Sunday, May 21, 2017

ĐƯƠNG THÌ NHƯỢC ÁI HÀN CÔNG TỬ

Hôm nay trong lúc tìm tài liệu để giới thiệu cho các bạn những nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung tình cờ đọc được mấy câu trong Wikipedia:


"Ở đoạn kết của Tiếu ngạo giang hồ, khi Lệnh Hồ Xung cùng Nhậm Doanh Doanh đột nhập Hoa Sơn thăm lại phòng của Nhạc Linh San, cả hai đã đọc được một đoạn thơ trong bài Hòa Hàn lục sự tống cung nhân nhập đạo của Lý Thương Ẩn, do Nhạc Linh San họa trên tường trong phút bộc lộ cảm xúc khi chứng kiến cảnh người chồng mới cưới của mình hờ hững với tình chăn gối:

"Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt 
Nguyệt nga sương độc hảo đồng du 
Đương thì nhược ái Hàn công tử 
Mai cốt thành hôi hận vị hưu"

Câu thơ này khiến cho nhiều nhà phê bình văn học băn khoăn về việc thực chất nàng yêu Lâm Bình Chi hay yêu Lệnh Hồ Xung? Vì theo cách hiểu của hai câu thơ cuối, có thể nàng đã hối tiếc khi lấy phải người chồng bạc hãnh và tiếc nuối cho mối tình xưa.

Lúc đọc truyện này, tôi không mấy gì thích Nhạc Linh San, tôi chỉ thích và tội nghiệp cho tiểu sư cô Nghi Lâm với mối tình đơn phương dành cho "đại sư ca". Hôm nay có một bài chia sẻ về mối tình của tiểu sư muội Nhạc Linh San, tôi đống ý. Nhạc Linh San chỉ thương Lệnh Hồ đại ca như anh em và với Lâm Bình Chi mới là mối tình si cho đến chết vẫn trăn trối những lời yêu cầu chăm sóc hắn dù đó là người chồng đã giết mình. (LKH)




Nhạc Linh San: Đương thì nhược ái Hàn công tử

Tự hỏi, Nhạc Linh San, nàng đã nghĩ gì khi chép bài thơ ấy? Có thực là trong lòng nàng đã đào sâu chôn chặt mối tình thơ ngây với Lệnh Hồ Xung hay không? Có thực là nàng ân hận trong cuộc hôn nhân với Lâm Bình Chi hay không?

Có nhiều người cho rằng là đúng như vậy. Nàng phần vì ham chuộng hư vinh, phần vì nghe lời phụ mẫu, mà quên đi mối tình thanh mai trúc mã, kết làm phu phụ với gã “tiểu bạch kiểm” Lâm Bình Chi. Sau đó, lại chán chường và ân hận, vì luyến tiếc duyên xưa mà chép lại bài thơ của Lý Thương Ẩn.

Ta không cho là như vậy. Nàng vốn chưa từng hẹn ước với sư huynh Lệnh Hồ Xung, trong lòng nàng, Lệnh Hồ Xung chỉ là “hảo ca ca”, thì cớ sao lại nói nàng “phụ bạc”? Lệnh Hồ Xung thì rõ là yêu nàng rồi, nhưng nàng đã bao giờ tỏ ra mình đối với Lệnh Hồ Xung có gì đó khác hơn tình huynh muội? Xem ra, chỉ khi Lâm Bình Chi xuất hiện, trái tim nàng mới chân chính thuộc về hắn, khiến cho Lệnh Hồ Xung thật là “vỡ mộng”. Và hơn thế nữa, Nhạc Linh San từ đầu đến cuối, chưa từng tỏ ra căm ghét hay oán hận Lâm Bình Chi, dù bị hắn hờ hững lạnh nhạt, dù bị hắn chửi mắng thậm tệ, để cuối cùng, hắn đâm nàng một kiếm xuyên tim. Ước nguyện cuối cùng của nàng là gì? Là gửi gắm Lệnh Hồ Xung chăm sóc cho Lâm Bình Chi. Lời nói cuối cùng của nàng là gì? Là lẩm nhẩm hát khúc dân ca Phúc Kiến “chị em lên núi hái chè”… Rồi nàng mỉm cười mà chết. Than ôi! Vào phút lâm chung, ở bên ca ca, nàng có để ý gì đến ca ca đâu, nàng có tỏ ra một lời hối tiếc với chàng đâu, nàng chỉ một lòng nghĩ về phu quân của mình thôi!


Thử hỏi, nếu lúc hấp hối mà Nhạc Linh San mơ tưởng về Xung Linh kiếm pháp, nuối tiếc tình xưa, ân hận duyên nay, thì nàng ta thật là tầm thường hơn biết bao nhiêu! Thái độ của nàng khi ấy đã tỏ rõ, Lệnh Hồ Xung chỉ là sư huynh, Lâm Bình Chi mới chân chính là tình lang, bất kể Lệnh Hồ Xung có đối tốt với nàng thế nào, bất kể Lâm Bình Chi có xử tệ với nàng thế nào, nàng vẫn quyết không thay đổi. Thật đáng khâm phục!

Thú thực, khi mới đọc Tiếu ngạo giang hồ, ta ghét Nhạc Linh San vô cùng. Đơn giản vì nàng ta đã phụ tấm chân tình của Lệnh Hồ huynh, lại còn nghi ngờ, lại còn phẫn nộ, lại còn chửi mắng. Nhưng đến khi Nhạc Linh San chết, ta không ghét nàng, ngược lại, ta thấy thương xót và đôi phần đồng cảm. Đối với ta, nữ nhi đã yêu là “yêu không hối tiếc”, như Kỷ Hiểu Phù, như Dương Bất Hối, nữ nhi như thế, dường như chính là ta…

Vậy thì, phải giải thích sao đây về bài thơ đầy oán hận mà Nhạc Linh San đã chép lại? “Hàn công tử” là ám chỉ Lệnh Hồ Xung, rằng nàng nhớ tình xưa với chàng, và giờ đây nàng mới ôm mối hận không tan? Không phải, tuyệt đối không phải. Giữa nàng và Lệnh Hồ huynh làm gì có gì ngoài tình huynh muội, sao nàng lại nhớ lại tiếc cho được. “Hàn công tử”, theo ý ta, là ám chỉ Lâm Bình Chi. Nàng nhớ về những tháng ngày vui vẻ rong chơi, luyện kiếm cùng Lâm sư đệ, những ký ức xưa đẹp đẽ giờ đã qua, chỉ còn lại một niềm cô độc bẽ bàng của tân nương. Nàng ôm hận, là bởi sự hờ hững của tân lang khi ấy, hắn đâu còn là “Hàn công tử” của nàng trước đây? Vậy xem ra, Doanh Doanh đã hiểu nhầm tình ý của Linh San?


Dù sao, ta cũng thân là hậu bối, dù so với Lý Thương Ẩn lão nhân gia, hay so với Kim Dung lão nhân gia. Ý kiến của ta có thể có chút sai lệch nào đó với ý kiến của hai vị chăng? Xin chép lại toàn bộ bài thơ tại đây, đúng sai là tùy vào độc giả.


和韓錄事送宮人入道 - 李商隱

星使追還不自由,
雙童捧上綠瓊輈。
九枝燈下朝金殿,
三素雲中侍玉樓。
鳳女顛狂成久別,
月娥孀獨好同遊。
當時若愛韓公子,
埋骨成灰恨未休。

Hoà Hàn lục sự tống cung nhân nhập đạo - Lý Thương Ẩn

Tinh sứ truy hoàn bất tự do,
Song đồng bổng thướng lục quỳnh chu.
Cửu chi đăng hạ triều kim điện,
Tam tố vân trung thị ngọc lâu.
Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt,
Nguyệt nga sương độc hảo đồng du.
Đương thì nhược ái Hàn công tử,
Mai cốt thành hôi hận vị hưu.


Cùng lục sự họ Hàn tiễn cung nhân nhập đạo (Dịch thơ: Điệp Luyến Hoa)

Thiên sứ đi, về tự ý đâu,
Thuyền quỳnh đồng tử đến phương nào.
Dưới đèn chín ngọn chầu kim điện,
Trong ráng ba màu yết ngọc lâu.
Phụng nữ điên cuồng thành cách biệt,
Nguyệt nga đơn độc kết tâm giao.
Ngày xưa yêu mến Hàn công tử,
Xương cốt thành tro vẫn hận sầu.

Ghi chú:

Hàn lục sự tức Hàn Tông 韓琮, thi nhân cùng thời với Lý Thương Ẩn. Đường tài tử truyện chép Hàn Tông tự Thành Phong 成封, đỗ tiến sĩ năm Đại Trung (847-859), làm Hồ Nam quan sát sứ. Thơ ông thanh tân có tiếng, tập thành một quyển, tổng cộng 24 bài, nhưng không thấy bài nào có tên Tống cung nhân nhập đạo.



Cựu Đường thư phần Văn Tông bản kỷ chép, năm Khai Thành thứ 3 (838), cung nhân 480 người tới nhập đạo tại chùa quán Lưỡng Nhai. Bài thơ này diễn tả sự cảm thương và bất mãn của tác giả trước việc các cung nữ bị ép nhập đạo theo lệnh vua.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: