Chùa Pôthi Somrôn cổ kính nằm ở vàm sông Ô Môn (phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ), được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố năm 2006, không chỉ là “ngôi nhà” Phật pháp của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương mà dần trở nên quen thuộc với người dân Cần Thơ. Ở đây diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn, khởi nguồn nhiều hoạt động xã hội; góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người Tây Đô.
Đậm nét xưa
Mùa xuân này chùa Pôthi Somrôn bước sang tuổi 275. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, 13 đời hòa thượng trụ trì luôn gắng công gìn giữ và phát triển chùa. Khởi đầu, vào năm 1735, chùa Pôthi Somrôn chỉ được xây dựng bằng cây lá. Đến năm 1856, chùa được xây dựng bằng các loại gỗ quý như căm xe, cà chất, thao lao và được lợp ngói vảy cá. Gần 100 năm sau, nhận thấy chùa quá xuống cấp, Hòa Thượng Thạch Khiêng – Trụ trì chùa giai đoạn 1950-1988 đi Phnom Penh thỉnh bản thiết kế mới từ các kiến trúc sư nổi tiếng của nước bạn Campuchia, trên cơ sở giữ gìn kiến trúc truyền thống. Chùa mới được khởi công vào tháng 6 năm 1950, đến năm 1952 thì hoàn tất. Kiến trúc này được giữ cho đến nay.
Chánh điện là tòa nhà nổi bật trong quần thể kiến trúc chùa Pôthi Somrôn, được xây theo hướng Đông. Người Khmer quan niệm Phật tuy ở Tây phương cực lạc, nhưng luôn hướng về Đông để cứu độ chúng sinh. Hình tượng các tiên nữ Kennâr và chim thần Krud được chạm khắc bay bổng như nâng đỡ mái ngói. Mái chính điện có ba cấp chồng lên nhau, có hình tượng rồng chạy dọc theo bờ mái với đuôi vươn thẳng lên trời cao. Từ cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường đều được chạm khắc hoa văn hình kỷ hà và lục bình tỉ mỉ.
Các chùa Khmer đều có tháp cốt nhưng có lẽ hiếm có chùa nào giữ gìn được ngôi tháp hơn 200 năm tuổi như ở chùa Pôthi Somrôn. Tháp cốt ở ngay trước chánh điện, được xây dựng bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ có niên đại từ thế kỷ 18. Bên trong tháp cốt này là hài cốt của rất nhiều Phật tử và đã được gìn giữ qua nhiều đời. Theo Hòa thượng Đào Như, trụ trì chùa từ năm 1988, cho biết: một số Phật tử xin xây lại và làm mới phía ngoài ngôi tháp nhưng nhà chùa không đồng ý, bởi đây chính là chứng tích của lịch sử ngôi chùa và văn hóa của dân tộc.
Vào bên trong chùa, khách viếng thăm sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật. Đó là những cánh én bằng gỗ làm từ năm 1856 chạm trổ hình ảnh mô phỏng các câu chuyện về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hơn 100 bộ kinh Satra (sách lá), 17 tượng gỗ gần 200 tuổi. Bức tượng Đức Phật ở Trung tâm Chính điện được tạc vào năm 1885.
Rộng mở và gần gũi
Bỏ lại phía sau xe cộ ồn ào xuôi ngược trên quốc lộ 91, bước vào chùa Pôthi Somrôn, khách viếng thăm như lạc bước vào một khu rừng nhỏ với những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Khuôn viên rộng hơn 8.600m2 của chùa còn dành rất nhiều khoảng đất trống để làm sân vui chơi, trồng hoa kiểng. Vẻ đẹp của ngôi chùa càng được tôn lên nhờ cây sala - còn gọi là cây vô ưu, tương truyền được đem về từ Ấn Độ - trồng ở một góc sân chùa từ năm 1969, luôn nở những đóa hoa thanh nhã và tỏa hương thơm ngát.
Hòa Thượng Đào Như, người gắn liền cuộc đời với chùa Pôthi Somrôn từ năm 12 tuổi, cho biết: “Chùa là “ngôi nhà chung” của người Khmer lẫn người Kinh.
Chùa Pôthi Somrôn là một công trình kiến trúc mang đậm tính cộng đồng. Chính điện, Sala và các tháp cốt được xây dựng với diện tích vừa phải, phần đất còn lại để dành cho Phật tử, đồng bào đến tham gia các lễ cúng, lễ hội, xem văn nghệ, chơi thể thao... Hòa Thượng Đào Như cho biết: “Hàng trăm năm qua, khuôn viên chùa vẫn được giữ nguyên, để Phật tử đến đây còn có nơi tổ chức sinh hoạt văn hóa”. Từ chuyện vận động xây nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer, đưa sách khoa học kỹ thuật đến các khu vực xa xôi, lập đội ghe ngo, đến giúp sưu tầm các hiện vật quý phản ánh đời sống lao động – sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer, hỗ trợ thực hiện “Dự án Bảo tồn nghệ thuật dù-kê”, dạy đàn Ngũ âm cho các em nhỏ... Trong những năm gần đây, chùa là điểm chính diễn ra các lễ hội lớn của TP Cần Thơ, như lễ “Cúng trăng” hay còn gọi là lễ “Đút cốm dẹp” được tổ chức vào tháng 11 hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, quan trọng nhất là tái hiện nghi lễ Cúng trăng truyền thống với các nghi thức tụng kinh cầu quốc thái dân an, thả đèn gió cám ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa... Gần đây nhất, khi TP Cần Thơ đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, chùa Pôthi Somrôn đã đóng góp không nhỏ vào thành công chung. Trong suốt một tuần diễn ra lễ hội, chùa là nơi ăn nghỉ của hàng trăm diễn viên từ các tỉnh ĐBSCL đến Cần Thơ tham dự ngày hội, điểm tập luyện của các đội đua ghe ngo, nơi diễn ra các trò chơi dân gian...
Đến chùa Pôthi Somrôn, khách viếng thăm sẽ đắm mình vào không khí trầm mặc, trang nghiêm của kiến trúc cổ kính, giữa khuôn viên mát mẻ, trong lành và cũng để cảm nhận được cuộc sống nhà chùa thật gần với đời qua những thanh âm của nhạc Ngũ âm được các em nhỏ luyện tập hằng ngày, sự bận rộn với công tác dân sinh của các vị Hòa thượng, Đại đức...
Ngày 13-4-2006 - đêm giao thừa của ngày lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmay năm 2006 - chùa Pôthi Somrôn chính thức được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Thành phố. Ngôi chùa 275 tuổi này được đánh giá là một trong những chùa Khmer đẹp với kiến trúc truyền thống được giữ gìn nguyên vẹn, là một trong những “nhân chứng lịch sử” của quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cần Thơ.
Xuân Viên
Nguồn: Báo Cần Thơ
No comments:
Post a Comment