Tuesday, February 28, 2017

TRỨNG CÁ DÙNG TRONG SUSHI

Có rất nhiều loại trứng cá khác nhau được sử dụng trong các kiểu nấu ăn tùy theo những món này được nấu theo kiểu Châu Âu như Bottarga Ý hay Hy Lạp hoặc theo kiểu Nhật Bản như Tarako Spaghetti. Tôi chắc nhiều người trong số các bạn đã ăn sushi trước đây và nhiều người cũng từng ăn nhiều món trứng cá khác nhau. Ở đây tôi chỉ nói đến một số loại trứng cá được dùng trong món sushi và các món ăn Nhật Bản. Đa số chúng được dùng tươi nhưng cũng có một số được nấu. Vì thế hãy xem xét một số loại trứng cá.


9 LOẠI TRỨNG CÁ DÙNG TRONG SUSHI

Loại đầu tiên chúng ta nói đến được gọi là Ikura. Đó là những chùm trứng lớn màu da cam hay hơi đỏ mà bạn sẽ thấy trong nhiều món ăn Nhật Bản như Chiriashi. Chúng là trứng cá hồi và chúng được dùng để ăn cũng như được dùng để làm mồi câu cá. Từ Ikura đến từ ngôn ngữ Nga và từ “Ikra” có nghĩa là trứng cá muối. Tôi dùng Ikura trong các món như Chiriashi và Tarako Spaghetti, mặc dù Ikura không phải là loại tiêu biểu được dùng làm món Tarako.


Loại tiếp theo là Sujiko, cũng là trứng cá hồi. Sự khác nhau giữa Iruka và Sujiko là Iruka được sử dụng và được phục vụ bên ngoài của túi chứa trứng (buồng trứng), và Sujiko là trứng cá hồi nằm trong túi chứa trứng khi nó được chế biến và phục vụ cho người ăn. Màu sắc của chúng cũng khác. Sujiko có màu đỏ tới đỏ đậm trong khi Iruka có màu hơi đỏ tới màu cam. Một số người thích Sujiko hơn Iruka vì Sijiko có vị ngọt hơn. Cá nhân tôi thích cả hai loại và dùng cả hai trong các món nấu nướng.


Một loại trứng cá được sử dụng ở Nhật và Châu Âu nữa được gọi là Kazunoko. Đây là trứng của cá trích (Herring). Loại trứng này có màu vàng hay hồng và cơ cấu của nó hơi dai. Loại trứng này được ướp muối và dưới con mắt của những người không chuyên chúng không giống như trứng cá bình thường mà giống như một miếng thịt cá. Nói chung Kazunoko hoặc là phơi khô hoặc được ướp muối. Trứng cá được chế biến theo kiểu này sẽ dính lại với nhau và tạo thành một khối cứng.


Một loại trứng cá khác gọi là Masago và nó là loại trứng của cá Capelin (cá ốt vảy nhỏ) được chế biến. Masago nhỏ và có màu vàng cam. Cá Capelin có nhiều ở bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cách sử dụng rộng rãi nhất của nó là được trang trí trên sushi nigiri nhưng tôi dùng nó trong món Tarako Spaghetti Nhật Bản nổi tiếng của tôi. Loại trứng cá đặc biệt này thường bị lẫn lộn với một loại trứng cá khác gọi là Tobiko, loại này chính là trứng cá chuồn. Hai loại này giống nhau nhưng Tobiko có màu trong hơn và lớn hơn.


Loại tiếp theo là Mentaiko. Mentaiko là trứng của cá Pollock (cá minh thái) và thường được ướp với bột ớt đỏ. Nó có màu đỏ đậm hay hồng. Tôi thích dùng Mentaiko cay trong món Tarako Spaghetti của tôi. Sử dụng Mentaiko thông thường nhất là trong món Onigiri sushi Nhật Bản nhưng nó thật sự ngon trong món Tarako Spaghetti. Mentaiko rất đa dạng về mùi vị và màu sắc ở Nhật và được ăn trong khi uống rượu sake. Có thời điểm Mentaiko được xem là món ăn phụ ngon nhất ở Nhật Bản.


Trứng cá Tarako đến từ cá minh thái Alaska. Nó được ướp muối đã được sử dụng trong một vài cách. Cách đầu tiên là được dùng như một món ăn sáng. Nó được xếp lên phía trên cơm cùng với trứng tomago, sashimi và miếng cá hồi cũng như rong biển nori. Đó là bữa sáng vô địch ở Nhật Bản theo ý kiến của tôi. Tôi thích nó. Tarako cũng được dùng như một thành phần bên trong Onigiri Sushi và tất nhiên cũng được dùng trong một trong những món ưa thích nhất của tôi … Tarako Spaghetti. Tarako truyền thống được dùng với những miếng ớt giã nhỏ hay bột ớt. Bạn có thể tìm mua túi trứng cá minh thái ở những chợ cá Á Châu.


Tiếp theo như đã nói ở trên là Tobiko. Loại trứng cá nhỏ này có màu có màu cam hay đỏ và là trứng của cá chuồn (Flying Fish). Chúng cũng giòn như những loại trứng cá khác. Tobiko được dùng trong các món ăn Nhật và Hawaii. Có một loại trứng cá Tobiko được gọi là Tobiko Wasabi và loại này rất cay nồng! Đó là vì nó được trộn cây rau Wasabi làm nó có màu xanh dễ thương. Nếu bạn làm nhiều Spaghetti Nhật (Tarako) như tôi và bạn thích ăn cay thì bạn nên nấu món Tarako với trứng cá Tobiko Wasabi. Bạn sẽ thích nó!


Bạn từng thấy cầu gai chưa? Bạn từng ăn trứng cầu gai chưa? Loại trứng này gọi là Uni. Nhiều người nghĩ Uni là trứng cầu gai nhưng thật sự Uni là bộ phận sinh sản của cầu gai. Uni không giòn như những loại trứng khác vì nó không phải là trứng. Nó mềm như kem. Trong hầu hết các bar, Uni là món có nhu cầu cao và không phải lúc nào cũng có. Đặc điểm Uni ưa thích nhất của tôi là người ta nói nó kích thích tình dục. Uni ở chợ được phân loại tùy theo màu sắc, độ tươi và cơ cấu. Loại A có màu vàng. Loại B có màu vàng kém hơn. Loại C bị vỡ ra do thu hoạch và được gọi là “vana”. Cơ quan sinh sản cầu gai có sẵn ở dạng tươi hay đông lạnh. Nó cũng có thể được nướng trước khi đông lạnh, hấp và đông lạnh, và cũng có sẵn ở các dạng bột nhão để sử dụng trong các món ăn khác nhau.


Loại trứng cá cuối cùng là Karasumi. Nó cũng được gọi là Bottarga. Nó là trứng cá đối ướp muối. Karasumi rất mặn và sẽ là một khối trứng cá lớn nếu bạn mua nguyên trong túi trứng. Ở Nhật Bản Karasumi được cắt mỏng và ăn cùng củ cải, và ở các nơi khác như Ý hay Hy Lạp, Karasumi được xay để làm mì và được gọi là mì Bottarga. Nó rất ngon. Mì Bottarga rất giống Tarako Spaghetti Nhật theo ý tôi. Nó là một loại mì cá. Ở Mỹ tôi chỉ thấy Karasuma một lần và nó khó được xem như một món đặc sản như ở bên Nhật Bản.


Viết bỡi Richard Blaine.

TÒA ÁN LƯƠNG TÂM

Đừng nói là hồi còn nhỏ, hồi đã lớn và đang già bạn có mắc phải những lỗi lầm mà bạn phải tự ăn năn và hổ thẹn cả đời mà người khác không biết chỉ chính bạn mới biết ?


TÒA ÁN LƯƠNG TÂM

Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh, nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn.
Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ!”
Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con?”


Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả?”
Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.”
Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý,thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.
Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng.
Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.


Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy! Thôi, mẹ về đây.”
Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy!”
Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi? Trời ơi! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa.
Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.
Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng.
Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé!” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể.


Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.
Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lị xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.
Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.”
Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên !
Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy!”


Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”
(Sưu tầm trên mạng)

TRU DI TAM TỘC (誅夷三族)

Ông Yoo Byung-eun, người Nam Hàn và ông Nguyễn Trãi, người Việt Nam, chết cách nhau 572 năm, nhưng cái chết của 2 ông giống nhau ở một điểm: họ bị giết để che dấu tội lỗi của chính quyền.


Ông Nguyễn Trãi bị giết để bưng bít nguyên nhân cái chết của vua Lê Thái Tông; câu chuyện ngoại sử bắt đầu ngày 27 tháng Bẩy năm Nhâm Tuất (1442), ngày nhà vua đến thành Chí Linh, Hải Dương, để thanh tra hệ thống tổ chức quân sự tại đây. Ông Nguyễn Trãi, tác giả của văn phẩm tuyệt vời Bình Ngô Đại Cáo, mang giá trị truyền đời của người Việt Nam, và cũng là một vị khai quốc đại thần đã từng giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân Tầu xâm lược; năm đó đã hồi hưu, nhưng vẫn đến thành Chí Linh nghênh giá, và thỉnh hoàng thượng về ngự tại Côn Sơn, nơi ông trú ngụ.

Khi ra về, vua đem theo bà Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi; bà Lộ đã 40 nhưng rất đẹp, trong lúc vua mới 20.

Không chỉ đẹp sắc mà bà Lộ còn là một thiên tài văn chương với giai thoại 4 câu thơ đối đáp với ông Nguyễn Trãi, ngày bà còn con gái. Giai thoại kể lại câu chuyện: một hôm Nguyễn Trãi gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, và ông đã xướng mấy câu thơ ghẹo cô:





Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu đẹp hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?

Không ngờ cô này cũng làm thơ họa lại:

Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!

Nguyễn Trãi yêu sắc, phục tài bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (tức bà Lộ) làm thiếp. Gặp bà tại nhà công thần Nguyễn Trãi, vua cũng say đắm, tuyển bà vào cung làm ái phi, mặc dù bà đã có chồng, và mặc dù tuổi bà bằng với tuổi bà mẹ của vua.

Một tuần sau -ngày mùng 4 tháng Tám- vua cùng bà Lộ ra chơi vườn Lệ Chi (vườn trái vải), thuộc huyện Gia Định (nay là xã Đại Lai, tỉnh Bắc Ninh). Sau suốt một tuần lễ say đắm với bà Lộ trong hậu cung, vua vẫn thức suốt đêm với bà tại ngoại cảnh vườn trái vải, rồi băng hà. Các quan hộ giá bí mật đưa long thể về kinh đô, và chờ đến nửa đêm mùng 6 tháng Tám mới phát tang.


Triều đình quy cho bà Lộ tội giết vua; xử ông Nguyễn Trãi tru di tam tộc, thi hành bản án ngay ngày 16 tháng Tám; tính ra chỉ có 19 ngày, từ ngày vua Lê Thái Tông gặp bà Lộ, cho đến ngày toàn gia tộc -cả 3 họ nhà ông Nguyễn Trãi bị hành quyết.

Phải chờ đến 22 năm sau -năm 1464- vua Lê Thánh Tông mới rửa oan cho ông Nguyễn Trãi, rồi truy tặng ông tước Tán Trù bá, bổ dụng người con duy nhất còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ vào một chức vụ nhỏ trong triều đình. Chuyện giết hàng trăm người vô tội để che dấu tội dâm ô quá độ của vua Lê Thái Tông là chuyện xẩy ra 6 thế kỷ trước tại Việt Nam.

Chuyện giết ông Yoo Byung-eun, và giam cầm toàn gia ông là chuyện mới xẩy ra ngày 26 tháng Bẩy 2014. Ông Yoo, 73 tuổi là một nhà tu, một thương gia rất thành công; người Nam Hàn gọi ông là "nhà triệu phú ẩn dật".





Ông là chủ tịch của nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty điều hành chiếc phà MV Sewol chìm ngày 16 tháng Tư vừa rồi gây tử nạn cho 304 hành khách, đa số là học sinh; tai nạn xẩy ra, chính phủ Nam Hàn bắt vợ và 4 người con ông Yoo tống giam; ông bỏ trốn, chính phủ treo giải thưởng 50 triệu hàn kim (48,800 mỹ kim) cho người cung cấp tin tức giúp bắt được ông, nhưng không có kết quả. Ngày 25 tháng 5 chính phủ tăng số tiền thưởng lên gấp 10 lần -500 triệu hàn kim- sau khi đã huy động gần 10,000 cảnh sát viên, sử dụng xe xúc, lục soát từng tấc đất trong những ngôi chùa ông Yoo bỏ tiền ra xây cất trong nhiều năm dài.

Tờ The New York Times mô tả là với vài chục ngàn người Nam Hàn tu theo lối tu hành của ông, sống trong hàng trăm ngôi nhà, hàng trăm thương vụ do ông tạo dựng, ông Yoo chết đơn độc, lặng lẽ nằm ngửa giữa một khu rừng, lưng ông mục theo lớp lá cây ông lót để nằm.

Cảnh sát lục soát từng tấc đất để tìm bắt ông Yoo
Có lúc cảnh sát đã đến rất gần ông, khi ông trốn trong một ngôi biệt thự với 2 cặp tiền mặt chứa gần 1 triệu mỹ kim.

Công tố viện buộc ông vào tội tham lam cho phà chở quá nhiều hành khách, nhiều hơn khả năng của chiếc phà; điều này không đúng, vì khả năng của chiếc Sewol chở đến 921 hành khách, mà lúc lâm nạn, phà chỉ chở có 476 người. Ông còn bị truy tố về tội trang trí một phòng lớn trên boong phà bằng nhiều nghệ thuật phẩm, tranh ảnh, tượng, ... khiến phà nặng trên, nhẹ dưới nên dễ bị lật.

Vẫn theo cáo trạng, ông Yoo còn phạm tội xả khối lượng nước chứa trong phà để giữ thăng bằng cho phà nổi đều trên mặt nước, do đó phà tròng trành và chìm khi gặp sóng lớn. Cáo trạng viết, "Phà xả khối nước thăng bằng để cho bớt nặng, hầu có khả năng chở thêm hành khách, vì càng nhiều hành khách, hãng càng thu nhiều tiền." Dĩ nhiên cáo buộc này cũng không đúng.



Việc chiếc phà MV Sewol chìm giữa Hoàng Hải gây nhiều xúc động lớn trong dư luận, vì trước khi chìm vào lòng biển, nhiều học sinh còn kịp gọi điện thoại cell và text về cho gia đình. Trong những lời trăng trối cuối cùng của những thiếu niên, thiếu nữ còn rất trẻ đó, có những câu đầy xúc động như một cô bé 16 nói với mẹ, "má ơi, con muốn sống hoài bên má," hay một cậu thiếu niên thét lên kêu trời, "không, không, tôi không muốn chết."

Chiếc MV Sewol trọng tải 6,825 tấn, chuyên chở 476 hành khách từ Incheon đi Jeju; con số này không quá tải, vì khả năng của chiếc phà có thể chở tới 921 hành khách và 88 chiếc xe hơi; phà được phục vụ bởi một thủy thủ đoàn 35 nhân viên.

Chiếc Sewol nguyên là chiếc phà Nhật Ferry Naminoue đã đưa đò từ năm 1994 đến 2012 -18 năm dài, không gặp một tai nạn nào cả. Hãng Chonghaejin Marine Company của ông Yoo mua lại với giá 11.3 triệu mỹ kim, đặt người Nhật làm thêm 2 tầng lầu cao hơn, và đặt tên Nam Hàn là Sewol.



Sau khi được những cơ quan trách nhiệm hàng hải của Nam Hàn thanh tra, kiểm soát về mọi điều kiện kỹ thuật và an toàn, chiếc Sewol bắt đầu thương vụ đưa đò trên hải lộ Incheon-Jeju mỗi tuần 3 lần. Cơ quan South Korean Coast Guard mới kiểm soát và hài lòng với mọi điều kiện an toàn của chiếc Sewol thì tai nạn xẩy ra ngày 16 tháng Tư 2014.

Tổng thống Nam Hàn, bà Phác Cận Huệ, chỉ trích, "Nguồn gốc của tai họa là gia đình Yoo Byung-eun, họ làm quần chúng nổi giận vì thái độ coi thường luật pháp, không biết tỏ ra hối hận, không thú nhận Khi bà tổng thống một nước Á Châu đã lên án ông Yoo như vậy là đèn xanh tự động bật, cho phép cảnh sát lộng hành; họ bắt giam vợ và 4 đứa con của ông Yoo -5 người hoàn toàn không liên can gì đến tai nạn chìm phà; chỉ một đứa con trai và ông nhanh chân trốn thoát.



Tổng thống Nam Hàn, bà Phác Cận Huệ

Giới chuyên viên hàng hải nhận xét nguyên nhân của tai nạn là sau khi mua chiếc Ferry Naminoue của Nhật, ông Yoo đặt hãng Nhật cơi thêm 2 tầng cao cho chiếc phà đã sẵn cao 3 tầng, 8 thước, cao thêm 5 thước nữa. Chính cái chiều cao lêu nghêu này khiến chiếc Sewol lật ngang khi gặp sóng to gió lớn.

Dĩ nhiên ông Yoo có trách nhiệm về cái chết của 304 nạn nhân, nhưng trách nhiệm đó không nằm trên bình diện hình sự; ông không tự tay giết một người nào cả, trách nhiệm của ông nhiều lắm cũng chỉ nặng như trách nhiệm của hãng xe hơi GM đối với những người tử nạn, vì ổ khóa công tắc xe quay sang vị trí off, cắt điện khi tai nạn xẩy ra khiến bong bóng an toàn trong xe thiếu điện không tự động bung ra che chở những người ngồi trong xe.

Tội hãng GM còn nặng hơn tội của ông Yoo, vì hãng biết nguyên nhân tai nạn từ nhiều năm trước, từ khi những tai nạn đầu tiên xẩy ra, mà dấu nhẹm, không sửa chữa, trong lúc ông Yoo chỉ nhận ra sai lầm của mình một lần duy nhất, rồi sai lầm tạo ra hậu quả chung cuộc, đưa đến việc toàn thể gia đình ông bị sinh cầm, và xác ông chết xình thối trong rừng.

Nếu luật sư Nam Hàn dám trả treo cãi với bà tổng thống Phác Cận Huệ, có thể họ đã bảo bà phải lập tức trả tự do cho vợ, con ông Yoo, những người không liên can gì đến tai nạn thảm khốc xẩy ra tại Hoàng Hải, và bảo ông Yoo không cần phải trốn vào rừng để âm thầm chết rục trong đó; vì tội của ông nằm trên bình diện hộ sự -ông sẽ phải bồi thường nhân mạng cho 304 người tử nạn, nhưng một phần lớn số tiền bồi thường sẽ do các hãng bảo hiểm gánh chịu.

Chiếc phà lớn MV Sewol
Nhưng Nam Hàn năm nay cũng không có được một chế độ pháp trị minh bạch hơn Việt Nam 572 năm trước -ông Yoo vẫn bị giết chết chỉ vì ông không rành định luật thăng bằng của con tầu trên biển cả, cũng như ông Nguyễn Trãi bị giết chỉ vì ông có một nàng hầu quá đẹp khiến thiên tử mê say, đắm đuối không ý thức được giới hạn của sức người.

Chính quyền giết họ để che dấu những sự thật không làm đẹp mặt cho chính quyền.



Nguyễn Đạt Thịnh
(Sưu tầm trên mạng)

Ghi chú:
Tới hôm nay 28/02/2018 post lại bài này, tôi bắt đầu tin là "Trời cao có mắt" vì hồi nào tới giớ tôi nghĩ là "quả báo" là chuyện tưởng tượng ở kiếp sau.


CHÂN QUÊ


CHÂN QUÊ

Hôm qua em đi tỉnh về 
Đợi em ở mãi con đê đầu làng 
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi ? 
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ? 
Nào đâu cái áo tứ thân ? 
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ?

Nói ra sợ mất lòng em 
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
Như hôm em đi lễ chùa 
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh 
Thầy u mình với chúng mình chân quê 
Hôm qua em đi tỉnh về 
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

NGUYỄN BÍNH
(1936)


Sơ lược tiều sử tác giả:


Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh năm 1918 tại xã Đồng Đội, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định; ông lấy bút hiệu Nguyễn Bính

Theo tài liệu được Hội Nhà Văn ở Hà Nội công bố về tiểu sử của ông: thuở nhỏ Nguyễn Bính không được đi học ở nhà truờng mà chỉ được học ở nhà với cha là ông đồ nho Nguyễn Đạo Bình và đồng thời cũng được người cậu ruột là Bùi Trình Khiêm dạy kèm. Ông mồ côi mẹ rất sớm (lúc Nguyễn Bính mới sinh được vài ba tháng), gia đình túng quẫn, nên khi lên 10 tuổi đã phải theo anh ruột là Nguyễn Mạnh Phác ra Hà Nội sinh sống. Thời gian này ông được người anh dạy học ở nhà... Những năm đầu thập niên 40, Nguyễn Bính nhiều lần lưu lạc vào Miền Nam. Lúc này ông đổi tên là Nguyễn Bính Thuyết. Năm 1943, Nguyễn Bính lại đi vào Miền Nam lần thứ ba và đã gặp Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang... Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây...

Năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Miền Nam.
Năm 1954, khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Nguyễn Bính tập kết về Bắc năm 1955 và được bố trí phục vụ trong Hội Nhà văn ở Hà Nội một thời gian.
Năm 1956, Ông được giao nhiệm vụ phụ trách tờ TRĂM HOA (nguyên văn trong tài liệu của Hội Nhà văn);
Đến năm 1958, Nguyễn Bính chuyển về tỉnh nhà Nam Định và phục vụ trong Ty Văn Hoá Nam Định cho đến ngày ông từ giã cõi đời.
Nguyễn Bính chết ngày 20-1-1966, những ngày cuối năm Ất Tỵ.

(Sưu tầm trên mạng)



ĐỪNG XEM THƯỜNG CẢM GIÁC TÊ TÊ

Không biết thì thôi còn biết rồi và để ý thì sao mà mình có những triệu chứng na ná như vậy. Có những thông tin về y tế nếu không chú ý thì không biết. những cảm giác nhỏ thường ngày chỉ thấy là lạ. Tê tay, tê chân chỉ nghĩ là thiếu vận động nhưng nếu là vọp bẽ ban đêm, kiến chạy rần rần dưới da thì đó là chuyện khác.
Tôi cũng dường như dính một vài thứ như vậy. BS Hoàng có một bài trà lời:


ĐỪNG XEM THƯỜNG CẢM GIÁC TÊ TÊ

Tưởng là chuyện nhỏ!
Tê mỏi hạ chi, đau nhức bắp thịt dù không vận động, vọp bẻ về đêm khiến mất ngủ và nhất là cảm giác kiến bò rần rần dưới da là lý do khiến nhiều người đang mất chất lượng của cuộc sống. Tình trạng này rõ nét và nghiêm trọng hơn nhiều ở đối tượng đã bị bệnh tiểu đường, nhất là khi lượng đường trong máu trồi sụt quá thất thường. Éo le ở điểm phần lớn nạn nhân ít khi đến ngay thầy thuốc mà cắn răng chịu đựng mặc cho chứng viêm thần kinh ngoại biên càng lúc càng nặng!


Lỗ nhỏ mà đắm thuyền!
Lý do là vì viêm đa thần kinh ngoại biên thường không trầm trọng trước mắt đến độ phải gọi ngay xe cấp cứu mặc dầu là bệnh lý đi kèm như hình với bóng trong bệnh tiểu đường. Đường huyết càng không ổn định, mạng lưới thần kinh ngoại biên càng dễ bị công kích bởi các phế phẩm sản sinh trong tiến trình rối loạn biến dưỡng chất đường và chất béo. Thêm vào đó là rối loạn chất điện giải không mời cũng ăn theo. Hậu quả là dẫn truyền thần kinh khó có tiến độ và chất lượng như mong muốn. Bắp thịt ở tứ chi, đặc biệt là hạ chi, rõ nét hơn hết là vùng bàn chân vì dễ thiếu máu do xa trái tim, khi đó khó tránh thiếu dưỡng khí cũng như dưỡng chất trong khi chất sinh đau nhức như acid uric, acid lactic… tích lũy càng lúc càng nhiều. Người bệnh tiểu đường nếu không đau đâu đó, không tê vùng nào đó ngoài da mới là chuyện lạ!


Có thuốc nhưng khó chữa!
Cơ chế sinh bệnh tuy không quá phức tạp nhưng thầy thuốc lại gặp trở ngại khi điều trị vì thuốc giảm đau tuy có tác dụng trước mắt nhưng thuốc lại làm tăng đường huyết!, nghĩa là vô tình tiếp tay cho bệnh tiểu đường! Đó là chưa kể đến phản ứng phụ khó tránh của thuốc hóa chất khi dùng dài lâu trên cơ thể đã mong manh lại thêm rất nhạy cảm của người bệnh tiểu đường! Liệu pháp lại không thể là chuyện ngày một ngày hai vì viêm đa thần kinh ngoại biên bám chặt người bệnh còn hơn đỉa đói! Nếu tưởng viêm đa thần kinh ngoại biên là chuyện nhỏ thì lầm. Tình trạng đau nhức tê mỏi kéo dài là lý do khiến nạn nhân mất dần chất lượng của cuộc sống. Mất ngủ, trầm uất, suy nhược thần kinh sớm muộn cũng đến và là đòn bẩy để đường huyết càng lúc càng dao động thất thường.


Không thể làm ngơ!
Trước đây hai thập niên, ở CHLB Đức có khoảng 2,5 triệu người bệnh tiểu đường. Sau hơn hai mươi năm phát động phong trào phòng chống bệnh tiểu đường, từ biện pháp tầm soát miễn phí cho đến truyền thông về chế độ dinh dưỡng và vận động để ngăn chận di chứng nghiêm trọng của căn bệnh này, ngành y tế ở Đức hiện nay đang phải đối đầu với thực tế cay đắng là không dưới 8 triệu người bệnh tiểu đường, nghĩa là tròm trèm 10% dân số!, một con số đủ để Tổ Chức Y Tế Thế Giới đặt tên cho bệnh tiểu đường là “cơn đại dịch của thế kỷ”! Đáng nói hơn nữa là tỷ lệ di chứng của bệnh tiểu đường, từ mù mắt do thoái hóa võng mạc, bước qua suy thận cho đến trường hợp phải đoạn chi vì hoại tử, vẫn tăng chứ không giảm!, cho dù thầy thuốc bên đó không thiếu phương tiện chẩn đoán và điều trị. Bài học đó cho thấy ở nước mình đang cần thầy thuốc giỏi về bệnh tiểu đường, cần thông tin cho người chưa bệnh đến thế nào? Đừng quên con số thống kê chính thức với hơn 2 triệu người bệnh tiểu đường ở nước ta chỉ là phần nổi của tảng băng rất sâu. Tổ Chức Y Tế Thế Giới tất nhiên phải có lý do vững chắc khi quả quyết căn bệnh này sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia trong vùng Đông Nam Á! Đáng lo hay không? Nhiều khi hỏi chưa xong đã biết câu trả lời!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng
(Sưu tầm trên mạng)

Monday, February 27, 2017

CẦU SIÊU

Hôm nay qua trang của anh Bu, có một bài viết của anh rất hay, đáng đề suy nghĩ. Xin share lại để các bạn đọc chơi:


CẦU SIÊU

Bạn Nhật Thành Hồ hỏi bu:
Ở chỗ em, dạo này mỗi khi có người mất, họ hay mời sư và đạo tràng đến làm lễ cầu siêu. Trong vòng 49 ngày thì cứ 1 tuần cầu siêu 1 lần. Rồi 100 ngày cầu siêu ở chùa, giỗ đầu cũng đến chùa cầu siêu, giỗ hết khó cũng cầu siêu. Em nghĩ nếu như 50 ngày, linh hồn siêu thoát rồi, sao lại còn cầu siêu nhiều thế? Có nên không?
Bạn đặt câu hỏi rất hay, chắc chắn có nhiều người nghỉ như bạn. Bu tui không biết gì lắm để giải đáp, chỉ “biết thưa thốt không biết dựa cột nghe” xin được các vị thức giả chỉ bảo thêm.
1- Cầu siêu là một từ Hán Việt có tự dạng 求超,trong đó cầu 求 là nhờ giúp, siêu 超: vượt qua. Cầu siêu là xin được vượt qua. Vậy cầu cho cái gì vượt qua ? Từ điển tiếng Việt bảo cầu cho linh hồn vượt qua, siêu thoát. Thực ra không phải như vậy đạo Phật khẳng định “chư hành vô thường” tức không có cái gì tồn tại vĩnh cửu. Nếu bảo sau khi chết vẫn còn linh hồn tồn tại vĩnh cữu thì Phật giáo Nguyên thủy và Phát triển đều không chấp nhận. Cái vượt qua, siêu thoát, ở đây là Thần thức. Tóm lược về Thần thức thế này cho gọn: Phật giáo cho rằng con người ta được cấu tạo bởi Ngũ uẫn (năm thứ tích góp) tạo nên là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất có thể đo lường, đong, đếm, được. Còn thọ, tưởng, hành, thức là nhữ gì trừu tượng thuộc về tâm linh. Sau khi chết phần “sắc” sẽ tan hoại, nhưng phần tâm linh thoát ra ngoài qua đỉnh đầu, mắt mũi, tai, miệng, hoặc những nơi khác tùy mức độ tu tập lúc còn sống.


2- Quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển về sự siêu thoát của Thần thức:
- Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng sau khi chết, thần thức được nghiệp lực đưa đi tái sinh ngay. “Hiện tượng tử - sanh, chết và tái sanh, diễn ra tức khắc, dầu ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh không trải qua một trạng tái chuyển tiếp nào…” (trang 441 sách đức Phật và Phật pháp). Như vậy Phật giáo Nguyên thủy không có nghỉ lễ cầu siêu.
- Phật giáo Phát triển quan niệm sau khi chết Thần thức ra khỏi thân xác nhưng còn bịn rịn luyến tiếc sự sống cũ, đặc biệt khi có tiếng kêu khóc của người thân thì nó càng khó rời xa được người cũ chốn xưa, mà ở trạng thái “thân trung ấm” (lửng lơ không lên cao, không xuống thấp) trong suốt 49 ngày. Do vậy phải tổ chức nghi lễ cầu siêu cho Thần thức sớm được đi đầu thai kiếp khác.
3- Thời gian cầu siêu thông thường 7 ngày một lần và làm 7 lần như thế. Tuy nhiên nhà nào có khả năng tài thì có thể cầu siêu liên tục trong suốt 49 ngày. Việc cầu siêu vào 50 ngày, 100 ngày, vào giỗ đầu, vì gia chủ quá thương yêu người đã mất, cứ làm cho thỏa lòng, chớ sau 49 ngày thì thần thức đã đi đầu thai kiếp khác rồi. Với quan niệm của Phật giáo Phát triển làm vậy là thừa không cần thiết.
Bulukhin Nguyễn (11/05/2015)


Có bạn comment:
Hòn sỏi18:53 Ngày 11 tháng 05 năm 2015
Sỏi nghĩ ngày nay đời sống có phần cải thiện, dân trí không theo kịp sự phát triển chung của xã hội nên nhiều tệ nạn nảy sinh. Chuyện cầu siêu chỉ là hiện tượng ''Phú quý sinh lễ nghĩa''. Các sư tăng giờ rất giàu có, nhiều ông đi xe 6,7 tỷ đồng. Tiền của các ông ấy là từ các kiểu lễ lạp linh tinh như dạng cầu siêu này. Nghĩa là các tín đồ bị người ta lạm dụng để kiếm tiền. Các vị sư tăng cũng như các linh mục của thiên chúa nói gì mà tín đồ chẳng nghe. 
Theo Sỏi được biết, người ta thường làm lễ cầu siêu cho hương linh chết oan, chết tự vẫn, chết tai nạn hay đuối nước, túm lại chết bất đắc kỳ tử, mà chưa thác sinh được, do nghiệp chướng.
Còn những người do già mà chết đương nhiên rồi, vẽ chuyện cầu siêu mà làm gì.
...
Sỏi nghĩ sao nói vậy không có lý luận gì, cũng không có kinh nghiệm nào nếu có gì không phải các bác chỉ giáo!


Trả lời:
Bulukhin Nguyễn17:25 Ngày 12 tháng 05 năm 2015
Ta đang sống vào thời đạo đức xã hội suy thoái xuống cấp. Nhiều nhà chùa của đạo Phật cũng lây lan sự xuống cấp này mà người ta gọi là thời mạt pháp. .Một số thầy chùa biến thành thầy cúng, trục lợi làm tiền. Thật là buồn mà không biết làm sao được
(Sưu tầm trên mạng)

TRÁI BÍ NGÒI

Không biết hồi trước 1975 ở Việt Nam có món "Bí Ngòi" chưa nhưng nói thật thời đó tôi chưa thấy, chưa ăn và chưa biết qua về loại bí này. Lúc đầu qua Úc trong thức ăn thời còn ở trong hostel có ăn qua và biết đó là Zucchini một đặc sản của Ý, sau đó dọn ra ngoài, đi chợ và thỉnh thoảng có mua về ăn khi muốn làm món veggies ăn kèm với beef steak hay lamp chớ chưa xào ăn như một món cải. Đến hôm nay mới đọc được tài liệu nói về Zucchini và công dụng của loại thực vật này. Xin mời các bạn cùng tìm hiều:



Bí ngòi hay bí Nhật Bản là một loài thực vật thuộc chi Bí với tên khoa học Cucurbita pepo. Quả bí ngòi thường được dùng làm một loại rau nấu lên dùng trong bữa, hoặc đôi khi ăn sống trong vài món. Nguồn gốc bí ngòi là ở châu Mỹ nhưng loài cây mang tên bí ngòi ngày nay được gây giống ở Ý hàng trăm năm sau khi loài bí du nhập Âu châu từ Tân Thế giới. (Theo Wikipedia)

Công dụng kỳ diệu của bí ngòi


Ăn bí ngòi giúp ngừa được nhiều bệnh do nó có đặc tính chống lão hóa và kháng viêm nhờ chứa nhiều chất Chung ô xy hóa.

Bí ngòi còn gọi là bí ngồi, bí zucchini. Cho dù là bí ngòi xanh hoặc bí ngòi vàng đều chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe.




Nếu bị thiếu vitamin C, bạn cần đưa bí ngòi vào thực đơn hằng ngày. Một loạt vấn đề về da do thiếu vitamin C đều có thể được ngăn chặn. Ăn bí ngòi giúp ngừa được nhiều bệnh do nó có đặc tính chống lão hóa và kháng viêm nhờ chứa nhiều chất chống ô xy hóa.

Đây là thực phẩm bổ dưỡng vì mọi dưỡng chất quan trọng như kẽm, protein, chất sắt, can xi và vitamin K cùng ma giê, phốt pho, ka li, đồng, folate và riboflavin đều có trong bí ngòi.
Nguồn dồi dào vitamin A và một hợp chất lutein trong bí ngòi giúp giảm các bệnh về mắt. Đối với những ai bị viêm khớp, thường xuyên ăn bí ngòi giúp đẩy lùi các cơn đau.

Bị táo bón? Hãy tăng cường ăn bí ngòi vì chúng có chứa chất xơ giúp bạn giảm hẳn triệu chứng, và cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư ruột kết.




Nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ có thể giảm được đáng kể nhờ ăn bí ngòi giúp hạ homocysteine - hàm lượng cao chất này có thể gây đột quỵ. Ngoài ra, ăn bí ngòi còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng.

Phốt pho và ma giê có trong bí ngòi còn có tác dụng duy trì xương khỏe mạnh. Thường xuyên ăn bí ngòi sẽ đỡ lo mắc bệnh loãng xương khi có tuổi.

Mai Duyên



Tác dụng của bí ngòi xanh


1. Giữ nước cho cơ thể:

Có thể bạn chưa biết, 95% bí ngòi xanh là nước. Vì thế, mùa hè mọi người thường dùng các món ăn từ bí ngòi xanh để cung cấp nước cho cơ thể, tránh tình trạng mất nước do nắng nóng.



2. Giúp giảm cân hiệu quả:

Bí ngòi xanh có hàm lượng calo đặc biệt thấp, nhưng lại chứa rất nhiều nước. Do đó, những người đang muốn tìm thực đơn đẻ giảm cân thì nên thêm bí ngòi xanh vào khẩu phần ăn của mình giúp thỏa mãn cơn đói và làm cho bạn cảm thấy no. 



3. Làm chậm quá trình lão hóa:

Bí ngòi xanh chứa các chất chống oxy hóa như beta carotene, lutein và xeta xanthin, giúp trì hoãn quá trình lão hóa.

Lời khuyên: Bí ngòi xanh không nên nấu quá chín. Cách tốt nhất và lành mạnh để tiêu thụ loại rau này là để kết hợp nó trong món salad hoặc luộc dạng trần sôi.




4. Phục hồi chức năng niệu sinh dục ở nam giới:
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định được rằng một số thành phần của bí ngòi xanh có thể giúp điều trị phì đại lành tính tuyến tiền liệt và do đó có thể phục hồi chức năng tình dục và tiết niệu bình thường ở nam giới.

5. Tốt cho người bị bệnh tiểu đường :

Bí ngòi xanh giày calo và nhiều nước, cung cấp chất xơ với hàm lượng carbohydrate thấp. Vì thế, loại rau là sự lựa chọn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường.




6. Chống lại nhiều loại bệnh khác nhau:

Ngoài chất xơ và hàm lượng khoáng chất, bí ngòi xanh chứa một số thành phần thiết yếu khác như vitamin C, beta carotene, magie và axit folic. Chúng giúp ổn định huyết áp, bảo vệ chống lại bệnh còi xương và xơ cứng động mạch. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng các thành phần của bí ngòi xanh cũng có thể cung cấp bảo vệ chống lại ung thư ruột kết, ngăn chặn oxy hóa, làm giảm sự lắng đọng cholesterol trong thành động mạch, giảm các nguy cơ đau tim. Ngoài ra, đặc tính chống viêm của loại rau này cũng có thể điều trị các bệnh viêm khác nhau như viêm xương khớp và hen suyễn.




Với những tác dụng tuyệt vời của bí ngòi xanh, bạn có thể chế biến rất nhiều món ăn như: bí ngòi luộc, kimbap, bí ngòi nhồi thịt và tôm, bí ngòi nấu xương, bí ngòi xào nấu, trứng rán bí ngòi, salat bí ngòi,…

Chúc bạn luôn khỏe và ngon miệng với bí ngòi xanh !

(Sưu tầm trên mạng)


TIẾN SĨ ĂN ĐÒN

Giai thoại dân gian:
TIẾN SĨ ĂN ĐÒN


Nguyễn Công Hoàn sinh khoảng năm Canh Thân (1680) quán làng Cổ Đô, phủ Quảng Oai, Sơn Tây. Ông là người học vấn uyên thâm nhưng tính khí nóng nảy bộc trực lại có lối hành văn quá uẩn súc nên thi mãi không đỗ. Con trai là Nguyễn Bá Lân được ông rèn cặp bút nghiên từ nhỏ. Lớn lên, mấy lần cùng cha đi thi. Đêm đêm hai bố con ngồi học chung. Ông để sẵn cây roi, bảo:
- Hễ ai ngủ gật người kia cứ việc vụt.
Một đêm ông mệt quá, gục xuống thiếp đi. Bá Lân khẽ lay bố dậy. Ông vớ roi vừa đánh vừa mắng:
- Mày không đánh, cốt để tao học dốt hòng hại tao chứ gì?
Khi tập văn ông giao hẹn với con:
- Bài ai hơn được ăn cơm, kém cho nhịn.
Khi biết văn mình không bằng con, ông nhịn thật. Biết tính ông như vậy, không ai dám mời.
Một hôm cha con trên bến chờ đò. Thấy đàn dê đang gặm cỏ, ông bảo:
- Tao với mày làm bài phú, lấy đề "Dịch đình dương xa" (Xe dê vào cung), ai làm chậm sẽ bị đẩy xuống sông.


Bá Lân làm xong trước, không nỡ đẩy bố xuống sông. Nhưng chính ông bố nhảy tùm xuống nước. Bá Lân hốt hoảng lao theo, khóc lóc vớt lên. Khoa Tân Hợi (1731) Vĩnh Khánh III, đời Lê Duy Phường, Nguyễn Bá Lân đỗ đầu Tiến sĩ. Công Hoàn bị đánh trượt. Hôm ăn khao, ông cười với quan khách rồi nói:
- Thằng Lân nhà này đỗ thủ khoa thì ra thiên hạ hết người tài.
Khoa sau ông lại lều chõng đi thi. Tiến sĩ Bá Lân đứng chân giám khảo. Chấm thi xong, Lân về nhà ngồi hầu cơm, ông hỏi dò:
- Khoa này có quyển nào khá không?
Bá Lân buông đũa, khoanh tay lễ phép thưa:
- Dạ thưa thày, có quyển khá, nhưng câu tứ lục thất luật nên không lấy đỗ được.
Ông nôn nóng hỏi:
- Câu ấy thế nào?


- Bẩm con xin đọc thày nghe:
"Lưu hành chi hóa tự Tây Đông, Nam Bắc vô tư bất bặc.
Thành tựu chi công do Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Ông điên tiết xô đổ mâm cơm, vớ roi vụt lia lịa người Lân, quát mắng:
- Mày dốt như thế mà làm giám khảo, rõ là chôn sống bao nhiêu sĩ tử!
Thì ra hai câu ấy trong quyển của ông nguyên là:
"Lưu hành chi hóa tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất bặc.
Thành tựu chi công do Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng".
Nghĩa:
"Đức hóa lưu hành tự Phương Tây, rồi Đông Nam Bắc không đâu không phục.
Công gây dựng do nơi xứ Cảo, để Mân Kỳ Phong đều cùng dấy theo".
Ông quắc mắc bảo Bá Lân:
- Mày được tiếng đỗ cao nhưng chưa thông hiểu nghĩa sách, phải ngắt câu như thế. Bởi nhà Chu khởi nghiệp ở hướng Tây, buổi đầu đóng đô vùng đất Cảo. Sao mày tối tăm thế?


Từ đó ông không màng đến cử nghiệp, lấy cày ruộng đọc sách làm vui. Còn Bá Lân, sau làm đến Thượng thư, tước Hầu. Biết mình cao khoa hiển vinh là nhờ ơn bố, ông luôn xót xa cho phụ thân là người tài ba thông tuệ nhưng chẳng gặp may.
Nguyễn Công Hoàn mất năm nào, ở đâu chưa rõ.
(Sưu tầm trên mạng)

TRIỀU ĐẠI CÓ NHIỀU VUA BỊ GIẾT CHẾT NHẤT TRONG LỊCH SỬ PHONG KIẾN VIỆT NAM

Ai cũng nói lịch sử là một môn học rất khô khan, đòi hỏi những trí nhớ về niên đại và tên tuổi của các nhân vật trong lịch sử. Lịch sử được đem vào giảng dạy từ tiểu học đến hết trung học, Thời đó tôi cũng thích nên nhớ nhiều lắm về lịch sử, như có lần tôi đã nói, nhà tôi gần 2 tiệm cho mướn sách ở Cần Thơ nên tôi đọc nhiều sách lắm nhưng phải nói thật thời còn ở VN, tôi chưa từng đọc "Đại Việt sử ký toàn thư" , "Hoàng Lê nhất thống chí", "Khâm Định Việt sử thông giám", "Việt Nam sử lược", "An Nam chí lược", v.v.,,,, tôi chỉ thích đọc về những truyện dã sử và những huyền thoại về lịch sữ VN dù chỉ là ngắt khúc của từng giai đoạn nhưng ít nhiều cũng thêm vào những hiểu biết tích cực về lịch sử.


Thời đại ngày nay, thời đại của internet, tôi mới biết mình còn rất mù mờ, cái mình biết là cái thầy cô dạy. Cái thầy cô dạy là từ sách giáo khoa của bộ Giáo Dục chỉ là ABC của lịch sử, chỉ cho mình hiểu căn bản mà thôi, còn học về ai, ca tụng triều đại nào nhiều, triều đại nào ít là do chủ trương của nhà cầm quyền.
Tôi phải khâm phục những người bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu về lịch sử, về văn học. Họ không chỉ nghiên cứu mà còn "moi móc", đưa ra những câu hỏi mà không ai có thể trả lời để rồi họ sẽ trả lời bằng những đáp án rất đáng khâm phục của một quá trình nghiên cứu. Thí dụ như câu hỏi ngày hôm nay: (LKH)

TRIỀU ĐẠI CÓ NHIỀU VUA BỊ GIẾT CHẾT NHẤT
TRONG LỊCH SỬ PHONG KIẾN VIỆT NAM
Trong chế độ phong kiến thì quân xử thần tử, vua muốn bắt ai chết, thì người đó phải giã từ cõi đời mà nhiều khi chẳng biết nguyên nhân hay vì những chuyện rất … lãng xẹt. Vậy mà, do tồn tại trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động nên triều Hậu Lê lại nắm giữ “kỷ lục” về số vua bị giết hại… Lần xem những trang sử Việt, chúng tôi xin lược ghi lại những trường hợp như vậy!
Nhà Hậu Lê (1428 – 1789) chia làm hai thời kỳ là Lê sơ (1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1789). Với 27 triều vua và gần 4 thế kỷ tồn tại, đây là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam.


1. Cái chết cay đắng của Lê Bang Cơ
Lê Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Lê sơ tên thật là Lê Bang Cơ. Dù chỉ là con trai thứ ba, nhưng ông được vua cha Thái Tông phong làm Hoàng Thái tử vào năm 1441, khi mới vài tháng tuổi.
Thái hậu Nguyễn Thị Anh làm Nhiếp chính cho ông từ khi mới lên ngôi báu cho đến khi ông tự thân chấp chính vào năm 1452. Lên ngôi lúc còn nhỏ, Lê Nhân Tông tỏ ra là vị Hoàng đế anh minh, biết thương dân, sùng kính Nho giáo, xem trọng nghề nông và kính cẩn tông miếu. Ông không có thói đam mê tửu sắc, và biết tôn trọng những người có công đối với Vương triều.
Dưới triều Nhân Tông, nước Đại Việt thái bình thịnh trị, đời sống nhân dân ổn định, bờ cõi được bảo vệ và mở rộng.
Dù sáng suốt và nhân từ, nhưng vua Nhân Tông vẫn bị anh cả là Lê Nghi Dân oán hận và muốn đoạt ngôi vì ông chỉ là con thứ. Trong khi đó, Nhân Tông không đề phòng gì vì luôn coi Nghi Dân là anh ruột.
Một đêm cuối năm 1459, Nghi Dân cùng các thủ hạ đã bắc thang vào cung cấm giết vua Nhân Tông. Khi đó ông mới 18 tuổi. Cái chết của ông khiến cho quan lại "nuốt hận ngậm đau", và thần dân "như mất cha mất mẹ”.
2. Quả báo dành cho Lê Nghi Dân
Lê Nghi Dân vốn được lập làm thái tử khi mới 3 tháng tuổi (năm 1440). Ông bị mất ngôi thái tử vào tay người em Bang Cơ của mình chỉ vì mẹ bị vua thất sủng. Sau khi giết Bang Cơ năm 1459, Lê Nghi Dân lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Hưng.
Do bất mãn, tháng 5 năm 1460, các tể tướng đại thần là Đỗ Bí, Lê Ngang, Lê Thụ, Lê Ê đã bí mật bàn việc lật đổ vua Thiên Hưng. Vụ việc đó bị lộ, tất cả những người mưu phản đều bị bắt giết.
Do vua thay đổi nhiều pháp chế của đời trước, dùng những người thân tín của mình vào triều nên các cựu thần ngày càng không bằng lòng. Tháng 6-1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm… lại bàn nhau làm binh biến.
Sau một buổi chầu, Nguyễn Xí đã dẫn quân vào giữ chặt quân cấm binh, đóng các cửa thành và giết các bề tôi tin cẩn của vua Thiên Hưng. Hơn 100 người thuộc phe cánh của vua đã mất mạng.
Bản thân Lê Thiên Hưng bị bắt, phế truất làm Lệ Đức hầu và bị thắt cổ chết khi mới 22 tuổi, ở ngôi được một năm.


3. “Vua quỷ” Lê Uy Mục đền mạng
Năm 1505, Lê Uy Mục lên ngôi sau khi vua Lê Túc Tông mất sớm ở tuổi 17. Trong thời gian trị vì, vị vua này đã bị gọi là “vua quỷ” vì ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Quyền hành trong triều rơi vào tay họ ngoại của vua.
Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ trong quan lại, dân chúng cũng như dòng dõi họ Lê. Giản Tu Công Lê Oanh (vua Lê Tương Dực sau này) đã được lập làm minh chủ nổi dậy chống lại Uy Mục.
Tháng 11 năm 1509, Lê Oanh sai Cẩm Giang Vương Lê Sùng ở Tây Đô đưa quân về Đông Kinh (Hà Nội). Uy Mục có ưu thế hơn, đã bắt giết Lê Sùng và mẹ của Lê Oanh. Sau đó, Lê Oanh vào chiếm kinh thành bắt được và bức tử Lê Uy Mục.
Hận Uy Mục giết hại gia đình mình, Lê Oanh còn sai người dùng súng lớn, nhét xác Uy Mục vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt, chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại quê mẹ tại làng Phù Chẩn. “Quỷ vương” Lê Uy Mục ở ngôi được 4 năm, thọ 21 tuổi.
4. Đến lượt “vua lợn” Lê Tương Dực
Lê Oanh sinh năm 1495, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong làm Giản Tu công. Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức là vua Tương Dực Đế.
Đi theo vết xe đổ của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ truỵ lạc, bỏ bê việc nước. Dân chúng oán ghét và khinh bỉ Tương Dực, nên gọi ông là vua lợn. Triều chính trở nên hết sức rối ren, bên ngoài khắp nơi loạn lạc.
Dù tình hình căng thẳng nhưng Lê Tương Dực không đoái hoài. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản là người có công trạng, nhiều lần can ngăn không được mà còn bị vua cho người đánh bằng trượng. Sản bất mãn, mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm lập vua khác.
Mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng một ngày tháng 5 năm 1516 Trịnh Duy Sản đem binh vào cửa Bắc Thần giết vua lợn. Lê Tương Dực ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi.


5. Cuộc đời bão tố và cái chết của Lê Chiêu Tông
Lê Chiêu Tông (1506 – 1526), có tên húy là Lê Y, chắt của vua Lê Thánh Tông, là vị vua thứ 10 của nhà Lê sơ. Lúc mới 11 tuổi, ông được đại thần Trịnh Duy Sản và Lê Quảng Độ lập làm vua khi dấy quân lật đổ Lê Tương Dực.
Trong thời gian trị vì của Lê Chiêu Tông, triều đình bị thao túng bởi Trần Chân, con nuôi của Trịnh Duy Sản. Vua nghe lời gièm pha, sợ uy quyền của Trần Chân nên sai người dụ Chân vào triều rồi giết Chân cùng các thủ hạ thân tín.
Nhóm thủ hạ còn lại của Trần Chân phục thù, mang quân từ Sơn Tây đánh kinh thành, khiến vua phải tháo chạy. Với sự lãnh đạo của Mạc Đăng Dung, quân triều đình đánh bại những kẻ nổi loạn. Dung lần lượt được phong làm Minh quận công, rồi thái phó, quyền thế dần dần át cả vua.
Chiêu Tông không muốn bị Đăng Dung khống chế, bí mật bàn cùng các nội thần hạ bệ Đăng Dung. Nhưng kế hoạch bị đổ vỡ, Chiêu Tông phải trốn chạy. Sau đó Đăng Dung tuyên bố phế truất ông và lập em ông là Lê Xuân lên ngôi (Lê Cung Hoàng). Như vậy, trong nước lúc này có 2 vua là Chiêu Tông và Cung Hoàng.
Các tướng thân cận của Chiêu Tông đem quân giúp vua, khôi phục lại được thanh thế và đẩy lùi quân của mạc Đăng Dung. Nhưng do nội bộ bất hoà, nhiều tướng lại bỏ theo phe của kẻ tiếm quyền. Từ đó quân của Mặc Đăng Dung làm chủ tình hình.
Ngày 28 - 10 - 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long giam lỏng. Đến tháng 12 năm 1526, ông bị Đăng Dung sai người giết chết, thọ 24 tuổi, ở ngôi được 6 năm.
6. Lê Cung Hoàng chết trong tủi nhục
Vua Lê Cung Hoàng (1507 – 1427) có tên húy là Lê Xuân là vị vua cuối cùng của thời Lê sơ. Ông là em ruột Lê Chiêu Tông, chắt của Lê Thánh Tông, được Mạc Đăng Dung lập lên để giữ danh chính khi Chiêu Tông trốn thoát vào năm 1522.
Sau khi Chiêu Tông bị giết, vai trò lá chắn của Cung Hoàng không còn. Đã đến lúc để Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.
Ngày 15 tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung đem quân vào kinh, bắt vua nhường ngôi. Triều thần lúc đó hầu hết đã là người của Đăng Dung hoặc theo Đăng Dung, tự khởi thảo chiếu nhường ngôi cho vua.
Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, tức là Mạc Thái Tổ, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức.
Lê Cung Hoàng bị giáng xuống làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, Đăng Dung ép mẹ con Cung Hoàng phải tự tử. Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi.


7. Cuộc trỗi dậy không thành của Lê Anh Tông
Lê Anh Tông (1532 - 1573), tên thật là Lê Duy Bang, là vị vua thứ ba của thời Lê trung hưng.
Trong thời kỳ này, quyền hành của các chúa Trịnh tăng lên rất nhiều. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền bính. Trịnh Cối thất bại phải sang hàng nhà Mạc.
Năm 1572, thấy quyền hành Trịnh Tùng lớn quá, Lê Cập Đệ bàn mưu với Lê Anh Tông mưu trừ khử Tùng để lấy lại quyền bính cho nhà Lê. Kế hoạch bị lộ, Cập Đệ bị đao phủ của Trịnh Tùng giết chết. Lê Anh Tông bỏ hành cung chạy trốn cùng 4 người con trai lớn ra Nghệ An.
Năm 1573, Trịnh Tùng đưa con trai thứ năm còn nhỏ tuổi của ông là Lê Duy Đàm lên ngôi vua và sai quân về Nghệ An bắt Anh Tông. Vua bị đưa về triều giám sát ngày đêm và bức chết. Khi đó ông 42 tuổi, ở ngôi được 17 năm.
8. Bi kịch của Lê Anh Tông lặp lại với cháu nội Lê Kính Tông
Lê Kính Tông (1588 – 1619), có tên húy là Lê Duy Tân, là vị vua thứ 5 của thời Lê trung hưng. Ông lên ngôi khi mới 11 tuổi.
Vào lúc này, chính quyền nhà Lê đã trở thành bù nhìn, mọi quyền hành thực sự nằm trong tay chúa Trịnh. Ông nội của Kính Tông là Lê Anh Tông (Duy Bang) đã bị Trịnh Tùng sát hại vì chống lại Trịnh Tùng.
Từ năm 1600, Trịnh Tùng đã cơ bản dẹp được nhà Mạc ở miền Bắc, mâu thuẫn mới nổi lên giữa họ Trịnh và họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng tự ý bỏ vào vùng Thuận - Quảng. Nhân cơ hội này, tàn dư nhà họ Mạc lại nổi lên.
Trong tình hình đó, vào năm 1619, Lê Kính Tông cùng Trịnh Xuân mưu giết chết Trịnh Tùng để giành lại địa vị. Nhưng kế hoạch thất bại, Trịnh Xuân bị tống vào ngục, còn nhà vua bị bức thắt cổ chết. Lê Kính Tông thọ 31 tuổi, ở ngôi 20 năm.


9. Lê Duy Phường sống oan khuất, chết cay đắng
Lê Duy Phường (1709 – 1735) là vị vua thứ 12 của thời Lê trung hưng. Là cháu ngoại chúa Trịnh Cương - người nắm thực quyền khi đó - ông đã có nhiều hậu thuẫn để lên ngôi vua năm 1729, khi 21 tuổi, với niên hiệu là Vĩnh Khánh.
Tháng 10 năm 1729, Trịnh Cương mất, con là Trịnh Giang lên nối ngôi. Cũng như các đời trước, việc triều chính do Trịnh Giang định đoạt, vua Vĩnh Khánh không có thực quyền. Trịnh Giang còn muốn thay đổi ngôi vua do Trịnh Cương đã sắp đặt để ra oai với thần hạ.
Năm 1732, vua Vĩnh Khánh bị ép ra ở cung riêng. Tháng 8 năm đó, Trịnh Giang vu cho vua Vĩnh Khánh tư thông với vợ Trịnh Cương, rồi phế bỏ, lập con trưởng của Dụ Tông (anh cả của Duy Phường) là Lê Duy Tường lên ngôi, tức Lê Thuần Tông. Tháng 4 năm 1735, Lê Thuần Tông mất, Trịnh Giang lập em Duy Phường là Lê Duy Thận làm vua, tức là Lê Ý Tông.
Duy Phường bị dời đến ở một ngôi nhà ở bên ngoài. Tháng 9 năm 1735, Trịnh Giang sai người thắt cổ giết chết ông. Lê Duy Phường ở ngôi 3 năm, thọ 27 tuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ quyển 11; 12; 13, 14.
2. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế. Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam
Theo: HAI MIỆT VƯỜN (Dân Việt)