Ong bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn..
Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn..
Ở miền sông nước miệt vườn , nhắc tới cây bần thì cũng phải nhắc đến cây mù u. Không biết các bạn còn nhớ hay có nhìn thấy loại cây này bao giờ chưa. Nếu chưa thì mời đọc bài sau đây:
CÂY MÙ U
Ong bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn..
Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn..
Tôi đã từng ngồi dưới bóng cây mù u ở cái xứ khỉ ho cò gáy nầy, nên rất thấm thía cái hay cái đẹp của câu hát dân-gian do một thi-nhân đồng quê nào đó ở Việt Nam. Trong kho tàng của làng mạc Việt Nam, chúng ta mỗi người mỗi hoàn cảnh kinh-tế địa lý đều có kỷ niệm một cây nào đó, dưới rặng trâm bầu, cây đa đầu làng, ngã 3 cây gáo, quán cây trâm, cây phượng bên sông, dưới nhánh cây bần, trên đồi sao, hoa tím bằng lăng, café cây bàng, lộ hoàng-hoa,...Riêng tôi cây mù u đã nhiều lần đưa tôi vào một vùng trời kỷ niệm thời thơ ấu.
Các bạn chắc còn nhớ hồi khoảng 45-55, chúng ta còn đi học.
Xuân đi học coi người hớn hở.
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng.
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng.
Hỏi rằng sao quá vội vàng.
Trống kia chưa đánh đến trường làm chi ?
Thế là chúng ta ngồi xề gần chị mua gánh bán bưng, kêu một dĩa bánh bèo bì mở hành đậu xanh..Chị bán hàng múc cho ta vài cống nước mắm làm sẵn, chan lên đĩa bánh ngon lành.
Cái cống nước mắm đó làm bằng trái mù ụ cắt ngang 1/3 và xuyên qua bằng 1 cọng tre để ta cầm, khi nào lạt, ta tự động lấy cái cống mù u múc thêm nước mắn..Những buổi trưa hè, nghe bà bán dầu mù u, tay quảy tay xách rao ai mua dầu mù u hôn ?
Mẹ tôi thường mua dầu mù u để dành xứt ghẻ cho tôi! Nhớ khi còn bé bà ngoại tôi còn sống, làm bà thầy thuốc nam, thường kêu tôi đi lượm trái mù u về làm thuốc. Bà tôi nói: mầy đi lội ao lội sình, chùm bao ghẻ hờm, để ngoại đốt nguyên trái mù u, tán xức cho con. Vậy mà ghẻ gì cũng hết. Thời Nhật đảo-chánh tây, Annam ta làm gì có thuốc men gì..Thật là. quê hương anh nghèo lắm em ơi !
Cây mù u tên khoa-học là Balsamia Inophyllum Loureillo, còn gọi là cây Hồ đồng.Theo tài liệu Cây cỏ rừng ngập mặn của chuyên gia lâm-học xứ Camau. Cây mù u có thân gổ lớn, có thể cao đến 20m, và đường kính 80cm, dáng đẹp và tàng xanh lục, có mủ (oleoresin) xanh dợt. VN có 2 loại mù u tía và mù u trắng. Lá đơn, mọc đối, phiến nguyên, hình trứng, láng và dầy. Hoa trắng pha vàng cam, thơm, tạo thành chùm 6-10 hoa, ở nách lá, đầu cành.Trái có nhân cứng, tròn, đường kính 2,5cm,1 hột, có mầm lớn, chứa nhiều dầu, không phôi nhủ. Ở VN,cây mọc những vùng ven biển từ Kiến-An, Quảng-Ninh, đến Quảng-Bình, Huế, Đồng-Nai, Miền tây,.Tại U-Minh, cây trồng 55 năm , đường kính thân đến 55cm.
Trên thế giới, cây mù u phân bố ở những vùng đất hoang gần biển trải dài từ Phi-Châu, Ấn-Độ, Sri Lanka, Thái-Lan, Việt Miên Lào, nam Trung-Quốc, Hải-Nam, Đài Loan, Phi Luật-Tân, Indonesia, Úc và những Quần Đảo nam Thái-Bình-Dương, Nam Mỹ. Ở Hawaii, có những con đường trồng toàn cây mù u, hoa trái rụng dầy đường. Dân Hawaii, nhặt hột già về, đánh bóng nhuộm đen, nâu, xỏ xâu thành chuổi bán cho du-khách. Hạt mù u có tỹ lệ dầu khá cao: 50-60%, gồm 2 chất: Hypericin, Pseudohypericin..có thể dùng trong kỹ nghệ và y-tế. Tôi còn nhớ hồi 1945, tôi đã từng đốt đèn học bằng dầu cá, và dầu mù u.
Những kỷ niệm trong dân gian về cây mù u cũng được nhắc nhiều trong tiếng hò, tiếng ru, hay câu đùa dí dỏm
Cây mù u lá mù u
Vợ chồng cắng đắng thằng cu làm hòa.
Vợ chồng cắng đắng thằng cu làm hòa.
Dưới thời vua Tự Ðức để lại chiến công hiển hách, quân Pháp từ Thuận An tiến về Kinh thành Huế, bị quân triều đình mai phục bất thình lình đổ trái mù u ra mặt đường, giặc Pháp bị bất ngờ đạp trên trái mù u té, phục quân đổ ra đánh chém, giặc Pháp thua chạy dài, các hàng cây mù u xanh tươi của Xã Tắc còn đó, gợi lại niềm tự hào dân tộc đã chiến thắng quân xâm lược.
Văn Thánh trồng thông
Võ Thánh trồng bàng
Võ Thánh trồng bàng
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.
Riêng tôi, cây mù u đã để lại vết tích trên da thịt tôi, nó đã giúp ngoại tôi hàn gắn được những vết nức nẻ để ngày hôm nay tôi được thành nhân. Nhưng trong tôi vẫn còn một nổi buồn man mác. những vết thương trên quê hương xứ sở không biết bao giờ mới được lành lặn.
Nguyễn Quý Định
(Văn Hóa Việt)
(Văn Hóa Việt)