Monday, May 22, 2017

CÁC CÔNG TRÌNH "NHÁI" SIÊU HẠNG Ở TRUNG QUỐC

Tháp Eiffel, làng Hallstatt, cầu Tower Bridge hay thành phố Florence đều được xây dựng ‘sao y bản chính’.

Ngoài những công trình nhuốm màu sắc lịch sử phong kiến, Trung Quốc còn hấp dẫn du khách bởi nhiều khu du lịch, nghĩ dưỡng mang phong cách châu Âu. Trong một vài năm trở lại đây, trào lưu xây “nhái” gần như 100% các công trình nổi tiếng thế giới được các nhà quản lý du lịch nước này quan tâm và phát triển rầm rộ.


1. Làng Hallstatt ở Quảng Đông

Cách đây ít lâu, một ngôi làng tại Quảng Đông bỗng nhiên trở nên nổi tiếng khi cóp nguyên kiến trúc của ngôi làng Hallstatt (Áo), nơi được công nhận là Di sản thế giới. Những người thực hiện dự án đã kỳ công “bê” từng ngôi nhà, hàng cây, hồ nước trong phiên bản nguyên gốc, thậm chí còn nhập khẩu cả những chú chim bồ câu từ châu Âu xa xôi.


2. Paris ở Thiên Đô Thành (Triết Giang)

Một “kinh đô ánh sáng” thứ hai được khởi công năm 2007 tại Thiên Đô Thành (tỉnh Triết Giang). Người ta còn kỳ công cho xây dựng phiên bản tháp Eiffel giữa những đại lộ và công trình đậm chất Pháp. Tuy nhiên, dự án này sau đó gần như phá sản và trở thành một thị trấn ma, không người ở. Lý do được cho là vì vị trí xây dựng khá hẻo lánh nên khó thu hút được khách du lịch.


3. Làng Hà Lan ở Phố Đông (Thượng Hải)

Cối xay gió bên dòng sông thanh bình khiến du khách giật mình ngỡ như mình đang ở đâu đó trên đất nước Hà Lan. Trên thực tế, đây là dự án do Ủy ban Kế hoạch Thượng Hải phê duyệt từ năm 2001 có tên gọi là “Một thành phố – Chín thị trấn”. Tuy nhiên, sau đó, dự án cũng không mấy thành công bởi vị trí của nó khá xa trung tâm thành phố.


4. Thị trấn Thụy Điển ở Luodian (Thượng Hải)

Cũng là một phần trong dự án “Một thành phố – Chín thị trấn”, hạng mục này được đặt tại thị trấn Luodian, quận Bảo Sơn, Thượng Hải. Nơi đây mô tả gần như y hệt quang cảnh tại khu vực Sigtuna, Thụy Điển. Thậm chí, người ta còn cho xây dựng một hồ nhân tạo, giả làm hồ Malaren, con hồ lớn thứ 3 tại Thụy Điển.


5. Thị trấn Thames ở Thượng Hải

Những ngôi nhà pha trộn giữa phong cách Anh và kiến trúc Gothic, con đường rải sỏi, những bốt điện thoại đỏ chót hay thậm chí cả bức tượng Winston Churchill hay tượng vệ sĩ của Nữ hoàng cũng được mô phỏng gần như chính xác tại ngôi làng giữa Trung Quốc này.


6. Làng Đức ở An Định (Thượng Hải)

Hạng mục cuối cùng trong dự án được chính quyền Thượng Hải phê duyệt là ngôi làng Đức tại quận An Định (Thượng Hải) được thiết kế bởi kiến trúc sư Albert Speer. Nơi đây được xây dựng và quy hoạch đồng bộ chứ không chỉ đơn lẻ vài công trình nhỏ. Các tòa nhà nhiều màu sắc từ 3 đến 5 tầng xây xen kẽ hàng cây xanh, kênh rạch và nhà hàng.

Người ta còn cho xây dựng cả bức tượng đồng của Goethe và Schiller giữa quảng trường lát đá cuội. Tuy nhiên, chung số phận với các công trình khác cùng dự án, ngôi làng này cũng bị bỏ hoang do người dân không mấy mặn mà với những tòa nhà này.


7. Florence ở Thiên Tân

Không đơn thuần là tòa nhà hay một khu vực dân cư nhỏ, chính quyền Thiên Tân đã cho xây dựng một thành phố Florence thu nhỏ ngay tại đây với diện tích lên tới 200.000 m2 với vô vàn các cửa hàng cửa hiệu nổi tiếng thế giới. Kiến trúc sư còn cho đào nhiều kênh rạch “sao y bản chính”. Dự án này tiêu tốn số tiền lên tới 220 triệu USD.


8. Tower Bridge ở Tô Châu

Cây cầu “nhái” này có kích thước lớn gấp đôi so với bản gốc và không hề bắc qua dòng sông nào cả mà chỉ được xây trên một con đường. Phía trên cây cầu là một quán cà phê được phục vụ theo đúng kiểu Anh truyền thống.


9. Château de Maisons-Laffitte ở Bắc Kinh

Khách sạn Zhang Laffitte ở Bắc Kinh được cho là bản sao chép thành công nhất của lâu đài Château de Maisons ở Pháp với phong cách kiến trúc nguy nga, tráng lệ theo kiểu baroque. Khách sạn có một spa cao cấp và một bảo tàng rượu trong khuôn viên của mình.


10. Pont Alexandre III ở Thiên Tân

Cầu cổng vòm mô phỏng nguyên bản ở Paris này được xây dựng từ năm 1973. Ở bốn chân cầu có các biểu tượng mang đậm tính Á Đông là con rồng, con hổ, con phượng hoàng và con rùa tượng trưng cho khát vọng hòa bình và thịnh vượng.


Theo: Ngôi Sao



No comments: