“Hồ bong bóng đá” ở Alberta, Canada
Hồ Minnewanka, hồ Vermillion và hồ Abraham tại Vườn quốc gia Banff, bang Alberta, Canada chứa những bong bóng khí đóng băng trong lòng nước hồ, tạo nên một cảnh quan vô cùng độc đáo. Được biết, các bong bóng băng này được tạo ra bởi các vi khuẩn ăn tảo, sau đó là khí methane thải ra. Trong suốt mùa hè, những bong bóng nước này sẽ bốc hơi khỏi hồ ngay lập tức rồi bay vào khí quyển. Vào mùa đông thì lại tạo ra một sự kỳ diệu khác vì nhiệt độ thấp, hồ trở nên mờ, và do đó các bong bóng nằm im bên trong lòng hồ.
“Cửa địa ngục” ở Derweze, tỉnh Ahal, Turkmenistan
“Cửa địa ngục” là tên gọi một mỏ khí thiên nhiên ở Derweze, tỉnh Ahal, Turkmenistan. Đây là một trong những mỏ khí có trữ lượng lớn nhất trên thế giới và điều thú vị là nó vẫn bốc cháy không ngừng từ khi bị đốt cách đây hơn 40 năm.
“Thành phố đã mất” Machu Picchu, Peru
Machu Picchu (tiếng Quechua: Machu Pikchu - tức "Cổ Sơn", theo tiếng quechua của người Inca; thỉnh thoảng được gọi là "Thành phố đã mất của người Inca") là một khu tàn tích Inca thời tiền Columbo trong tình trạng bảo tồn tốt ở độ cao 2.430 m trên một quả núi có chóp nhọn. Machu Picchu được mô tả như "một kiệt tác kiến trúc tuyệt vời và là một chứng ngôn độc đáo của nền văn minh Inca”. Nó được xây dựng theo phong cách cổ điển của người Inca, gồm các bức tường đá khô không dùng vữa. Nhiều mối nối hoàn hảo đến mức thậm chí không thể lách một lưỡi dao vào giữa các phiến đá.
“Hồ ngũ sắc” ở Hoàng Long, Trung Quốc
Địa danh Hoàng Long ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc có một thung lũng hẹp với nhiều hồ nước đa màu sắc, đặc biệt là hồ “ngũ sắc” được xếp hạng nhất. Đây là một hồ nước lớn tự nhiên, bên trong có mỏ khoáng sản nên phát quang, cộng thêm sự phản chiếu của núi non và rừng xuống mặt nước nên hồ có đa sắc, từ màu xanh lá cây, màu lam, màu xanh dương, màu vàng đến màu ngọc lam sáng. Ở phía trên thung lũng là một ngôi đền cũ. Trên vách của thung lũng là những cảnh quan ngoạn mục và từ thung lũng rừng đến đỉnh núi tuyết phủ một màu trắng xoá.
“Sa mạc trắng” Ai Cập
Sa mạc trắng bắt đầu từ khoảng 45 km về phía bắc Farafra, Ai Cập. Sa mạc trắng như tuyết này được tạo nên bởi đá phấn xuất hiện cách đây nhiều năm, mà các nhà địa chất gọi là "vân phong hóa”. Sự xói mòn của các hạt đá phấn mềm làm lộ ra tảng đá cứng hình dáng kì lạ. Những cây nấm đá cao 10-15 feet là tảng đá vôi bị mòn đi do sự kết hợp của gió và cát thổi với tốc độ cao từ hàng ngàn năm nay.
“Tháp Quỷ” ở Wyoming, Mỹ
Nằm ở phía Đông Bắc bang Wyoming, Mỹ. Tháp Devil hay còn gọi là Tháp Quỷ là một trong những địa điểm du lịch mạo hiểm nổi tiếng trên thế giới. Khối đá tuyệt đẹp do mẹ thiên nhiên tạo ra này có hình dạng cột đứng giống như một công trình kiến trúc nhân tạo. Nó cao khoảng 380 m, không có ngọn, được hình thành khoảng 65 triệu năm trước bởi các hoạt động của núi lửa. Trên bề mặt đá của tháp còn có rất nhiều đường rãnh kỳ lạ trông giống như vết tích để lại của một con vật khổng lồ.
“Hang cẩm thạch” ở hồ Carrera, biên giới Argentina và Chile
Hang động cẩm thạch Marble được xem như là một trong những hang động đẹp nhất thế giới. Những dòng nước xanh trong veo chảy trên hồ Carrera đã bào mòn những tảng đá và hình thành nên những hang động hùng vĩ, độc đáo cho hang động cẩm thạch này. Hang động này được hình thành từ hoạt động xói mòn của đá cách đây hơn 6000 năm.
“Hố xanh khổng lồ” ở Belize
Hố chìm dưới nước, có kích thước rộng 320m, sâu 125m, và là một điểm rất hấp dẫn giới đi lặn scuba (lặn có dùng bình dưỡng khí). Hố này là một phần trong Rặng Belize Barrier thuộc Rặng Mesoamerican ở vùng biển Carribe. Hố được cho là đã thành hình từ kỷ băng hà gần đây, khi một hệ thống hang động đá vôi bị sụp chìm xuống do sự biến đổi của mực nước biển. Những khối thạch nhũ và măng đá khổng lồ nơi này chính là nơi lưu giữ thông tin quý giá về khí hậu trước đây trên Trái Đất.
“Lối đi của người khổng lồ” tại Bắc Ireland
Những cột đá bazan màu đen hình lục lăng khổng lồ nhô lên như những bậc để bước đi thang và được gắn kết với nhau khá khít. Có trên 40 ngàn cột như thế. Chúng có thể được hình thành từ các hoạt động núi lửa cách đây 50-60 triệu năm. Kích thước các cột nhiều khả năng được tạo thành do tốc độ nguội đi của dòng nham thạch phun trào.
“Thế giới bị mất” Roraima
Núi Roraima là ngọn núi đỉnh bằng cao nhất và nổi tiếng nhất Venezuela; đồng thời ngọn núi này cũng được xem như là biên giới giữa ba quốc gia Venezuela, Brazil và Guyana. Ngọn núi thuộc địa phận Vườn Quốc Gia Canaima với diện tích của toàn khu vực là 30 nghìn km2. Đỉnh cao nhất của ngọn núi nằm ở biên giới của Guyana và Brazil. Ngọn núi là nơi chứa và tạo ra nhiều địa chất lâu đời nhất thế giới; có niên đại vào khoảng 2 tỷ năm trước thời Tiền Cambri. Khác hẳn với những ngọn núi có sườn dốc tự nhiên, núi Roraima có đỉnh bằng phẳng giống như 1 chiếc bàn rộng 31 km vuông, trên những vách núi dựng thẳng đứng cao 400 mét.
Núi Roraima bắt đầu nổi tiếng từ năm 1912 khi Conan Doyle viết lên câu truyện viễn tưởng The Lost World, kể về một đội thám hiểm đi tìm những loài thực vật và khủng long thời tiền sử được cho là vẫn còn tồn tại nguyên vẹn và biệt lập hàng triệu năm trên đỉnh ngọn núi này. Ngongọn núi Roraima và thác nước Angel ở đây còn là ý tưởng cho hình ảnh “thác Thiên Đường” trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Up đã đoạt 2 giải Oscar năm 2009 về hạng mục phim hoạt hình hay nhất và nhạc phim hay nhất.
Hà Anh
Theo BuzzFeed
No comments:
Post a Comment