Bài viết ngắn dưới đây của một sinh viên Sư phạm Văn chia sẻ nỗi băn khoăn về việc dạy Văn ở trường phổ thông: Dạy Văn là dạy gì?
Cô giáo ra đề Văn: “Em hãy tả bố em”. Cuối giờ, duy nhất một học sinh nộp giấy trắng. Cô giáo hỏi: “Sao em không viết bài?”, học sinh: “Thưa cô, em không có bố”. Cô giáo: “Thế sao không nhìn bố của các bạn mà viết?”.
Cô giáo ra đề Văn: “Em hãy tả bố em”. Cuối giờ, duy nhất một học sinh nộp giấy trắng. Cô giáo hỏi: “Sao em không viết bài?”, học sinh: “Thưa cô, em không có bố”. Cô giáo: “Thế sao không nhìn bố của các bạn mà viết?”.
Đấy là câu chuyện có thật. Câu nói của cô giáo có thật. Xót xa thay! Từ lúc tôi là sinh viên Sư phạm Văn, có một điều tôi luôn băn khoăn: Dạy Văn là dạy gì? Nhiều khi dạy Văn dường như là dạy cho các em nói dối?
Giáo viên dạy các em viết văn hay. Chứ không dạy các em viết văn thật.
Từ bé, các em đã được dạy làm sao viết văn cho bay bổng, hay ho, mượt mà. Bởi thế mà nhiều văn sáo hơn văn chân chất, nhiều hoa mỹ hơn văn thành thật. Tôi không nghĩ điều đó là vô hại.
Vì phải viết cho hay nên mới sinh ra “vấn nạn” văn mẫu. Tôi đi gia sư ở Hà Nội, từng dạy qua một em học sinh lớp 4, một học sinh lớp 6 và bây giờ là lớp 7. Vào cuối kỳ, 2/3 em học sinh đó được phát văn mẫu - bộ đề và bài văn phô tô về nhà học thuộc lòng, để viết theo những bài văn na ná như thế. Học sinh học như con vẹt, là máy chép, là bản sao, không giống như thế thì cô giáo không ưng!
Có những cái mẫu để làm theo cho quen tay. Nhưng quan trọng là làm theo mãi rồi mài cùn đi tính sáng tạo. Nhìn mẫu quen mắt rồi, giờ có cái riêng, cái tôi thành ra lạ lùng, khó chấp nhận.
Càng ngày thì học sinh càng quen nói theo, càng nói theo thì càng đạo văn, càng giả dối. Các em quen nói lời của người khác, vậy nếu dạy văn mà quên mất rằng phải dạy các em biết nói ra những suy nghĩ và chính kiến của chính mình, liệu có đáng buồn không?
Các em không được nói những gì mình nghĩ, không được viết những gì mình thích, không được tự do sáng tạo tung tăng trong thế giới tưởng tượng của các em. Mà các em phải nói theo người khác, phải viết theo văn mẫu, mà phải viết cho thật hay, thật mượt. Không nói lời của mình, không viết đúng ý mình, đó là giả dối. Như cô giáo ở trên thắc mắc học sinh mình không nhìn bố người ta mà tả, đó chính là dạy học sinh giả dối trơn tru vậy.
Dạy Văn là dạy gì, đến giờ cái triết lý cao siêu tôi cũng không hiểu hết. Chẳng lẽ tôi sau này cũng sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn như bao cô giáo khác, tiếp tục bằng lòng với tất cả những gì đang diễn ra?
Võ Thị Mỹ Ngà
(Sưu tầm trên mạng)