Monday, May 29, 2017

TRUYỆN DƯA HẤU

Ngày trước ở VN, dưa hấu chỉ có bán trong dịp Tết và dường như mùa khác không có. Bây giờ không biết có những giống mới có thể ra quả quanh năm hay không? Ở bên Úc thì ngày nào cũng có bán chỉ có khi mắc một chút hay rẻ một chút mà thôi.


Gần như chúng ta ai cũng biết truyện cổ tích "Quả dưa hấu" về Mai An Tiêm ông tổ dưa hấu. Lúc đầu tôi cũng nghĩ đây là một câu chuyện cổ tích thuộc về dã sử nhưng bây giờ mới biết là dân gian cũng có lập đền thờ và hàng năm cũng có lễ hội Mai An Tiêm ở ở xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Tình cờ hơn nữa là lần đầu tiên đọc được trọn vẹn câu chuyện và triết lý trong truyện đời xưa này. (LKH)

LĨNH NAM CHÍCH QUÁI – TRUYỆN DƯA HẤU

Xưa, đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai An Tiêm, vốn là người ngoại quốc. Vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc từ khi lên 7, 8 tuổi. Khi lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban cho tên là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên giàu có, ai nấy đều khiếp sợ, kẻ quyền cao chức trọng đều muốn đến làm thân, của cải rất nhiều.
Sau Tiêm đâm ra kiêu căng ngạo mạn, thường nói rằng: “Đó đều do kiếp trước ta tu mà có, không có phải do ơn chủ đâu”. Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm bề tôi mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chủ! (1). Nay ta đưa nhà ngươi ra một nơi không có người ở giữa bể, xem nhà ngươi có còn của cải kiếp trước nữa hay không?”. Bèn đày Mai Yển ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn (2), bốn bề toàn cát và nước không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết. Vợ Tiêm than khóc “Tôi chết ở đây rồi, không thể sống được”. Tiêm cười mà bảo: “Trời sinh ta tất sẽ nuôi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng”.


Bỗng thấy một con chim màu trắng từ hướng Tây bay lại, đậu ở đầu núi, kêu lên 3, 4 tiếng, nhả xuống 6,7 hạt dưa rơi xuống cát, hạt nở thành dây, mọc lên um tùm rồi kết thành trái rất nhiều. An Tiêm mừng rỡ nói rằng: “Đây không phải là vật dị thường mà là trời cho để nuôi ta đó”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy mùi vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái, mới đem ra trồng, ăn không hết, đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. Tiêm không biết gọi là trái cây gì, nhưng vì chim ngậm hạt từ hướng Tây bay tới nên gọi là trái dưa hấu (Tây Qua) (3). Bọn phường chài, phường buôn ăn đều cho là ngon, đều đến mua bán đổi chác. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua hạt về làm giống, theo mùa trồng trọt khắp nơi.
Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem còn sống hay đã chết. Người đó về tâu lại với vua, vua thở dài mà than rằng: “Hắn nói là do ở kiếp trước, điều đó quả thực không ngoa”. Bèn xuống chiếu gọi về (4), cho giữ chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. Bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, chỗ An Tiêm ở gọi là làng Mai, nay thuộc huyện Nga Sơn. Xưa, người ta tôn An Tiêm là cha mẹ của dưa hấu, nay còn tôn làm ông tổ về dưa hấu.
Đó chuyện về dưa hấu, có từ đời An Tiêm vậy.


Chú thích:
1) Bản A 2914 còn có thêm câu: “Lại còn nói là của cải kiếp trước của mình”.
2) Có bản viết là “Giáp Sơn 莢山”, “Nham Sơn 岩山”
3) Tây Qua: chữ Hán 西瓜có nghĩa là trái cây do hướng tây đưa tới, là trái Dưa hấu.
4) Bản A 2914 viết như sau: “Bèn cho sứ đến gọi An Tiêm trở về kinh. An Tiêm đem theo dưa hấu dâng lên cho vua. Vua cho giữ chức cũ, cấp cho nô bộc, tì thiếp, ruộng vườn. Đặt tên bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, thôn Tiêm ở gọi là thôn Mai (Mai thôn), tương truyền nay thuộc làng An Tiêm, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Nguyễn Hữu Vinh dịch

BÌNH:

• Truyện này nói về việc Phật giáo du nhập vào nước ta từ vùng Ấn Độ, phía tây Việt Nam, với thuyết nhân quả. Khởi đầu rất rõ ràng và giản dị với Mai An Tiêm là người ngoại quốc, và hai luồng tư tưởng khác nhau—người ngoại quốc An Tiêm tin vào nghiệp duyên các kiếp trước đưa lại ân phước kiếp này ; Hùng Vương tin rằng ân phước của An Tiêm là do chính vua ban.



Thuyết nhân quả khẳng định được chỗ đứng của nó với thành công tự đến với An Tiêm và sự chấp nhận sau cùng của Hùng Vương, biểu tượng cho thế đứng quan trọng của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam hơn hai ngàn năm nay.
• Trái dưa hấu–xanh vỏ đỏ lòng–là biểu tượng cho lòng khiêm tốn. Dưa hấu—non, già, chín–khi nào cũng như nhau, chỉ một màu xanh bên ngoài, chẳng mùi chẳng vị, chẳng một tí phô trương. Tất cả ngon ngọt đỏ hồng dấu kín bên trong.
Lòng khiêm tốn chính là thái độ “vô ngã” của nhà Phật. Vô ngã là một trong ba dấu ấn (Tam Pháp Ấn) của Phật pháp—vô thường, vô ngã, niết bàn.
Nếu một giáo pháp thiếu một trong ba dấu ấn này thì đó không phải là Phật pháp.
Chư Hành Vô Thường: Mọi thứ trên đời đều chuyển dịch, thay đổi, không cố định, không thường hằng
Chư Pháp Vô Ngã: Mọi thứ trên đời đều không có một hiện hữu thật, tất cả chỉ là tạm thời và ảo tưởng (gần như người trên màn ảnh TV).
Niết Bàn Tịch Tĩnh: Hoàn toàn tĩnh lặng thì ta sẽ thoát khỏi đau khổ do mê muội về bản chất vô thường và vô ngã của cuộc đời.


• Trái dưa hấu còn là biểu tượng của Tâm trong Phật Pháp. Như lòng dưa hấu, tâm ta là gốc, là chủ. “Tâm dẫn đầu các pháp; tâm làm chủ, tâm tạo” (Kinh Pháp Cú). Đau khổ cũng do tâm ta mà ra, an lạc cũng do tâm ta mà ra. Tâm là hỏa ngục, tâm là niết bàn. Tâm là quỷ, tâm là Phật.
• Vai trò quan trọng của dưa hấu trong ngày Tết nói lên vai trò quan trọng của tâm, khiêm tốn, và vô ngã trong văn hóa Việt.
Trần Đình Hoành