NHỮNG LOÀI CÂY
KHÔNG HỀ RA HOA
KHÔNG HỀ RA HOA
(tản mạn của Hồ Đình Nghiêm)
Anh H.
Trước tiên, tôi sẽ “dọa” anh bằng câu thơ tiếng Nhật, hình như của Kokinshuu?
Cái này gọi là chở củi về rừng, hạt muối thả xuống lòng biển mặn.
“Yo no naka ni
Taete sakura no
nakariseba
Haru no kokoro wa
Nodoke karamashi”.
Taete sakura no
nakariseba
Haru no kokoro wa
Nodoke karamashi”.
Tôi bạo gan chuyển ngữ, anh xem liệu có ổn; sự thẩm thấu của tôi có đi xa hương sắc nguyên tác?
“Sao chốn này
hoa đào chẳng nở
Ôi trái tim
câm nín giữa mùa xuân”.
hoa đào chẳng nở
Ôi trái tim
câm nín giữa mùa xuân”.
Tôi mường tượng ra anh đang mỉm cười, nụ cười khoan dung. Tôi đọc ở đâu đó, đã lâu: “Nếu không rành vấn đề gì, cứ đè ngay nó mà nói, viết” (1). Lại có người khuyên: “Lãnh vực ấy cậu chẳng biết mô tê, tốt hơn là ngậm miệng hến lại” (2).
Trường hợp 1: Xúi dục, dấn liều, qua vấp ngã sẽ học hỏi thêm, sẽ được mở mắt.
Trường hợp 2: Hãy thận trọng khi chưa nắm vững được vấn đề, cân nhắc trước khi làm, giúp chúng ta tránh bớt những khó khăn, sơ hở, lỗi lầm.
Cá nhân tôi, không nhìn ra sai trái trong hai điều nêu trên, nhưng nếu bắt tôi chọn một, tôi sẽ chẳng ngần ngại lựa lấy cái đầu tiên. Lỡ nói điều không phải, có người thiện tâm sẽ góp ý, chỉ bày. Anh cần tôi đưa ra một thí dụ (?): Bên chỗ anh sống sinh hoạt đã bình thường trở lại, người ta chỉ còn khảo sát xem những nguồn nước nào bị nhiễm phóng xạ và thủ tướng Nhật xem ra sắp phải từ chức. Nếu tôi nói sai, anh sẽ chỉnh sửa và đưa ra những thông tin xác đáng, cập nhật. Có đúng thế không? Vì vậy, trong một vài hoàn cảnh tôi không thích làm đứa dựa cột. Hắn sẽ chẳng thu thập được gì đáng cất giữ. Thành ngữ “Biết, thưa thốt; không biết thì dựa cột mà nghe” e phải nên xét lại. Tại sao phải nhác nhớm thúc thủ trói chân lại, chỉ có quyền dỏng tai lên nghe thôi? Tôi vẫn nghĩ, những nước tiên tiến như Nhật-bản ắt hẳn chẳng còn sản sinh ra thành phần lưng mềm phải nhờ cột chống đỡ. Họ sẵn lòng còng lưng vác đá tảng chọn lối đi khó. Một phát minh được hình thành, nó phải trải qua bao thử nghiệm sai quấy, thậm chí bị người cùng thời phê phán: dở hơi, té giếng, mát giây, đồ khùng… đại loại thế. Nhưng tại sao tự dưng tôi bỏ anh để đi lạc, hướng tới một cái giếng…
Anh H,
Tuần rồi tôi có ghé thư viện gần nhà và mượn được ít sách truyện tiếng Việt. Thời giờ eo hẹp, tôi mượn chỉ để mang theo đọc trên lộ trình đi metro từ nhà tới chỗ làm. Đọc gà gật, lơ mơ đọc, đọc trong tiếng động lùng bùng, trong lúc lắc, trong thứ ngoại cảnh sẵn sàng làm phân tâm. Xô giạt một hương thơm tình cờ chẳng hạn, một cô gái tóc vàng bước vào toa tàu và mỉm cười với mình chẳng hạn. Đó là những thứ mình nên cám ơn, dù thầm lặng. Giá như đời sống này mình thường đón nhận những nụ cười bất chợt trao, hẳn cõi tạm này đáng yêu biết mấy! Tôi tin nơi anh ở, xứ hoa anh đào ấy, ít khi anh đón bắt những muộn phiền.
Cách đây mấy hôm tôi đi mượn sách, như đã thưa. Và hôm qua tôi mang chúng tới thư viện hoàn trả với ít nhiều phiền muộn. Chẳng phải tôi bắt gặp khuôn mặt kháu ó của những bộ hành, chẳng phải tất cả bọn họ không một ai tươi cười. Phiền muộn, chữ ấy e không đủ. Phải đèo thêm sự xấu hồ, phải kéo lê thêm thứ mặc cảm tội lỗi.
Anh H.
Chưa bao giờ tôi hồi hộp tựa thế khi đứng sắp hàng trả lại sách. Vì sao? Thưa anh, hầu hết những cuốn tôi mượn, có nhiều trang sách bị bôi bẩn, phụ chú bên ngoài bằng bút mực những dòng chữ thô tục nhằm thóa mạ người viết nên cuốn sách ấy. Đơn cử một ví dụ: “Mẹ mày, viết thế này thì có chó mới ngửi được!” Chưa nói đến khi giở đọc “người ấy” có thể đang ăn mì gói, đang ngấu nghiến thứ gì đó vào mồm thay vì ngấu nghiến chữ nghĩa. “Người ấy” có thể uống trà, coke, cà phê sữa đá… Và rất bất cẩn, họ làm rớt rơi vương vãi trên trang sách. Chẳng dông dài, anh cũng hình dung được cách chịu đựng đớn đau của cuốn sách. Giấy đổi màu, lem luốt, oằn cong và… bốc mùi.
Thông thường, nhân viên thư viện sẽ nhìn vào tấm giấy cứng nhét vào bìa sau cuốn sách để xem con số thời hạn có bị trễ nãi? Họ sẽ lật giở nhanh, kiểm soát thử người mượn có sơ ý để quên vật gì bên trong. Người tôi nóng dần theo từng cử động kia, đón đợi một tiếng hô hoán. Hú hồn, họ đã không phát hiện sự thiếu văn hóa mà ai kia đã “cố tình để quên” bên trong những trang sách tội nghiệp. Tôi mừng như thể một tội phạm được quan tòa ban quyết định tối hậu: Trắng án. Bước nhanh ra đường, tôi đã hứa thầm: Tôi sẽ không trở lại thư viện này một lần nào nữa. Nếu có, tôi sẽ mượn sách tiếng Pháp, tiếng Anh, sách ngoại ngữ. Người Việt đã mang đôi hia bảy dặm bước từ quê nhà tăm tối sang được chốn văn minh đầy ánh sáng, vậy mà dường như họ quên giũ bỏ trên đường đi những thứ xấu xa, cần khai tử. Đặt tên cho nó là gì? Hành động theo quán tính? Bốn ngàn năm văn hiến. Thưa anh, điều đó nhằm nói lên một điều gì? Tôi thực không hiểu.
Trên những trang báo điện tử cũng thế, thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp những dòng phản hồi chuyên chở thứ nội dung rất “khó đọc”. Thế giới ảo càng làm cho họ mạnh dạn đưa ra những điều thiếu suy nghĩ. Họ chẳng cần đeo mặt nạ, rung đùi ngồi gõ bàn phím thứ luận điệu dệt đầy lòng thù hận. Họ sảng khoái, thứ “tự sướng” bệnh hoạn. Rằng ta cũng là nhà văn, có điều ta chưa rãnh để viết quàng xiên dông dài như chú mày đấy thôi. Rất phiền! Anh thấy vậy không? Tự dưng tôi nhớ sực tới câu thơ của Bùi Giáng: “Tôi điên là bởi tôi điên, cầm tay cô hỏi cho phiền lòng nhau!”.
Anh H.
Thư trước anh hỏi sao dạo này tôi viết có lơi đi, gần như thưa vắng. Thưa thật cùng anh, có lẽ lòng tôi bị giao động ít nhiều, bị nhồi sóng bởi thời sự Trung quốc và vấn đề tranh chấp biển Đông. Hình như trước đây, trên quầy sách có bày bán cuốn “Người Trung quốc xấu xí”? Tiếc là tôi chưa được đọc. Giờ đây nếu viết, tôi sẽ “lạm bàn” người Việt xấu xí.
Tôi nghe như tiếng anh vẳng lại, mơ hồ từ ngàn trùng: Ai Can Du. Cậu chỉ nên tập trung vào mỗi một việc: viết văn. Xa lánh những thứ rắc rối kia, cố đẩy nó đi xa, nếu không, nó nhảy vào trang viết của cậu và khi đấy, những dòng chữ kia mang nặng tính tường thuật, một bản tin trên TV được kéo dài ra, chẳng hạn.
Nếu vậy tôi thâu tóm, giản lược để rồi đặt chúng vào một câu chuyện tình, anh thấy sao? Hai người sống với nhau mà hoàn toàn không hiểu nhau. Một cuộc hôn nhân dị chủng chẳng hạn. Một ông Trung quốc sang Việt nam chọn vợ chẳng hạn, ông xài xì-dầu bà xài nước mắm chẳng hạn (không phải ông ăn chả bà ăn nem). Họ nói với nhau bằng tay (không phải thủ dâm). Họ ra dấu với nhau như những kẻ bị khuyết tật. Và rồi thì bạo hành (không phải chơi bời kiểu cọ này nọ). Và rồi thì nước mắt. Trốn chạy. Rượt đuổi. Giam nhốt. Vân vân và vân vân. Hãy tạm đặt tựa đề: Những loài cây không hề ra hoa.
Giải thích à? Người đàn bà không đẻ đái chẳng hạn. Người đàn ông không hề rung động trước khuôn mặt đẫm nước mắt của phụ nữ chẳng hạn. Một đại gia bảy bó lấy được cô vợ chân dài thế hệ 8X có dùng Viagra mà “trên bảo dưới không nghe” chẳng hạn. Cái cõi lòng của đứa đi mượn sách ở thư viện về rồi dùng viết gạch bỏ, sửa văn, phê bình và chửi bới chẳng hạn. Cả ngàn lẻ một thứ có thể mang ra làm ví dụ. Chưng bày hoa mà chúng sinh ùn ùn nhảy vào xem thường người bảo vệ tranh nhau vặt, ngắt, hái, bức, bóp, giật, giày xéo và chà đạp. Tật nguyền! Hoa chết từ trứng nước.
Anh H,
Tôi chẳng thể vô cớ làm phiền lòng anh. Chuộc lỗi, tôi mách anh chuyện này, nhưng không khéo mà hố to, bởi người ta quảng cáo rằng: Cứ 7 người Nhật thì có 1 kẻ đọc “Rừng Na Uy”. Cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami. Tôi đã đọc. Cố nhắm mắt trước những lời ngợi khen của báo chí Âu Mỹ. Tôi đọc. Sững sờ. Hay tuyệt. Nó lôi cuốn tôi bằng một giọng kể mệt mỏi, ngầy ngật, hoài nghi, nhiều suy tưởng. Một chuyện tình mà khi thể hiện bằng phim ảnh, Trần Anh Hùng đã gieo cho tôi nhiều thất vọng khi xem. Có lẽ do được đào tạo từ trường ốc bên Pháp, sự uể oải của Rừng Na Uy mang hấp lực tới cho người làm phim cùng một style, cùng “khẩu vị”. Nhưng anh ta quên mất điều hệ trọng. Ngôn ngữ của điện ảnh không nói được những chuyển biến nội tâm của nhân vật. Mà Rừng Na Uy thành tựu nhờ vào những “đối thoại bên trong” của Toru Watanabe, của Naoko, của Midori Koyabashi. Rất nhiều tiểu tiết đáng yêu cũng như tởm lợm của tiểu thuyết ấy đã bị Trần Anh Hùng đánh rơi bởi sự hạn chế của những thước phim. Điều này vô tình làm người thưởng ngoạn có một cái nhìn lệch lạc đi. Tôi không biết nhà văn Haruki Murakami sẽ đưa ý kiến ra sao sau khi xem phim do Trần Anh Hùng chuyển thể. Hy vọng chẳng giống như đoạn văn ông viết trong Rừng Na-uy: …”Rất lâu sau khi con đom đóm đã biến mất, vệt sáng của nó vẫn còn lại trong tôi, lập lòe nhợt nhạt giữa bóng tối dày đặc như một linh hồn lạc lối. Nhiều lần tôi đã thử với tay ra bóng tối, nhưng chẳng chạm được gì. Cái lập lòe nhợt nhạt kia vẫn còn đó, ngay ngoài tầm với của tôi”.(Trịnh Lữ chuyển ngữ).
Anh H.
Mùa hè này anh đi Kobe nghỉ ngơi. Nếu chưa đọc cuốn sách ấy, hãy mua nó làm bạn đường, lên xe lửa tốc hành, mở sách ra, tôi tin nó có đủ khả năng mang anh tới một cảnh quang siêu hình đầy thơ mộng. Và dĩ nhiên, với một chút đớn đau, vô cùng cần thiết, để trái tim mình còn biết thồn thức trước một vẻ đẹp không cách gì toàn vẹn.
Thân mến,
HỒ ĐÌNH NGHIÊM
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment