Kitano Gempo, trụ trì chùa Eihei, mất năm 1933 khi sư 92 tuổi. Sư đã cố gắng cả đời để không vướng mắc vào điều gì. Năm 20 tuổi, là khất sĩ, sư gặp một một khách lữ hành hút thuốc. Hai người đang đi xuống một dốc núi với nhau, họ nghỉ dưới một tàn cây. Người khách lữ hành mời Kitano hút thuốc, Kitano nhận, vì quá đói lúc đó.
“Hút thuốc thật là khoan khoái,” Kitano bình phẩm. Người kia cho Kitano một ống píp dư và ít thuốc và hai người chia tay.
“Hút thuốc thật là khoan khoái,” Kitano bình phẩm. Người kia cho Kitano một ống píp dư và ít thuốc và hai người chia tay.
Kitano cảm nhận: “Những thứ khoan khoái như thế có thể làm xáo trộn thiền định. Trước khi đi qúa xa, ta phải ngưng ngay.” Vậy Kitano vất đi mấy thứ đồ hút.
Vào năm 23 tuổi Kitano học Kinh Dịch, nguyên lý sâu thẳm nhất về vũ trụ. Lúc đó là mùa đông và Kitano cần quần áo ấm. Sư viết thơ cho sư phụ ở cách đó cả trăm dặm, nói với sư phụ cái sư cần, và trao lá thơ cho một khách lữ hành nhờ chuyển. Gần cả mùa đông trôi qua và chẳng có hồi âm lẫn quần áo ấm. Vì vậy Kitano bốc quẻ Dịch, có dạy trong Kinh Dịch, để biết là lá thơ sư gởi có thất lạc không. Sư bói là lá thơ đã thất lạc. Một lá thơ sư nhận được của sư phụ sau đó chẳng nhắc gì về áo quần cả.
“Nếu ta có thể bói Dịch đúng đến như vậy, ta có thể lơ là thiền định,” Kitano cảm nhận. Vì vậy Kitano bỏ môn học tuyệt diệu này và không bao giờ dùng đến quyền lực của Kinh Dịch nữa.
Lúc 28 tuổi Kitano học thư pháp Trung quốc và thi ca. Sư trở thành điêu luyện trong các nghệ thuật này đến nỗi sư phụ của sư ca ngợi sư. Kitano suy nghĩ: “Nếu ta không ngừng bây giờ, ta sẽ thành một thi sĩ, không là Thiền sư.” Vì vậy sư không bao giờ làm thơ nữa.
Bình:
• Chùa Eihei là một trong những thiền viện lớn nhất Nhật Bản. Trước khi đến Nhật, Kitano Gempo là sư trưởng của dòng thiền Tào Động ở Hàn quốc (lúc đó chưa chia đôi). Sư cũng là một trong những người thành lập chùa Tào Động Zenshui ở Los Angeles năm 1937, thiền viện đầu tiên ở Mỹ cũng như toàn vùng Bắc Mỹ.
• Vô chấp là vô chấp.
Vô chấp là chẳng chấp vào đâu cả, chẳng bám víu vào bất cứ nơi nào, người nào, điều nào. Ưng vô sở trụ.
• Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Kitano biết mình yếu ớt, dễ rơi vào say đắm cái mình thích mà quên đi con đường chính của mình. Nên Kitano phải rời bỏ những gì đã cảm thấy yêu thích.
• Chấp hay không cũng đều ở trong tâm ta.
Chấp hay không, ta biết tâm ta, người ngoài không thể nhìn bên ngoài mà biết được—thiền sư không chấp vào phụ nữ nên không ôm ấp phụ nữ, nhưng Tanzan không chấp nào phụ nữ nên ôm kiều nữ đẹp qua vũng bùn.
• Tâm không vướng mắc vào bất cứ nơi nào, đó là vô chấp.
Nếu ta có thể theo đuổi điều gì—như kiếm thuật, thuật pha trà, thuật cắm hoa, xây chùa…– mà không chấp, thì đó là vô chấp. Nhưng theo đuổi những việc đó mà dính cứng vào chúng, thì lại là chấp.
Lòng ta ta biết.
• Tuy nhiên, lời nhắn nhủ trong bài này rất rõ:
1. Tất cả mọi thứ trên đời đều có thể làm ta vướng mắc, nếu ta không lưu ý. Hãy cảnh giác.
2. Vô chấp có nghĩa là không chấp vào bất kì điều gì.
• Nhưng không phải Kitano đang chấp vào “vô chấp” sao?
Đúng là ta có thể bị chấp ngay vào vô chấp. Và rất nhiều nhà đạo học, các kẻ tu trì, bị bịnh này rất nặng. Tiếng Anh có từ “self righteous” để diễn tả–những người làm đúng “sách” thường xem mình là đạo đức và phê phán những nguời không làm như mình là vô đạo đức.
Và ở bên ngoài, ta có thể hỏi phải chăng Kitano chấp vào vô chấp? Nếu cứ bỏ mọi thứ để theo Thiền thì làm sao có được Thiền? Vì Thiền là tâm rỗng lặng dù ta đang làm bất kì việc gì mà?
Đó chính và vướng mắc vào Thiền, vướng mắc vào Đạo.
Kinh Kim Cang, đoạn 17 viết: “Nếu có người nói Như Lai được pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, này Tu-bồ-đề, thật không có pháp Phật được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác… Thế nên Như Lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp.”
Và Kinh Kim Cang, đoạn 27, viết: ““Tu-bồ-đề, nếu ông khởi nghĩ thế này: người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp đoạn diệt, chớ khởi cái nghĩ này. Vì cớ sao? Vì người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đối với pháp không có nói tướng đoạn diệt.”
Tuy nhiên, “tâm ta ta biết”. Chỉ có Kitano mới biết tại sao ngài làm như vậy. Có lẽ vì thiền sư biết ngài dễ bị mê mọi sự và không thiền định được theo cách của ngài (là ngồi yên thiền định, chẳng hạn), nên ngài phải rời bỏ chúng để lo ngồi thiền.
Nhưng nếu một người học kiếm đạo và dùng kiếm để luyện Thiền thì sao? Người làm nghề cắm hoa và có Thiền trong cắm hoa hàng ngày thì sao? Người làm nghề bán nước trà và có Thiền khi pha trà thì sao? Đây đều là các ví dụ đã có trong loạt bài Thiền này. Và ngày nay, ta có thể làm kinh tế, dạy học, làm luật sư, làm quân nhân, làm công chức… đều có thể có Thiền trong khi làm việc, thì có sao đâu?
Đúng là lên chùa ngồi Thiền thì dễ hơn là làm luật sư hay kiếm sĩ đánh nhau vì nghề nghiệp mà vẫn có Thiền trong đó. Nhưng vì thế mà tu chợ khó hơn tu chùa.
Về Kitano, thì chỉ có Kitano hiểu lòng ngài, chẳng ai trả lời dùm được.
Nhưng chung chung cho mọi người, thì ta có thể (và nên) theo đuổi một công việc, một nghệ thuật đến mức tuyệt đỉnh của nó, và vẫn Thiền mỗi giây phút trong đời. Và như vậy thì tốt cho đời hơn, vì ta sẽ đóng góp cho xã hội rất nhiều. Ai cũng tu chùa hết thì lấy ai xây dựng xã hội bằng những nghề khác?
Thiền là một thái độ sống trong tâm, chẳng mắc mớ gì đến công việc hay nghề nghiệp (ngoại trừ các công việc rõ là sai, như là đi ăn cướp; chẳng thể ăn cướp mà có Thiền tâm).
Trần Đình Hoành dịch và bình
(Sưu tầm trên mạng)