Tuesday, May 30, 2017

TRƯƠNG HỒNG KIỀU


Trương Hồng Kiều 張紅橋 tên thật là Tú Phân 秀芬, không rõ năm sinh năm mất. Cái tên đẹp gắn liền với tên cây cầu Hồng Kiều nên mọi người đều gọi nàng là Trương Hồng Kiều, và dần dần không có ai gọi nàng bằng tên thật nữa. Sinh trong một gia đình phú quý ở trung nguyên, nhưng vì tránh cuộc chiến loạn cuối đời Nguyên nên cha mẹ Trương Hồng Kiều đã đưa cô đi lưu lạc đến phương nam. Không may, trên đường đi lưu lạc, cha mẹ của Trương Hồng Kiều đều lần lượt qua đời. Trương Hồng Kiều được gửi gắm vào nhà người dì. Trong cuộc chiến loạn, bà đã đưa cô đến huyện Mân ở Phúc Kiến, cuối cùng định cư ở bên cạnh cầu Hồng Kiều.
Cầu Hồng Kiều ở huyện Mân Hầu ngoài thành Phúc Châu hơn mười dặm, vốn có tên gọi là Hồng Sơn. Cầu tuy không to nhưng rất đặc sắc, toàn cầu có màu hồng tươi của gạch, trên có liễu xanh rủ, là một nơi tình thơ ý hoạ, các văn nhân tản sĩ tụ hội rất nhiều. Cầu này nhìn từ xa như một ngọn lửa hồng, nên nhiều người xưng gọi là Hồng Kiều.
Trương Hồng Kiều lớn lên là một nữ nhân tài sắc vẹn toàn nhưng số phận bi thảm. Nàng từng nói mong muốn có được người chồng tài như thi tiên Lý Bạch để sớm tối tương tuỳ, khiến tải tử quanh vùng đều gửi thơ mong nàng đoái hoài, nhưng nàng đều để ngoài mắt, tất cả có đến trăm người nàng đều không đáp lại.


Đầu năm Hoàng Sơ, có Lâm Hồng 林鴻 đứng đầu Mân trung thập tài tử, vốn là con cái một thế gia ở huyện Phúc Thanh, tài hoa mẫn tiệp hơn người. Chàng từng được Minh Thái Tổ thử tài xuất khẩu thành thơ, rồi ban cho chức Lễ bộ tinh thiện viên ngoại lang. Ở kinh đô Kim Lăng, chàng từng lấy một người vợ họ Chu, cũng là một tài nữ, giỏi thơ phú. Hai vợ chồng sớm tối xướng hoạ, nhưng hồng nhan bạc mệnh, hôn thú chưa được ba năm thì họ Chu lâm bệnh không qua được. Lâm Hồng đau buồn, nhân lại có mâu thuẫn với quan trên, nên bỏ về quê cũ.
Tại quê, trong khi nhàn rỗi, Lâm Hồng qua thăm một người bạn là Vương Xứng, cũng là một trong Mân trung thập tài tử, khi đó đang thuê trọ tại cạnh nhà Trương Hồng Kiều, mong được ngày có được hảo ý của nàng. Đêm đó khi hàn huyên cùng Vương Xứng, nhìn qua cửa sổ thấy bóng Hồng Kiều ngoài sân, chàng bất giác xuất khẩu một bài thơ. Nhân nghe Vương Xứng kể chuyện về nàng, chàng đã viết bài thơ bỏ vào một túi thơm rồi nhờ chủ nhà đưa sang cho nàng.


Hồng Kiều đọc thơ thấy là người không tầm thường, bất giác động tâm, gửi thơ đáp lại. Hai người từ đó thư từ qua lại rồi dần dần nên tình ý. Một thời gian sau, hai người cách tường chưa thoả, Lâm Hồng mượn lý do nhà họ Trương mát mẻ rộng rãi hơn nên chuyển sang ở trọ bên đó. Khi này người dì của Hồng Kiều đã có tuổi, không rõ hết sự tình, Lâm Hồng tiếng là ở trọ nhưng kỳ thực với Hồng Kiều đã như đôi uyên ương sớm tối bên nhau như vợ chồng.
Hai người say chìm trong hạnh phúc mà quên mất nghi lễ, không tính đến chuyện hôn giá. Được chừng một năm, Lâm Hồng bỗng nhận được thư của nhà vợ cũ ở kinh đô, bảo chàng quay về phục chức. Ân nghĩa với Hồng Kiều đã sâu đậm nhưng không cản được chí hướng nam nhi, chàng đã quyết chí trở lại kinh thành. Lúc lâm hành, Lâm Hồng viết thành một bài từ theo điệu "Niệm nô kiều" đưa cho Hồng Kiều. Nàng đọc bài từ, tâm trạng ngổn ngang cũng viết một bài từ hoạ nguyên vận.
Sau khi Lâm Hồng đi, Hồng Kiều ngày ngày mong ngóng. Có lần Lâm Hồng đã sai gia nhân đưa đến cho nàng một bức thư, trong có một bài từ "Mô ngư nhi" kèm theo bảy bài thơ tứ tuyệt, mỗi bài đều kết thúc bằng hai chữ "Hồng Kiều" bày tỏ nỗi nhớ nhung khôn nguôi.


Lâm Hồng ở nhà vợ cũ tại kinh thành, thân trai một mình, nhà vợ cũ tính chuyện lấy vợ khác cho chàng. Lâm Hồng nhân đó mới kể sự tình tại đất Mân. Theo miêu tả của chàng, nhà vợ cũ cho Hồng Kiều là người không đoan chính, bắt chàng phải cự tuyệt. Lâm Hồng day dứt không quên được chuyện cũ, sau khoảng một năm đã lên đường trở về nơi cũ.
Khi đến nhà họ Trương, chàng chỉ thấy cửa nhà tịch mịch, lầu không viện bế, chỉ còn dì của Trương Hồng Kiều. Hỏi ra mới biết nàng do tương tư đã lâm bệnh nặng mất trước đó một tháng. Khi tìm lại những vật cũ của Hồng Kiều, Lâm Hồng thấy một phong thư, mở ra xem thì thấy một nửa bài từ theo điệu "Điệp luyến hoa" còn dở, mặt sau viết bảy bài thơ tứ tuyệt, mỗi bài đều kết thúc bằng chữ "Hồng" (trong tên của Lâm Hồng).
Trong phong thư Lâm Hồng tìm được của Hồng Kiều để lại trước khi mất, mặt trước có bài từ này, mặt sau là bảy bài tuyệt cú. Bài từ này là nửa đầu điệu "Điệp luyến hoa", lời còn dang dở, có lẽ không nỡ viết tiếp.

蝶戀花 - 張紅橋
記得紅橋西畔路, 
郎馬來時, 
繫在垂楊樹。 
漠漠梨雲和夢度, 
錦屏翠帽留春住。


Điệp luyến hoa - Trương Hồng Kiều
Ký đắc Hồng Kiều tây bạn lộ, 
Lang mã lai thì, 
Hệ tại thuỳ dương thụ. 
Mạc mạc lê vân hoà mộng độ, 
Cẩm bình thuý mạo lưu xuân trú.


Điệp luyến hoa (Người dịch: Điệp luyến hoa)
Gửi đến Hồng Kiều, mé tây lộ, 
Khi ngựa chàng về, 
Tới gốc thuỳ dương buộc. 
Man mác mây lê trong mộng cũ, 
Bình phong vẻ biếc lưu xuân giữ.



Lâm Hồng khi đau buồn cũng viết một bài "Điệu vong" để khóc người mất.

悼亡 - 林鴻
柔腸百結淚懸河, 
掩玉埋香可奈何! 
明月也知留佩玦, 
晚來長怨畫青蛾。 
仙魂己遂梨雲夢, 
人世宣傳薤露歌。 
自是忘情惟上智, 
此生長抱怨情多!


Điệu vong - Lâm Hồng
Nhu trường bách kết lệ huyền hà, 
Yểm ngọc mai hương khả nại hà! 
Minh nguyệt dã tri lưu bội quyết, 
Vãn lai trường oán hoạ thanh nga. 
Tiên hồn kỷ toại lê vân mộng, 
Nhân thế tuyên truyền giới lộ ca. 
Tự thị vong tình duy thượng trí, 
Thử sinh trường bão oán tình đa!


Viếng người mất (Người dịch: Lê Xuân Khải)
Ngổn ngang trăm mối lệ đầm sa 
Giấu ngọc chân hương quá khổ mà 
Trăng sáng cũng hay lưu ngọc bội 
Ngắm ngày oán mãi vẽ thanh nga 
Hồn tiên đã toại lê vân mộng 
Nhân thế còn truyền giới lộ ca 
Nay hãy quên tình là đúng nhất 
Oán tình nàng hãy trút vào ta.



Bảy bài thơ để lại lúc lâm chung của Trương Hồng Kiều có tên là Lâm chung thi (臨終詩) kỳ 1 đến 7.

(Sưu tầm trên mạng)