Saturday, November 30, 2024

NGƯỜI XƯA NÓI: "ĐỪNG GIỮ 5 LOẠI HOA NÀY TRONG NHÀ, HOA THỊNH MÀ NGƯỜI KHÔNG HƯNG"

Mọi người thường có thói quen đặt hoa ở trong nhà, đặc biệt là trong phòng khách, nơi sáng sủa và thơm ngát. Tuy nhiên, người xưa cho rằng cách làm này là sai lầm “đặt hoa trong nhà, hoa thịnh mà người không hưng”. Để chứng minh câu nói này không hề mê tín, đừng để năm loại hoa và cây này trong phòng khách, dù thích đến mấy cũng nên dời chúng ra ngoài.


1. Độc hại

Một số loài hoa có màu sắc rực rỡ, dễ trồng nhưng lại có độc tính cao. Ví dụ như mimosa, trạng nguyên, trúc đào và các loại cây hoa khác.

Những loài hoa, cây như thế này vốn có độc, nếu có trẻ em ở trong nhà, sẽ hái những bông hoa này cho vào miệng chơi mà không biết sự tình.

Cây trúc đào có độc. (Nguồn ảnh: Adobe stock)

2. Gai góc

Những cây có gai như hoa hồng và mận gai hổ có thể khó cắt tỉa hơn.

Ngoài ra còn có những giống như mận gai hổ, thực chất hơi độc, một số gai trên cành mận gai hổ sắc hơn nên rất dễ bị đau tay khi cắt tỉa.

Mận gai hổ, có gai và độc. (Nguồn ảnh: Adobe stock)

3. Loài hoa có hương thơm mạnh

Các loại có mùi hương hoa quá mạnh, chẳng hạn như cây Gardenia, cà độc dược và hoa nhài thơm. Bản thân Gardenia không độc lắm và có thể trồng trong sân.

Tuy nhiên, các giống như cà độc dược và hoa nhài thơm có độc tính ở một mức độ nhất định, nếu bạn để những loại hoa và cây như vậy ở nhà và ngửi lâu sẽ gây ra tác hại đáng kể cho cơ thể con người trong tương lai. Sau một thời gian dài, một số ảo giác có thể xảy ra, thậm chí có thể xảy ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn, chóng mặt.

Nguồn: pixabay

4. Dễ bị côn trùng

Một số loại hoa và cây thực sự rất rực rỡ, nhưng chúng rất dễ thu hút muỗi và chúng không thích hợp để đặt trong phòng khách ở nhà vì sẽ dễ xuất hiện côn trùng gây bệnh.

Đặc biệt vào mùa hè sẽ thu hút một lượng lớn côn trùng, nếu bay vào phòng ngủ sẽ gây hại cho cơ thể con người, hậu quả càng nghiêm trọng và nặng nề hơn.

5. Nuôi dưỡng khó khăn

Những loài hoa khó trồng đòi hỏi phải chăm sóc thường xuyên trong quá trình trồng trọt, tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Một ví dụ điển hình là Clivia, khi nó nở hoa, hiệu quả tổng thể quả thực rất tốt, nhưng việc trồng trọt nó rất khó khăn và đòi hỏi khắt khe.

Nguồn: Adobe stock

Câu nói: “Đặt hoa trong nhà, hoa thịnh mà người không hưng”. Câu nói về hoa này thuộc phạm trù chơi chữ. Tổ tiên chúng ta không khuyến khích việc đặt hoa ở nhà, chủ yếu vì hai lý do sau.

Một, Phong Thủy

Người xưa cho rằng việc trang trí trong nhà đôi khi ảnh hưởng đến vận may của con người và “Phong Thủy” cũng bắt nguồn từ điều này. Một số loài hoa có thể mang lại điều xui xẻo cho con người, đặc biệt sự thịnh vượng của loài hoa tỷ lệ nghịch với vận may của con người, bởi sự “thịnh vượng” của cây cối mang tính âm sẽ dẫn đến sự “thiếu thịnh vượng” của con người.

Hai, quang hợp

Hoa được đặt trong nhà, đặc biệt là vào ban đêm, khi hoa tranh giành oxy trong không khí với chúng ta. Nếu trong nhà không có hệ thống thông gió, chúng ta sẽ cảm thấy thiếu oxy khi ngủ, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe thể chất.

Kỳ Mai biên dịch
Tiểu Phàm / Theo: vandieuhay

THANH BÌNH LẠC - LÝ THANH CHIẾU


Thanh bình lạc - Lý Thanh Chiếu

Niên niên tuyết lý,
Thường tháp mai hoa tuý.
Noa tận mai hoa vô hảo ý,
Doanh đắc mãn y thanh lệ.
Kim niên hải giác thiên nha (nhai),
Tiêu tiêu vũ mấn sinh hoa.
Khán thủ vãn lai phong thế,
Cố ưng nan khán mai hoa.


清平樂 - 李清照

年年雪裏,
常插梅花醉。
挼盡梅花無好意,
贏得滿衣清淚。
今年海角天涯,
蕭蕭雨鬢生華。
看取晚來風勢,
故應難看梅花。


Thanh bình lạc
(Dịch thơ: Nguyễn Đương Tịnh)

Bao năm gội tuyết
Say khướt tóc cài mai
Lòng buồn vò cánh hoa nát bấy
Và áo ố lệ hoen đầy
Năm nay chân trời góc biển
Tóc cũng trổ hoa khá dày
Ta nghi mình già sức yếu
Muốn ngắm hoa thật khó thay

Nguồn; Thi Viện



BA VÙNG NỔI TIẾNG CÓ NHIỀU MỸ NHÂN NHẤT NHẬT BẢN

Tại xứ Phù Tang có thuật ngữ “日本三大美人 – Nihon sandai bijin” hay “Tam đại mỹ nhân của Nhật Bản”. Không phải là ba cái tên người đẹp cụ thể, mà tam đại mỹ nhân ở đây ám chỉ ba vùng nổi tiếng có nhiều phụ nữ xinh đẹp nhất.


Akita, Kyoto và Hakata chính là ba vùng được mệnh danh là “cái nôi” của những tuyệt sắc giai nhân xứ Phù Tang. Lý do nào khiến những những miền đất này lại sản sinh ra nhiều phụ nữ đẹp? Cùng tìm hiểu nhé!

Akita Bijin

“Bijin – 美人” nghĩa là “mỹ nhân” và “Akita Bijin – 秋田美人” chỉ những người đẹp đến từ tỉnh Akita, phía Bắc Nhật Bản. Tỉnh Akita vốn nổi tiếng với gạo cùng rượu sake, và từ lâu đã được mệnh danh là nơi sinh ra nhiều mỹ nhân nhất Nhật Bản.

Con gái Akita thường sở hữu làn da trắng sáng, mịn màng với gương mặt thanh tú, sắc nét. Và với người Nhật thì đây là những tiêu chuẩn sắc đẹp không thể lay chuyển.

Trong số những mỹ nhân đến từ Akita có nàng thơ Nozomi Sasaki – một biểu tượng nhan sắc của xứ Phù Tang. Ngoài ra, Kato Natsuki, Mitsu Dan, Rina Ikoma hay Miyuki Torii cũng là những người nổi tiếng xuất thân từ tỉnh.

Nozomi Sasaki được mệnh danh là mỹ nhân đẹp nhất Nhật Bản. Ảnh: Jpop Wiki

Mitsu Dan. Ảnh: Sports Nippon

Lý giải vì sao tỉnh Akita lại là quê hương của nhiều mỹ nữ, có nhiều giả thuyết khác nhau.

Số giờ ban ngày ngắn nhất Nhật Bản

Tỉnh Akita có ngày ngắn hơn so với các tỉnh thành khác. Chính vì có ít thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tia UV nên con gái Akita thường có làn da trắng sáng. Ngoài ra, vì trời tối sớm nên mọi người cũng đi ngủ sớm hơn. Giấc ngủ và làn da đẹp có mối liên hệ mật thiết với nhau vì lượng hormone tăng trưởng tiết ra tăng lên trong khi ngủ.

Có ADN pha trộn với người da trắng phương Bắc

Độ trắng của tông màu da trung bình là 22% đối với người Nhật và 40,5% đối với người da trắng ở Tây Âu, trong khi của toàn tỉnh Akita là 29,62% và ở phía nam tỉnh là 30,5%, cao hơn mức trung bình của Nhật Bản.

ADN của một số người dân Akita rất giống với người châu Âu và vì họ thường có nhóm máu B hoặc O, vốn phổ biến ở những người da trắng ở lục địa phía bắc, nên có giả thuyết cho rằng người Akita có dòng máu lai với người da trắng.

Nguồn nước và suối nước nóng

Ở tỉnh Akita, khu vực sản sinh ra nhiều người đẹp là lưu vực sông Tamagawa cho đến Omonogawa ở phía nam tỉnh. Người ta nói rằng nước ở đây có tính axit cao, chảy từ Tamagawa Onsen đến sông Tamagawa và có tác dụng làm trắng da. Vì Akita có nguồn nước chất lượng nên gạo và rượu sake tại đây rất ngon.

Akita cũng có nhiều suối nước nóng và việc ngâm mình trong onsen thường xuyên là bí quyết để có làn da đẹp.

Tamagawa Onsen ở Akita. Ảnh: tohokukanko.jp

Phụ nữ đẹp được gia tộc Satake đưa đến

Gia tộc Satake có lịch sử 400 năm ở Akita, có nguồn gốc từ tỉnh Hitachi (nay là Ibaraki). Yoshinobu Satake là lãnh chúa của miền Satake, bị Tokugawa Ieyasu ghét bỏ vì theo phe Toyotomi Hideyoshi trong trận Sekigahara nên đã bị giáng chức xuống Akita vào năm 1602. Gia tộc Satake cai trị vùng Kubota (Akita) cho đến thế kỷ 19 với 12 đời lãnh chúa.

Có giả thuyết cho rằng vì tức giận nên ông đã đưa nhiều phụ nữ xinh đẹp từ Mito (thuộc tỉnh Hitachi) đến Akita. Điều này đồng nghĩa người đẹp Akita vốn là người đẹp Mito.

Kyo Bijin

Những mỹ nhân của Kyoto được gọi là “Kyo Bijin – 京美人”. Họ được ca ngợi vì vẻ đẹp và sự tinh tế trong cách cư xử, bởi Kyoto từng là kinh đô của nước Nhật từ năm 794 đến 1868. Vùng đất cố đô cũng được biết đến là quê hương của các Geisha xinh đẹp.

Người đẹp Kyoto thu hút không chỉ vì mái tóc dài, bờ vai thon mà còn vì làn da trắng ngần, cũng giống như Akita Bijin. Hơn hết, Kyo Bijin nổi tiếng với nụ cười dịu dàng, hiền hòa, khiến người khác cảm thấy nhẹ nhõm khi ở bên.

Một số mỹ nhân xuất thân từ Kyoto có thể kể đến như: Riho Yoshioka, Rika Izumi, Miyu Honda, Misako Yasuda.

Rika Izumi. Ảnh: Sponichi

Riho Yoshioka. Ảnh: Getty Images

Vậy tại sao con gái Kyoto lại nổi tiếng xinh đẹp?

Mỹ nhân tụ tập ở thủ đô

Vì Kyoto là thủ đô của nước Nhật cho đến thời Edo nên những phụ nữ xinh đẹp từ khắp đất nước đã tụ họp tại đây. Có một giả thuyết cho rằng các cô gái đã đến Kyoto bằng con tàu giao thương Kitamae đi dọc theo Biển Nhật Bản.

Ảnh: tokyotreatblog

Ẩm thực và nguồn nước

Kyoto nổi tiếng với ẩm thực Obanzai nhiều rau củ và ít chất béo, sử dụng các loại thực phẩm theo mùa. Ngoài ra người Kyoto cũng kết hợp nhiều đậu phụ luộc và koji trong bữa ăn hằng ngày. Chính chế độ ăn cân bằng và tốt cho sức khỏe đã giúp các cô gái có làn da đẹp cùng vóc dáng thon thả.

Obanzai. Ảnh: Magical Trip

Ngoài ra, Kyoto nằm ở lưu vực sông nên chất lượng nước ngầm rất tốt và một số người cho rằng điều này có tác dụng tích cực đối với làn da.

Ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Có giả thuyết cho rằng những ngôi nhà machiya ở Kyoto có mặt tiền hẹp và sâu nên không đón nhiều ánh nắng mặt trời. Ngoài ra những con hẻm lát đá nhỏ hẹp cũng góp phần ngăn ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với cư dân, do đó bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV.

Hakata Bijin

Hakata là một phường của thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka, và “Hakata Bijin – 博多美人” ám chỉ những mỹ nhân đến từ thành phố Fukuoka hoặc vùng lân cận. Mỹ nhân Hakata cũng nổi tiếng với làn da trắng trẻo và mịn màng, ngoài ra còn có những nét ngoại lai như mắt to và sáng, toát ra sức hút bí ẩn.

Những người đẹp nổi tiếng xuất thân từ Fukuoka có thể kể đến Kanna Hashimoto, Ayumi Hamasaki, Mizuki Yamamoto và Maria Nishiuchi.

Mỹ nữ ngàn năm có một - Kanna Hashimoto.
 
Nữ hoàng J-pop Ayumi Hamasaki.

Có ADN pha trộn với nhiều quốc gia châu Á

Giống như Akita Bijin, Hakata Bijin được cho là có nhan sắc nổi bật vì lai giữa nhiều chủng tộc. Fukuoka là một thương cảng sầm uất nối liền Nhật Bản với phần còn lại của châu Á nên có rất nhiều sự pha trộn giữa những người có gốc Á khác nhau.

Ẩm thực

Chế độ ăn của người Fukuoka bao gồm nội tạng động vật và chất béo chứa nhiều thành phần tốt cho da. Khu vực này nổi tiếng với món motsunabe, một món lẩu gồm nội tạng bò hoặc lợn. Nội tạng giàu collagen cùng chất dinh dưỡng từ rau trong món lẩu góp phần tạo nên làn da khỏe mạnh.

Tỉnh cũng nổi tiếng với món mentaiko hay trứng cá tuyết cay, ít calo, nhiều protein và giàu vitamin, được cho là có tác dụng làm đẹp và chống lão hóa tuyệt vời.

Motsunabe. Ảnh: crossroadfukuoka.jp

Số giờ ban ngày ngắn

Vì Fukuoka hướng ra Biển Nhật Bản nên thời gian ban ngày ngắn hơn các vùng khác của đất nước. Giống với Akita, thời gian tiếp xúc với tia UV ngắn có liên quan đến việc người Hakata có làn da đẹp.

Từng có một phố đèn đỏ

Hakata từng có một phố đèn đỏ từ trước thời Edo và vào giữa thời Edo thì các geisha bắt đầu xuất hiện, có thời điểm lên tới 2.000 người. Khu vực này cũng luôn sầm uất từ thời Meiji đến thời Taisho, và vì sự thịnh vượng này mà có ý kiến cho rằng nhiều phụ nữ xinh đẹp đã tụ tập tại đây.

Người Fukuoka thích làm đẹp

Fukuoka có thể nói là một thành phố có gu thẩm mỹ cao vì nơi đây có số lượng thẩm mỹ viện rất lớn so với dân số. Hơn nữa, theo báo cáo ngân sách hộ gia đình hằng năm, phụ nữ ở đây rất chịu chi cho làm đẹp và thời trang.

kirin / Theo: kilala

VÌ SAO CHUỔI TRÀNG HẠT CÓ 108 HẠT MÀ KHÔNG PHÀI 100?

Chuỗi tràng hạt vẫn được sử dụng khi tụng kinh thường có 108 hạt chứ không phải tròn trăm, tại sao lại như vậy?

Vì sao chuỗi tràng hạt có 108 hạt mà không phải 100?

Chuỗi tràng 108 hạt còn được gọi là "Japa mala" theo tiếng Tây Tạng. Từ xa xưa, nó đã được sử dụng trong cả Phật giáo và Ấn Độ giáo khi tụng kinh. Tràng hạt có thể được làm từ nhiều nguồn vật liệu khác nhau, bao gồm gỗ đàn hương, hạt bồ đề, gỗ bồ đề, hổ phách, san hô, ngọc bích, xương, lụa tơ tằm, bông, sợi và thậm chí cả cây gai dầu.

Vì sao chuỗi tràng hạt dài có 108 hạt chứ không chẵn 100?

Loại chuỗi tràng hạt đeo cổ tay có từ 16 đến 19 hạt; một số tràng hạt của người Trung Quốc chỉ có 18 hạt. Trong Phật giáo Đại thừa cũng phổ biến loại tràng 27 hạt. Chuỗi có nhiều hạt nhất thường có 108 hạt chứ không phải chẵn 100. Có nhiều cách giải thích điều này. 

Giải thích theo công dụng cầu nguyện

Tràng hạt thường được sử dụng để tính số lần tụng kinh. Trong khi tụng, người ta lần ngón tay qua từng hạt. Trong Phật giáo Kim Cương thừa, 108 hạt trên các chuỗi thường dùng để trì chú 100 lần, 8 hạt tăng thêm là dành cho những lần chẳng may sai sót. Một cách giải thích khác là trong số 108 hạt có 100 hạt để tụng chú cho bản thân, 8 hạt còn lại dùng cầu nguyện cho tất cả chúng sinh.

Chuỗi tràng hạt dùng để đếm số lần trì chú, tụng kinh. (Ảnh: 3 Ports)

Chuỗi tràng có số hạt đủ dài sẽ giúp cho người trì chú thêm tập trung, không bị phân tâm khi phải theo dõi, tính đếm số lần đã đọc.

Giải thích theo kinh Mộc Hoạn Tử

Nguồn gốc của tràng hạt và hoạt động lần ngón tay qua chuỗi hạt khi niệm Phật còn được cho là xuất phát từ lời khai thị của Đức Phật đối với vua Ba Lưu Ly, được ghi chép lại trong kinh Mộc Hoạn Tử. Kinh chép rằng, có lần Đức Phật cùng giáo đoàn của ngài du hóa trong núi Kỳ Xà Quật, nước La Duệ Kỳ. Quốc vương ở nơi ấy (tên là Ba Lưu Ly) sai sứ giả đến để xin Phật rủ lòng thương xót, ban cho cách tu hành dễ dàng để có thể sớm xa lìa phiền não.

Phật dạy rằng để diệt được phiền não, nên xâu một chuỗi tràng 108 hạt bằng hạt cây mộc hoạn tử, luôn đem theo mình. Khi đi, ngồi hay nằm đều nên chú tâm niệm Phật, Pháp, Tăng, cứ mỗi lượt lại lần qua một hạt, cứ như thế lần lượt qua hạt này đến hạt khác, đến khi đủ 20 vạn lượt mà thân tâm không tán loạn thì sẽ cảm nhận được an lạc, hạnh phúc. Chuỗi 108 hạt là tượng trưng cho cầu chứng 108 pháp Tam muội và đoạn trừ 108 phiền não, qua hết các phiền não sẽ được an vui.

Theo Kinh Mộc Hoa Tử, Đức Phật từ xa xưa đã dùng chuỗi tràng 108 hạt. (Ảnh: Monk Mala)

Giải thích theo ý nghĩa giác ngộ

Nhiều ý kiến cho rằng chuỗi tràng có 108 hạt vì con người phải vượt qua 108 phiền não trên đường đến giác ngộ. Phiền não của chúng sinh đến từ 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), 6 thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, ý thức), cộng lại là 18 giới (thập bát giới).

Đem con số 18 này nhân cho 6 loại phiền não căn bản (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến) sẽ thành con số 108 phiền não. Để đạt được trạng thái hạnh phúc thật sự, con người phải diệt trừ hết mọi phiền não bằng quá trình tu tập, đó là nguyên nhân chuỗi tràng hạt có 108 hạt mà không phải 100.

Hoàng Hà (Tổng hợp) / Theo: VTC News

Friday, November 29, 2024

CHUYỆN CỤ TẢ AO TÌM HUYỆT QUÝ CHO HỌ ĐÀM THẬN LÀNG ME

Làng Hương Mạc (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) còn có tên tục là làng Me, là nơi có dòng họ Đàm Thận nổi tiếng. Theo tục truyền thì dòng họ này đã hưng thịnh kể từ khi có thầy địa lý lừng danh đất Việt là cụ Tả Ao đến làng. Chuyện này được ghi chép trong gia phả của dòng họ Đàm Thận.

Tiết Nghĩa Từ, đền thờ cụ Tiết Nghĩa Đàm Thận Huy tại Bắc Ninh.(Ảnh từ nghiencuulichsu)

Tiên tích đức

Ghi chép kể rằng một lần thầy Tả Ao đi qua làng, bất chợt nhìn thấy một ngôi mộ và buột miệng khen nhà nào phúc đức lớn để đúng huyệt trời cho, chỉ tiếc là chưa đúng hướng. Thầy Tả Ao đi vào làng hỏi thăm và được biết đó là ngôi mộ của chồng người phụ nữ đức độ trong làng, dù chồng mất sớm nhưng vẫn giữ tiết hạnh ở vậy nuôi 2 đứa con.

Khi chồng chết người phụ nữ này cũng chẳng có tiền để làm đám cho chồng. Lúc chôn cất làng xóm lại tìm giúp một vũng trâu đầm cho dễ đào để chôn cất, ngờ đâu lại đúng vào vị trí mà thầy Tả Ao khen là đẹp, chỉ là chưa đúng hướng.

Cụ Tả Ao nhờ người làng chỉ dẫn tìm đến ngôi nhà tranh vách đất của ba mẹ con của người phụ nữ góa. Nhưng thầy Tả Ao không xưng tên, mà nói mình là thầy đồ xứ Nghệ, nghe tiếng nhà này có 2 đứa con học giỏi nên đến đây để xin được chỉ dạy thêm.

Gia cảnh rất khó khăn, lại có người tình nguyện đến dạy con nên người phụ nữ mừng lắm, dọn dẹp dành chỗ cho thầy đồ ở.

Lúc này Tả Ao mới thử xem bà có giữ phẩm hạnh đúng như lời dân làng nói hay không. Ông trêu ghẹo, bông đùa, nhưng người phụ nữ này không mảy may để ý.

Sau một thời gian, đến lúc phải đi, thầy Tả Ao lại thử hiết hạnh của người phụ nữ này lần cuối cùng. Người phụ nữ góa này liền nói thẳng rằng: “Tôi tưởng thầy đến đây để dạy dỗ giúp con tôi nên người, ai ngờ thầy lại định làm những việc bậy bạ. Thầy đi khỏi nhà tôi ngay. Nhà tôi không chứa những người như thầy.”

Hậu tầm long

Biết chắc rằng bà chỉ một lòng thờ chồng nuôi con, thầy Tả Ao mới nói rõ mình là thầy địa lý đi ngang qua đây, thấy bà là người phúc đức nên muốn giúp đỡ, nhưng phải kiểm chứng đức hạnh của bà trước rồi mới dám làm. Rồi thầy Tả Ao đề xuất việc sửa lại hướng mộ cho ông nhà.

Nghe nói vậy thì người phụ nữ mừng lắm, dù rất nghèo nhưng vẫn quyết định bán miếng ruộng nhờ thầy Tả Ao đặt mộ của chồng và bố mẹ chồng. Tả Ao tìm đất đẹp và hợp táng ngôi mộ của bố mẹ chồng bà theo hướng tiền phong hầu, hậu phong vương, tử tôn khoa giáp thế bất tuyệt, nghĩa là trước được phong hầu, sau được phong vương, con cháu học hành đỗ đạt đời đời.

Xong xuôi thầy Tả Ao dặn người phụ nữ này rằng khi nào sắp mất thì nhớ dặn con cháu đến báo cho ông biết để ông tìm mộ cho bà và chỉnh mộ của chồng bà.

Sau này, người phụ nữ qua đời, thầy Tả Ao được báo liền đến và làm như đã hứa. Gia phả ghi lại rằng thầy Tả Ao đặt mộ theo hướng khoa trường hữu song trúng chi cát, đầu hướng về Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chân đạp về Bạch Đằng giang. Với ngôi mộ này thầy Tả Ao đoán con cháu về sau sẽ phát đạt hiển vinh đời đời. Tài liệu chữ Hán còn ghi lại, thầy Tả Ao đã trấn yểm cả hai ngôi mộ hợp táng bằng hia và ấn tín.

Con cháu đỗ đạt làm quan lớn

Đúng như những gì thầy Tả Ao định trước, hai con trai người phụ nữ là Đàm Thận Huy và Đàm Thận Giản đều thi đỗ và làm quan to đầu triều. Đàm Thận Huy đỗ tam giáp đồng tiến sỹ năm 1490, còn Đàm Thận Giả đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ đời vua Lê hiến Tông làm quan đến chức Hộ bổ Tả thị lang.

Đàm Thận Huy làm quan trải qua 6 đời Vua: Lê Thánh Tông (8 năm), Lê Hiến Tông (6 năm), Lê Túc Tông, Lê Uy Mục (5 năm), Lê Tương Dực (7 năm), Lê Chiêu Tông (5 năm).

Đàm Thận Huy là một thành viên của hội Tao Đàn nổi tiếng thời vua Lê Thánh Tông, ông từng được Vua khen là “Thiên hạ đệ nhất thi nhân”.


Thời vua Lê Tương Dực, nhà Vua hỏi hỏi ý kiến Thận Huy về việc muốn phong em ông là Thận Giản Thượng thư bộ Công, thế nhưng Thận Huy đã khiêm nhường đáp rằng: “Thần đã làm thượng thư, nay em thần lại lên thượng thư, thần e rằng thiệt đường cho người hiền tài trong thiên hạ”.

Các đời sau này dòng họ Đàm Thận cũng có người làm quan to từ trong Triều đến địa phương như: Cháu 6 đời của Đàm Thận Huy là Đàm Công Hiệu vào Vương phủ giảng sách cho Chúa Trịnh, được phong Lễ bộ Thượng thư, tham dự triều chính, phong Thiếu bảo, tước Nghĩa Quận công.

Con trai Đàm Thận Giảng là Đàm Cư làm quan Thượng thư đến 6 bộ, tước Thế quận công

Gần đây dòng họ này có giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn; giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; giáo sư, tiến sỹ vật lý Đàm Thanh Sơn hiện đang giảng dạy tại trường đại học danh tiếng Chicago (Mỹ).

Niềm vui của GS Đàm Thanh Sơn (giữa) và các nhà khoa học tham dự Gặp gỡ Việt Nam khi hay tin ông đoạt huy chương Dirac - Ảnh: DUY THANH

Các thầy phong danh tiếng khi xưa thường chỉ giúp những ai có đức hạnh tìm được đất tốt đặt mộ, thậm chí phải kiểm chứng trước như thầy Tả Ao trong câu chuyện này. Những ai không có đức hạnh các thầy phong thủy cũng không dám tìm cho cuộc đất tốt. Thậm chí ngay cả cụ Tả Ao dù định liệu kỹ càng, nhưng khi mất rồi cũng không thể có được miếng đất tốt cho bản thân mình.

Trần Hưng / Theo Trithucvn



THƠ CŨ CỦA NÀNG - TRẦN DẠ TỪ


Thơ Cũ Của Nàng
Trần Dạ Từ

Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Mây mù lên mấy biển

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên

Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng

Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tối đen

Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người
Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc thành bài hát Người đi qua đời tôi.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Trần Dạ Từ sinh năm 1940, tên thật là Lê Hạ Vĩnh, sinh ra tại Hải Dương, miền Bắc Việt Nam. Ông là chồng của nhà văn, nhà thơ Nhã Ca (Trần Thị Thu Vân). Ông di cư vào Nam năm 1954 khi đất nước bắt đầu chia cắt, định cư tại Sài Gòn, nơi ông bắt đầu làm thơ và viết báo, trở thành một thi sĩ được yêu thích trong giới văn nghệ miền Nam. Đầu thập niên 1960 ông cộng tác với Nguyên Sa làm tờ Gió mới. Năm 1963 ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vì bất đồng chính kiến.


Sau ngày 30/4/1975 vợ chồng Trần Dạ Từ bị chính quyền bắt giữ vì bị xem là “biệt kích văn hoá”. Ông bị giam cầm từ năm 1976 đến 1988. Thời gian này ông cho ra đời hàng loạt bài thơ, nổi tiếng nhất là Hòn đá làm ra lửa. Năm 1989, dưới sự bảo trợ đặc biệt của chính phủ Thuỵ Ðiển, gia đình ông được sang Thuỵ Điển sinh sống, đến năm 1992 sang quận Cam, miền Nam bang California, Hoa Kỳ. Tại đây cùng với Nhã Ca, ông xuất bản tờ Việt báo.

Nguồn: Thi Viện



XÍCH LÔ MỘT THỦA

Tình cờ tôi nghe giai điệu trẻ trung trong bài hát “Xích lô” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: “Xích lô ai không hay ước mơ / cứ vui đùa nhé cứ mơ lặng lẽ cứ lom khom đi về… La la lá la…” Lời bài hát làm tôi nhớ đến một bài báo của ký giả Charles Sidilaire đăng trên tạp chí Đông Dương số tháng 4/1952 về nghề phu xích lô từ xa xưa.


Tác giả ghi nhận rằng, dường như người phu xích lô không có một ước mơ lớn trong cuộc đời, chỉ mong kiếm sống hằng ngày với đôi chân gồng cơ bắp trên đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ðối với nhiều người trong đó có tôi, xích lô là phương tiện di chuyển quen thuộc. Vào những năm sáu mươi, nhiều tỉnh thành đã xuất hiện loại xe thô sơ này nhưng Sài Gòn vẫn là nơi để lại nhiều ấn tượng. Bởi Sài Gòn-Chợ Lớn trở thành nơi đầu tiên du nhập phương tiện xích lô thay cho hình ảnh người phu kéo xe lam lũ trước đó nhiều chục năm bằng một hình thức ít nhọc nhằn hơn. Theo bài báo “A look at the Pedi-Cab (Cyclo-Pousse) – King of Saigon streets”, Charles Sidilaire cho biết, Cyclo hay đơn giản là “Clo” là tiếng gọi phu xe quen thuộc của người Sài Gòn thuở xưa cách nay gần tám mươi năm.

Ðó là thời chiến tranh Ðông Dương, sau khi Nhật rút quân về nước và quân đội Anh nhảy vào giúp người Pháp trở lại Việt Nam, cho đến năm 1952 thì dân số Sài Gòn-Chợ Lớn tăng vọt do tác động cuộc di dân từ nông thôn lên thành thị, lên đến một triệu bảy trăm ngàn người. Chính giai đoạn này là thời kỳ vàng son của nghề phu xe xích lô đạp. Và tiếp đến xích lô máy cũng bắt đầu xuất hiện khi dân số đô thành tiếp tục trên đà gia tăng trong cuộc di cư sau năm 1954 của hàng trăm ngàn người từ Bắc vào Nam.


Nhưng hãy từ từ chuyện xích lô máy để tôi tiếp tục chuyện xích lô đạp theo dòng sự kiện, mặc dầu xích lô gắn máy xuất hiện chỉ sau khi xích lô đạp chạy đầy Sài Gòn-Chợ Lớn chừng mười năm, tức là đầu thập niên bốn mươi. Thời gian trước đó, người Hà Thành và Sài Thành vẫn sử dụng xe kéo tay, khiến hai nhà văn Nguyễn Công Hoan viết cuốn “Ngựa người người ngựa” và Tam Lang Vũ Ðình Chí viết thiên phóng sự “Tôi kéo xe” để nói lên sự cùng cực của dân đen kiếm sống dưới thời thuộc địa.

Xích lô đạp thay thế xe kéo, thịnh hành và phát triển mạnh nhất ở Sài Gòn. Ðầu thập niên năm mươi, đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn có chừng 6,500 chiếc xích lô. Thời đó, phu xích lô phải có giấy phép lái xe do Sở cảnh sát cấp mới được phép hoạt động. Nhưng thực tế không phải ai cũng đi xin giấy phép trong khi số phu xe xích lô lên đến gần mười hai ngàn người. Một số người phải thuê xe xích lô đạp kiếm sống vì nghề này cực nhọc nhưng mỗi ngày trừ chi phí thuê xe chừng 20 đồng Ðông Dương ra thì có thể kiếm 30 – 40 đồng để nuôi sống được gia đình. Do đó, ở Sài Gòn-Chợ Lớn xuất hiện nhiều nhà giàu đầu tư cho phu thuê xe hai ca sáng chiều. Tuy vậy, theo ký giả Charles Sidilaire thì hầu hết giới phu xe vẫn nghèo và là giai cấp thấp trong xã hội. Không ít phu xe kiếm được đồng nào thì đem đi cờ bạc tại Ðại Thế Giới và sòng bạc Kim Chung để tìm vận may đổi đời.

Nhà cho thuê xe phải là người khá giả, giàu có. Có nhà đầu tư vài chiếc, hay quy mô hơn vài chục chiếc, vài trăm chiếc, kiếm vài trăm đến vài ngàn đồng bạc Ðông Dương bỏ túi mỗi ngày là chuyện dễ dàng. Vào thời Bảy Viễn làm thủ lĩnh Bình Xuyên kiêm Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn, ngoài việc thầu sòng bạc Ðại Thế Giới, ông còn làm chủ chừng 30 chiếc xích lô cho thuê. Ðến năm 1955, ông bị Thủ tướng Ngô Ðình Diệm dẹp tan vì chống đối chính phủ và sau đó lưu vong sang Pháp.


Việc ký giả Charles Sidilaire nhắc đến ông trùm sòng bạc Bảy Viễn, là một nhà đầu tư cho thuê xe xích lô với số đầu xe ít ỏi cũng chỉ để thấy làm nghề cho thuê xe là công việc tay trái kiếm tiền một cách dễ dàng của người Sài Gòn giàu có. Mặt khác đó là cách viết đẩy đưa dẫn dắt trước đó gần mười năm, một nhà đầu tư công nghiệp người Pháp tên Pierre Coupeaus, người đầu tiên thành lập hãng Pedi-Cab ở Phnom-Penh vào cuối thập niên 30 và khoảng cuối thập niên 40, ông thành lập hãng Pedi-Cab ở số 6 đường Marne Wharf (Bến Vân Ðồn ngày nay). Chính tại đây, làm ra những chiếc xe xích lô đạp với phụ tùng sên líp nhập từ Pháp quốc; và đầu thập niên 50, nơi đây cũng là đầu mối nhập cảng cả ngàn chiếc xích lô máy cùng với xe taxi Renault chạy khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Theo bài báo, thời điểm 1952, Sài Gòn có đến 1,800 chiếc xích lô máy. Một cạnh tranh thương trường trong ngành giao thông bùng phát vì chiếc xe không còn dùng sức cơ bắp đôi chân, lại chạy nhanh, giá cả bình dân so với xe taxi chỉ dành cho giới thượng lưu đương thời.

Nói về chuyện cạnh tranh giữa xích lô đạp và xích lô máy, thằng bạn thân của tôi rất rành. Ba của hắn chạy xích lô máy vào thuở chúng tôi còn chưa ra đời. Vào những năm cuối thập niên 50, giá một chiếc xe xích lô máy khoảng tám cây vàng. Một số tiền không nhỏ nhưng một cuốc xe xích lô máy từ Sài Gòn vô Chợ Lớn chỉ mắc gấp đôi xích lô đạp. Vừa nhanh, chở nhiều khách, có khi cả gia đình bốn năm người chất lên xích lô máy đi Lăng Ông Bà Chiểu thì còn gì tiện lợi hơn. Vì thế, khách đi xích lô máy rất nhiều, có khi khách kêu không kịp ăn uống.

Bạn kể, nghe đâu xích lô máy của Ba bạn là loại xe được chế tác lại từ kiểu xe nguyên thủy mới nhất của xe Triporteur Peugeot hai thì chạy bằng xăng pha nhớt, sản xuất tại Pháp. Loại xe này nguyên là xe chở hàng hóa nông sản từ các vùng nông thôn đến các chợ hoặc siêu thị bên Pháp. Hình dáng của nó gần giống xe ba gác máy chở hàng. Dàn phía sau là của xe Triporteur, còn dàn phía trước rập khuôn xích lô đạp nên gọi là xích lô máy. Công việc chạy xích lô máy khấm khá, cho đến khi ông gom góp đủ tiền mua chiếc taxi chở khách nước ngoài ở khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất vào giữa thập niên sáu mươi. Và chính trong thời gian này, xe Lam (Lambro) du nhập vào Sài Gòn, một cuộc cạnh tranh khác mà chủ yếu với loại xe xích lô máy. Xe Lam chở nhiều khách, rẻ tiền và nhiều hàng hóa trên mui khiến cho nghề xích lô máy dần sa sút và biến mất sau năm 1975 do khan hiếm xăng dầu.


Tôi nhớ vào năm 1979, sau khi hồi phục từ ca mổ ruột thừa tại bệnh viện Nguyễn Trải, tôi đã đón xích lô máy về nhà. Xích lô máy lúc ấy không còn nhiều như thời trước và mãi cho đến năm 1985 mới có lệnh cấm xích lô máy hoạt động, khiến một số chủ bán xe, số khác chế tạo lại thành xe ba gác máy chở hàng ở các chợ đầu mối vùng ngoại thành rồi tuyệt tích “giang hồ” từ đó.

Thế nhưng, tôi vẫn nghe nhiều người nhớ tiếc xích lô máy hơn xích lô đạp, và xích lô đạp đang biến mất dần với những lệnh cấm hoạt động trên nhiều tuyến đường trong nội thành. Nghe nói, hiện nay còn chưa tới ba trăm chiếc xích lô, mà đa phần phu xe là người từ các vùng quê khác vào Sài Gòn mưu sinh, đạp xe ở các khu vực ngoại thành.

Trang Nguyên (June 10, 2016)
Nguồn: baotreonline



CHUYỆN LY KỲ VỀ HỒ LY TINH KHÉT TIẾNG, MÊ HOẶC TỪ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA ĐẾN THIÊN HOÀNG NHẬT BẢN

Ở phương Tây, cáo được xem là sinh vật biểu tượng của sự thông minh. Nhưng ở phương Đông, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc quan niệm cáo có thể trở thành hồ ly tinh chuyên mê hoặc và gây hại cho con người.

Đát Kỷ từ lâu đã bị gắn với giai đoạn về hồ ly tinh. Ảnh: Hình tượng nhân vật Đát Kỷ trong bộ phim điện ảnh Trung Quốc.

Loài cáo xuất hiện rất nhiều lần trong tập truyện ngụ ngôn của Aesop, một nhà văn Hy Lạp cổ đại. Cáo thường được mô tả là loài động vật nhanh nhẹn, thông minh và dễ thích nghi. Đối với nhiều nền văn hóa, cáo trở thành biểu tượng của sự thông minh.

Trong thần thoại Lưỡng Hà thời kỳ đầu, cáo là một trong những con vật linh thiêng và là sứ giả của nữ thần Ninhursag. Người Moche ở Peru thời cổ đại mô tả cáo giống như một chiến binh dùng trí óc để chiến đấu. Trong thần thoại Scotland, Dia Griene, con gái của mặt trời bị giam giữ ở thế giới ngầm và được phép quay trở lại thế giới phàm trần dưới hình dạng một con cáo. Ở phương Đông, loài cáo còn được miêu tả là có khả năng mê hoặc và quyến rũ.

Trong thần thoại Trung Quốc, cáo là một trong năm loài động vật tâm linh chuyên hoạt động về đêm, bên cạnh chồn, nhím, rắn và chuột. Điều đó dẫn đến quan niệm chúng mang năng lượng âm trong triết lý âm dương.

Trải qua thời gian và kết hợp các yếu tố khác, người Trung Quốc quan niệm là một con cáo thành tinh có thể biến thành hồ ly chín đuôi (cáo chín đuôi) hay còn gọi là hồ ly tinh. Hồ Ly đạt được 9 đuôi được coi là đã chạm ngưỡng cảnh giới cao nhất với năng lực mạnh nhất, theo trang Martinifisher.com.

Tài liệu đầu tiên được biết đến có đề cập về sự tồn tại của cáo chín đuôi là cuốn Sơn Hải Kinh, tuyển tập các văn bản thần thoại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 1 TCN.

Cuốn sách mô tả sự tồn tại của một ngọn núi có vàng và ngọc bao phủ trên đỉnh. Nó cũng mô tả một con vật sống ở đó trông giống như một con cáo chín đuôi. Con cáo có thể tạo ra tiếng động như tiếng trẻ con và chuyên ăn thịt con người.

Hồ ly tinh là sinh vật huyền thoại xuất hiện rộng rãi trong tín ngưỡng Á Đông.

Các nhà sử học Trung Quốc cho rằng, cuốn sách là tác phẩm được viết bởi nhiều người từ thời Chiến Quốc đến đầu triều đại nhà Hán.

Ji Yun, một học giả thời nhà Thanh, viết rằng cáo có thể trở thành thần nếu theo con đường tốt đẹp hoặc trở thành kẻ chuyên đi mê hoặc người khác nếu theo con đường tà đạo.

Trong các câu chuyện kể dân gian Trung Quốc, cáo tích lũy nguồn năng lượng âm, cho phép nó biến thành nữ giới để tương tác với con người.

Để cân bằng, nó cần thu thập nguồn năng lượng có yếu tố dương ở nam giới. Đó là khởi của những câu chuyện cáo trở thành hồ ly tinh, hấp thụ sinh lực của con người để kéo dài tuổi thọ

Truyền thuyết "Sự sáng tạo của các vị thần" xuất hiện ở thời nhà Minh càng giúp lan tỏa hình tượng cáo chín đuôi. Chuyện lấy bối cảnh vào thời nhà Thương (1600-1046 TCN). Đát kỷ được quan niệm một con cáo chín đuôi cải trang thành thiếu nữ xinh đẹp nhằm mục đích dụ dỗ Trụ Vương.

Trong nhiều bộ phim và tiểu thuyết Trung Quốc, đại mỹ nhân Đát Kỷ được xây dựng hình ảnh là "hồng nhan họa thủy" vì đã khiến Trụ Vương chìm đắm vào các buổi hoan lạc, bỏ bê triều chính và cuối cùng khiến nhà Thương sụp đổ.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hình tượng Đát Kỷ và Trụ Vương đã bị triều đại nhà Chu "bôi nhọ". Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đại nhận định, Đát Kỷ bị "bôi nhọ" danh tiếng để nâng cao hình tượng và công lao của Chu Vũ Vương, vị vua soán ngôi nhà Thương, lập triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc.

Tranh vẽ hồ ly 9 đuôi của tác giả Utagawa Kuniyoshi sống vào thời kỳ Edo, Nhật Bản.

Nhà Chu có thể gán ghép Đát Kỷ với hình tượng hồ ly tinh để mê hoặc Trụ vương, can dự vào triều chính đẩy nhà Thương từng bước đến bờ vực diệt vong. Những lời đồn này được truyền từ đời này sang đời khác suốt hàng ngàn năm. Cuối cùng, Đát Kỷ ngày nay được coi là hồ ly tinh khét tiếng nhất trong thần thoại Trung Quốc.

Ở Trung Quốc hiện đại, hồ ly tinh thường được dùng để ám chỉ những phụ nữ không đứng đắn, rất thành thạo trong việc quyến rũ đàn ông và phá hoại gia đình người khác. Mặc dù văn hóa dân gian Trung Quốc chủ yếu miêu tả hồ ly tinh là nữ, nhưng cũng có trường hợp hồ ly là nam.

Nhật Bản, quốc gia Đông Á trong lịch sử chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nên quan niệm về hồ ly tinh cũng được du nhập vào văn hóa Nhật Bản.

Truyền thuyết Nhật Bản thời Edo kể rằng, sau khi nhà Thương sụp đổ, hồ ly tinh trong thân xác Đát Kỷ không chết mà chạy đến xứ sở xa xôi ở phía tây nam (nay là Ấn Độ). Hồ ly tinh xuất hiện với thân phận mới là Khoa Dương Phu Nhân, trở thành thê thiếp của Ban Túc Thái Tử, gây ra vụ 1.000 nam giới bị chém đầu.

Hồ ly tinh gây ra vô số điều tàn ác, cuối cùng bị xua đuổi khỏi Ấn Độ. Năm 780 TCN, nó quay trở về Trung Hoa, xuất hiện với danh tính mới là Bao Tự, thê thiếp của hoàng đế nhà Chu và một lần nữa bị con người xua đuổi.

Kể từ đó, hồ ly tinh biến mất trong một thời gian dài, đến khi xuất hiện ở Nhật Bản với thân phận Tamamo-no-Mae, kỹ nữ của thiên hoàng Toba. Tamamo-no-Mae được cho là người phụ nữ xinh đẹp và thông minh nhất. Nhưng sự xuất hiện của cô khiến thiên hoàng ngày càng trở nên ốm yếu, bị bệnh nặng. Tamamo-no-Mae bị nhà chiêm tinh Abe no Yasuchika phanh phui thân phận. Nhiều năm sau, thiên hoàng phái quân đội đi săn lùng hồ ly chín đuôi.

Năm 1653, một phụ lục đã được thêm vào câu chuyện, mô tả Tamamo-no-mae khi chết đã nhập vào một hòn đá gọi là Sessho-seki.

Dư luận Nhật Bản năm 2022 từng xôn xao khi hòn đá lịch sử bị nứt làm đôi một cách tự nhiên. Một số người suy đoán, linh hồn hồ ly chín đuôi Tamamo-no-Mae đã được giải phóng.

Ở Hàn Quốc, hồ ly chín đuôi xuất hiện trong các câu chuyện dân gian với tên gọi Gumiho. Theo truyền thuyết, Gumiho là một con cáo thành tinh sống ngàn năm có thể dễ dàng biến đổi ngoại hình. Kumiho được cho là có khả năng ăn thịt người để tăng cường sinh lực. Nó cũng có thể hút máu nạn nhân giống như ma cà rồng.

Theo: Nhật Minh - Tổng hợp (Tri thức & Cuộc sống)

Thursday, November 28, 2024

TẠI SAO LẠI GỌI VÀNG TA VÀ VÀNG TÂY, SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI LOẠI VÀNG NÀY LÀ GÌ?

Nếu như không làm trong ngành trang sức hẳn không ít người trong chúng ta còn ngỡ ngàng với khái niệm của các loại vàng.


Vàng được xem là một kim loại quý và rất có giá trị trong ngành trang sức, điêu khắc và trang trí kể từ khi chúng mới bắt đầu xuất hiện. Vì vàng có độ dẻo cao, dễ dàng dát mỏng để tạo hình nên các thợ kim hoàn thường sử dụng chúng để làm đồ trang sức cho phái đẹp. Tuy nhiên, hiện trên thị trường có nhiều loại vàng khác nhau trong đó có hai cách gọi là vàng ta và vàng Tây.


Phân biệt vàng ta và vàng Tây

1. Hàm lượng vàng khác nhau

Vàng ta hay vàng 24k, vàng 9999 hoặc cũng có thể gọi là vàng nguyên chất, là loại vàng có hàm lượng vàng tinh khiết cao nhất, lên đến 99,99%.

Vàng Tây là loại vàng có thành phần chính là vàng nguyên chất và hỗn hợp kim loại màu khác. Tùy vào tỷ lệ vàng nguyên chất, vàng Tây được chia thành các loại khác nhau như vàng 999, 18k, 14k, 10k, 22k… Số K càng cao thì hàm lượng vàng tinh khiết càng cao và ngược lại.

Hàm lượng vàng nguyên chất của vàng ta và vàng Tây khác nhau.

2. Giá khác nhau

Hàm lượng vàng của vàng 9999 cao hơn vàng 999 nên giá thị trường của nó đương nhiên sẽ cao hơn.

3. Công dụng khác nhau

Vàng 999 vì có hỗn hợp kim loại màu khác nên cứng hơn và thích hợp để làm một số đồ trang sức và đồ trang trí hơn. Trong khi vàng 9999 có hàm lượng vàng nguyên chất cao và dễ biến dạng nên phù hợp hơn để làm nguyên liệu cho một số sản phẩm.

Vàng ta và vàng Tây có màu sắc, độ cứng và giá thành khác nhau.

4. Màu sắc khác nhau

Độ tinh khiết của vàng càng cao thì màu sắc càng đậm. Nếu bạn đặt cả hai dưới ánh sáng và quan sát kỹ, bạn có thể thấy rằng màu của vàng 999 là màu vàng đỏ và độ bóng sáng hơn, trong khi vàng 9999 thì có màu vàng đậm và độ bóng sậm hơn.

5. Độ cứng khác nhau

Độ mịn của vàng càng cao thì kết cấu càng mềm và độ cứng càng thấp. Độ cứng của vàng 9999 thấp hơn một chút so với vàng 999. Vàng mềm dễ uốn cong, có thể dùng ngón tay tạo vết nông, dùng răng dễ dàng để lại vết răng.

6. Logo khác nhau

Trên sản phẩm vàng thường có ký hiệu và logo hay thông số về chất liệu và độ tinh khiết.

Luật pháp nhiều quốc gia quy định vàng bán trên thị trường phải có dấu kiểm định của cơ quan kiểm tra chất lượng, chất liệu và độ tinh khiết của nó phải được đánh dấu trên trang sức bằng vàng. Dấu hiệu của vàng không nguyên chất nói chung là vàng nguyên chất 999 hoặc vàng nguyên chất 990. Vàng nguyên chất còn được dán nhãn gọi là vàng 24k, vàng 9999 được đánh dấu là vàng nguyên chất 9999.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)



MÃ THI KỲ 5 - LÝ HẠ


Mã thi kỳ 5 - Lý Hạ

Đại mạc sa như tuyết,
Yên sơn nguyệt tự câu.
Hà đương kim lạc não,
Khoái tẩu đạp thanh thu?

Tác giả tả cảnh sa mạc cát trắng mênh mông vùng biên giới tây bắc ngụ ý mong được vẫy vùng thoả chí và hình ảnh trăng lưỡi liềm treo trên núi Yên Nhiên ngụ ý mong được tin dùng để lập chiến công.


馬詩其五 - 李賀

大漠沙如雪
燕山月似鉤
何當金絡腦
快走踏清秋


Thơ về ngựa kỳ 5
(Dịch thơ: Nguyễn Minh)

Sa mạc cát như tuyết
Núi Yên trăng móc câu
Bao giờ rọ vàng thếp?
Phi nhanh trong trời thu?

Nguồn; Thi Viện




LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN

Ở Mỹ và Canada mới có ngày Thanksgiving, Úc không có ngày này, từ trước đến nay chỉ biết đây là ngày lễ Tạ Ơn chớ không biết nhiều về lịch sử của nó. Hôm nay trên mạng thấy các bạn chúc nhau nên tìm hiểu một chút. (LKH)


LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN
Viết bởi Mục sư Tiến sĩ Christian Phan Phước Lành

Khi những chiếc lá vàng cuối cùng rơi và khí trời càng trở lạnh cũng là lúc cả đất nước Hoa Kỳ đang chuẩn bị bước vào những ngày lễ trọng đại và thiêng liêng. Một trong những ngày lễ quan trọng đó là Lễ Tạ Ơn .
 
Lễ Tạ Ơn như đem những người sống trên đất nước Hoa Kỳ trở về với những ngày đầu của tổ tiên họ… Vào ngày 6 tháng 9, 1620, có 102 người, vừa đàn ông, đàn bà, trẻ con cùng một số vật dụng bước lên con tàu Mayflower rời Anh Quốc, vượt đại dương để tiến về Tân-thế-giới. Họ ra đi và mang trong lòng một nỗi khao khát: tìm tự do tôn giáo (seeking religious freedom). Họ được gọi bằng tên mới “Những người hành hương” (Pilgrims). Một vài nhà sử học coi đây là Lễ Tạ Ơn đầu tiên mặc dầu không có tiệc tùng, ăn uống, vui chơi…
Mùa đông đầu tiên quá lạnh, thật vô cùng khắc nghiệt, đến với họ. Thực phẩm lại thiếu thốn trầm trọng. Tháng 12 năm ấy có sáu người qua đời, qua tháng Giêng có tám người, tháng Hai tăng lên 17 người, và 13 người qua đời trong tháng Ba. Những người này đã âm thầm chôn cất những thi hài trong đêm tối vì sợ Thổ Dân (Native Indians) biết được có thể tấn công họ chăng! May mắn thay, không có một xung đột nào đáng kể giữa Người Da Đỏ và Người Hành Hương như họ dự đoán. Trái lại Thổ Dân rất thân thiện và tận tình giúp đỡ những Người Hành Hương trong cuộc sống mới về việc dạy cách trồng tỉa, săn bắn, nấu nướng các thứ hoa quả lạ…

Bức tranh "Lễ Tạ ơn đầu tiên ở Plymouth" (1914) của Jennie A. Brownscombe

Tháng Tư họ cùng nhau trồng bắp dưới sự chỉ dẫn của một Người Da Đỏ tên là Squanto. Những luống bắp nầy quyết định sự sống còn của họ trong mùa Đông sắp tới. Họ vui mừng vì mùa Xuân và mùa Hè năm 1621 thật quá tuyệt đẹp! Bắp lên tươi tốt hứa hẹn một vụ mùa no nê như lòng họ mơ ước. Mùa Đông lại về, nhưng bây giờ không còn là một đe dọa nữa. Mùa màng đã gặt hái xong, họ có dư thực phẩm để sống qua những ngày đông giá rét. Cũng không còn sợ lạnh vì đã làm được 11 cái nhà vững chắc đủ chỗ để quây quần sum họp. Họ quyết định tổ chức một Hội Ngày Mùa (Harvest Festival) để tạ ơn Thượng Đế cho họ sống sót qua mùa đông đầu tiên. Đó là lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ. Ngày tháng chính thức của "First Thanksgiving" nầy không được chép lại, chỉ biết đầu tháng 11 năm 1621.
 
Thực phẩm chính trong Lễ Tạ Ơn nầy gồm: Bắp, bí đỏ, chim, vịt, ngỗng và gà tây. Họ cũng mời khách là các Thổ Dân. Tù trưởng Massasoit dẫn 90 dũng sĩ đến dự "party" và cũng đem biếu Thống Đốc của nhóm Người Hành Hương lúc bấy giờ là Bradford năm con nai nhân ngày Lễ Tạ Ơn đó. Họ ăn uống vui chơi suốt một tuần lễ.

Bức tranh Lễ Tạ ơn đầu tiên năm 1621 của Jean Leon Gerome Ferris

Lịch sử ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ cũng thăng trầm, trôi nổi theo vận nước của họ. Các tiểu bang thuộc địa đầu tiên không thống nhất được ý kiến chung về một ngày Lễ Tạ Ơn. Họ giữ ngày lễ tùy ý mà họ cho là thích hợp. Khi cuộc cách mạng giành độc lập từ tay Người Anh thành công họ mới nghĩ đến một Lễ Tạ Ơn chung cho 13 tiểu bang. Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, kêu gọi dân chúng giữ ngày thứ năm 26 tháng 11 năm 1789 làm ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên cho toàn quốc (First National Thanksgiving). Nhưng sau đó lễ tạ ơn cũng không được mọi người công nhận theo một ngày tháng nhất định. Dầu vậy, càng ngày càng có nhiều người đưa ra ý kiến nên có một ngày nhất định, đưa lễ Tạ Ơn thành quốc lễ (National Holiday) và đưa quyền quyết định cho chính phủ Liên-Bang.
 
Một trong những người có công trong việc thúc đẩy việc thành hình ngày Lễ Tạ Ơn là bà Sarah Josepha Hale. Vào năm 1837 bà Sarah trở thành chủ bút của một tạp chí phụ nữ nổi tiếng có tên "Godey's Lady's Book". Bà đã viết hàng trăm lá thư gởi đến các nghị sĩ Quốc Hội và những người có thế lực lúc bấy giờ hầu vận động đưa ngày Thanksgiving vào quốc lễ. Trong thời kỳ nội chiến (Civil War) năm 1861, bà viết một tâm thư kêu gọi hai phe buông súng một ngày để giữ Lễ Tạ Ơn, nhưng không phe nào chịu nghe cả. Bà thất vọng!


Mãi đến năm 1863, Tổng thống Abraham Lincoln nhận thấy chiến tranh đã đến hồi kết thúc nên chỉ định ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc. Chẳng may ông bị ám sát, Andrew Johnson lên làm Tổng Thống, tiếp tục truyền thống cũ, nhưng đổi lại ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm Lễ Tạ Ơn. Rồi trong khoảng thời gian từ năm 1939 đến 1941, Tổng Thống Franklin Roosevelt chỉ định ngày thứ năm của tuần lễ thứ ba trong tháng 11 làm lễ Tạ Ơn thay vì thứ năm trong của tuần lễ thứ 4. Nhưng lần nầy Roosevelt bị các thương gia và các đảng viên Đảng Cộng Hòa chống đối dữ dội, cho rằng Tổng Thống đã đi ngược lại truyền thống cũ. Hai năm sau Tổng Thống Roosevelt rút lại quyết định và đặt ngày thứ năm tuần lễ thứ 4 của tháng 11 làm ngày Lễ Tạ Ơn cho toàn quốc mãi cho đến ngày hôm nay.


Lễ Tạ Ơn là dịp để chúng ta đếm các ơn lành Trời ban. Nhìn lại những ngày tháng tại quê nhà, cuộc hành trình tị nạn đầy gian nan vừa qua và những thành quả mà Người Mỹ Gốc Việt đạt được ngày hôm nay để chúng ta dâng lên Thượng Đế lời Tạ Ơn sâu xa nhất. Tạ ơn Trời vì Ngài đã ban cho ta sự sống, hơi thở, sức khoẻ và bao nhiêu là ân huệ. Chúng ta cũng nên cảm ơn nhau. Cảm ơn thân quyến, bạn bè, những người thân quen và ngay cả những người chưa từng biết về sự chan hòa của họ trong cuộc sống của mỗi chúng ta trong cộng đồng nhân loại.
 
Kính chúc mọi người, mọi nhà một kỳ Lễ Tạ Ơn tràn đầy ý nghĩa!
 
Mục sư Tiến sĩ Christian Phan Phước Lành

Wednesday, November 27, 2024

MÔN PHÁI NÀO TỪNG CÓ 3 CAO THỦ ĐỆ NHẤT THIÊN HẠ, VƯỢT MẶT CẢ THIẾU LÂM?

Khi nhắc đến những môn phái võ thuật hùng mạnh trong tiểu thuyết kiếm hiệp, người ta thường nghĩ ngay đến Thiếu Lâm. Nhưng có một môn phái khác từng sở hữu đến 3 cao thủ đệ nhất thiên hạ trong một thời gian ngắn, thậm chí còn vượt mặt cả Thiếu Lâm.


Môn phái hùng mạnh nhất thế giới võ hiệp của Kim Dung

Thiếu Lâm vẫn được xem là môn phái mạnh nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Bởi khi đánh giá sức mạnh của một môn phái, có vài tiêu chuẩn không thể bỏ qua, ví dụ như thời kỳ hưng thịnh và lịch sử truyền thừa. Một môn phái tồn tại lâu dài chính là minh chứng cho sức mạnh của họ.

Tuy nhiên, trong thế giới võ hiệp do Kim Dung xây dựng, Thiếu Lâm phái lại không có nhiều cao thủ đạt đến cảnh giới "Thiên hạ đệ nhất". Chỉ có duy nhất Vô Danh Thần Tăng trong Thiên Long Bát Bộ được xem là cao thủ mạnh nhất của thời đó. Thậm chí, ngay cả Đạt Ma Tổ Sư trong thế giới võ hiệp Kim Dung cũng chưa chắc đã là cao thủ số một đương thời. Bởi Tiếu Ngạo Giang Hồ có đề cập rằng, những gì vị tổ sư này truyền lại đa phần là phương pháp rèn luyện thân thể. Điều này cho thấy ảnh hưởng của Đạt Ma Tổ Sư đến hậu thế chủ yếu ở phương diện tinh thần.

Trong thế giới võ hiệp do Kim Dung xây dựng, Thiếu Lâm phái không có nhiều cao thủ đạt đến cảnh giới "Thiên hạ đệ nhất". (Ảnh: Sohu)

Trong các tác phẩm tiếp theo như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Hiệp Lữ, Ỷ Thiên Đồ Long Ký và Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thiếu Lâm phái gần như luôn ở đỉnh cao võ lâm. Nhưng, Thiếu Lâm cũng có những giai đoạn tương đối im ắng. Chẳng hạn như trong thời kỳ "Song Điêu" (Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ), Thiếu Lâm phái từng suy yếu một thời gian ngắn do sự kiện Hỏa Công Đầu Đà. Hỏa công đầu đà là danh xưng chỉ một người chuyên coi việc nấu ăn ở chùa Thiếu Lâm thuộc môn phái Thiếu Lâm. Năm xưa do bị ức hiếp nên hắn nảy lòng oán hận nhưng cố nín nhịn, trong suốt thời gian dài học lén võ trong chùa.

Điều đáng nói là sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn, Thiếu Lâm lại trở thành một trong những môn phái mạnh nhất vào thời đại Ỷ Thiên. Từ đó có thể thấy sức mạnh của Thiếu Lâm phái vô cùng bền bỉ.

Theo trang tin Sohu, một môn phái khác sở hữu đến ba cao thủ đệ nhất thiên hạ chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi đã vượt mặt Thiếu Lâm. Trong những giai đoạn Thiếu Lâm suy yếu, môn phái đã nhanh chóng soán ngôi. Đó chính là Toàn Chân giáo trong thời kỳ Song Điêu.

Toàn Chân giáo là môn phái đã vượt mặt Thiếu Lâm trong thời kỳ Song Điêu. (Ảnh: Sohu)

Võ lâm thời Song Điêu lấy Ngũ Tuyệt để định vị vị trí võ lâm, nhưng thực tế, thực lực của Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái đều không bằng Vương Trùng Dương. Trong lần Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, cả bốn người đều bái phục Vương Trùng Dương.

Thế nhưng, bàn về Vương Trùng Dương và môn phái do ông sáng lập không phải là thực lực của ông mạnh đến mức nào, mà là việc Toàn Chân giáo chỉ trong vài thập kỷ ngắn ngủi đã xuất hiện ba cao thủ đệ nhất thiên hạ

Ba cao thủ thiên hạ đệ nhất của Toàn Chân giáo

Cao thủ đầu tiên của Toàn Chân giáo dĩ nhiên là Vương Trùng Dương. Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái đều là những nhân vật có thể tung hoành ngang dọc trong võ lâm nhưng khi nhắc đến Vương Trùng Dương, họ đều không giấu được sự kính trọng. Lấy Đông Tà Hoàng Dược Sư, người nổi tiếng kiêu ngạo làm ví dụ, ông từng nhận xét về Vương Trùng Dương rằng: "Từ khi Vương Trùng Dương chân nhân qua đời, trên đời không còn ai xứng đáng với danh hiệu Thiên hạ đệ nhất nữa."

Cao thủ đầu tiên của Toàn Chân giáo dĩ nhiên là Vương Trùng Dương. (Ảnh: Sohu)

Còn Chu Bá Thông khi nhắc lại Hoa Sơn luận kiếm năm xưa, cũng đã chứng minh khoảng cách thực lực giữa Vương Trùng Dương và bốn người còn lại là không hề nhỏ. Nguyên tác viết: "Đó là vào cuối mùa đông năm ấy, trên đỉnh Hoa Sơn tuyết phủ kín núi. Năm người bọn họ vừa nói chuyện vừa so tài võ công, giữa trời tuyết lớn, cứ như vậy suốt bảy ngày bảy đêm. Cuối cùng Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái bốn người đều phải thừa nhận võ công của sư huynh ta, Vương Trùng Dương, là thiên hạ đệ nhất."

Nếu không hoàn toàn mất hy vọng chiến thắng, bốn vị kỳ tài võ học này làm sao lại từ bỏ cơ hội tranh giành danh hiệu Thiên hạ đệ nhất? Hơn nữa, người chiến thắng còn được sở hữu Cửu Âm Chân Kinh. Họ chịu thua hiển nhiên là do không còn chút hy vọng nào.

Cao thủ đứng đầu võ lâm thứ hai xuất thân từ Toàn Chân giáo chính là Chu Bá Thông. (Ảnh: Sohu)

Cao thủ đứng đầu võ lâm thứ hai xuất thân từ Toàn Chân giáo chính là Chu Bá Thông, người được gọi là "Lão Ngoan Đồng" trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba. Tranh cãi xung quanh việc liệu ông có phải là thiên hạ đệ nhất lúc bấy giờ hay không, vẫn nên dựa vào lời nhận xét của Hoàng Dược Sư. Hoàng Dược Sư nói rằng: "Lão ngoan đồng ơi là lão ngoan đồng, ngươi quả thật lợi hại. Ta, Hoàng Dược Sư coi nhẹ danh tiếng, còn Nhất Đăng đại sư coi danh tiếng là hư ảo. Duy chỉ có ngươi, lòng dạ trống rỗng, vốn không màng đến danh tiếng, vậy mà lại hơn chúng ta một bậc. Đông Tà, Tây Cuồng, Nam Tăng, Bắc Hiệp, Trung Ngoan Đồng, trong ngũ tuyệt, ngươi đứng đầu!"

Tuy nhiên, rõ ràng là khi được chọn làm người đứng đầu Ngũ Tuyệt, Chu Bá Thông đã là một ông già, thời gian sống không còn được bao lâu nữa. Vậy ai sẽ là người kế thừa danh hiệu Thiên hạ đệ nhất? Đáp án chắc chắn là hai người được coi là trẻ tuổi trong Ngũ Tuyệt: Quách Tĩnh và Dương Quá.

Quách Tĩnh và Dương Quá đều có thể coi là truyền nhân của Toàn Chân giáo. (Ảnh: Sohu)

Dù là Quách Tĩnh hay Dương Quá (ở đây chỉ chọn một trong hai), thì họ đều có thể coi là truyền nhân của Toàn Chân giáo. Quách Tĩnh từng được Mã Ngọc chỉ điểm, còn Dương Quá lại bái sư tổ. Họ dĩ nhiên đều là người của Toàn Chân giáo. Vậy nên, thời đại Song Điêu cũng có thể gọi là thời đại của Toàn Chân giáo.

Trong khoảng thời gian vài thập kỷ này, danh hiệu Thiên hạ đệ nhất luôn nằm trong tay các cao thủ của Toàn Chân giáo. Thế nhưng thật kỳ lạ, môn phái này lại biến mất không dấu vết sau khi Thần Điêu Hiệp Lữ kết thúc. Tại sao lại như vậy?

Toàn Chân giáo "sớm nở tối tàn"

Thực ra, sự suy tàn của Toàn Chân giáo cần được nhìn nhận từ hai góc độ.

Thứ nhất, trong trận chiến bảo vệ Tương Dương sau này, Toàn Chân giáo gần như trở thành lực lượng chủ lực. Bao gồm cả chưởng giáo Lý Chí Thường cùng rất nhiều đạo sĩ khác đều xung phong làm đội tiên phong, xông vào trận địa địch. Trong giao tranh giữa hai quân, cho dù sau này quân thủ thành Tương Dương giành được chiến thắng nhờ Dương Quá dùng đá bắn chết Mông Kha, nhưng có thể tưởng tượng, kỵ binh Mông Cổ thiện chiến chắc chắn cũng sẽ giết chết rất nhiều cao thủ Trung Nguyên. Có thể nói, trong trận chiến này, Toàn Chân giáo chắc chắn bị tổn thất nặng nề.

Toàn Chân thất tử, về sau hầu như đều rời khỏi Toàn Chân giáo và tự lập môn phái khác. (Ảnh: Sohu)

Thứ hai, các đệ tử của Vương Trùng Dương, hay còn gọi là Toàn Chân thất tử, về sau hầu như đều rời khỏi Toàn Chân giáo. Họ tự lập môn phái, trở thành tổ sư của các môn phái khác. Ví dụ như phái Hoa Sơn, môn phái xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của Kim Dung, chính là do Hách Đại Thông, một trong Toàn Chân thất tử sáng lập.

Ở đây ta không xét tới tại sao Hách Đại Thông trong truyện võ công có vẻ bình thường mà lại có thể khai tông lập phái. Bởi vì trong lịch sử, phái Hoa Sơn thực sự do Hách Đại Thông sáng lập. Như vậy, dù theo vị thế lịch sử, Toàn Chân giáo không thể sánh bằng những "tượng đài" như Thiếu Lâm, Cái Bang, Võ Đang. Nhưng xét về tỷ lệ xuất hiện nhân tài kiệt xuất, Toàn Chân giáo có thể nói là vô cùng mạnh.

Nguyệt Phạm (Theo Phụ nữ số)