Wednesday, March 1, 2017

TRỊNH BẢN KIỀU TỰ SỬA LỖI

Khoảng năm 2002, TVB-HK có phát hành một bộ phim về Trịnh Bản Kiều (鄭板橋) được chuyển âm tiếng Việt qua tựa "Tài nhân Trịnh Bản Kiều" không biết các bạn có xem qua không ?


Trịnh Bản Kiều cuộc đời lận đận trên quan trường nhưng là một vị quan thanh liêm, yêu dân và hết lòng vì dân. Có người còn cho ông là một vị quan “Lưỡng tụ thanh phong 兩袖清風”, “Nhất trần bất nhiễm 一塵不染”. (“Thanh cao liêm khiết”, “Không nhiễm bụi trần”). Ông còn được mệnh danh là “Tam tuyệt”: thơ, họa, và thư pháp nổi tiếng một đời.
Trong các họa gia TQ, Trịnh Bản Kiều nổi tiếnh nhất về tranh họa "trúc, lan và đá" nhưng sở trường là họa "trúc" trông như thật và rất có thần. Có một tích xưa về Trịnh Bản Kiều, về một câu chuyện ông phạm lỗi và biết sửa lỗi:

Điểm lại tích xưa:
TRỊNH BẢN KIỀU TỰ SỬA LỖI

Trịnh Bản Kiều có một thời thơ ấu nghèo khó. Dịp lễ Tết một năm nọ, anh mua nợ một cái đầu heo từ người bán thịt. Khi anh chuẩn bị nấu nướng, người bán thịt tham lam đã lợi dụng sự nghèo khó của anh mà đuổi theo đòi lấy lại cái đầu heo và sau đó bán cho người khác với giá cao hơn. Sau việc đó, Trịnh Bản Kiều luôn ôm hận trong lòng với người bán thịt.



Sau này, khi Trịnh Bản Kiều trở thành quan lại ở huyện Phạm, tỉnh Sơn Đông, ông ra một đạo luật đặc biệt rằng những người bán thịt không được phép bán đầu heo, mục đích là trả thù người bán thịt xưa. Sau khi vợ ông nghe được điều này, cô nhận ra điều chồng làm là không phù hợp nên bèn nghĩ cách thuyết phục chồng mình bãi bỏ lệnh cấm.


Một ngày nọ, cô bắt một con chuột và cột sợi dây vào người nó rồi treo lên trong phòng. Ban đêm, con chuột vẫn giãy giụa, khiến Trịnh Bản Kiều không ngủ được. Vợ ông giải thích rằng khi còn nhỏ, cô dùng rất nhiều vật liệu để may một bộ đồ nhưng nó lại bị chuột gặm mất nên cô treo chuột lên để trừng phạt loài chuột. Trịnh Bản Kiều cười lớn và nói: “Con chuột ở Hưng Hoá gặm đồ của em chứ không phải chuột ở Sơn Đông. Vậy sao em phải tức giận chúng làm gì?” Cô vợ nói: “Chẳng phải anh cũng tức giận người bán thịt ở huyện Phạm đó sao?” Trịnh Bản Kiều đột nhiên nhận ra lỗi lầm của mình và nói ông sẽ sửa chữa bằng cách huỷ bỏ lệnh cấm. Ông cũng sáng tác một bài thơ:

“Lời của vợ hiền nhắc đâu thừa,
Bản Kiều làm việc thật hồ đồ;
Đồ tể bợ đỡ tuy rằng ác,
Làm quan chẳng nên nhớ tư thù.”


Người xưa đọc sách đạo đức và sách tri thức để mong muốn trở thành người có nhân cách và khí phách. Họ tuân theo những chuẩn mực cao của con người và thường xuyên nhìn vào bản thân mỗi khi gặp mâu thuẫn hay vấn đề. Có câu nói rằng: “Thấy người có đạo đức, hãy cố gắng học theo; thấy người không có đạo đức, hãy cố gắng không có cùng tật xấu đó.” Không ai nói người biết sửa chữa sai lầm sau khi nhận ra là người không tốt. Họ sẽ xem xét một cách khoan dung và nhân ái. Nhưng ngày nay ở Trung Quốc Đại Lục người dân không còn như xưa nữa. Khi họ gặp phải mâu thuẫn hay rắc rối, họ chỉ nhìn vào lỗi của người khác và sử dụng cách “đấu tranh” để phản kháng và giải quyết vấn đề. Họ luôn nghĩ rằng mình là đúng còn tất cả người khác là sai, và họ tranh cãi bất chấp lý do. So với văn hoá truyền thống Trung Hoa đã được truyền xuống vài ngàn năm trước, ngày nay người ta không còn nhận ra đâu là chính và đâu là tà nữa.
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: