Ông Khoai Lang còn khoe, ông biết làm thơ, nhưng con gái ông nói nhỏ vào tai tôi, ông làm thơ thua mẹ cô xa lắc.
Mới đây, tôi có dịp trò chuyện với ông Khoai Lang, người thường có bài trên mục Chuyện Phiếm này. Thực ra, tôi biết ông từ hơn ba năm trước, cũng đã trò chuyện với nhau, nhưng tôi lại không biết ông là… Khoai Lang. Ông mê một giống cây anh đào nào đó, không có ở Việt Nam. Tôi là bạn học của con rể ông, ở Thuỵ Sĩ. Lần đó tôi sang Thuỵ Sĩ chơi, ông con rể chặt cành anh đào ở vườn, nhờ tôi mang về Sài Gòn biếu bố vợ làm giống. Chuyện đơn giản, nhưng của một đồng, công một nén, từ lúc chặt cành đến lúc đến tay người nhận phải trong vòng 24 giờ để kịp nhúng nước. Tôi đã hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Lần trò chuyện đầu tiên, ông mơ màng nói với tôi về giấc mơ… anh đào, độc nhất vô nhị ở Việt Nam này. Vẫn biết cây xứ lạnh, đem trồng xứ nóng, chuyện lụi tàn đã rõ, nhưng tôi vẫn “báo hiếu” thay cho thằng rể của ông, phụ hoạ thêm vào giấc mơ của ông rằng, nếu anh đào ra hoa, tôi sẽ đem về Đà Lạt nhân giống, rằng tôi sẽ phát triển giống anh đào này ở xứ sở ngàn hoa của tôi, và rằng truyền thuyết các loài hoa Việt Nam sẽ ghi tên ông vào lịch sử… Ông càng hào hứng, xưng hô toa thế này, moa thế nọ… thân mật theo kiểu công chức thời Tây.
Hồm rồi, bạn tôi từ Thuỵ Sĩ về nước chơi, tôi nhờ bạn đem biếu ông via nó quyển Những thằng già nhớ mẹ. Ông tưởng tôi là dân thơ văn thứ thiệt, nên nhắn đến chơi. Lần gặp gỡ thứ nhì, tôi mới biết ông là Khoai Lang, một tay châm chích chua cay trong làng báo Sài Gòn một thời.
Ông kể, “Tôi làm trong ngành y, công chức thời Tây, cho đến thời ta. Chỉ đi làm, nuôi con ăn học, chứ biết chi chuyện viết lách. Chắt bóp mãi, cũng may có người quen giúp đỡ, mới cho được thằng con qua Tây học. Thế mà có tay viết báo mắng những người cho con ra nước ngoài học là giựt le. Tôi nổi nóng, viết bài phản ứng. Báo đăng trong mục Chuyện Phiếm. Tôi lại viết chuyện khác, sáng đưa bài, chiều báo đăng. Cứ thế, tôi thành ông Khoai Lang viết phiếm”.
Nói rồi, ông đưa tôi xem cả xấp những bài báo cắt ra từ báo Chính Luận. Giấy báo mong manh, ố vàng, nhưng chữ in vẫn còn rõ ràng để đọc. Cũng gần 50 năm rồi còn gì. Tôi trích ra đây hai đoạn bút chiến về du học giữa hai ông Lê Vũ và Khoai Lang, để biết kiểu viết phiếm của báo chí thời đó ra sao, lịch sự, nhã nhặn, nhưng không kém phần đá… đểu. Trích dẫn giữ nguyên chính tả và dấu chấm câu.
Lê Vũ: Các anh chàng học sinh mới 17, 18 tuổi đầu, còn ngờ nghệch lắm đâu đã biết tính lợi hại của các việc đời. Anh chỉ nghe bè bạn đấu hót nào ở đó lúc nào cũng dồi dào vấn đề đầm đìa nào là nhót thả cửa thâu đêm suốt sáng, bơ sữa, bom nho rẻ rề. Cứ nghe bè bạn đấu hót rồi mê đi là bỏ mẹ đấy các con ạ. (Du học – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 8/1/1972)
Khoai Lang: … Vả lại sự thay đổi nếu có cũng là do tâm tính từng người hoặc do nơi giáo dục gia đình. Nhiều sinh viên về thăm nhà mà tôi gặp rất đàng hoàng về đầu tóc cũng như y phục: tóc hớt ngắn, quần không ‘ống voi, ống cọp’ cử chỉ lễ độ, lịch sự chẳng có gì lố lăng đáng trách. Hỏi nhỏ Tiên sinh nhé; ‘Lệnh huynh trước đây có bay bướm lả lướt lắm không?’ nếu có thì đúng là ‘Hổ phụ sinh hổ tử’ rồi, có gì là lạ!
(Du học và giựt le – Mục Chuyện Phiếm, báo Chính Luận số ngày 4/2/1972)
Bút chiến, mà lại là bút chiến kiểu phiếm, thì ngôn ngữ xỏ lá ba que tha hồ được tận dụng. Báo chí mà không có chuyện cây đè điện giựt, thì cũng phải chích điện cưa cây để lôi kéo độc giả.
Về chuyện du học, nếu phụ huynh có điều kiện thì nên cho con cái đi để mở rộng tầm mắt là đúng rồi. Tôi ngờ báo Chính Luận đăng bài nói ngang để khiêu khích độc giả. Ông Khoai Lang mắc bẫy, viết bài bút chiến. Lời qua tiếng lại, nhờ đó mà mới có một ông Khoai Lang châm chích.
Cũng trong bài Du học và giựt le, ông Khoai Lang có nói đến một chuyện thú vị về việc bán cours (giáo trình) ở đại học Luật khoa Sài Gòn hồi đó. Tôi trích để nhớ lại sinh hoạt trong môi trường đại học ở Sài Gòn một thời.
Khoai Lang viết: Nhưng cũng có một số ‘bực thầy’ đã khai thác cours của mình ‘khá kỹ’ như một dịch vụ thương mại. Các thầy đánh máy quay ronéo lấy, đóng thành tập, đánh số từng cuốn, ký tên sau sách của mình và ghi từng tên sinh viên đã mua sách để tiện nâng đỡ sau này.
Điều này có thật, và chỉ xảy ra ở đại học Luật khoa, nơi số sinh viên năm thứ nhất rất đông, cả hơn chục ngàn sinh viên, loại mới nhập trường cũng có, mà loại sinh viên thi rớt ‘muôn năm’ dồn lại cũng có. Nên bán cours cho sinh viên năm thứ nhất là áp phe định kỳ lãi lớn. Mỗi năm, cours lại ‘cập nhật’ chút ít, mà đề thi lại cứ nhắm vào những chỗ ‘cập nhật’ mà ra. Giáo sư luật mà kinh doanh, thì đúng… luật là cái chắc. Khi ông Khoai Lang viết bài đó, thì nhu cầu sinh viên mua sách nhiều, nên không phải quay ronéo như ông Khoai Lang nói, mà đưa ra nhà in xếp chữ làm bản kẽm, in hàng loạt hẳn hòi.
Đúng như ông Khoai Lang, một số vị giáo sư thực thụ (full professor) lão làng, lại thường giành dạy năm thứ nhất, thay vì năm cuối hoặc dạy các lớp cao học. Nhưng vụ bán cours kiếm lời này chỉ xảy ra ở trường Luật Sài Gòn thôi, chứ đại học Khoa học Sài Gòn, nơi tôi theo học thì không. Cours giao cho ban đại diện sinh viên, quay ronéo, bán gần như giá vốn, thầy cô không dính dáng gì tới chuyện in ấn bán buôn này cả.
Ông Khoai Lang còn khoe, ông biết làm thơ, nhưng con gái ông nói nhỏ vào tai tôi, ông làm thơ thua mẹ cô xa lắc. Mẹ cô là em ruột nữ sĩ Tương Phố. Bà mất năm 1973 tại Đà Lạt. Hơn một tháng sau ngày bà mất, trung tâm Văn Bút tổ chức buổi lễ tưởng niệm nữ sĩ tại Sài Gòn. Ông Khoai Lang là một trong những diễn giả hôm đó. Diễn văn của ông kết thúc bằng một bài thơ, có đoạn:
Giọt lệ thu buồn mờ viễn ảnh
Sông Tương mưa gió thấy đâu người?
Tôi chắc rằng, không có thơ nào mà em rể khóc chị vợ thê thảm hơn thế được.
Tôi muốn biết tên thật ông, để khi viết bài ông Khoai Lang có thể ‘truy xuất nguồn gốc’, nhưng ngần ngại. Người già thường hay mắc cỡ bất tử. Tôi quay sang hỏi nhỏ anh con rể. Ông thính tai, nghe được, và cao hứng bổ sung chi tiết nhân thân: Tên ông là Liệu, Nguyễn Đức Liệu, quê quán Hải Dương, 92 tuổi mụ, 91 tuổi đời.
Sài Gòn hồi đó, khoai tây đắt hơn khoai lang nhiều. Con gái ông thắc mắc, nếu đã thích khoai, sao không chọn bút hiệu Khoai Tây cho sang, mà lại chọn Khoai Lang chi cho mạt. Ông gạt phăng, Chúng mày con nít biết gì. Tôi cũng không hiểu vì sao ông lại lấy bút hiệu dân dã ấy. Tôi ngờ, ông viết phiếm, ít nhiều chọc ngoáy quan này, quan nọ, lại viết nham nhở như ông tự nhận, nên lắt léo, chặn đầu với thành ngữ Con kiến mày kiện củ khoai cho đỡ sợ.
Nhưng ông kể, hồi đó ông tán tỉnh một cô em thơm như mít (sic). Cô hỏi tên, ông buột miệng: Khoai Lang. Thế rồi hai người ra rít, xưng hô Khoai này, Củ nọ… với nhau. Khi viết bài phiếm đầu tiên, ông lấy luôn bút hiệu Khoai Lang cho tiện. Thấy tôi vẫn chưa hiểu, ông ngập ngừng một lát, mới thốt ra được: Tôi nói tục đấy!
bài, ảnh Vũ Thế Thành
Theo: TGTT
No comments:
Post a Comment