Saturday, February 25, 2017

PHIẾM ĐÀM VỀ DÊ

Có người thắc mắc, tại sao không nói là “đồ… trâu cụ, mèo cụ, chó cụ”… mà cứ phải là “đồ dê cụ”. Vì sao “con dê” lại mang được sức mạnh của nghĩa dê (như bản chất của nó). Điều này cần được giải thích một cách tường minh về mặt sinh học tự nhiên. Dê có bản năng giao phối và sinh sản rất mạnh nên mới có thể trở thành biểu tượng để khái quát thành từ ngữ như dê xồm, dê cụ, dê già.


Tranh Đông Hồ có bức miêu tả trò chơi bịt mắt, bắt dê. Đây là trò chơi dân gian được tổ chức một cách linh động, tùy vào các dịp vui khác nhau, tùy vào các đối tượng. Với trẻ em, đây chỉ là một trò tiêu khiển có tính thắng thua. Nhưng đối với nam thanh nữ tú bấy giờ, về mặt tâm lý – xã hội học, với những quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân” ngàn đời, trò chơi này được lý giải như một cơ hội để “giải tỏa”, như một phương thức xả stress của thời bấy giờ. Lúc này, nam nữ đã tự tạo “cơ hội” để có thể va chạm thể xác, dù chỉ là những va chạm thuần túy về mặt cơ học nhưng cũng rất “ý nghĩa”, nên có cụ đồ nho nào đó thấy vậy mà rằng:

"Giả vờ bịt mắt bắt dê 
Để cho cô cậu dễ bề… với nhau."



Ấy vậy nên đã có thêm những câu ca khái quát lên những đặc điểm của đàn ông với cái phần “dê” đã sẵn thường tình, cộng thêm men nồng của rượu nhấm nháp với dê béo – một thức vị vừa ngon, vừa bổ – tiếp tục “bồi đắp” thêm cái phần “dê” đã sẵn ấy:

"Thế gian, ba sự không chừa 
Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ."

Vẫn biết “tính dê” luôn bị phê phán, nhưng tuổi con dê (tuổi mùi) lại được xem là một loại tuổi tốt. Sách “Vòng giáp cuộc đời tuổi mùi” có đoạn: “Người tuổi mùi có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người khác, cuộc sống đầy màu sắc lãng mạn, nên trong đời có lắm chuyện truyền kỳ bay bổng”. Do đó, lấy chồng tuổi mùi ngày xưa được xem là sự lựa chọn “có hướng” của các nữ nhi. Cô gái trong hai câu dưới đây tự thán một cách “ngậm ngùi” tỏ vẻ ghen tị với những cô nàng lấy được chồng có tuổi ngựa, tuổi dê:

"Người ta tuổi ngọ, tuổi mùi 
Em đây luống những ngậm ngùi tuổi thân."



Với khả năng sinh lý “vượt trội” và “ưu việt”, nên trong thực tế con dê đã được sử dụng làm “vật biểu tượng” trong những trường hợp khá quan trọng. Trung Hoa thuở xưa có vị vua thời Tấn thường “lang thang” trong Tử Cấm Thành bằng một cỗ xe do dê kéo (gọi là dương xa), hễ con dê dừng lại ở khu vực cửa phòng của tần phi nào thì đêm ấy vua sẽ ái ân với tần phi đó. Thói quen của vị vua Tấn này không khiến mà thành điển tích.
Tử Cấm Thành ở Trung Hoa thì rộng lớn nên cần đến xe. Những vua chúa Việt Nam có dùng “dương xa” không, chuyện này ở Tử Cấm Thành Huế xưa không thấy được viết thành chữ nghĩa, chỉ nghe dân gian kháo nhau rằng, hằng đêm các thái giám dẫn một con dê đi trước, hễ dừng lại ở cửa cung phi nào thì thái giám đưa cung phi đó đến cho vua. Cũng là dân gian nói, có nhiều tần phi đã tìm cách “hối lộ” thái giám mà không cần đến sự quyết định của bước chân con dê.


Chuyện cỗ xe dê ngày xưa dù đã xa, nhưng vẫn có sức gợi về một câu chuyện ngậm ngùi cho những thân phận của những con người ngỡ là nhiều hạnh phúc sau những bức tường bí ẩn của cung cấm…
Phước Hải
(Theo Thừa Thiên Huế)