Wednesday, August 31, 2016

RAU LỘN XỘN

Không riêng gì ở Úc, gần như ở các nước Tây phương sáng đi làm việc chiều mới về nhà và nếu có overtime phải làm thì phải về tối lắm. Dù là công nhân bình thường hay những công chức cao cấp về đến nhà là phải quay vào bếp sữa soạn buổi cơm tối cho gia đình. Giấc mơ mướn một người giữ trẻ, nấu cơm, một tài xế quá xa vời và gần như không bao giờ có dù lương của họ là một ước mơ giàu sang của những người dân trong những nước chậm tiến hay đang trên đà phát triển.


Lúc nào tôi cũng tâm niệm 2 câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
"Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc
Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn"
Chính vì hoàn cảnh như vậy cho nên đi chợ mua đồ ăn thì chỉ chọn những thứ rất là tiện ích và dễ làm vì thời gian gấp rút. Ngoại trừ những ngày ra ngoài ăn ( nói như vậy vì ở Úc cũng rất ít gia đình nấu cơm ăn ở nhà 7/7 sáng, trưa, tối) tôi không muốn nói hết nhưng chỉ kể về những thứ rau củ mà trong những siêu thị có bán những loại đã làm sẳn. Có 2 loại rau củ: mix salad và mix veggie. Mix salad là nhiều loại rau cải trộn với nhau để ăn sống. Mix veggie cũng là những loại củ, đậu, cải trộn lẫn với nhau đã luộc mềm sẳn chỉ cần làm nóng lại để ăn.


Như những post của tôi trong những bài trước, những món tươi sống của miệt vườn VN, chỉ ra sau vườn hái lá vong, rau má, cải trời là có món canh, hái rau sau vườn, đọt xoài, rau nhút, sơn nhái,..là có món rau. Tình cờ đọc bài rau lộn xộn của VN thì đúng là mix veggie hay mix salad của Úc.

RAU LỘN XỘN
Những bát canh rau lộn xộn nơi miền Trung nắng cháy đã dẫn tôi đi qua biết bao mùa hè, những mùa hè tuổi thơ vô tư và vụng dại. Để lớn lên, đi xa nhớ về và thương quê, thương mẹ đến vô bờ...


Miền Trung của tôi gió thổi rát mặt người vào những ban trưa mùa hè gay gắt. Ở trong nhà ngó ra tưởng như mọi cây cỏ đều khô cong dưới những tia lửa dữ dội của mặt trời. Quê tôi hiền lành mà lắm tai ương, vừa hết mùa lũ lụt đã đến mùa hạn hán, những con người hiền lành nơi đây sau khi ngửa cổ than "khổ chi mà khổ rứa” thì lại tiếp tục bền gan chiến đấu với đất trời.
Trẻ con quê tôi đi qua những ngày nóng ấy bằng những bát canh rau mát lịm từ tay mẹ và hương quê. Canh rau quê tôi đạm bạc và giản dị, một ít me đất nấu với cá cơm, cá khoai hay lá ngót nấu với thịt băm (thịt băm thì ít mà lá ngót thì xanh đầy nồi) hoặc rau dền luộc chấm với xì dầu...


Những bát canh ấy dẫn chúng tôi đi qua biết bao mùa hè, những mùa hè tuổi thơ vô tư và vụng dại. Để lớn lên đi xa nhớ về và thương quê, thương mẹ đến vô bờ..
Tôi nhớ nhiều nhất là canh rau lộn xộn, nghe cái tên buồn cười và thật thà quá. Rau lộn xộn bán ở chợ quê tôi được bày trong từng rổ lớn, trong đó có mồng tơi, dền đỏ, dền xanh, bông lý, rau khoai lang, rau tập tàng...


Nói chung là bất cứ loại rau gì ăn được người ta đều hái rồi bỏ chung vào với nhau, xáo đều lên và đem bán. Còn ở nhà, nếu có một cái vườn be bé thì cứ cắp rổ ra vườn hái được dăm bảy ngọn rau lang, vài lá mồng tơi, mấy ngọn rau dền, tuốt thêm ít lá ngót... vậy là đã có một bát canh thật to, thơm dìu dịu và mát lịm.
Cứ để chung mấy loại rau ấy rửa sạch rồi cho vào nấu, nếu sang thì cho vài con tôm, không thì chỉ cần ít gia vị và một muỗng ruốc là đã đủ đậm đà và ngon đến da diết.
Tôi không còn nhớ mình đã bao lần đi thơ thẩn theo mẹ ra vườn bứt lá này, lá kia... mà lá nào mẹ cũng gật.


Tôi không còn nhớ là đã bao trưa nắng, tôi chan canh nghe thơm và ngọt những mùi vị khác nhau của những loại rau quen thuộc ấy. Chỉ biết rằng mỗi khi nắng đổ lửa bên ngoài trời, tôi lại quay quắt nhớ bát canh rau lộn xộn xưa lẫn trong hương thơm của mẹ và yêu dấu tuổi thơ tôi...
HOÀNG KHÁNH
(Tuổi trẻ online)


DẦU OLIVE - ZIN HAY KHÔNG ZIN CŨNG GẦN NHƯ NHAU

Có chuyện này nói trước xin các bạn đừng cười tôi là "nhà quê" nhé. Tới hôm nay tôi qua sống ở Úc hơn 36 năm rồi đó. Thời gian đầu chỉ có đồ Tây mà ăn, ngán quá là phải ăn mì gói, sau này đi làm ở hảng xưởng thì ăn nửa Tây nửa Ta. Còn bây giờ, nhiều năm nay, làm việc văn phòng, thời gian nhiều hơn nên chỉ ăn đồ Ta, đồ Tàu nhiều, đồ Tây thì chỉ có một hay hai lần trong tuần. Bời vậy nói về dầu Olive với tôi không phải là xa lạ nhưng biết gì về loại dầu này thì xin thưa không biết.


Tôi biết về dầu Olive nhiều nhất là vào nhà hàng Tây, nó pha dầu olive và giấm đỏ cho mình chấm bánh mì và thường là như vậy hay là ăn garlic bread. Về nhà làm xà lách thì đã có salad dressing pha sẵn, dầu để chiên xào ở nhà thì không dùng dầu Olive vì chỉ nấu đồ Ta đồ Tàu. Hàng tuần vào siêu thị vài lần qua kệ bán dầu đủ loại của các nước, cũng có mua dầu Olive về để đôi lúc pha giấm đỏ chấm bánh mì nhưng nhiều thứ quá không biết loại nào ngon. Ít dùng nên chỉ lựa loại nào mắc tiền thì mua đại. Kiến thức của tôi cho đến bây giờ về dầu Olive là chỉ bấy nhiêu đó. Nhà quê quá phải không ?


Hôm nay đọc được một bài giải thích về dầu olive, rất cám ơn người viết. Bạn nào chưa biết và không muốn "nhà quê" như tôi thì nên đọc để cho mình một kiến thức mới:

DẦU OLIVE - ZIN HAY KHÔNG ZIN CŨNG GẦN NHƯ NHAU
Độc giả hỏi: Tôi thấy ở siêu thị có bán dầu olive pomace oil. Dầu này có phải là dầu olive nguyên chất không? Dầu extra virgin và virgin, tôi hiểu là dầu nguyên chất, có phải tốt cho sức khoẻ là hơn các loại dầu olive khác không? Vì tôi thấy giá cả khác nhau nhiều lắm, dù cùng là dầu oilve…

Dầu olive nguyên chất (virgin) là dầu ép nguội từ trái olive, sau đó lọc hoặc quay ly tâm để chiết ra dầu. Trong quá trình sản xuất không được phép dùng nhiệt hay bất kỳ loại hoá chất nào (khác với dầu dừa nguyên chất, được phép dùng nhiệt, nhưng không được dùng hoá chất).


Dầu olive tinh luyện (refined), hay còn được “bốc” lên là dầu tinh khiết (pure), được phép dùng nhiệt, hoá chất, dung môi để tinh luyện dầu
Dù là loại dầu olive nào, virgin hay tinh luyện, miễn là loại dầu olive ăn được (edible) đều không được làm thay đổi cấu trúc ban đầu của các ester (triglyceride) của dầu, chẳng hạn, các acid béo không no, một nối đôi hay nhiều nối đôi đều phải giữ nguyên. Đại loại mức độ bổ béo của dầu olive loại nào cũng gần gần như nhau.
Zin ngoại hạng, zin thường và loại hết zin
Tổ chức Dầu Olive Quốc tế (IOOC -the International Olive Oil Council), một tổ chức liên chính phủ đưa ra tiêu chuẩn cho từng loại dầu olive như sau:


Dầu extra-virgin (zin ngoại hạng), có hàm lượng acid béo tự do không quá 0,8%, và dầu virgin (zin thường) không quá 2%. Mức acid béo tự do càng thấp, cho thấy ở khâu chọn lựa, tồn trữ trái olive rất cẩn thận trước khi ép nguội, vì acid béo tự do có thể phát sinh khi bảo quản nguyên liệu. Vì không chế hoá qua (nhiệt hay hoá chất) gì cả, nên cả 2 loại dầu này đều zin… hoàn hảo. Mùi vị cũng tuyệt hảo, giống như bia tươi (draft), còn những chất men sống tự nhiên, nên đậm đà hơn bia chai. Dầu extra-virgin có mùi vị tốt hơn (excellent) so với dầu virgin (good).
Dầu olive tinh luyện (refined olive oil), loại này rõ ràng là hết zin rồi, nhưng có mùi vị chấp nhận được (acceptable). Do tinh luyện, nên dầu có chỉ số acid béo tự do rất thấp (<0,3%), có thể bảo quản lâu hơn so với dầu zin.
Và zin… nửa vời?
Ngoài ra còn những loại zin… nửa vời, như dầu olive (olive oil), ghi khơi khơi kiểu Mỹ vậy đó, muốn hiểu sao thì hiểu. Thực ra, loại này là hỗn hợp giữa dầu olive zin và dầu olive tinh luyện. Muốn pha trộn theo tỉ lệ nào thì tuỳ, miễn sao có mùi vị tốt (good), và lượng acid béo tự do <1% là được.


Trong quá trình ép dầu, còn thừa bã. Tiếc của, người ta mới lấy bã dầu đem xử lý nhiệt và hoá chất, để chiết ra dầu pomace. Dầu pomace rõ ràng là dầu tinh luyện thứ thiệt rồi, và không được phép gọi là dầu olive. Tới đây, thì mọi thứ lung tung xèng cả lên.
Nếu lấy dầu pomace trộn với dầu olive zin, thì được phép gọi là olive pomace oil (đó là loại dầu mà độc giả hỏi). Loại này zin nửa vời.
Tiêu chuẩn của Mỹ còn phăng hơn nữa, nếu lấy pomace oil, trộn với dầu oilve tinh luyện (không zin), thì gọi là refined olive- pomace oil. Loại này thì hết zin tuyệt đối rồi.
Dĩ nhiên tất cả các loại dầu đều có tiêu chuẩn khống chế cả, chứ không phải muốn trộn thế nào là trộn được đâu.
Dầu olive loại nào tốt cho sức khoẻ?
Dầu olive chứa khá nhiều acid béo một nối đôi, chủ yếu là aci oleic. Loại acid này được cho là làm giảm rủi ro bệnh tim mạch, hạ cholesterol xấu, và kiểm soát đường máu.


Dầu olive, dù là loại virgin hay tinh luyện, đều phải giữ nguyên cấu trúc các loại chất béo này, nên về mặt lợi ích cho sức khoẻ, tất cả loại dầu olive đều như nhau.
Dầu olive còn chứa khoảng 30 loại chất chống oxýt hoá dạng phenolics. Loại extra virgin/virgin do không qua bất kỳ chế biến nào (hoá và nhiệt), nên được cho là có nhiều chất chống oxid hoá hơn. Tuy nhiên, về lợi ích cho sức khoẻ có trội hơn những dầu olive khác hay không chưa được xác nhận
Loại extra virgin và virgin còn giữ được khá nhiều hương vị tự nhiên. Hương vị trái olive tuỳ thuộc vào giống, đất trồng, khí hậu, mùa gặt,… Ép ra dầu cũng cho màu sắc khác nhau, vàng đậm, vàng nhạt, vàng xanh,… Người ta chọn dầu olive theo khẩu vị, cầu kỳ, sành điệu như chọn rượu vang vậy thôi. Loại extra virgin hay virgin do vậy chỉ nên dùng để ăn sống, trộn xà lách, chứ đem chiên xào thì còn gì là hương vị, dầu lại dễ bị hư do chứa nhiều acid béo tự do bị huỷ do nhiệt.


Nếu chiên xào, nên xài dầu olive loại thường, tinh luyện hoặc pomace thì tiết kiệm, có thể chiên đi chiên lại vài lần, vẫn bền (ít acid béo tự do)
Không phải cứ ăn thêm dầu olive thì có lợi cho sức khoẻ, mà vấn đề là nên dùng dầu olive để thay thế một phần các loại dầu ăn khác, để có nguồn chất béo đa dạng trong thực phẩm ăn vào.
Vũ Thế Thành
(Sưu tầm trên mạng)

SẦU RIÊNG

Thế thái nhân tình:
Một mẫu chuyện rất ngắn nhưng sao nó mang quá nhiều triết lý:

SẦU RIÊNG

- Mẹ, sầu riêng rộ. Mẹ mua cho Nội một trái đi Mẹ. Nội nói cả chục năm rồi Nội chưa ăn múi nào hết.
- Bên đây sầu riêng mắc như vàng, của đâu mà cho Nội mày ăn cho đủ. Tao hầu Ba mày mệt rồi, thêm Nội mày nữa có nước đem chôn tao sớm.
Thằng Tí như bị hụt hẫng trước câu trả lời của Mẹ nó. ... 
Mùa sầu riêng năm sau, Nội nó mất. Hôm giỗ đầu, Mẹ nó mua một trái sầu riêng thật to để trên bàn thờ.
Mẹ nó nói với mọi người:
- Má chồng tôi hảo sầu riêng lắm. Mắc cách mấy tôi cũng rán mua để cúng Má tôi.
Mọi người khen Mẹ nó là dâu thảo. Chỉ có thằng Tí biết. Nó lặng lẽ đến cạnh bàn thờ thì thầm:
- Xin Nội tha lỗi cho Mẹ con.
(Sưu tầm trên mạng)

CHUYỆN LẠ: CẦU CẦN THƠ ĐỂ NGẮM, NGƯỜI DÂN THÍCH ĐI ĐÒ

Năm ngoái tôi có post một bài thương cho những chiếc bắc Cần Thơ bị cầu Cần Thơ cho về dĩ vãng, lần tới về Cần Thơ không còn cơ hội ngồi trên chiếc bắc ra giữa dòng sông nhìn về Cần Thơ hay nhìn qua bên kia đất Cái Vồn.
Cũng mấy tuần trước post một bài về văn miếu Hà Tĩnh, nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với bài "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", trong đó có câu "Ta nghe trong đó bao nhiêu là chuyện lạ, ngày xưa đi học em nói thích nghề gì?".
Hôm nay tôi sửa lại chút xíu :"Ta nghe bên ấy bao nhiêu là chuyện lạ", tôi nghe được một chuyện lạ không kiểm chứng được nhưng cũng post lên cho các bạn đọc chơi và ít nhất tôi cũng vui vì Cần Thơ vẫn còn có con đò sắt đưa người qua lại trên dòng Hậu Giang. Bời vậy có những cái có thể thay thế dễ dàng nhưng cũng có những cái không thể thay thế được khi nói về tình cảm của con người.
Xin cám ơn chính quyền địa phương biết giúp dân nghèo.

CHUYỆN LẠ: CẦU CẦN THƠ ĐỂ NGẮM, NGƯỜI DÂN THÍCH ĐI ĐÒ.

Cầu Cần Thơ đã thông suốt gần 8 năm qua, nối liền đôi bờ sông Hậu hiền hòa. Chuyện lạ là nhiều người dân ở miền Tây vẫn thích bỏ tiền qua sông trên những chiếc đò hơn là đi cây cầu dài nhất Đông Nam Á này.
Nằm cách cầu Cần Thơ khoảng 5 km, bến đò Bình Minh – Cần Thơ luôn đông đúc khách qua sông. Bến đò này hoạt động từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Hằng ngày, có hàng ngàn lượt khách qua sông trên những chuyến đò trọng tải 120 tấn.


Thích qua sông bằng đò.
Khách đi trên đò phần đông là bà con nông dân nghèo, công nhân, tiểu thương, sinh viên ngụ ở TX.Bình Minh (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) qua Cần Thơ học tập và buôn bán.
Mỗi sáng sớm, cô Nguyễn Thị Hồng xách mấy chục hột vịt từ nhà ở xã Thành Lợi (Bình Tân) qua phà sang quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) bán cho các quán cơm. Cô Hồng chia sẻ: "Đi đò nhanh và tiết kiệm hơn so với đi cầu. Đi đường cầu Cần Thơ phải mất thời gian và tốn tiền nhiều lắm. Đi đò thì gần nhà và tiết kiệm hơn, khu vực này ai cũng thích đi đò hơn đi cầu".
Còn cô Tám, ngụ phường Cái Vồn (TX. Bình Minh) mỗi ngày đều đặn qua sông bằng đò để bán xôi cho biết: “Tôi lớn tuổi nên không thể đạp nổi xe lên dốc cầu Cần Thơ. Trước đây, tôi cũng làm liều đi “đò lậu” bằng vỏ lãi qua sông, mỗi lượt 10.000 đồng mà sợ lắm. Có lúc ra đến giữa sông, sóng gió nổi lên, chiếc ghe nhỏ chao đảo như muốn chìm. Những lúc như vậy, chỉ biết nhắm mắt niệm phật trời cầu bình an.


Từ lúc có đò lớn, tôi đi yên tâm và vui lắm. Mỗi buổi sáng, mấy chị em lại xuống đò qua bên Cần Thơ buôn bán, chiều tối lại hẹn nhau về. Người dân khu này thích đi phà hơn đi cầu là vậy đó”.
Theo nhiều người dân địa phương, trước đây khi cầu Cần Thơ thông xe, bến phà Hậu Giang không hoạt động thì chuyện qua sông của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, người dân phải đi một quãng đường dẫn gần 15km mới tới cầu Cần Thơ. Chính vì thế, nhiều tuyến “đò lậu” đã xuất hiện đưa khách sang sông. Những chiếc đò này thường là các chiếc vỏ lãi, tắc ráng (thuyền nhỏ gắn máy) dùng làm phương tiện và không có trang bị áo phao nên rất nguy hiểm khi qua sông.
Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã cho thành lập bến đò Bình Minh – Cần Thơ. Những chiếc đò tại đây có trọng lượng từ 80 – 120 tấn và được trạng bị phao cứu sinh đầy đủ. Mỗi chuyến chở khoảng 50 khách và 30 xe gắn máy, rất an toàn cho khách qua sông.
Giá qua sông mỗi chuyến đối với người đi bộ là 3.000 đồng, người đi xe đạp 5.000 đồng, người đi xe gắn máy 7.000 đồng. Ngoài ra, học sinh, sinh viên được giảm 50%; bộ đội, công an, cán bộ, người nghèo miễn 100%.


Thương lắm, đò ơi!
Ở phía trên, cách bến đò Bình Minh – Cần Thơ khoảng 1km, bến đò Thành Lợi (huyện Bình Tân, Vĩnh Long) – Cồn Khương (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) luôn tấp nập người qua lại, những lúc cao điểm khách phải đợi gần 1 tiếng đồng hồ mới có thể qua sông.
Đứng trên chiếc đò đang rẽ nước vượt sông Hậu, ông Trần Văn Hùng (ngụ xã Tân Lược, Bình Tân) ngước mắt nhìn về phía cầu Cần Thơ cho hay, cầu xây xong bà con mừng lắm, nhưng nhiều người vẫn thích đi đò hơn, vì có cái thú vị riêng.
“Đi đò hay phà, mình có thể hóng được từng luồng gió sông mát rượi và được ngắm cảnh sông nước hữu tình, xuồng ghe tấp nập buôn bán. Còn đi cầu, có ngắm nhìn được gì đâu, chỉ lo điều khiển xe cho an toàn. Từ ngày cầu Cần Thơ xây xong đến nay, tôi đi đúng một lần vào ngày khánh thành, còn lại muốn qua sông là đi đò” – ông Hùng nói.
Mỗi ngày đều sang Cần Thơ để học tập, Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên ĐH Cần Thơ) cho biết, rất sợ độ cao nên không dám đi cầu. Vì vậy, chiếc đò từ lâu trở nên thân thương và gắn bó với em.
“Đi đò thì tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn so với đi cầu. Mỗi ngày em đi 2 lượt đò chỉ mất 8.000 đồng. Nếu đi cầu thì phải tốn gần 40.000 đồng tiền xăng vì quãng đường quá xa. Ngoài ra do em sợ độ cao nên mỗi lần lên đỉnh cầu mà gió lớn là hoảng sợ, không dám đi nữa” – Thùy Trang kể.


Theo quan sát của chúng tôi, trên những chuyến đò qua sông bây giờ không khác mấy so với thời phà Hậu Giang còn hoạt động. Vẫn còn đó cảnh mọi người nhanh chân xuống đò để chọn cho mình một chỗ ngồi lý tưởng, ngắm cảnh sông nước. Người buôn, kẻ bán vẫn hoạt động tấp nập trên đò. Những em bé bán bánh mì, vé số… các cô đầu quấn khăn bên mâm bánh cam, thúng xôi nóng hổi… vẫn bươn chải theo những chuyến đò để mưu sinh.
Tất cả như muốn tái hiện lại một thời sôi động của bến Bắc Bình Minh trước đây. Địa điểm mà ai đã một lần xuống miền Tây thì không thể nào quên.
Dẫu biết cầu Cần Thơ được xây dựng nối đôi bờ sông Hậu là giúp xe cộ lưu thông dễ dàng, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong vùng ĐBSCL.
Vậy nhưng, đối với nhiều người dân, những chiếc đò, phà ngang sông thân thương khó có thể thay thế trong tâm trí và sinh hoạt ở vùng non nước hữu tình này.
Hoài Thanh – Q.Huy
Theo VNN

HUYỀN THOẠI HOÀNG PHI HỒNG VÀ ĐỘC CHIÊU VÔ ẢNH CƯỚC

Vô ảnh cước (無影腳) là tuyệt chiêu gắn liền với tên tuổi Hoàng Phi Hồng (黃飛鴻) - mãnh hổ Quảng Đông.
Hoàng Phi Hồng sinh ngày 9 tháng 7 năm Đạo Quang thứ hai mươi bảy (1847) là một đại võ sư của nền võ thuật Trung Quốc thời Thanh mạt. Phi Hồng sinh ở làng Lộc Đan, núi Tây Triều, thuộc phủ Nam Hải, tỉnh Quảng Đông. Ông còn là một danh y với hiệu thuốc Bảo Chi Lâm nổi tiếng tại Phật Sơn (Quảng Đông).
Xuất thân là con nhà võ. Cha của ông là Hoàng Kỳ Anh, từng theo học Thiếu Lâm Phúc Kiến (Nam Thiếu Lâm) với thiền sư Lục A Thái. Theo nhiều ý kiến cho rằng Hoàng Phi Hồng là một trong “Quảng Đông thập hổ”, nhưng cũng nhiều ý kiến nói là cha ông- Hoàng Kỳ Anh mới là một trong Thập hổ, còn Phi Hồng được gọi là Mãnh hổ Quảng Đông sau “thập hổ”.


“Quảng Đông thập hổ” là mười vị anh hùng võ hiệp của Quảng Đông xuất hiện cuối thời Mãn Thanh. Theo một số sách vở xuất hiện trước năm 1975 tại Trung Quốc, Hong Kong cũng như tại miền Nam Việt Nam và nhất là qua nhiều loạt phim võ thuật của HongKong, người hâm mộ võ thuật Trung Hoa đều cho rằng: “Mười con hổ Quảng Đông” là: Vương Ẩn Lâm, Hoàng Trừng Khả, Tô Hắc Hổ, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng), Đàm Tế Quân, Lê Nhân Siêu, Tô Xán, Lương Khôn, Trần Trường Thái, Châu Thái.
Lên 5 tuổi Phi Hồng đã được cha truyền dạy võ nghệ Nam Thiếu Lâm. Khi 13 tuổi, Hoàng Phi Hồng cùng cha đi đến Quảng Châu - Phật Sơn để biểu diễn võ thuật và bán thuốc. Trong thời gian này, Hoàng Phi Hồng đã học thêm nhiều danh sư các môn võ khác nhau. Tuyệt chiêu của Hoàng Phi Hồng sở hữư bao gồm: Hổ Hạc song hình quyền, Thiết tuyến quyền, Cung tự Phục Hổ quyền, Vô Ảnh cước, Tử Mẫu đao, Đơn song hổ trảo,Tứ Lượng Tiêu Long côn, Song phi đà, La Hán bào.


Độc chiêu Vô Ảnh cước là do Hoàng Phi Hồng trao đổi với Hồng Đông Huy, bù lại, Hoàng Phi Hồng phải truyền lại cho Huy bài Hổ hạc song hình và Cung tự phục hổ quyền. Ông còn học võ từ người vợ cả - cũng là một cao thủ của một môn phái khác.

Vô ảnh cước là tuyệt chiêu gắn liền với tên tuổi Hoàng Phi Hồng. Không phải như phim ảnh dùng kỹ xảo để ca tụng Vô ảnh cước mà độc chiêu Vô ảnh cước được tả nôm na thế này: Tung cú đá bằng một chân, uy lực, nhưng không hiểm để đối phương hóa giải không khó, nhưng rất mất lực. Khi vừa đỡ hoặc né xong, còn chưa định thần thì lĩnh ngay cú đá của chân kia, đó là cú đá mà đối phương không nhìn thấy được (thế nên gọi là Vô ảnh cước- cú đá vô hình).


Đòn đầu chỉ là đá “hư chiêu”, đòn hai mới là đá “thực chiêu”. Nói thì dễ như vậy nhưng thực hiện thì khó vô cùng vì cú đá quyết định phải được thực hiện bằng chân trụ, không có điểm dựa, không được sai sót, giống như phép lăng không (tung mình lên không cần điểm tựa của võ Thiếu Lâm). Muốn luyện tập được tuyệt chiêu này, người tập phải có căn cơ võ thuật vào hàng cao thủ.
Hoàng Phi Hồng mở hiệu thuốc Bảo Chi Lâm ở đường Nhân An bên dòng Châu Giang, chuyên bán thảo dược và trị thương. Mặc dù là võ sư dân gian nhưng cuộc đời Hoàng Phi Hồng vẫn gắn liền với lịch sử Trung Quốc cận đại, dấu chân của mãnh hổ này đã in lên nhiều nơi. Năm 1873, tướng quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc tấn công quân Pháp ở Việt Nam trong đó có trận đánh giết chết Đại uý hải quân pháp Francis Garnier vào ngày 18 tháng 12 và sau đó phục kích tiêu diệt Đại tá hải quân Henri Riviere ngày 19 tháng 5 năm 1883, cả hai trận đánh nổi tiếng này đều diễn ra ở Cầu Giấy (ngoại thành Hà Nội).


Năm sau (1884), danh tướng Lưu Vĩnh Phúc được điều động về Phúc Kiến làm Tổng binh. Hoàng Phi Hồng được Lưu Vĩnh Phúc chọn làm trưởng ban huấn luyện võ thuật kiêm phụ trách trị thương cho binh lính. Năm 1895, chiến tranh Trung-Nhật nổ ra (chiến tranh Ất Mùi), Hoàng Phi Hồng theo tướng quân Lưu Vĩnh Phúc đến Đài Loan kháng Nhật. Quân Thanh đại bại, triều đình cắt Đài Loan cho Nhật. Sau này Cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, Tôn Trung Sơn lên làm Tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc, Lưu Vĩnh Phúc khi đó mời Hoàng Phi Hồng làm "Giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông". Thời gian làm việc với chính quyền Dân Quốc, ông mang hết nhiệt tâm phụng sự. Và đây cũng là lý do dẫn đến cái chết uất ức của Hoàng Phi Hồng sau này.


Trở về Quảng Đông, Hoàng Phi Hồng mở thêm một nhà thuốc nữa ở Phật Sơn, trở thành một trong 4 vị thầy thuốc lớn nhất Quảng Đông bấy giờ. Thời gian này ông gặp người vợ thứ 4, đây cũng là lúc ông sống sung túc nhất. Về chuyện tình cảm, ta thường thấy bên cạnh Hoàng Phi Hồng (trong các phim của Trung Quốc đại lục và Hong Kong) là dì Mười Ba. Sự thật Hoàng Phi Hồng có 4 người vợ, người vợ cả là một võ sư.
Riêng chuyện gặp người vợ thứ tư đã là một giai thoại thú vị: Năm đó Quế Lan 19 tuổi, một lần đi xem lễ Phật có Hoàng Phi Hồng trình diễn võ thuật, vô tình khi biểu diễn lại văng chiếc giày vào mặt Quế Lan. Cho là bị xúc phạm, Quế Lan liền leo lên khán đài tát vào mặt Hoàng Phi Hồng một cái, nói: "Một võ sư nổi tiếng như ông không thể phạm sai lầm như thế, đây là chiếc giày nếu là vũ khí thì sao".


Kính phục, Hoàng Phi Hồng xin cưới Quế Lan làm vợ ngay trên võ đài. Để rồi suốt 71 năm sau đó, dòng họ Hoàng có được một con người tài đức vẹn toàn chăm lo vun vén. Sau này bà lập nên Quỹ Hoàng Phi Hồng hiện vẫn đang hoạt động tại Bảo Chi Lâm.

Năm 1890, con trai cả Hoàng Phi Hồng đã bị các băng đảng bắn chết. Sau thảm kịch này, Hoàng Phi Hồng tuyên bố sẽ không bao giờ dạy 9 người con trai còn lại của mình võ thuật để bảo vệ họ khỏi các đối thủ tìm kiếm sự nổi tiếng.


Ngày 8 tháng 8 năm 1924, Thương đoàn tự vệ Quảng Đông (Bảo Chi Lâm cũng thuộc Thương đoàn này) bạo loạn chống Chính phủ Tôn Trung Sơn. Sau đó, có kẻ xúc xiểm Hoàng Phi Hồng là “tay trong” của Chính phủ, tự vệ Thương đoàn đã đốt phá Bảo Chi Lâm, Hoàng sư phụ uất ức mà lâm bệnh rồi qua đời. Trước khi mất, ông có câu nói nổi tiếng: “Tấm lòng tôi với quê hương có dòng Châu Giang làm chứng”… Sau khi ông mất, người dân Trung Quốc đã suy tôn ông là anh hùng dân tộc.
Theo Chu Hồng Châu/Dân Việt.

Tuesday, August 30, 2016

NGƯỜI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG

Một người thợ xây dựng thâm niên chuẩn bị về hưu. Ông kể với người chủ thầu về những dự định từ bỏ công việc và sống thanh nhàn với người vợ trong suốt quãng đời còn lại. Dù sẽ không còn có dịp kiếm thêm tiền, nhưng ông cần phải nghỉ ngơi. Mọi thứ rồi cũng sẽ ổn thôi.


Người chủ thầu rất tiếc khi phải thấy một công nhân tận tâm của mình phải ra đi, bèn hỏi ông có thể xây một ngôi nhà nữa như một sự chiếu cố đặc biệt không? Người thợ xây đáp "vâng", nhưng ngay chính trong lúc đó dễ dàng nhận thấy ông đã không còn để tâm vào công việc. Ông làm việc hời hợt và sử dụng những nguyên liệu xoàng. Thật đáng tiếc khi ông đã kết thúc sự nghiệp của mình theo cách đó.




Khi công việc hoàn tất, người chủ thầu đến và trao chìa khóa cửa cho người thợ xây: "Ðây là căn nhà của bác, và đó là món quà tôi tặng cho bác".

Một cú sốc, một sự xấu hổ vô cùng! Nếu ông biết được đang xây ngôi nhà cho chính mình thì ông đã xây dựng nó hoàn toàn khác rồi. Bây giờ đây ông phải sống trong một căn nhà ông đã xây dựng không ra làm sao cả.


Ðiều đó cũng giống với chúng ta. Chúng ta xây dựng cuộc sống của mình trong sự xao lãng, đối phó hơn là hành động, sẵn lòng làm qua loa chứ không tối ưu. Vào những thời điểm quan trọng, chúng ta đã không nổ lực hết mức, thế rồi chúng ta bị sốc khi nhìn lại tình huống do chính mình tạo ra, và nhận ra rằng chúng ta đang sống trong ngôi nhà do chúng ta xây dựng. Nếu sớm nhận ra, chúng ta đã thực hiện khác đi rồi.



Hãy nghĩ về bạn như người thợ xây. Hãy nghĩ về căn nhà của bạn. Mỗi ngày bạn đóng một chiếc đinh, dựng một tấm ván hoặc xây một bức tường. Hãy xây dựng trong sự tận tâm. Ðó là cuộc sống duy nhất mà bạn xây dựng. Dù bạn chỉ sống thêm có một ngày nữa, thì cái ngày ấy cũng phải được sống trong tử tế và tự trọng. Cuộc sống là một dự án do chính mình thực hiện. Cuộc sống của bạn hôm nay là kết quả của những thái độ và sự chọn lựa của bạn trước đây. Cuộc sống mai hậu của bạn sẽ là kết quả của những lựa chọn và thực thi của bạn hôm nay.

Nhị Tường dịch
(Sưu tầm trên mạng)

MÌNH ƠI ! MÌNH À !


Đêm khuya nghe gọi : Mình ơi
Dậy em nhờ tí, Mình ơi , Mình à
Giật mình như thể gặp ma
Mồ hôi nó toát như là tắm mưa

Bài thì mới trả buổi trưa
Giờ mà trả nữa te tua tuổi già
Nằm im mắt nhắm cho qua
Bên tai thỏ thẻ Mình à , Mình ơi

Còn bao năm nữa trên đời
Vui xuân kẻo hết Mình ơi , Mình à
Người ta bảo lúc về già
Dẻo dai hơn trẻ Mình à Mình ơi

Con lớn chúng đã xa rời
Nhà thì vắng lạnh Mình ơi Mình à
Sao không bắt chước người ta
Cờ người quyết đấu Mình à Mình ơi

Bàn son có sẵn đang phơi
Quân ngà mau dậy Mình ơi Mình à
Ráng cho vui cửa vui nhà
Em thương Mình lắm Mình à , Mình ơi


(Sưu tầm trên mạng)

CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI THÔI !

Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:
- Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy.


Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiếp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang bên.
Bác làm công trở về gặp người chủ.
Người chủ hỏi:
- Ở bên ấy có nhiều người không?
Bác làm công trả lời:
- Chỉ có mỗi một người mà lại là bà lão.
- Tại sao vậy?


- Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.
(Sưu tầm trên mạng)

BÀI THƠ TRONG NGÔI MỘ CỔ

Theo nhiều nguồn tư liệu văn học, vào năm 1994, khi khai quật một ngôi mộ cổ ở tỉnh Triết Giang Trung Quốc , người ta đã tìm thấy một bài thơ tình kỳ lạ. Bài thơ này được khắc trên một tấm gỗ quí và được thiếu nữ nằm trong áo quan ôm trước ngực. Ngôi mộ được xác định là đã có khoảng chừng hai thế kỷ và người thiếu nữ khoảng chừng 17 tuổi. Vì bài thơ không đề tên tác giả nên người ta phân vân không biết nó là của cô gái đã sáng tác hay là của ai khác. Bài cổ thi ngũ ngôn tứ tuyệt này không có đầu đề và được trình bày như sau:



君 生 我 未 生 
我 生 君 以 老 
君 恨 我 生 遲 
我 恨 君 生 早



Quân sinh ngã vị sinh
Ngã sinh quân dĩ lão 
Quân hận ngã sinh trì 
Ngã hận quân sinh tảo





CÁC MỐI LIÊN QUAN VỀ NGUỒN GỐC BÀI THƠ TRONG NGÔI MỘ CỔ
Khi đọc bài thơ trên tấm gỗ, giới khảo cổ và giới văn học đã thấy đây là một chuyện lạ, họ đoán thiếu nữ trẻ tuổi này đã qua đời vì một nguyên nhân đặc biệt nào đó có liên quan đến nội dung bài thơ cho nên giới văn học đã đổ xô truy tìm nguồn gốc của nó và cuối cùng họ đã biết được xuất xứ.
Thật ra bài thơ này không phải do người thiếu nữ nằm trong áo quan viết mà nó đã có từ thời nhà Đường. Theo một truyền thuyết thì bài thơ này do một kỹ nữ nào đó ở đất Tần Hoài đã viết ra. Nó chỉ là khổ thơ đầu của một bài thơ có 4 khổ , được gom lại thành 8 câu. Nàng kỹ nữ trẻ tuổi xinh đẹp này có quen một khách tình lớn tuổi. Tình cảm họ vô cùng sâu đậm nhưng vì cách biệt tuổi tác quá lớn, vì dư luận xã hội...họ không thể cùng nhau chung sống. Trước khi chia tay đi nơi khác, nàng viết bài thơ này trên một tấm lụa để tặng cho người tình vong niên. Theo một tư liệu khác thì bài thơ được viết trên một chiếc quạt, nguồn này có vẻ hợp lý bởi vì do viết trên quạt, diện tích bề mặt có hạn nên bài cổ thi mới gom lại chỉ còn 8 câu thay vì phải trình bày 16 câu.


Còn về trường hợp thiếu nữ nằm trong áo quan có thể đã mắc phải mối tình bi thương nào đó giống như người kỹ nữ xa xưa nên đã mượn 4 câu thơ để mang theo mình về cõi nghìn thu.

君生我未生 Quân sinh ngã vị sinh
我生君以老 Ngã sinh quân dĩ lão
君恨我生遲 Quân hận ngã sinh trì
我恨君生早 Ngã hận quân sinh tảo

君生我未生 Quân sinh ngã vị sinh
我生君以老 Ngã sinh quân dĩ lão
恨生不侗時 Hận sinh bất đồng thời
日日與君好 Nhật nhật dữ quân hảo

君生我未生 Quân sinh ngã vị sinh
我生君以老 Ngã sinh quân dĩ lão
我離君天涯 Ngã ly quân thiên nhai
君隔我海角 Quân cách ngã hải giác

君生我未生 Quân sinh ngã vị sinh
我生君以老 Ngã sinh quân dĩ lão
化蝶去尋花 Hóa điệp khứ tầm hoa
夜夜栖芳草 Dạ dạ tê phương thảo

Chàng sinh thiếp chửa chào đời ,
Thiếp sinh chàng đã qua thời Xuân xanh.
Chàng hận thiếp sinh muộn ,
Thiếp hận chàng sinh sớm.

Chàng sinh thiếp chửa ra đời,
Thiếp sinh chàng đã già rồi còn đâu.
Hận ai sinh chẳng cùng nhau
Ngày ngày đây - đấy bạn bầu sớm hôm

Ta sinh nàng chửa ra đời,
Ngày nàng xuất thế ta thời già tom.
Ta xa nàng tận chân trời,
Nàng nơi góc biển muôn đời cách nhau

Ta sinh nàng chửa ra đời ,
Nàng sinh ta đã nay thời thành ông,
Ước thân hoá bướm tìm hoa,
Đêm đêm về đậu bên nhà cỏ thơm .



Ý KIẾN THÊM VỀ BÀI THƠ TRONG NGÔI MỘ CỔ VÀ BÀI THƠ ĐỀ QUẠT
Sau khi được giới văn học giải mã, chúng ta đã tạm hiểu được nguồn gốc xuất xứ của bài thơ. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là truyền thuyết. Nó vẫn còn mang một lớp sương khói mơ hồ, hư hư thực thực.
Dù không rõ được chân giả của bài thơ như thế nào nhưng ai cũng hiểu được đây là bài thơ tình rất đặc sắc. Nó mang âm hưởng quen thuộc của những bài cổ thi trong Kinh thi hoặc như bài Trường tương tư của Lương Ý Nương trong Tình sử. Tác giả đã chọn thể thơ ngũ ngôn rất kiệm lời nhưng có sức chứa hàm ngôn rất lớn. Điểm nổi bật là tác giả đã sử dụng phương pháp lặp một cách có chủ ý. Trong lặp câu, đã lặp lại 2 câu đầu trong suốt cả 4 khổ thơ để nhấn mạnh về sự nghiệt ngã phũ phàng của thời gian đối với sự xuất hiện của con người. Trong lặp từ, đã sử dụng 15 lần từ “quân”(chàng, anh), 12 lần từ “ngã”(ta, em) , 15 lần từ “sinh”, 3 lần từ “hận”(oán giận, hờn oán)...hoặc các điệp từ khác như nhật nhật(ngày ngày), dạ dạ (đêm đêm) vv...Mặc dù sử dụng nhiều lần như vậy nhưng không gây nhàm chán mà trái lại đã cấu tứ phong phú hơn cho bài thơ, gây nhiều âm vang và ấn tượng cho người đọc. Biện pháp nghệ thuật này đã nhấn mạnh và nêu bật được sự cố không may mang đầy khổ đau ray rứt, đổ vỡ tiếc hận của cả hai nhân vật. Bên cạnh đó phương pháp đối đã sử dụng như trì (muộn) – tảo (sớm), thên nhai (chân trời) – hải giác (góc biển), nhật nhật (ngày ngày) – dạ dạ (đêm đêm)...đã khiến cho ý tình bài thơ thêm sâu thẳm mênh mang. Về cách cấu trúc câu và nghĩa từ của bài thơ cũng rất đơn giản nên khi chuyển ngữ nó gần như sát nghĩa với từ Việt. Lời tuy giản dị trong sáng, ngắn gọn nhưng lại rất cô đọng hàm súc cho nên việc dịch cho đạt ý tác giả đã dụng công quả là không dễ.




Phải nói đây là bài thơ tình lãng mạn khá đặc biệt. Nội dung ý tưởng của nó có thể khiến cho nhà xã hội học, nhà đạo đức học, nhà tâm lý học, nhà triết học phải cau mày suy nghĩ về sự phức tạp của người đời và đời người trước thời gian. Nó mang hồn của cái bóng ẩn danh để nói lên những vấn đề mà con người xưa nay không thể nói. Điều này khiến chúng tôi chợt nghĩ : “Phải chăng thơ tình cũng là tấm gương soi thời gian, soi rõ được tâm hồn muôn nơi muôn thuở của nhân loại. Nó cho ta thấy rõ được cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái dở cũng như những suy tư ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng...và cả những điều phức tạp khó hiểu nhất của con người?!”.
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

HOA VÔ ƯU - HOA KHÔNG BUỒN



Chào các bạn,

Hôm nay chúng ta nói đến Hoa Vô Ưu, một loài hoa cũng được nhắc đến thường xuyên trong văn hóa Phật giáo. Hoa này thường bị nhầm với Hoa Ưu Đàm, có lẽ vì chữ “Ưu” trong tên hoa.

Hoa Ưu Đàm là phiên âm từ tiếng Phạn “Udumbara” – Ưu đàm ba là, ngắn lại là Ưu Đàm – mà chúng ta đã nói là hoa sung, mà nhiều người không hề biết là có hiện diện trên đời. Hoa Ưu Đàm còn gọi là Hoa Linh Thoại, vì đó là biểu tượng của sự xuất hiện Pháp thoại linh thiêng của Phật.

Hoa Vô Ưu

Đằng khác, Hoa Vô Ưu là từ Hán Việt. “Vô Ưu” có nghĩa là “không buồn” – “vô” là không, “ưu” là buồn. Tên này được dịch nghĩa trực tiếp từ tên tiếng Phạn là Ashoka có nghĩa là không buồn.

Hoa Vô Ưu có tên khoa học là Saraca Asoca, thuộc gia đình thực vật Caesalpaeniaceae, một gia đình thuộc họ Leguminosae. Hoa thường có màu rực rỡ, như đỏ, cam, tím đỏ, vàng… tụ thành từng cụm trên cành. Trong Phật giáo, truyền thuyết cho rằng Phật Thích Ca được sinh ra dưới tàn cây Vô Ưu, nên hoa này thường được trồng trong sân chùa và cắm trên bàn thờ Phật như là biểu tượng của an lạc, không muộn phiền.

Hoa Vô Ưu

Trong Ấn giáo, Hoa Vô Ưu cũng được xem là loài hoa linh thiêng. Hoa được gọi là Hoa Tình Yêu, dành cúng cho Thần Tình Yêu Kama Deva. Người ta tin rằng uống nước rửa Hoa Vô Ưu sẽ giúp mình gột rửa mọi muộn phiền và thành vui tươi tích cực. Người ta cũng tin rằng hoa này giúp các phụ nữ hiếm muộn có con cái.

Hoa Vô Ưu

Cây Hoa Vô Ưu

Ở Việt Nam, chẳng ngạc nhiên gì, chúng ta có một loài hoa rực rỡ rất quen thuộc, cũng nằm trong gia đình Caesalpaeniaceae. Đó là hoa phượng, tiếng Anh có tên là Flamboyant (rực rỡ) hay Royal Poinciana (Hoa Poinciana Hoàng tộc).

Hoa Phượng

Ngày trước, chúng ta có một số bài hát học trò chia tay mùa hè dưới tàn hoa phượng, như bản “Nỗi Buồn Hoa Phượng” của Thanh Sơn:

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương,
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gủi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
Biết ai còn nhớ đến ân tình không,
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
Những chiều hẹn nhau lúc đầu,
Giờ như nước trôi qua cầu…

Hoa Phượng

Có lẽ chúng ta nên đổi mốt cho hoa phượng – gọi đó là Hoa Vô Ưu Việt Nam – dẹp bỏ tư tưởng sầu bi, và trồng quanh sân chùa làm cảnh vô ưu.

Phượng đỏ cho ta hết buồn
Phượng tươi sáng trong đời ta
Cánh Vô Ưu tâm tĩnh lặng
Nam Mô Tịnh Độ A di đà

Chúc các bạn luôn vô ưu.
Mến,

Trần Đình Hoành

Monday, August 29, 2016

TỪ HI THÁI HẬU LÀ "BẠO CHÚA" ĐỘC TÀI CỦA TRUNG HOA ?

“Danh tiếng của Từ Hi đến nay vẫn là bạo chúa độc ác và cực kỳ bảo thủ chống lại mọi sự thay đổi”, Chang nói.


Cuốn sách mới xuất bản Từ Hi thái hậu (Empress Dowager Cixi) của nữ nhà văn người Anh gốc Hoa Jung Chang (張戎) mang đến một góc nhìn mới về vị thái hậu cai trị nhà Thanh từ 1861 đến khi qua đời. Tuy nhiên, bản dịch tiếng Trung của bà bị cấm ở Trung Quốc.
Nhà văn Jung Chang (張戎) nói, bà đã luôn nghĩ rằng những người Trung Quốc đã cấm tục bó chân phụ nữ dã man từng phổ biến (xương những cô gái bị đập nát bằng đá lớn và vĩnh viễn bị bó chặt, chỉ ngón chân cái phát triển).
Thực tế, luật lệ man rợ này đã bị cấm sớm hơn nhiều: Do Từ Hi Thái Hậu từ thế kỷ 19. Điều này đã thu hút Chang, một trong những tác giả có sách bán chạy nhất thế giới, đến với người đàn bà nổi tiếng khủng khiếp Từ Hi.
“Danh tiếng của Từ Hi đến nay vẫn là bạo chúa độc ác và cực kỳ bảo thủ chống lại mọi sự thay đổi”, Chang nói trong lễ hội sách quốc tế Edinburgh, Scotland vào chủ nhật (10/8/2014). Thực ra, Từ Hi là một nhà đổi mới, tán thành giải phóng phụ nữ, hướng về phương Tây và cơ bản đã thay đổi Trung Quốc tốt hơn.
Chang đã thành công với hai tác phẩm đình đám toàn cầu.? Hồi ký Bầy thiên nga hoang dã (Wild Swans) năm 1991, mô tả cuộc sống của bà ngoại, mẹ và bản thân khi Trung Quốc chịu đựng biến động, là cuốn sách bìa mềm phi hư cấu đạt doanh thu lớn nhất trong lịch sử (hơn 13 triệu bản), dịch ra 37 thứ tiếng.
Sau đó, bà dành 12 năm cùng chồng là nhà sử học Jon Halliday nghiên cứu và viết cuốn Chuyện chưa biết về Mao Trạch Đông (Mao: The Unknown Story). Một lần nữa, cuốn sách lại gây sốc.
Nhà văn Jung Chang (張戎)
Chang ở Edinburgh để thảo luận cuốn sách thứ ba viết về câu chuyện hấp dẫn của Từ Hi, người cai trị tuyệt đối một phần ba dân số thế giới gần 50 năm cho đến khi qua đời vào năm 1908.
Bà phác thảo về Từ Hi: Thái hậu đem lại điện, khai thác mỏ hiện đại, đường sắt, điện tín, phương thức kinh doanh mới, ngoại giao, tàu sắt và hệ thống giáo dục hiện đại mà di sản tồn tại đến ngày nay.?Từ Hi cũng là người cấm hình phạt lăng trì tàn khốc, cắt xẻo từng phần cơ thể phạm nhân từ từ cho đến chết.
Từ Hi lên nắm quyền là việc đáng chú ý vì bà là một trong những phi tần thứ bậc thấp nhất của hoàng đế.? Tuy nhiên, quan trọng bà là mẹ của hoàng tử duy nhất và khi vua qua đời, Từ Hi tổ chức đảo chính để loại bỏ tám vị nhiếp chính, giành quyền giám sát tân hoàng đế năm tuổi. Ba trụ cột triều đình bị giết, Chang cho biết, một bị chặt đầu và hai nhận “dải lụa trắng dài để tự treo cổ... xem như ân huệ của triều đình ban cho”.? Từ Hi buông rèm cai quản đất nước, vì quy luật cấm hậu cung không can dự trực tiếp việc triều chính.
Hoàng đế lớn lên, không màng chính sự mà sa đọa trong tửu sắc, với đĩ điếm cả nam và nữ bên ngoài Tử Cấm Thành. Vị vua dâm dục yểu mệnh khi mới 18 tuổi. Từ Hi thái hậu nhận con trai ba tuổi của em gái làm con nuôi và cho kế vị hoàng đế.
Cuốn sách của Chang gồm nhiều phần hấp dẫn. Từ Hi đã sủng ái rồi hành hình công khai một thái giám ra sao? Bà sử dụng một trong những nhà ngoại giao chủ chốt của Abraham Lincoln làm đại sứ của mình với phương Tây thế nào? Và, trước khi chết, bà đã ra lệnh đầu độc giết chết con trai nuôi vì vị này quá thân Nhật Bản.


Nữ nhà văn Chang nhận định, Từ Hi hiện đại hóa Trung Quốc đáng kể mặc dù bà là một nhà lãnh đạo giấu mặt do giới tính. “Bà đã có đóng góp trực tiếp trong việc đưa Trung Quốc tiến gần phương Tây hơn. Từ Hi đặt phái viên ở nước ngoài, họ đã viết báo cáo về nước, rằng phụ nữ không cần phải bó chân, có thể sánh vai chồng đi ra ngoài, có thể khiêu vũ, du lịch, thậm chí có thể cai trị đất nước (như nữ hoàng Victoria)”.
Chang dành nhiều năm dịch tác phẩm này ra tiếng Trung Quốc, hiện đã hoàn tất và sẽ ra mắt vào tháng tới. Đáng tiếc, Từ Hi thái hậu của nhà văn Jung Chang bị cấm phát hành ở chính quê hương Trung Quốc.?
Theo Tiền Phong