Mấy tuần nay tôi có post một số bài của BS Lương Lễ Hoàng, những bài viết của BS Hoàng rất vui hay và ý nghĩa. Nói lên những điều rất gần, rất sát với cuộc sống hàng ngày. Có những cái mình ăn mà không biết hay có những cái nhiều người biết mà lại không thích ăn.
Bài viết hôm nay nói về nấm, chúng ta bị bịnh vì nấm (vi khuẩn) và nấm cũng giúp chúng ta kháng bệnh. Mời các bạn đọc bài sau. (LKH)
Bài viết hôm nay nói về nấm, chúng ta bị bịnh vì nấm (vi khuẩn) và nấm cũng giúp chúng ta kháng bệnh. Mời các bạn đọc bài sau. (LKH)
NHỜ NẤM TRỊ MỐC
Hỏi 10 người về bệnh bội nhiễm thì 9 người nghĩ ngay đến siêu vi hay vi khuẩn. Dễ hiểu vì siêu vi HN, vì vi khuẩn Helicobacter… đang là “mốt” trên truyền thông đại chúng.
Cũng chính vì thế mà bệnh do nấm mốc thường không được đánh giá đúng mức trong khi bệnh nấm móng tay, móng chân, nấm ngoài da và nghiêm trọng hơn nữa, bệnh nấm núp sâu hơn trên đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục… đã từ lâu không còn là loại bệnh hiếm thấy!
Theo thống kê ở các nước châu Âu, không dưới 30% cư dân bên đó đang là nạn nhân của bội nhiễm nấm mốc. Nếu tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta chỉ cần chiếm phân nửa tỷ lệ của nước khác thì hiện có tròm trèm gần chục triệu người cần được điều trị chống nấm! Với điều kiện vệ sinh môi trường, với tình trạng an toàn thực phẩm như hiện nay, bên mình dễ gì chịu thua xứ người!
Liệu có đáng lo hay không khi bệnh do nấm mốc âm thầm đục khoét sức đề kháng và là bệnh lây lan dễ dàng? Riêng trong bối cảnh của xứ mình, bệnh do nấm mốc ở nhiều nơi chẳng khác nào được mời xơi buffet miễn phí do lạm dụng thuốc kháng sinh vì thuốc bán không cần toa, vì thầy thuốc biên toa như phản xạ, vì bệnh nhân “không kháng sinh đời mới không về”!
Nếu tưởng nấm mốc chỉ là chuyện trục trặc hời hợt ngoài da khiến rụng tóc, gãy móng tay… thì lầm! Theo nhiều báo cáo y học gần đây, nhiễm nấm mốc là đòn bẩy dẫn đến tăng mỡ trong máu, xơ vữa động mạch và thuyên tắc mạch máu vành tim. Nói cách khác, lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi vì nhiều căn bệnh khác thừa nước đục thả câu trên cơ tạng nhiễm nấm.
Tuy vậy không thể dùng thuốc diệt nấm như biện pháp phòng bệnh vì quá nhiều phản ứng phụ. Thay vì giết gà bằng dao mổ trâu để rồi mất cả chì lẫn chài, các bà “tổng quản” xứ mình đã từ nhiều thế hệ quán triệt cách khác thoải mái và an toàn hơn nhiều để nấm mốc tuy có mặt trong cơ thể nhưng không thể phát tán. Đó là nấu nhiều món ăn tuyệt cú mèo với nấm mèo, nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm mối…
Chuyên gia về ung thư đã xác minh về công năng khử tế bào ác tính của tập thể hoạt chất betaglucan trong nấm với tác dụng khéo léo huy động thực bào và bạch cầu để bắn tỉa mầm ung thư trước khi chúng tập trung đủ lực lượng thành ung bướu ác tính.
Thầy thuốc cũng biết rõ từ lâu về tác dụng giữ máu có độ loãng lý tưởng của nấm mèo, giảm đau không thua thuốc đặc hiệu của nấm đông cô, tăng kháng thể chống viêm gan của nấm đầu khỉ, phục hồi niêm mạc đường tiêu hóa của nấm đinh… và nhiều nữa. Bằng chứng là các loại nấm dùng như thực phẩm đã được tổ chức FDA xếp vào nhóm thực phẩm phòng chống ung thư.
Diệt sạch nấm mốc theo kiểu thà lầm hơn sót, hại nhiều hơn lợi vì muốn giữ cán cân quân bình vi sinh trong cơ thể phải có sự hiện diện nấm. Nhưng quả thật đáng tiếc, thậm chí đáng trách, nếu để nấm mốc trở thành nguyên nhân sinh bệnh, để sức đề kháng vì thế bị xói mòn thì biện pháp phòng bệnh rất gần trong tầm tay, ở ngay trên bàn ăn.
BS. Lương Lễ Hoàng