"THIẾU LÂM TỰ" THÁNH ĐỊA CỦA VÕ LÂM TRUNG HOA
1. Lịch sử Thiếu Lâm Tự chỉ bắt đầu được biết đến nhiều sau khi vị Phật tăng Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (năm 518 Tây lịch) đến Trung Hoa truyền thụ giáo pháp Phật Giáo, đồng thời sáng lập nên một giáo phái Phật giáo mới. Đó là Thiền Tông Trung Hoa, một giáo phái phát triển khắp vùng Đông Nam Á, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.
Tại chùa Thiếu Lâm, Đạt Ma thấy sư sãi trong chùa bị khí núi hơi sương làm yếu ớt nên đã truyền dạy cách vận khí công và một số bài nội công, ngoại công cho sư tăng trong chùa. Võ công Thiếu Lâm Tự đã hình thành và phát triển từ đấy.
Thiếu Lâm Tự cũng liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử của đất nước Trung Hoa. Đời vua Đường Thái Tông, khi nhà vua bị bọn phản loạn Vương Thế Sung đảo chính vây khốn, 13 võ tăng Thiếu Lâm Tự đã liều mình cứu giá, tiêu diệt địch nhân. Sau đó Thiếu Lâm Tự nhận được sự ưu ái đặc biệt của chính quyền phong kiến đời Đường.
Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368 - 1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong hàm như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.
2. Đến ngày nay, người ta vẫn không hiểu việc những nhà sư Thiếu Lâm Tự làm cách nào để có sức mạnh khai sơn phá thạch đến vậy. Họ là những con người bằng xương bằng thịt, nhưng những tuyệt kỹ của Thiếu Lâm khiến cho tất cả những ai chiêm ngưỡng đều thán phục.
Chẳng hạn như khinh công. Truyện kể rằng mới sang Trung Quốc, vua nước Lương là Lương Võ Đế có mời Bồ Đề Đạt Ma đến đàm đạo, nhưng cuộc nói chuyện không tương hợp, Đạt Ma có vứt một cọng cỏ lên sông Trường Giang rồi đạp cỏ bay sang bên kia sông. Ngày nay vẫn còn ở Thiếu Lâm Tự bức tượng “cước đạp lô điệp quá giang” miêu tả tích này.
Việc luyện công ở Thiếu Lâm Tự rất gian khổ. Sáng sáng, sư tăng cởi trần chạy từ đỉnh núi xuống chân núi rồi chạy về chùa làm những công việc nhỏ nhặt nhất như quét chùa, thổi cơm để rèn tính nhẫn nại. Với tinh thần không lấy sát thương làm đầu, vũ khí của các nhà sư Thiếu Lâm là cây côn. Võ học Thiếu Lâm còn hơn hẳn võ học Phương Tây ở chữ Đạo, ở triết lý Động và Tĩnh trong luyện võ.
3. Vào 1928, thủ lĩnh Thạch Hữu Tam phóng hỏa đốt Thiếu Lâm Tự, thiêu hủy đi nhiều văn thư vô giá trong thư viện chùa, một số sảnh đường và làm hư hại nặng tấm bia đã nói đến ở trên. Cách mạng Văn hóa Trung Quốc cũng được nhiều người cho là thanh trừng các nhà sư và tài liệu Phật giáo tồn tại trong khuôn viên chùa, để chùa hoang tàn trong nhiều năm.
Sau thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự do Lý Liên Kiệt đóng vai chính vào năm 1982, chùa được Nhà nước Trung Quốc cho xây dựng lại và trở thành địa điểm du lịch chính thức. Các nhóm võ thuật trên khắp thế giới đã quyên góp để bảo trì chùa và các khuôn viên quanh đó, sau đó được ghi danh trên những viên đá có khắc chữ gần lối vào chùa.
Thiếu Lâm Tự ngày nay đã trở thành một điểm du lịch văn hóa đầy cuốn hút của Trung Hoa. Nơi đây luôn thu hút du khách từ thường dân cho đến những ngôi sao nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể đi tàu hỏa hoặc máy bay đến tỉnh Hà Nam Thành phố Trịnh Châu, sau đó bắt tàu hỏa đường dài từ Thành phố Trịnh Châu đến Thị xã Đăng Phong dưới chân Tung Sơn, cuối cùng là đi xe bus đến chùa Thiếu Lâm. Từ Trịnh Châu qua Đăng Phong tới Tung Sơn mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Vào tháng 3 năm 2006, tổng thống Nga Putin đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm chùa.
PHƯƠNG DUNG -ĐÔ Thế giới đàn ông
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment