước hết, ốc bắt được (hoặc mua ở chợ về) đổ vào thau ngâm với nước lạnh có pha một ít ớt đâm giập (khoảng 30 phút) cho ốc nhả những chất dơ ra ngoài. Dùng bàn chải chà xát rong rêu, rửa nước lạnh nhiều lần cho sạch, đổ ốc ra rổ cho ráo. Kế tiếp, cho ốc vào nồi cùng với vài tép sả đâm giập cho có mùi thơm (hoặc lá ổi cũng được) và dùng nước sôi rưới một ít lên ốc trộn đều (bí quyết để thịt ốc trắng, ngot, hấp dẫn). Bắc bếp, luộc ốc chừng 10 phút khi thấy mùi thơm bốc lên, ốc hở mày là chín. Thế là, chỉ cần dùng gai nhọn nhể ruột ốc ra, chấm vào chén nước mắm sả ớt và cùng nhau “chén tạc chén thù” là được rồi!...

Ngoài luộc sả chấm mắm gừng là cách ăn giản dị thông thường nhất, người ta cὸn chế biến mόn gὀi cuốn ốc gạo, gὀi ốc gạo.. ăn ngon không thể nào quên..

Gὀi cuốn ốc gạo
Còn món gỏi ốc gạo trộn bắp chuối hơi nhọc công một chút vì phải trải qua nhiều công đoạn và chuẩn bị một ít nguyên liệu trước như:bắp chuối xiêm, rau răm, đậu phộng v.v...

Trước hết, sau khi ốc luộc xong (như đã nói ở phần trên), chờ ốc nguội dùng que nhọn nhể ốc để sẵn ra tô. Bắp chuối xiêm xắt mỏng ngâm vào nước lạnh có vắt chút nước cốt chanh (để ghém không sẫm màu), vớt ra để ráo. Phi mỡ (dầu), tỏi thơm và cho thịt ốc vào xào sơ, để ra thau. Trộn đều hỗn hợp (bắp chuối + ốc + rau răm) cùng gia vị (nước cốt chanh + đường + nước mắm) vừa khẩu vị, múc ra dĩa. Cuối cùng, làm một chén nước mắm chanh, tỏi ớt, và rắc vào dĩa vài nhúm đậu phộng rang giã giập là xong!. Món này mà “lai rai” với “đế” thì “không say không về”…

Đĩa ốc gạo luộc trộn bắp chuối thơm ngon, chỉ nhìn là phát thèm! (Ảnh:BCT)
Riêng, chế biến món bánh xèo ốc gạo phải nói là rất công phu, phải là người nắm vững kỹ thuật chế biến mới có được những chếc bánh ngon và hấp dẫn!. Trước tiên, phải luộc ốc chín nhể ra để sẵn ra tô (như ở phần trên), và chuẩn bị các nguyên liệu chính như:bột gạo (nay đã có bột gạo chế biến sẵn khỏi phải ngâm gạo trước 1 đêm để xay thành bột), bột nghệ, dừa khô nạo lấy nước cốt và nước dão, cùng các phụ liệu và gia vị giá sống, hẹ (xắt khúc), hành lá (xắt nhuyễn), củ hành tây (xắt miếng mỏng), củ sắn (xắt sợi), tiêu, tỏi, rau sống (rửa sạch, để ráo) v.v...

Trước hết, cho bột gạo vào thau cùng với bột nghệ (với tỉ lệ vừa đủ) trộn đều cùng các gia vị (muối + đường + bột ngọt + nước cốt dừa + hành lá xắt nhuyễn) vào, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Nếu muốn cho bột bánh mềm, béo ngon, khi bánh chín dễ gỡ không bị rách (bí quyết) thì pha chung với bột bằng 1 quả trứng vit.

Đĩa bánh xèo ốc gạo với màu vàng ruộm của bánh, màu xanh của rau sống trông thật hấp dẫn. (Ảnh:BCT)
Lửa hồng đã chuẩn bị. Bắc chảo lên bếp, cầm cọng chuối (đập giập một đầu cho mềm như cây cọ) nhúng vào tô mỡ và thoa đều trong lòng chảo, cho ốc cùng củ hành tây xắt mỏng vào xào vừa chín tới. Dùng vá múc bột cho vào chảo (để ốc kết dính với bột). Kế đến, nhắc chảo lên và xoay vòng một cách nhẹ nhàng cho bột tráng đều thành một hình tròn, mép bánh không bị rách. Tuần tự, cho củ sắn, giá, hẹ vào sau. Đợi cho các nguyên liêu trên chín hẳn, dùng xạng gấp bánh làm đôi hình bán nguyệt, và xúc ra dĩa. Chỉ cần làm thêm chén nước mắm chanh tỏi ớt (có dưa chua củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi) cùng dĩa rau sống (cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng, đọt bứa, rau thơm, dưa leo…) dọn ra bàn là xong!...

Đặt miếng cải bẹ xanh vào lòng bàn tay, “bốc” miếng bánh xèo có lẫn thịt ốc gạo cùng miếng rau sống cuốn lại chấm vào chén nước mắm chanh, tỏi ớt cho vào miệng nhại chầm chậm. Vị ngọt, giòn của thịt ốc hòa lẫn vị béo, thơm của bột gạo tạo thành một món ăn dân dã “đặc trưng Nam bộ” thật vô cùng hấp dẫn, “ăn là ghiền”!.

Nếu về miền Tây trong ngày Tết Đoan Ngọ, mời bạn hãy khám phá cho được món ăn “có một không hai” này!. Và tôi tin chắc bạn sẽ ấn tượng mãi về con ốc gạo của vùng châu thổ Cửu Long!...

Theo BA CẦN THƠ (Dân Việt)