Bài học được truyền đi từ bộ phim tâm lý học đường Ấn Độ Taare Zameen Par (tiếng Anh: Like Stars on Earth, tiếng Việt: Cậu bé đặc biệt) càng ngẫm càng thấm thía ở thời điểm hiện nay, khi dư luận đang “nóng” với câu chuyện áp lực học hành của trẻ em lớp Một.
Tôn trọng sự khác biệt
Cậu bé đặc biệt trong phim là Ishaan (Darsheel Safary đóng), một cậu nhóc tám tuổi, con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở Ấn Độ. Nếu như người anh trai Yohaan, đúng kiểu “con nhà người ta”, học giỏi, chơi thể thao hay thì Ishaan bị đánh giá là đứa lười học, ngu dốt, điên rồ, nổi loạn vì em không thể đọc thông viết thạo và vụng về trong cả những sinh hoạt đời thường như thắt chiếc khuy áo, buộc sợi dây giày…
Bất lực và xấu hổ trước đứa con “bất trị”, ngu dốt, cha của Ishaan gửi con vào một trường nội trú sau khi em lưu ban lớp 3 lần nữa.
Niềm yêu thích và năng khiếu duy nhất của Ishaan là vẽ, nhưng không ai đánh giá cao em ở điểm này vì không hiểu được những bức vẽ đầy sắc màu của Ishaan. Bất lực và xấu hổ trước đứa con “bất trị”, cha của Ishaan gửi con vào một trường nội trú sau khi em lưu ban lớp Ba lần nữa.
Tại ngôi trường mới, Ishaan tiếp tục bị thầy cô phàn nàn, bạn bè xa lánh. Mọi việc chỉ thay đổi khi Nikumbh - thầy giáo mới môn mỹ thuật (do Aamir Khan đóng), được chuyển về trường. Không như những giáo viên khác chỉ chú ý đến điểm số, Nikumbh quan tâm hơn đến thế giới tâm hồn của học sinh. Sự thông cảm, thấu hiểu của người thầy dần dần giúp Ishaan tự tin, học tốt hơn; để rồi cuối phim, Ishaan trở thành niềm tự hào của toàn trường và cha mẹ, giành được sự ngưỡng mộ của bạn bè khi chiến thắng trong một cuộc thi vẽ.
Với thời lượng dài hơn hai tiếng rưỡi, Taare Zameen Par xoáy vào nỗi tủi thân, cô độc của Ishaan khi trót là một đứa trẻ “cá biệt” trong mắt số đông. Nhân vật Ishaan rất ít thoại, những tâm tư nỗi niềm của em chỉ bộc lộ qua hành vi mang tính chống đối và sau đó là thái độ buông xuôi, im lặng.
Trong cảnh quay thầy Nikumbh chào hỏi học sinh mới bằng màn múa hát, khi cậu bạn Rajan - một cậu bé khuyết tật ở chân hào hứng muốn đi ra khỏi chỗ ngồi để nhảy múa cùng thì hình ảnh Ishaan - một cậu bé lành lặn lại ngồi yên, gương mặt không chút cảm xúc thể hiện tính tương phản cao. Ngôn ngữ hình ảnh trong đoạn này như một lời cảnh tỉnh về lối giáo dục áp đặt, nhồi nhét sẽ làm thui chột cảm xúc nơi trẻ nhỏ.
Trong phim còn có một hình ảnh đáng nhớ khác là cảnh Ishaan hớt những chú cá nhỏ bé ở kênh đem về nhà đổ vào bình thủy tinh. Chi tiết đắt giá này như nói thay cảnh ngộ của cậu bé, một đứa trẻ khao khát tự do nhưng luôn phải chịu sự áp đặt của khuôn khổ, của mệnh lệnh từ người lớn.
Cách giáo dục xuất phát từ lòng yêu trẻ của thầy Nikumbh đã giúp cậu bé đặc biệt Ishaan vượt qua mặc cảm, lấy lại sự tự tin vào bản thân
Giáo dục là quá trình truyền cảm hứng
“Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng trèo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời và tin rằng nó thật đần độn”, triết lý giáo dục của Nikumbh, một người từng là giáo viên của một ngôi trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, để lại nhiều suy ngẫm về kiểu giáo dục truyền thống nặng tính nhồi nhét, ganh đua. Ishaan gặp khó khăn trong học tập vì hội chứng khó đọc nhưng các thầy cô và cha mẹ em không nhận ra điều đó mà chỉ nhìn vào biểu hiện chán học, điểm số thấp để quy chụp em là đứa trẻ dốt nát, hư hỏng.
Cái nhìn định kiến, chủ quan đó càng khiến Ishaan thêm mặc cảm, tự ti và dần đánh mất luôn niềm yêu thích hội họa của mình. Không ai nhận ra những bức tranh Ishaan vẽ về gia đình mình dần dần không có bóng dáng của em trong đó và rồi một ngày Ishaan không thèm vẽ nữa. Cũng không ai biết đến những lần cậu trò nhỏ khóc tức tưởi một mình vì nhớ đến những lời quát mắng của cha mẹ, thầy cô.
Ai nuôi con mà không mong con lớn lên thành đạt, ai dạy học mà không muốn học trò nên người nhưng chính sự mong muốn đó đôi khi làm chai lì tâm hồn, mai một tiềm năng con trẻ khi chúng không đáp ứng được kỳ vọng đó. Đoạn đối thoại giữa thầy Nikumbh và cha mẹ Ishaan là phân cảnh đắt giá nhất phim, bộc lộ rõ sự đối lập trong quan điểm giáo dục truyền thống và hiện đại.
Những câu thoại của thầy để lại nhiều suy ngẫm: “Mỗi đứa trẻ đều có khả năng riêng, ước muốn riêng và giấc mơ riêng của nó. Nếu cô muốn chạy đua sao không nuôi ngựa mà lại sinh con? Ép buộc tham vọng của mình lên bờ vai yếu đuối của con trẻ còn tồi tệ hơn là bắt trẻ lao động”.
Phim đoạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Filmfare 2008 và giải thưởng phim Quốc gia 2008 về Phúc lợi gia đình.
Không sử dụng nhạc điện tử, âm nhạc trong Taare Zameen Par đơn giản hết sức có thể, giống như thế giới nội tâm của cậu bé Ishaan – một thế giới sống động, tuyệt đẹp nhưng không hề phức tạp. Nhờ cách bài trí máy quay, sử dụng tốt các bài hát nhạc phim, mối liên kết và sự đồng cảm giữa người xem và Ishaan càng lúc càng mạnh. Xem phim, ta vừa cười vừa khóc cùng với cậu.
Là một trong những diễn viên hàng đầu của Bollywood, đồng thời cũng là đạo diễn của bộ phim, Aamir Khan muốn sử dụng danh tiếng và tầm ảnh hưởng của mình để nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội quan trọng và cố gắng thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Vượt lên trên một cuộc thảo luận cụ thể, cởi mở về chứng khó đọc dẫn đến những thay đổi chính sách xã hội tích cực trong xã hội Ấn Độ, Taare Zameen Par còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về giáo dục.
Ở nhiều nơi, nhất là các nước phương Đông hiện nay, phương pháp giáo dục truyền thống vẫn còn nặng tính hình thức thay vì truyền cảm hứng, giúp trẻ tìm thấy tài năng và phát huy sở trường riêng của chúng trong cuộc sống.
Hình ảnh một học sinh tiểu học vật vã với những con chữ, số như cậu bé Ishaan trong phim có lẽ không hiếm thấy ở học đường Việt Nam. Dù ra đời cách đây 13 năm nhưng những thông điệp giáo dục nhân văn và khai phóng mà bộ phim để lại, vẫn chưa hề lỗi thời, nhất là trong bối cảnh giáo dục đang có không ít vấn đề cần phải nhìn lại như hiện nay.
Hương Nhu / Theo: PNO